Làm cách nào để phân biệt bếp ga hàng chính hãng và bếp ga hàng nhái?

Mít đặc
Mít đặc
Trả lời 13 năm trước
Cách phân biệt bếp ga thật giả


Hiện nay, có một số nhóm lừa đảo bán bán bếp ga giả, nhái các thương hiệu lớn: Rinnai trên đường phố. Nhiều người bị lừa mua phải bếp gas rởm nhưng vẫn cố dùng vì tiếc tiền mà không hay nguy cơ xì gas, cháy nổ đang rình rập gia đình mình. Theo các chuyên gia, bằng mắt thường có thể phân biệt bếp ga thật, giả.

Image

Tình trạng lừa đảo:

Trên một diễn đàn online, một thành viên cho biết: Đầu năm, nghe trên mạng rao có loại bếp gas xịn của Nhật Bản được một công ty có uy tín chuyên sản xuất bếp gas bán nội bộ cho nhân viên, nên có giá rẻ, chị vội ra mua về. Về đến nhà thấy đánh lửa không lên, chị định trả lại nhưng ngại nên cố dùng và phải liên tục gọi thợ ga vào sửa. Sau 6 tháng, tiền sửa gần bằng tiền mua bếp.

Một thành viên khác của diễn đàn lại mua bếp rởm trong tình huống khác: Một hôm, chị đang ngồi ở cổng nhà thì có một nam thanh niên ôm bao tải, hớt hải chạy đến bảo vừa tuồn được 1-2 chiếc bếp gas từ container, lén mang bán kiếm cốc nước.

Vừa nói, người này vừa giở bao tải ra: Bếp ga âm, đẹp lung linh. Như để chứng minh hàng xịn, người này lấy chìa khóa cà cà vào mặt bếp, bảo đá xịn không xước và chị thấy đúng thật. Người bán còn cho biết bếp này ngoài thị trường bán giá 3 triệu đồng nhưng vì đây là hàng “thửa” được nên bán rẻ 1,5 triệu đồng.

Ban đầu chị thấy nghi nghi nên không mua nhưng người này lại gạ, giọng rất vội vàng giảm xuống một triệu đồng vì đang rất cần tiền. Chị vội liều trả đại 500.000 đồng, liền bị anh ta mắng té tát rồi bỏ đi. 3 phút sau người bán hàng quay lại tặc lưỡi: “Khiếp bà chị quá, thấy người cùng đường rồi bắt ép. Thôi bán cho bà chị đấy, không còn thời gian nữa”.

Thấy rẻ, chị rút tiền mua trong tâm trạng vừa vui vừa lo. Khi mang về nhà, ông xã chị mới phát hiện đó là bếp gas Nhật Bản rởm nhưng vì tiếc tiền nên gia đình vẫn dùng.

Hàng giả được làm như thế nào:

Theo anh Nguyễn Công Thắng, chủ một cửa hàng bếp gas ở Khâm Thiên, Hà Nội: Bếp gas giả thường có 2 loại. Một là bóc tem nhập khẩu từ bếp thật dán sang bếp giả, hai là giả các linh kiện như mâm chia lửa, kính, bộ phận cảm ứng nhiệt...

Thủ đoạn làm giả, làm nhái bếp gas là mua một bếp gas chính hãng, sau đó mua các linh kiện sản xuất thủ công hoặc từ Trung Quốc rồi lắp ráp theo đúng mẫu bếp gas chính hãng. Giá của những bếp gas này chỉ khoảng 200 - 300.000 đồng nhưng với những chiêu lừa trên, chúng thường được bán với giá khoảng một vài triệu đồng, thậm chí có người mua đến 6 triệu đồng.

Các loại bếp gas xịn, chính hãng thường có gắn thêm các thiết bị an toàn hay còn gọi là bộ phận cảm ứng nhiệt (bộ phận này có giá từ 400.000 - 700.000 đồng). Bộ phận này sẽ tự động khóa gas khi lửa bị tắt do nước trào hoặc do gió. Cũng có loại bếp gas cao cấp hơn sẽ tự tắt khi bị cháy khét hoặc nồi cạn nước.

Các loại bếp gas giá rẻ hoặc bếp gas làm giả, làm nhái hiện nay đều không có bộ phận cảm ứng nhiệt trên... Người tiêu dùng nếu không có kiến thức về bếp gas sẽ không biết được bộ phận cảm ứng nhiệt, nên có thể mua phải bếp không có, hoặc có đầu cảm ứng nhiệt nhưng là đầu giả.

Bởi vậy, khi sử dụng bếp gas rởm, nhái, ngoài việc phải trả giá đắt thì người tiêu dùng có thể bị nguy hiểm cho cả gia đình. Nguy cơ nổ gas, xì gas là rất cao khi sử dụng những loại bếp gas này.

Cách phân biệt:

Chuyên gia chống hàng giả Phan Thành Công (Công ty Cổ phần CHG - một tổ chức chống hàng giả tại Hà Nội) cho biết, nếu tinh ý, bằng mắt thường người tiêu dùng vẫn có thể nhận biết dược hàng thật, hàng rởm. Bếp thật có vỏ được sơn mịn, núm bằng nhựa đen nhỏ, họng gang mạ trắng, xốp chèn dầy chắc chắn. Bếp hàng giả thường được sơn vân thô, núm bằng nhựa trắng, to, họng gang sơn đen...

Bởi vậy, để tránh hàng giả khi mua bếp gas, người tiêu dùng nên để ý về màu sắc, chất liệu của sản phẩm, đặc biệt là buồng đốt, mâm chia lửa, nếu hàng nhái thường màu sắc không thật. Hàng giả thường dùng gang chất lượng kém, rẻ tiền nên đun nấu một thời gian ở nhiệt độ cao sẽ bị nứt gãy, phần xung quanh mâm lửa thường được mạ một lớp trông sáng bóng, nhưng một thời gian nấu thì sẽ bị bong sùi lên và rỉ sét ngay.

Một điểm cần chú ý nữa là phần trọng lượng bếp. Bếp xịn thường rất nặng vì chất liệu làm bếp là hợp kim thép chống gỉ, chịu lực nên có trọng lượng lớn. Mâm chia lửa xịn thường được làm bằng đồng hoặc hợp kim nhôm cao cấp chịu nhiệt rất tốt.

Trong khi đó mâm chia lửa của bếp gas giả thường làm bằng gang rẻ tiền, nhẹ hơn đồng rất nhiều. Hay phần sơn của bếp chẳng hạn, nếu là bếp xịn sẽ được sơn bằng tĩnh điện, chất liệu sơn cao cấp nên mầu sắc và độ bóng, độ bám của sơn rất khác so với sơn phun thông thường.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần lưu ý, những sản phẩm không có tem chứng nhận nguồn gốc nhập khẩu, không có tem sêri của sản phẩm, tem hướng dẫn sử dụng in trên bếp chính là hàng “nhái”.