Ngày Tết nên nấu món gì ăn ngon mà lại không ngấy các bác nhỉ? Thực đơn và công thức nấu món ăn ngày tết

Có cả cách nấu nữa thì sao sáng hậu tạ ạ [:D]
Hoàng Lan phố
Hoàng Lan phố
Trả lời 15 năm trước
Mình cũng xin mạo muội góp thêm món "Thịt bò cuốn luộc tương gừng" nhé. Món này chồng rất thích nên năm nào mình cũng làm đấy. Các bạn lưu ý là mình làm theo kiểu riêng của nhà mình nên có thể khác so với các sách dạy nấu ăn, nếu các bạn có cách làm khác thì bổ sung thêm cho "rôm rả" nhé. Nguyên liệu: - Thịt bò (diềm thăn): 01 kg - Nước mắm ngon: 1 muỗng canh - Mỳ chính: 2 thìa cafe - Gừng: 1 củ (mua khoảng 500đ) - Tương Bần: 2 muỗng canh - Nước: 500ml - Lạt: 3-5 sợi Cách làm: - Thịt bò rửa sạch, để ráo, cuộn tròn dọc thớ (để khi thái sẽ được thớ ngang), vừa cuộn vừa dùng lạt thít quanh nhiều vòng, chặt tay. - Gừng rửa sạch không cạo vỏ, giã nát, vắt bớt nước cay - Cho cuộn thịt vào ướp gừng, nước mắm, tương, mỳ chính trong khoảng 30 phút. - Đổ nước vào xoong thịt đun nhỏ lửa đến khi thịt dừ (có thể dùgn nồi áp suất cho nhanh) Thịt vớt ra để nguội cho vào hộp để tủ lạnh, có thể ăn trong vòng 3-5 ngày Tết. Kinh nghiệm cho thấy món này được các ông uống bia rất kết (khi ăn thái khoanh hình tròn, mỏng, có thể chấm tương ớt+xì dầu Chinsu hoặc chấm nước mắm tương gừng đều ngon). Nhà mình Tết nào cũng phải làm 1-2kg đấy. Chúc các bạn thành công và ngon miệng nhé.
Hoàng Lan phố
Hoàng Lan phố
Trả lời 15 năm trước
Ngoài ra năm nay mình tham khảo thêm được mấy món của các chị bên webtretho [b]BẮP BÒ NGÂM MẮM[/b] Thịt bò bắp (nhiều ít, tuỳ lượng người ăn) Nước mắm ngon (PHẢI CHỌN LOẠI NGON, KHÔNG THÌ MÒN ĂN SẼ RẤT MẶN) Tiêu hột tươi hay khô Tỏi Bắp bò luộc hay hầm mềm vừa ăn (nhờ đừng hầm lâu quá, nát thịt sẽ không ngon, khi cắt khoanh tròn sẽ rã ra hết). Nước mắm ngon cho vô nồi, đun sôi, cho đường cát trắng vào quậy tan, để nguội, lọc qua rây cho trong. Đổ vô keo. Cho bắp bò vào (có thể cắt đôi bắp bò đi nếu keo thấp). Cho thêm tiêu hạt tươi cành xanh vào hoặc tiêu hạt đen khô cũng được, cho tỏi nguyên tép đã lột rửa sạch, để ráo. Nhớ dùng đồ đè cho nước mắm ngập bò để không bị mốc trắng. Ngâm như thế khoảng 1 tuần -10 ngày có thể ăn. Khi ăn cắt lát tròn mỏng bày ra dĩa ăn cùng với củ kiệu chua, nhậu lai rai ---------------------------------------- [b] Cánh gà chiên nước mắm[/b] Nguyên liệu : - Cánh gà: 4 cái; - Bột năng: 100 g; - Tỏi băm: 2 muỗng; - Nước mắm: 2 muỗng; - Tiêu, đường. Cách chế biến : Cánh gà làm sạch, để ráo, ướp tỏi + nước mắm + đường + 1/2 muỗng tiêu trong khoảng 15 - 30 phút. Sau đó cho 3 muỗng bột năng vào trộn đều. Chờ chảo nóng, cho cánh gà vào chiên. Chấm với muối tiêu chanh. -------------------------------- [b] Tôm chiên mật ong[/b] Nguyên liệu : - 800 gr. tôm sú (hoặc càng xanh) loại to. - 200 gr. bột chiên. - Dầu lạc, mật ong, vừng trắng (mè trắng) rang sẵn. - 1 quả trứng gà. - 50 gr. bột ngô. - Dầu ăn. Cách chế biến : - Đập trứng vào tô, đánh bông, cho bột chiên cùng với nước lạnh vào trộn đều, hòa vừa tầm để có độ sánh. - Tôm rửa sạch bóc vỏ để lại phần đuôi, ướp với một chút bột nêm. - Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu, nhúng tôm vào tô bột rồi lăn qua bột áo, rũ bỏ bột thừa, cho vào chiên vàng. - Bắc một cái chảo khác lên bếp, đun sôi dầu cùng mật ong rồi nhúng nhanh tôm đã chiên vào, bày ra đĩa, rắc vừng trắng. Ăn nóng. ----------------------------- [b] Bắp cải xào chua ngọt[/b] Nguyên liệu : - 1 cây bắp cải - 3 quả ớt Đà Lạt mầu đỏ - Muối, dầu ăn, mì chính, đường, giấm mỗi thứ một ít. Cách chế biến : Tách lá bắp cải, rửa sạch cắt miếng; ớt đỏ cắt miếng. Cho dầu vào chảo, đến khi dầu nóng già thì cho ớt vào xào qua. Tiếp theo cho bắp cải vào xào chín tới thì cho muối, mì chính, đường, giấm vừa đủ vào xào khoảng 3 phút nữa. ----------------------------- [b]Món cá hấp [/b]như sau: Cá chép khoảng 1,2 - 1,5kg/1 con. Để nguyên con, đánh sạch vẩy, để lại vây, bóc mang. Mổ ngang mình cá (chứ không phải mổ dọc theo chiều dài bụng) đủ để cho một ngóntay vào (sát gần với đầu) moi ruột cá ra. Rửa sạch rồi khía những vết chéo trên thân cá ướp cá với hành khô băm nhỏ + gừng thái chỉ + gia vị. Mình thường nhét vào bụng cá một ít thịt băm + gia vị + nấm hương thái nhỏ + hành khô băm nhỏ + gừng tươi thái chỉ nữa. Để cho ngấm gia vị khoảng 30' - 1h Sau đó đem hấp. Mình thường làm sạch cá rồi ướp cá từ sáng, sau đó để vảo tủ lạnh, đến chiều mới hấp, trước khi hấp cá mới nhét thịt + nấm hương thái nhỏ + một chút gia vị vào bụng cá. Món này ăn nóng với nước chấm: nước mắm + gừng tươi thái chỉ + ớt, tỏi băm nhỏ + 1/2 quả chanh vắt lấy nước + 1 chút đường (ít thôi nhé) + một chút là thì là xắt nhỏ. --------------------------- Thực đơn ngày tết Mâm cơm gia đình Bữa cơm này bắt đầu sau khi cúng giao thừa, đốt giấy tiền vàng bạc. Cả nhà tề tựu ăn chung, coi như cùng hưởng lộc trời đất ban tặng đầu năm. Phó giáo sư-tiến sĩ Trần Ngọc Thêm nói rằng “ bữa cơm khá đơn giản. Người ta ăn lấy lộc chứ không phải lấy no. Các món trong mâm là thực phẩm vừa mới cúng giao thừa xong. Thường có gà trống luộc, trái cây từng vùng. Nhà nào khá giả thì bày biện hầu hết các món đã chuẩn bị cho nhu cầu ăn tết". Món thường thấy trong bữa cơm gia đình sum họp đầu năm và cũng là mâm cơm cúng ngày mùng 1 của người Bắc là bóng (da heo khô) xào đậu cô ve súp lơ và nấm hương, măng hầm chân giò hoặc gà, gỏi su hào, gà luộc, bánh chưng dưa món; miền Nam là thịt kho dưa giá, bánh tét dưa chua, canh khổ qua dồn thịt hầm, gà luộc xé phay; miền Trung là món bánh hỏi và thịt muối cuốn bánh tráng, bì cuốn rơm, thịt kho măng khô, canh khổ qua dồn thịt ba rọi hoặc tàu hũ nấm, thơm hoặc đậu que xào thịt bò. Từ 25 tết trở đi, các siêu thị, tiệm cơm bán sẵn và nhận đặt làm các món thịt heo kho tàu với giá khoảng 10.000 - 15.000đ/phần. Măng khô để chế biến món hầm, nấu có thể mua tại chợ Bến Thành, An Ðông loại đã ngâm và luộc mềm sắp thành từng bó giá 10.000đ/bó. Tại các cửa hàng thực phẩm Hà Nội và siêu thị Hà Nội, ngoài các món thịt đông, giả cầy, su hào ngâm giấm… có nhận đặt nấu măng khô hầm chân giò, giá bán khoảng 15.000 - 20.000đ/phần 4 người ăn. Lỗ tai muối chua, thịt ngâm muối, bì, tré… có thể mua tại các tiệm thực phẩm và trữ trong tủ lạnh cả tháng. Tiệc đãi khách Có thể làm mâm cỗ đãi khách hoặc ăn trong gia đình trong vòng 15-20 phút với 4-6 món với dụng cụ hỗ trợ nấu ăn nhanh như lò viba, lò nướng, bếp gas. - Món khai vị: Món chiên có thể chọn trong số hơn 40 loại đang có trên thị trường như chả giò cá hồi, chả giò rế, chả giò cá basa, đậu que cuộn hải sản, trứng cút bọc tôm thịt…Ðể đỡ ngán, có thể mua loại hải sản khai vị 5 món hoặc khay giò chả các loại gồm 5 món bán sẵn với giá 5.000 - 13.000đ/đĩa tùy trọng lượng. Ăn kèm với các loại giò thủ, chả lụa, chả bò, nem, bì nên dùng một số loại rau củ muối chua. Hiện nay kim chi theo khẩu vị Hàn Quốc có trên 20 món và bà nội trợ có thể chọn 2 - 4 món trong số đó, dưa cải muối chua có vị chua thuần túy kiểu Việt, có vị chua ngọt kiểu Tàu; dưa món, dưa hành, củ kiệu, tỏi ngâm, hành nén… cũng có gần 30 loại với đủ vị Nam - Bắc - Trung. - Món chính: Có thể chuẩn bị sẵn loại cá lưỡi trâu ghép, cá hồi, mực tươi, tôm tươi ướp gia vị, rắc thêm chút bột cho vào chiên từ 5 - 10 phút là chín. Nhãn hiệu Vissan có món chả đùm đóng hộp, khui thêm bịch bánh phồng tôm hay snack là có một món ngon. Công ty APT có món bánh rế, sandwich nhân hải sản có thể chiên nhanh trong vòng 5 - 10 phút. Tôm, cua, mực hiện có hơn 10 món có thể hấp, chiên hoặc nướng trong lò. Ngoài ra, hàng loạt các món đã sơ chế như lươn lá lốt, lươn sả nghệ, mực satế, xôi chiên phồng, đùi heo nướng… cũng tạo sự đa dạng cho khẩu vị với thời gian chế biến nhanh. - Món ăn no: Lẩu là món tiện dụng và nấu nhanh. 1 gói lẩu đã có rau củ cùng với 1-2 viên xúp gà, xúp nấm hay gia vị tôm yum kiểu Thái là đủ để làm món lẩu hải sản, lẩu tôm thịt, lẩu chua cay. Ðể món lẩu ngon hơn, có thể mua thêm các gói tôm tươi, bò viên, mực tươi cho thêm vào. Thực phẩm đóng hộp có các món cà ri gà, vịt, ragu, thịt hầm, cá xốt, thịt viên xốt cà… ăn với bánh mì hoặc mì trụng nước sôi. - Tráng miệng: Ngoài những món trái cây thường có trong mâm quả của gia đình, chuẩn bị thêm các món rau câu của Hỷ Lâm Môn, Như Lan, Lan Hương, Kinh Ðô có thể trữ trong tủ lạnh được 3-5 ngày. Rau câu hoặc yaourt trái cây đóng hộp ướp lạnh cũng tạo sự ngon miệng hơn là ăn bánh mứt nhà nào cũng có. Nhà có trẻ em có thể trữ thêm kem, bánh flan, bánh trái cây. Thực đơn “ăn chơi” Khay thực đơn đãi khách nhâm nhi với chút men cay gồm 6 - 8 món chỉ cần 5 -10 phút chuẩn bị. Tùy theo khẩu vị và sở thích có thể chọn 2 món chả, 1 món nem, 1 món jambon hoặc xúc xích và 2 món đồ chua. Thông thường, nên chọn 1 món chả thịt heo (chả lụa, chả quế, chả chiên, chả cốm, chả tiêu…), 1 món chả thịt bò hoặc gà (chả bò thì là, chả bò kiểu Huế, giò gà kiểu Bắc…), nem chua hoặc món tré. Jambon và xúc xích hiện có khoảng 10 loại bán sẵn. Hai món đồ chua có thể chọn kim chi, tôm khô củ kiệu, dưa món… Các loại này cũng có sẵn từng lọ, hoặc đóng hũ, tiện lợi khi bảo quản. Bếp trưởng nhà hàng Gió Nội, ông Huỳnh Văn Thành nói rằng: "Dù trong thời gian ngắn từ 3 - 5 phút nhưng bà nội trợ nếu chuẩn bị trước có thể thực hiện cơ động nhiều món lạ miệng, nóng giòn, không ngán". Bí quyết của ông Thành là: "Tôm khô và củ kiệu là hai thứ sẵn có. Chăm chút thì cũng thành món “độc”. Lúc dọn mâm mời khách nhâm nhi có thể gắp các món dưa xen kẽ theo vị mỗi thứ một ít vừa kích thích thị giác vừa giúp ăn không ngán. Có thể xen kẽ củ kiệu, dưa chuột muối, củ hành, cà rốt làm chua, kim chi… với tôm khô. Lấy tôm khô chần qua nước sôi cho tôm hơi nở. Cuối cùng, chế một ít nước làm kim chi lên hỗn hợp". Cho những món nóng giòn, ông Thành khuyên: "Chuẩn bị trong nhà cá thác lác quết dẻo và nêm vừa ăn. Từ món cá này "chế” được nhiều món "bắt mồi", lạ miệng. Chẳng hạn như: khổ qua xắt khoanh xéo, quết cá chính giữa làm nhân đem áp chảo (chiên trong chảo không dính với rất ít dầu/mỡ, lửa vừa, đợi màu xanh khổ qua hơi chuyển là được). Dọn ra ăn nóng với tương ớt hay tương xí muội. Cũng là cá thác lác, quết mỏng lên bánh mì sandwich cuộn tròn rồi chiên. Món mà nhiều nhà vẫn hay làm khi tết đến là bánh tráng cuốn thịt luộc thì theo ông Thành có thể đổi vị lạ một chút bằng nước chấm. Thay vì nước mắm tỏi ớt hay mắm nêm có thể thay bằng mắm tôm chua Huế hoặc mắm cá trèn bán sẵn, thêm ít đường, chanh cho vừa miệng. Bích Nga - Thanh Dy (Theo SGTT)
Trả lời 15 năm trước
Đây là danh sách công việc chuẩn bị ngày Tết của em (+ shopping list), các chị xem và góp ý cho em nhé: [b] Món khai vị:[/b] -Hành muối, Salad dầu dấm hoặc dưa món, -Salad Nga: ngô hộp, Mayonaise, khoai tây, cà rốt, ngó sen, thịt hun khói, [b]Món ăn sáng:[/b] -Bánh mỳ sandwich kẹp xúc xích, thịt hun khói -Bánh ch ưng rán -Súp ngô (trứng gà, ngô hạt, nấm hương, thịt cua) [b] Món chính:[/b] -Lẩu hải sản: Tôm sú hấp, Thịt cua bế, Mực đông lạnh,ngêu, mọc Rau: Dứa, đậu phù trúc, váng đậu, hành, mùi, thìa là, ngổ, sả, satế, cần tỏi tây, cà chua, cải xanh, cải thảo, cải tím thái sợi, nấm hương, cải xoong, xúp lơ xanh -Gà xé phay (gà, rau răm, hành tây), -Nộm miến (miến, tôm,thịt, hành tây, rau thơm) -Nem lụi: Nạc thăn, mỡ phần -Súp lơ xanh bọc chả rán (Xúp lơ, giò sống) -Chả giò rế, gà ta, giò lợn, trứng gà, giò xào, [b]Bàn nước[/b] -Bánh kẹo: mua vừa phải, hoa quả cắt lát xếp đĩa -Cắm hoa: xốp xanh, đào, lay ơn, lys
GAUKUN
GAUKUN
Trả lời 15 năm trước
Nhà em cũng phải làm đãi khách, cả người nam lẫn người bắc nhưng em ứ biết nấu món nam nào nên cứ nấu theo kiểu của em, tiêu chí của em là nhanh, gọn, dễ làm và dễ ăn. 1. khoai lang chiên con chì or kim chi 2. Nộm rau tiến vua, nếu lười thì làm salad nhưng phải trộn bằng dầu olive và dấm rượu vang em mới duyệt. (Rượu vang uống ko hết chai bác đổ vào một cái hũ sành, bọc vải dầy kín, để vài tháng thành dấm) 3. Nem ốc or Nem cá. cái này làm nhanh và ăn ko ngán, ngon hơn nem thịt. Cá rô to 1kg, nếu ko có thì mua cá lóc cũng dc, lọc thịt, thái lát, thịt nạc xay 0.5kg trộn với mộc nhĩ thái nhỏ, rau thì là thái nhỏ (cho nhiều mới thơm), rồi cuốn thịt cho một lát cá lên trên, cuộn bánh tráng, rán. Chấm với nước mắm chanh gừng cho thìa là băm nhỏ. Mẹ chồng em nổi tiếng khó tính mà cũng phải chịu món này của em đấy. 4. Đậu phụ sốt trứng muối or đậu tứ xuyên 5. Cá saba nướng 6. Thịt gà luộc or thỏ quay, ngan quay, or heo sữa quay 7. Rau cải ngọt chao dầu với nấm hương 8. Cá hồi sashimi. Nhà bác đang có nhiều cá ngừ thì làm cá ngừ bác ạ. 9. Lẩu thập cẩm or cháo hào (ngao, hến cũng được) nhà em làm đơn giản thế thôi bác ạ, bác post mấy món "cũ rích" của bác cho em học lỏm tí. Chúc bác ăn tết vui vẻ nhé Còn đây là bài em sưu tầm từ báo SGTT: Sắp đặt chu đáo thực phẩm trong ba ngày tết, phụ nữ sẽ có nhiều thời gian vui chơi cùng gia đình, bè bạn mà vẫn có bữa cơm dẻo, canh ngọt. Ðể giúp bạn thực hiện điều này, SGTT giới thiệu một thực đơn ba ngày tết cho gia đình có bốn người. Bạn cũng có thể "biến tấu" một chút khi có khách. Muốn không mất thời gian, bạn dựa vào thực đơn này mua và sơ chế sẵn trong sáng ngày 30. - Gà mua nguyên con, mổ moi, xếp cánh và cổ (tốt nhất bạn chọn mua gà sống rồi đề nghị người bán làm giúp). - Cá điêu hồng mua nguyên con, làm sạch ruột về ướp qua muối. - Thịt xay (thịt xay mua 400g về chia làm hai phần, phần 100g nấu canh bí và một phần 300g nấu xúp nui). - Chân giò mua bắp trên (chặt ra làm ba khoanh to để khi ăn với nước mắm nguyên chất thịt vẫn còn độ ngọt, thơm), cật heo ướp bột nêm, hành. - Vịt mua nửa con, chặt miếng vừa ăn ướp hành, tỏi gừng. - Thịt bò mua phi lê mềm 300g xắt lát, 400g xắt theo hình quân cờ. - Cá bông lau bỏ vào tộ ướp sẵn mắm, muối, đường, tiêu tỏi. Như vậy, sáng ngày 30 tết bạn sẽ hơi cực vì phải sơ chế tất cả thức ăn và sắp xếp cho vào tủ lạnh bảo quản nhưng sau đó lại rất khỏe vì thời gian nấu rút ngắn khoảng còn 30 phút (riêng món chân giò hầm phải mất hai tiếng) nhưng vẫn đảm bảo đổi món liên tục và có đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất. Trong thực đơn không dùng cà rốt, dưa leo làm gỏi mà là bắp cải vì xắt nhanh và gọn nhưng bạn vẫn có thể thay thế nếu thích… Cần nhớ cho thực phẩm vào tủ lạnh theo nguyên tắc món ăn trong ngày để bên cạnh ngăn cấp đông, những món ăn vào ngày mùng một và mùng hai phải cho vào ngăn đá mới bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu nhà có lò viba, bạn có thể làm thêm món cá saba nướng hoặc món chim bồ câu quay để thực đơn thêm phong phú. Ðề phòng nhà có khách, bạn mua sẵn rau cải, tần ô và thịt bò, mực, tôm xắt lát để làm món lẩu. Về những món truyền thống ngày tết như thịt kho trứng, bánh chưng, có thể nên làm chung rồi chia nhau với bạn bè hoặc người thân cho đỡ mất thời gian. Món củ kiệu, dưa món theo kinh nghiệm nấu nướng của các bà nội trợ thâm niên, nên mua loại ở chợ đã làm sẵn, phơi khô về pha đường giấm hoặc mắm đường để ăn thì vừa khẩu vị vừa không lo ăn nhầm chất bảo quản hoặc hàn the TỊNH AN - SGTT Ngày 30 tết - Sáng: bánh mì ốp la ăn kèm dưa leo, cà chua. - Trưa: làm mâm cúng gia tiên gồm xôi gà, gà trộn gỏi bắp cải, cháo gà. Nếu đang e ngại chuyện dịch gà, bạn có thể chọn món truyền thống: bánh chưng (bánh tét) dùng chung với thịt kho. - Chiều: cơm trắng ăn với cá điêu hồng nấu riêu với cà chua thì là. Mùng 1 tết - Sáng: xúp nui đậu xanh thịt xay (100g đậu xanh ngâm sẵn vào tối 30 tết) - Trưa: chân giò hầm măng khô ăn với cơm trắng, thịt cuốn rau chấm nước mắm - Chiều: vịt kho gừng, canh bí, lòng xào thơm Mùng 2 tết - Sáng: xôi lạp xưởng - Trưa: cuốn thịt luộc, tôm chua rau sống, cháo cật heo - Chiều: cá bông lau kho tộ, canh chua thơm, cà chua Mùng 3 Tết: Hết Tết, ra hàng ăn bún riêu !!!!!!!!!
Chita
Chita
Trả lời 12 năm trước

Công thức chuẩn của chuyên gia ẩm thực Cẩm Tuyết đây các bác ơi:
:1: Thịt heo, bò ngâm nước mắm

Bắp bò và thịt đùi heo ràng chỉ
1. Chọn thịt và luộc thịt:

- Thịt bò: Dùng thịt bò bắp, chọn bắp nhỏ, mỗi bắp khoảng 600gr - 800 gram là vừa ngon. Lạng sạch bạc nhạc quanh bắp thịt, để nguyên bắp, luộc chín bắp trong nồi nước sôi vừa đủ. Không cần phải luộc mềm nhừ. Tùy bắp thịt lớn nhỏ, thăm chừng cho thịt chín bằng cách sau khi luộc khoảng hơn 30 phút mỗi lần, vớt bắp ra, dùng một cây đũa đâm xuyên qua, nếu không thấy nước đỏ trào ra là thịt chín. Thịt luộc chín giòn, thêm thời gian ngâm nước mắm, khi cắt ra, miếng thịt đẹp mắt, vừa mềm là ngon. Nếu luộc nhừ quá, sau khi ngâm nước mắm, thịt sẽ dễ nát.

- Thịt heo: Chọn thịt mông hoặc thịt đùi; da mỏng, lớp mỡ không dày quá; miếng thịt tươi ngon là ba phần da, mỡ và thịt dính chắc, liền lạc với nhau. Tùy ý cắt thành miếng dài ngắn nhưng dày chừng 3 – 4 phân là vừa. Dùng chỉ ràng chắc quanh miếng thịt nhiều vòng cách quãng đều nhau, rồi mới luộc chín. Thịt heo luộc nhanh chín hơn thịt bò. Nhờ có ràng chỉ, thịt sau khi ngâm nước mắm cắt ra sẽ đẹp mắt hơn.

2. Nấu nước mắm:

- Sử dụng phân lượng một nước mắm + một đường, tính theo khối lượng. Ví dụ: 1 chén nước mắm + 1 chén đường.

- Tùy chọn đường cát trắng, đường thẻ (đường tán, đường miếng màu vàng hay đen) băm nhuyễn. Mỗi loại đường có độ ngọt và vị khác nhau. Nếu dùng đường trắng thì hỗn hợp ít ngọt hơn nhưng mùi vị nước mắm không mất nhiều. Nếu dùng đường thốt nốt chẳng hạn, vị ngọt sẽ rất gắt.

Thịt heo ngâm nước mắm
- Chuẩn bị hũ thủy tinh sạch, có nắp đậy. Hũ vừa đủ chứa số thịt muốn làm. Lượng nước mắm và đường phải tính trước, sao cho khi đổ vào phải cao hơn mặt thịt bỏ trong hũ chừng 5 phân.

- Cho đường, nước mắm vào một cái nồi vừa đủ. Để thời gian nấu ngắn lại và dễ nấu hơn, người ta thường ngâm đường với nước mắm khoảng 2 hay 3 giờ đồng hồ cho đường tan bớt. Bắc lên bếp, nhỏ lửa kẻo nước mắm rất dễ sôi trào, dùng đũa kim loại hay đũa tre, gỗ... khuấy đều tay, liên tục cho đến khi đường tan hoàn toàn vì hỗn hợp rất đặc cho nên dễ cháy sít nồi. Sau khi đường tan hết, để sôi nhẹ qua một hai phút nữa là được. Để nguội nước mắm đường, lược lại qua một cái rây.

- Tùy kinh nghiệm chọn nước mắm, sau khi nấu sôi nước mắm và đường, tùy khẩu vị riêng để nêm nếm bằng cách thêm chút ít đường hay nước mắm rồi nấu sôi lại. Nếu muốn để thịt thật lâu hãy tăng lượng đường để hỗn hợp ngọt nhiều hơn khi ăn, vị thịt sẽ không quá mặn.

- Nếu khi nấu sôi lên, ngửi thấy mùi nước mắm trở nặng mùi, hãy đổ bỏ, chọn mua loại nước mắm khác.

3. Ngâm thịt:

- Cho thịt vào hũ – không ngâm chung thịt heo và thịt bò vào một hũ – châm nước mắm đường vào ngập thịt, để qua 1 đến 2 giờ, thấy mực nước mắm hạ thấp xuống thì phải châm thêm cho mực nước mắm cao hơn mặt thịt ít nhất 3 - 4 phân. Đậy kín nắp hũ.

- Tùy yêu cầu sử dụng, sau khi ngâm nước mắm qua hai ngày là thịt đã thấm nước mắm, có thể ăn được. Thịt càng để lâu càng thấm mặn. Riêng thịt heo khi lấy ra phải tháo chỉ ràng. Thịt heo khi ngâm lâu, phần mỡ sẽ trở trong, giòn. Tùy chất lượng nước mắm và thời tiết, thịt ngâm nước mắm sẽ có thời điểm ngon nhất.



Bắp bò ngâm nước mắm
- Sau khi ngâm khoảng 4 - 5 ngày, nếu thấy trên mặt nước mắm trong hũ nổi váng mốc chứng tỏ nước mắm có nồng độ muối quá thấp. Nếu lấy thịt ra ăn sớm thì không sao nhưng muốn để lâu hơn phải đổ ra, nấu lại và nêm thêm muối, đường hoặc thay hẳn bằng nước mắm ngon hơn.

- Hỗn hợp nước mắm đường còn lại sau khi ngâm thịt xong, lược lại qua một túi vải, nấu sôi lại, dự trữ dùng nấu các món thịt cá kho, muối sả, tóp mỡ xào…rất ngon. Hoặc nấu sôi nhẹ cho đến khi gần như cô đặc lại sẽ có dạng như một loại nước mắm kho, chuyên dùng ăn cơm, xôi nóng vào mùa lạnh. Đây là cách làm cổ truyền còn thông dụng đến bây giờ vẫn được đa số các o, các mệ người Huế sử dụng.

4. Món ăn kèm:

Thịt bò bắp ngâm nước mắm khi ăn cắt ngang lát mỏng, thường được dọn kèm tiêu xanh để nguyên nhánh, gừng cắt sợi thật nhỏ, tỏi cắt lát mỏng…ngâm chung trong hỗn hợp giấm đường.
Thịt heo ngâm nước mắm lại thích hợp hơn với kiệu, hành tím, dưa chuột, cà rốt, củ cải trắng ngâm chua…Nhiều người lại thích cuốn thịt heo ngâm nước mắm với bánh tráng, rau sống chấm nước mắm pha vị chua ngọt nhiều hơn vị mặn.

BÒ BẮP, BÒ GÂN NGÂM GIẤM, NGÂM NƯỚC MẮM


Bắp, gân bò ngâm giấm (ngâm nước mắm) - ảnh TC
- Chọn bắp bò: - Chọn bắp bò nhỏ, để nguyên cái, rửa sạch, để ráo. Gân bò cắt miếng cỡ ngón cái. Ướp 1kg thịt với 2 muỗng cà phê muối + 1/2 muỗng cà phê tiêu. Khi ướp chà sát hỗn hợp vào thịt, để trong khoảng 1 giờ.
- Chuẩn bị nồi nước sôi. Nước sôi rồi mới thả thịt vào, hầm nhỏ lửa cho đến khi bắp, gân mềm. Dùng cây tăm xuyên vào thịt, thấy tăm đâm xuyên dễ dàng là thịt mềm. Vớt ra để nguội
- Ngâm giấm: Tùy độ chua của giấm đang có để gia giảm đường. Cho giấm vào nồi, bắc lên bếp, nhỏ lửa cho giấm sôi nhẹ rồi cho đừơng vào từ từ và khuấy cho tan đường. Thí dụ mỗi 1 lít giấm bắt đầu cho cho từ từ vào khoảng 200g đừơng và thêm dần cho giấm có vị ngọt. Hãy giữ vị chua nhiều hơn, chính khẩu vị nêm nếm của người nấu sẽ quyết định chất lượng
chua ngọt của hỗn hợp. Giữ vị chua nhiều hơn. Sau khi vừa miệng, nêm vào 1/4 muỗng cà phê muối / 1 lít giấm đường. Nấu xong để nguội. Cho vào cứ 1 lít giấm đường: 10g gừng già xắt sợi + 10g tỏi củ xắt lát mỏng + 5 nhánh tiêu xanh.
- Ngâm nước mắm: Dùng nước mắm trên 35 độ đạm. Nấu nước mắm với phân lượng tính bằng cách cứ 1 chén nước mắm là 1 chén đường + 1/2 muỗng cà phê tiêu bột. Nấu nhỏ lửa, khuấy cho tan đường, lưu ý nước mắm sôi rất dễ trào, hãy dùng một nồi khá lớn, giảm lửa thật nhỏ khi nước mắm bắt đầu sôi. Lượng nước mắm đường tính sao cho phải ngập lượng bắp gân muốn làm.
- Chuẩn bị lọ thủy tinh: Chuẩn bị lọ thủy tinh vừa đủ ngâm lượng bắp gân muốn làm. Rửa sạch lọ, nắp đậy...để ráo.
- Cho bắp bò luộc vào lọ thủy tinh, châm ngập hỗn hợp giấm đường (hoặc nước mắm đường) vào lọ. Dùng dĩa nhỏ hoặc vài nan tre mỏng gài dằn cho thịt chìm dưới mặt giấm. Đậy kín, để sau ba ngày là ăn được. Muốn giữ lâu hơn, bảo quản trong tủ lạnh. Nếu ngâm nước mắm không cần bảo quản trong tủ lạnh.
- Khi ăn cắt lát mỏng, tùy ý dọn kèm các loại đồ chua, kim chi. Luôn nhớ nhận chìm thịt còn lại xuống dưới mặt nước mắm sau khi lấy ra bớt.
- Nếu để qua vài ngày mà thấy trên mặt nước mắm có váng mốc là nước mắm của các bạn không đạt chất lượng để làm, đổ bỏ phần nước mắm, nấu lại hỗn hợp nước mắm đường khác, để nguội và châm lại vào hủ với phần thịt đã làm.
* Các bạn có thể dùng thịt heo lấy phần thịt mông, cắt miếng dày chừng 4cm và dài chừng 10cm. Thịt phải có đủ ba phần da, mỡ và nạc; luộc chín, để nguội và ngâm nước mắm với cách làm như trên. Để qua khoảng 1 tháng, phần mỡ sẽ trở trong và dòn.

Tâm
Tâm
Trả lời 6 năm trước

Hi, tùy vùng miền mà nấu, bạn vào đây để tham khảo nhé: CÔNG THỨC NẤU MÓN ĂN ĐÃI TIỆC

GÀ NƯỚNG NGŨ VỊ

Với năm vị hương khác nhau trong món gà nướng ngũ vị sẽ làm món ăn của bạn thêm phần hấp dẫn. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu cách ướp món gà nướng ngũ vị thơm ngon này nhé.

BÒ BÍT TẾT VALENTINE

Hãy cùng Barona thực hiện món ăn ngọt ngào này cho người yêu thương của mình nhé.

BÁNH HỎI CUỐN BÒ NƯỚNG

Món ăn mới lạ với bò chín mềm hòa quyện vị ngọt thơm lừng sẽ là một sự thay đổi thú vị cho thực đơn hàng ngày của bạn

MÌ QUẤN SƯỜN HEO RIM CHIÊN GIÒN

Những miếng sườn màu nâu được những sợi mì vàng ươm quấn bên ngoài, sự kết hợp màu sắc đem lại vẻ bắt mắt, hấp dẫn và ngon miệng cho món ăn này

THỊT BA RỌI CUỐN NẤM

Vị đậm đà của những miếng thịt xông khói quyện cùng với vị ngọt của nấm kim châm làm món ăn thêm hấp dẫn

BÒ CUỘN RAU CỦ RIM

Thịt bò là món ăn thường ngày trong các bữa ăn, làm cách nào để biến nó thành món mới lạ mà không tốn quá nhiều thời gian chế biến, bạn hãy thử làm món này nhé

GÀ RIM HỖN HỢP RAU CỦ

Khá cầu kỳ trong cách chế biến, vị ngon lạ miệng của món gà rim cuộn rau củ chắc chắn không khiến bạn thất vọng

BÒ NƯỚNG XÁ XÍU MÌ Ý

Đem hương vị mới cho món mì Ý kết hợp với thịt bò, hội tụ hương vị Âu lẫn Á

THỊT HEO BỌC TRỨNG CÚT NƯỚNG XỐT XÁ XÍU

Món ăn dinh dưỡng, dễ chế biến, giúp bạn đổi khẩu vị cho bữa cơm của cả gia đình

THỊT XÔNG KHÓI CUỘN HÀO XỐT XÁ XÍU VÀ XỐT TÁO

Món hào cuộn thịt xông khói này sẽ tạo cảm giác mới lạ cho bữa cơm gia đình bạn