Ăn tỏi sống có tác dụng gì?

Ăn tỏi sống có tác dụng gì hả các bạn?

Do Hong Son
Do Hong Son
Trả lời 8 năm trước
Ăn tỏi sống chữa nhiều bệnh
Khi sử dụng tỏi với mục đích y học, không nên để nguyên củ mà cần nhai hoặc nghiền nát và nên ăn sống vì tỏi nấu chín sẽ bị giảm tác dụng

Tỏi có tên khoa học là Allium sativum, là một loại cây lưu niên thuộc họ Liliaceae, được tìm thấy ở khu vực Trung Á từ khoảng hơn 5.000 nghìn năm trước. Bên cạnh công dụng như một loại gia vị, tỏi còn được biết đến là một thảo dược đa năng, với khả năng phòng và chữa trị nhiều bệnh.

Ngay từ những năm 1500 trước công nguyên, người Ai Cập cổ đại đã biết sử dụng tỏi để điều trị các bệnh u bướu, nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng đường ruột và các vết thương ngoài da.

Trong y học cổ truyền Trung hoa, tỏi đã được sử dụng từ hơn 3.000 năm trước như một phương thuốc hữu hiệu để dự phòng cảm cúm, điều trị rắn cắn và các bệnh nhiễm khuẩn. Năm 1858, nhà bác học Pasteur đã chứng minh được khả năng kháng khuẩn của tỏi. Từ đó, tỏi được sử dụng rộng rãi trong thế chiến thứ 1 và 2 để ngăn ngừa sự hoại tử của các vết thương do bom đạn gây ra.

toi-jpg-1358483708_500x0.jpg
Ảnh minh họa:Huffingtonpost.com.

Ngày nay, tỏi vẫn được sử dụng rộng rãi với mục đích phòng và chữa bệnh dưới 3 dạng chủ yếu là tỏi tươi, viên tỏi khô và tinh dầu tỏi. Trong thành phần của tỏi có rất nhiều các hoạt chất chứa lưu huỳnh như thiosulfinate (allicin), diallyl disulfide và allylpropyl disulfide. Những hoạt chất này được cho là có vai trò quyết định tạo ra mùi thơm và các tác dụng dược lý của tỏi, trong đó, quan trọng nhất là vai trò của allicin.

Điều đáng lưu ý là các hoạt chất này chỉ được hoạt hoá khi củ tỏi được đập dập, nghiền nát hoặc nhai và sẽ bị bất hoạt ở nhiệt độ cao. Do đó, khi sử dụng tỏi với mục đích y học, không nên để nguyên củ mà cần nhai hoặc nghiền nát và nên ăn sống vì tỏi nấu chín sẽ bị giảm tác dụng. Ngoài ra, do các hoạt chất này kém bền vững trong môi trường dầu nên tác dụng y học của các chế phẩm dầu tỏi cũng bị giảm sút đáng kể (chỉ còn 10 - 30% hoạt tính). Tỏi ngâm lâu ngày trong rượu trắng cũng được chứng minh là không có tác dụng chữa trị bệnh.

Dưới đây là một số công dụng chính của tỏi đối với sức khoẻ con người:

Tác dụng đối với hệ tim mạch

Tỏi đã được khoa học chứng minh là có tác dụng hạ mỡ máu, hạ huyết áp và giảm ngưng tập tiểu cầu ở người lớn, từ đó góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim... Cần thận trọng khi dùng đồng thời tỏi với các thuốc chống đông máu và thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel, vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Ngoài ra, cũng nên tránh dùng các chế phẩm từ tỏi khoảng một tuần trước khi phẫu thuật để giảm nguy cơ chảy máu kéo dài trong và sau phẫu thuật.

Tác dụng chống ung thư

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ăn nhiều tỏi và các loại rau củ thuộc họ allium như hành, hẹ, tỏi tây giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư vòm họng.

Tác dụng kháng khuẩn

Tỏi có khả năng kháng lại nhiều chủng vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Trong y học cổ truyền của nhiều dân tộc, tỏi thường được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở đường tiêu hoá, hô hấp và ngoài da.

Viên tỏi khô cũng được chứng minh có khả năng điều trị và dự phòng một số bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ em như cảm cúm, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa. Đắp tỏi tươi tại chỗ có tác dụng khá tốt trong điều trị mụn cơm do virus. Gần đây, tỏi được phát hiện có khả năng diệt Helicobacter pylori, loại xoắn khuẩn có vai trò quan trọng gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

Sử dụng 1-2 nhánh tỏi tươi mỗi ngày ở người lớn sẽ không gây ra tác dụng phụ nào đáng kể ngoại trừ việc tạo ra mùi khó chịu của hơi thở và mồ hôi.

Ăn một số lượng lớn tỏi tươi, nhất là vào lúc đói có thể gây cảm giác khó chịu, đầy chướng bụng, buồn nôn, ỉa chảy và rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Đắp tỏi tươi có thể gây cảm giác rát bỏng, viêm da và nổi bọng nước tại chỗ. Ngoài ra, việc dùng viên tỏi khô kéo dài có thể gây giảm đường huyết trong một số trường hợp.

Le tuananh
Le tuananh
Trả lời 8 năm trước

Những tác dụng tuyệt vời của việc ăn tỏi đối với sức khỏe


Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu phát hiện ra trong tỏi có selen và các nguyên tố vi lượng chứa kháng khuẩn alliin làm tăng cường khả năng của hệ thống miễn dịch, làm giảm huyết áp cao và nhiều bệnh nâng cao sức khỏe.

Tỏi có tác dụng chống tắc nghẽn mạch máu giống aspirine, nó còn có hoạt tính làm hạn chế việc sinh ra phần tử tự do gây tổn thương tổ chức khớp - có tác dụng dưỡng nhan, ích thọ nhờ khả năng làm chậm quá trình lão hóa tế bào tức bảo vệ hồng cầu không bị oxy hóa, làm ảnh hưởng đến các phần tử tự do là những hạt vô cùng nhỏ bé được hình thành trong quá trình oxy hóa. Làm giảm xung huyết và tiêu viêm, tiêu tan mệt mỏi, phục hồi nhanh thể lực, tiêu mỡ...

Để tiện việc tham khảo và ứng dụng tùy điều kiện từng người, xin giới thiệu một số kết quả trong nghiên cứu thu được của các nhà khoa học đã được ghi nhận.

Tỏi làm giảm cholesterol để phòng bệnh tim mạch

Nghĩa là giảm lượng cholesterol bám rộng trên thành mạch. Từ đó ngăn ngừa được các bệnh xuất huyết mạch máu não, đau thắt tim, cao huyết áp và một số bệnh tim mạch khác. Nhiều nghiên cứu thấy rằng nước chiết từtỏiđể lâu ngày làm giảm 30% lượng cholesterol nên giúp phòng ngừa xơ cứng động mạch nhờ khả năng làm tăng albunin mật độ cao (HDL), hoặc giảm mật độ thấy albunin (LDL).

Theo Báo "Ăn uống và dinh dưỡng" của trường Đại học Taffsi (Mỹ), mỗi ngày ăn hai nhánh tỏi sẽ có công hiệu ngang với uống thuốc làm giảm cholesterol. Còn các nhân viên nghiên cứu thuộc trường Đại học Dennsylvania đã phát hiện tác dụng làm giảm cholesterol và làm hạ thấp khả năng bám của mỡ trong máu. Có bệnh nhân người Mỹ tên Betty Cohen khẳng định rằng từ khi ăntỏihàng ngày thì lượng cholesterol của tôi giảm rõ rệt. Thật là điều bất ngờ.

Tỏi đề phòng tắc nghẽn mạch máu

Trong nghiên cứu, người ta đã thấy nước tỏi có tác dụng phòng tắc nghẽn mạch máu nhờ khả năng phân giải và hòa tan một loại protein dễ gây tắc. Nhiều chứng minh qua nghiên cứu đã thấy thuốc hỗn hợp có tỏi có tác dụng như aspirin. Vì vậy, các chuyên gia y tế đã khuyên người bệnh tăng mỡ máu cần ăn từ 3-4 nhánh tỏi mỗi ngày.

Tỏi phòng chống ung thư dạ dày và ung thư da

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện ung thư Mỹ hiện đang sản xuất loại thuốc tổng hợp được chiết từ tỏi, có khả năng chống ung thư tốt, mặc dù đã thành khối u vẫn có hiệu lực. Các nhà nghiên cứu Mỹ đã dựa vào các kết quả điều tra tương quan của Trung Quốc để quyết định đưa vào bào chế loại thuốc mới này. Những kết quả điều tra cho thấy những cư dân có tập quán ăn tỏi thường xuyên thì tỷ lệ ung thư dạ dày thấp.

Một bác sĩ thuộc Viện y học Sơn Đông Trung Quốc xác nhận rằng tỷ lệ ung thư dạ dày ở những người thường xuyên ăn tỏi thấp hơn 60% so với những người khác cùng khu vực. Ở trường Đại học tại bang Texas và Los Angeles (Mỹ) đã phát hiện nước tỏi chiết có tác dụng ức chế một số bệnh ung thư ác tính và đề phòng ung thư da.

Tỏi làm suy giảm viêm đau khớp

Qua theo dõi những bệnh nhân viêm khớp được điều trị bằng viên nang điều chế từ tỏi đều cho kết quả tốt, nhờ hoạt tính ở tỏi làm hạn chế việc sinh ra các phần tử tự do gây tổn thương đến tổ chức khớp. Một phụ nữ Mỹ tên Jusshan Bert bị bệnh viêm khớp nặng đã được điều trị bằng nang tỏi nay trở lại bình thường (trước kia chưa điều trị khớp gối bị đau liên tục rất khó chịu).

Tỏi còn tác dụng dưỡng nhan ích thọ, làm chậm sự lão hóa

Các nghiên cứu của Bác sĩ Robertllin đã thừa nhận rằng tỏi có tác dụng dưỡng nhan ích thọ, làm chậm sự lão hóa. Đó là khả năng bảo vệ hồng cầu không bị oxy hóa và khống chế phần tử tự do sinh ra trong quá trình oxy hóa để các phần tử này không tác động đến quá trình lão hóa.

Ăn tỏi thường xuyên còn giúp khả năng hồi phục sức khỏe và chống sự già nua. Tỏi là loại gia vị trồng ở mọi miền đất nước lại có giá trị tuyệt hảo như vậy. Hy vọng chúng ta tiếp tục theo dõi để phát hiện nhiều khả năng tiềm tàng của tỏi, đồng thời ứng dụng trong chữa bệnh và phòng bệnh hàng ngày được tốt hơn.