Nghén, không uống được sữa bà bầu, phải làm sao?

Trước tới giờ em không uống được loại sữa nào hết, cứ uống vào là ói ra sạch. Hiện nay em đang mang thai được 6 tuần rùi, em không biết chọn loại sữa nào cho hợp cả, em có mua X.O của Hàn Quốc uống nhưng khó uống quá, cứ ói ra hết dù đã bịt mũi nhắm mắt lại rồi. Em lại rất kén ăn nên em lo lắm, sợ con sau này bị suy dinh dưỡng. EM mong các anh, chị có kinh nghiệm tư vấn giùm loại sữa bà bầu nào dễ uống giúp em với. Em xin cảm ơn!

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Chào bạn,

Sữa luôn là loại thực phẩm cần thiết cho tất cả mọi nhu cầu đặc biệt như trẻ em, người bệnh, người cao tuổi, và nhất là phụ nữ mang thai như bạn. Nếu không uống sữa, thật khó mà có nguồn cung cấp nào có thể thay thế được cho đủ lượng canxi, vitamin và các vi chất vốn rất cân đối và dễ hấp thu của sữa. Thai phụ thiếu sữa cũng là một thiệt thòi cho bào thai đ1o bạn. Bạn tập thử các cách dùng sữa như sau thay vì nhắm mắt bịt mũi uống như bạn đã làm (giống uống thuốc bắc quá, ói ra là phải!)

- Dùng các thức ăn có chứa sữa (bánh flan, bánh bông lan làm từ sữa tươi, các món súp có sữa, kem có sữa…). Những món này thường phải tự làm mới có thể đậm đặc đủ sữa.

- Ăn sữa chua hoặc phô mai thay vì uống sữa.

- Cho thêm vào sữa các mùi vị dễ chịu (trái cây, sô cô la, ca cao…)

- Pha 100g sữa bột với 1 lon sữa đặc có đường (không dùng nước) rồi đem chưng cách thủy thành một loại kẹo caramen, ăn thêm sau mỗi bữa ăn chính.

- Dùng sữa thật lạnh

- Tập uống sữa từng chút một, chỉ cần một chung nhỏ thôi, uống xong rồi ăn cơm bình thường, sau đó tăng dần số lượng sữa lên từ từ.

Có lẽ bạn nên thay đổi cách nhìn của mình với loại thực phẩm quý giá này, vì sữa không chỉ giúp bạn và con bạn phát triển trong giai đoạn bào thai, mà còn là thực phẩm cần thiết cho bạn từ giờ đến cuối đời, vì đây là thực phẩm giúp bạn giữ gìn xương, răng, da, tóc, làm chậm lão hóa và kéo dài tuổi xuân cho phụ nữ. Tức là bạn nên tập thói quen uống ít nhất 300ml sữa hàng ngày đến suốt đời.

Trong trường hợp không thể cố gắng tập được, thì cũng đành chịu thôi. Bạn sẽ phải tìm cách bù tối đa các thành phần của sữa từ thức ăn. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính và 3 bữa phụ, tổng cộng cần khoàng 4-5 chén chất bột, 150g thực phẩm giàu đạm, 300g rau và 200g trái cây. Ăn nhiều cá, nhất là cá cả xương, đậu hũ, rau xanh trái tươi, uống bổ sung thêm canxi và một số vi chất khác theo chỉ định của bác sĩ.

Bạn cũng chú ý ăn thức ăn giàu canxi, vừa cho thai nhi, vừa cho người mẹ. Khi mang thai, nhu cầu can-xi tăng gấp 2 lần bình thường, tức 1.000 mg/ngày. Canxi giúp phát triển xương và răng em bé. Canxi có nhiều trong phó-mát, sữa, yaourt, rau xanh, tôm, cua, trứng, cá... Canxi đặc biệt có nhiều trong xương cá, vỏ tôm. Vì vậy, thay vì ăn tôm to, cá to phải lột vỏ, bỏ xương, bạn có thể ăn tôm nhỏ, cá nhỏ (ví dụ như cá cơm) để có thể ăn cả vỏ tôm và xương cá.

Chất sắt cũng quan trọng với bạn trong thai kỳ, bạn sẽ cần khoảng khoảng 30 - 60 mg/ngày. Chất sắt gốc động vật (có trong các thịt bò) dễ hấp thụ hơn chất sắt gốc thực vật (như đậu hạt, trái cây khô). Axit folic là chất rất quan trọng trong việc tạo ống thần kinh cho thai nhi, cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh trung ương của bé. Tuy axit folic quan trọng như vậy nhưng lượng cần rất ít. Axit folic có nhiều trong các loại rau tươi lá to, màu xanh thẫm. Bạn cũng cần cung cấp vitamin C cho cơ thể. Vitamin C giúp tạo bánh nhau bền chắc, giúp người mẹ tăng sức đề kháng và hấp thụ chất sắt tốt hơn. Vitamin C có nhiều trong trái cây (những loại có vị chua nhiều), rau tươi. Vitamin C dễ tan trong nước, dễ đưa vào cơ thể nhưng không tích trữ trong cơ thể, vì vậy thai phụ cần bổ sung vitamin C hằng ngày.

Chất xơ cần được thai phụ chú ý bổ sung vì nó giúp tránh táo bón. Trong thời kỳ mang thai, người mẹ dễ bị táo bón do thai chèn ép ruột nên ruột không co bóp được thoải mái. Trái cây và rau xanh là những nguồn cung cấp chất xơ quan trọng. Ngoài ra, kết hợp với việc uống nước nhiều, chăm đi bộ cũng làm giảm chứng táo bón.

Bạn cũng cần chú ý đảm bảo đủ i-ốt từ trước khi thụ thai cũng như trong quá trình mang thai để tránh tổn thương não ở thai nhi. Trong xương cá, đồ biển có nhiều i-ốt hơn các thực phẩm khác. Lượng i-ốt rất cần thiết, nhưng chỉ cần rất ít, vì vậy chỉ cần dùng muối i-ốt để nêm nếm thức ăn là đủ nhu cầu.

Bạn lưu ý không nên dùng quá nhiều muối trong bữa ăn vì có thể gây chứng sưng phù hay chứng tiền sản giật. Ngoài ra, bạn cần hạn chế ăn thực phẩm đã chế biến sẵn và đóng hộp, đóng gói, thực phẩm đông lạnh (vì chúng có nhiều gia vị và hóa chất bảo quản) và các thức uống: rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá, sô-cô-la. Chất cafein có trong các thức uống này có thể gây tác hại đối với hệ tiêu hóa của thai nhi.

Chỉ cần cố gắng ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm trên mỗi ngày, không cần ăn quá nhiều, chỉ cần đủ no, là bạn chắc chắn sẽ cung cấp cho con 1 thể trạng khỏe mạnh. Nếu nghén, không ăn được nhiều, bạn hãy chia nhỏ các bữa ăn của mình, chuẩn bị thức ăn giữa các bữa để nhấm nháp thêm.