Tại sao bé bỗng dưng lười nói?

Lúc 8,5 tháng tuổi cháu biết đi, 12 tháng đã biết gọi mẹ ơi, dì ơi, bà ơi nhưng đến 17 tháng thì không nói nữa, người lớn có dạy cháu cũng không nói. Tuy nhiên khi chỉ có một mình thì cháu lại nói. Tôi bảo cháu làm gì, cầm gì, nói đi vệ sinh hay mặc quần áo thì cháu đều làm rất tốt, duy chỉ có phát triển ngôn ngữ là bé trở nên ít nói và lười nói hẳn.

Tôi rất lo lắng không biết cháu gặp vấn đề gì? Cháu thể hiện cảm xúc rất tốt, biết chia sẻ và nghe lời, biết an ủi và vỗ về khi em bé khóc. Tôi không biết tại sao cháu lại trở nên lười nói?

Đỗ Xuân Trường
Đỗ Xuân Trường
Trả lời 8 năm trước

Bé nhà chị 28 tháng tuổi, nói được một số từ đơn khi cháu chơi với các bạn hoặc bé chơi một mình nhưng không chịu nói theo khi có người khác can thiệp. Sự phát triển của cháu hoàn toàn bình thường tuy nhiên bắt đầu từ tháng thứ 17 cháu có những biểu hiện giảm dần sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp nhưng vẫn có sự giao tiếp bằng cử chỉ, bé hiểu toàn bộ những mệnh lệnh mà người khác đưa ra. Vấn đề mà chị đang lo lắng là sự phát triển của bé có phù hợp với lứa tuổi hay không và không hiểu tại sao bé lại có hiện tượng ít nói.

Qua những thông tin chị cung cấp thì cháu có biểu hiện của thoái hóa ngôn ngữ. Hiện tượng này thường xảy ra với những trẻ có rối nhiễu phát triển hoặc những trẻ có rối loạn tự kỷ. Tuy nhiên bé nhà chị lại nghe hiểu ngôn ngữ bình thường, vì vậy phần nhiều cháu nằm trong diện trẻ có rối loạn về ngôn ngữ. Để biết chắc chắn, gia đình nên đưa cháu đến thăm khám ở các cơ sở y tế hoặc các trung tâm hỗ trợ về tâm lý để có định hướng can thiệp sớm cho con.

Ngoài ra, gia đình cũng nên thường xuyên giao tiếp với trẻ thông qua việc đặt các câu hỏi cho trẻ với những hiện tượng sự vật xung quanh bé. Cha mẹ nên đưa con đến những nơi công cộng để tạo môi trường giao tiếp thoải mái cho trẻ. Ở trong gia đình, cha mẹ kiên nhẫn cùng chơi với con những trò chơi phù hợp với lứa tuổi của con để kích thích con phát âm những từ đơn giản nhất. Khi trẻ nói, nên yêu cầu trẻ tập trung mắt nhìn vào người đối diện và nói chậm những từ mà trẻ muốn phát âm để trẻ có thời gian quan sát và làm theo.

Chúc chị và cháu sớm đạt được thành công.

Vũ Thị Hằng
Vũ Thị Hằng
Trả lời 8 năm trước

Mẹ có thể làm một số biện pháp sau để bé không lười nói nhé. Bé nhà bà chị mình trước lúc 3 tuổi cũng tự nhiên lười nói hẳn, chỉ hỏi ép bé nói thì bé mới mở lời, còn không thì chỉ im lặng, chẳng đáp lời ai, mặc dù trước đó cứ líu lo mãi. Lúc ấy cũng lo lắm, nhưng rồi phát hiện ra đều là vì tâm lý và vì người lớn cả.

1. Đừng phản ứng bằng phi ngôn ngữ

Khi bé muốn với tay lấy chiếc cốc mỏ vịt và hét lên, bạn đừng ngay lập tức đưa cốc cho con mà không nói một lời nào. Hãy động viên bé nói ra những gì bé muốn, dù chỉ là những câu “ê, ê…a, a” chưa có nghĩa. Bạn cũng có thể nhẹ nhàng hỏi bé: “Con muốn cốc à?”.

Bé sẽ hiểu, phải dùng ngôn ngữ để diễn đạt ý, chứ không phải hét toáng lên là được đáp ứng ngay.

2. Nói chuyện với bé

Nghe mọi người trong nhà trò chuyện khác với việc bé được người thân hỏi chuyện. Hãy nói chuyện với con và chờ bé đáp lời lại. Đó là cách để phát triền ngôn ngữ cho bé.

3. Nói rõ ràng và phát âm đúng

Người lớn thường có xu hướng nói quá nhanh. Khi trò chuyện với bé, thử nói chậm và phát âm rõ.

4. Đọc sách cùng bé

Những cuốn sách có hình ảnh đẹp luôn thu hút các bé. Hãy chỉ tay vào đồ vật và gọi tên chúng. Đọc một cuốn sách thường xuyên và đặt những câu hỏi cho con như: “Ôtô đâu rồi?”, “Con sư tử nói gì nhỉ?”…

5. Gọi tên đồ vật

Khi thấy bé hứng thú với thức ăn hay đồ chơi, cha mẹ cần gọi tên chúng. Hãy cho bé cơ hội để nói những từ mới, như: “Đây là xe tải. Xe tải, xe tải”.

6. Diễn đạt thành lời hành động của bé

Đưa cho bé 2 quyển sách, 2 cốc mỏ vịt hoặc 2 cái áo và hỏi: “Con thích cái màu đỏ hay màu xanh?”. Khi bé với tay tới cái mà bé chọn, bạn có thể diễn đạt bằng lời: “Ồ, con thích cái màu đỏ”.

Lưu ý: Chậm nói có thể do sinh lý bình thường, nghe kém, tự kỷ hoặc trục trặc phát triển khác. Bé trai có xu hướng biết nói chậm hơn bé gái.