Bão mạnh cấp 14, mưa 400mm - Hà Nội đối phó bão lụt thế nào?

Nguyen Thi Trang
Nguyen Thi Trang
Trả lời 13 năm trước

- Trước nguy cơ bão số 1 (dự báo mạnh cấp 14 và gây mưa tới 400mm) đổ vào Bắc bộ và trực tiếp ảnh hưởng đến Hà Nội, ngày hôm nay (16/7), UBND, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP Hà Nội đã có công điện khẩn gửi về công tác tổ chức phòng chống bão và lũ cũng như phòng chống ngập úng do bão gây ra.

Bão mạnh cấp 14

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, Hồi 07 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Nghệ An khoảng 630 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay (16/7) còn có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Sóng biển cao 6 - 8 mét. Biển động dữ dội.


Từ trưa và chiều hôm nay (16/7), vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Từ đêm ngày 16/7, vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh đến Quảng Bình gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9 - 10, giật cấp 11, cấp 12;


Từ sáng ngày 17/7 ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2 - 4 mét. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Ảnh minh họa

Ảnh đường đi cơn bão số 1 chụp từ vệ tinh lúc 7 giờ sáng ngày 16/7


Theo dự báo thì khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão đến Hà Nội là rất lớn, đặc biệt là mưa to gây úng ngập. Ngày 13/7 vừa qua, trận mưa mới chỉ ở cường độ 150mm trong 2 giờ đồng hồ, trong khi đó trận bão này dự kiến có thể gây mưa tới 400mm.

Để chủ động đối phó với mọi diễn biến bất lợi của bão, UBND - Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Thành phố Hà Nội đã có công văn hoả tốc yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã triển khai ngay các công tác phòng chống bão, úng ngập theo phương án đã xây dựng;

Các quận, huyện, thị xã cũng phải tổ chức kiểm tra công trình phòng, chống lụt, bão, úng để chủ động đối phó ngay từ giờ đầu các tình huống bất lợi về thời tiết. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối và vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người và tài sản; kiểm tra và sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa nước trên địa bàn; chủ động chuẩn bị dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo đời sống nhân dân ở những nơi bị chia cắt do úng ngập.

Các địa phương được cũng được yêu cầu tiếp tục củng cố tu bổ đê điều, hồ đập và các công trình trọng điểm phòng, chống lụt, bão, úng để đảm bảo an toàn; tổ chức 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên cập nhật thông tin và thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo kịp thời, chính xác về UBND Thành phố, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão, úng Thành phố để chỉ đạo.

Các sở, Ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị đóng trên địa bàn Thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao triển khai ngay nhiệm vụ phòng chống lụt, bão, úng theo phương án đã xây dựng.

Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy cứu trợ và Đảm bảo đời sống Thành phố chủ động triển khai phương án đã xây dựng, đối phó kịp thời khi có tình huống bất lợi xảy ra.

Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty cấp thoát nước Hà Nội tập trung lực lượng tiếp tục khơi thông hệ thống cống, rãnh kiểm tra đôn đốc, giám sát các đơn vị thi công giải toả các vật cản gây tắc nghẽn trên hệ thống tiêu thoát nước nội thành; có giải pháp thoát nước đối với các vị trí ngập cục bộ, phối hợp với các Công ty thuỷ lợi vận hành có hiệu quả các trạm bơm tiêu cho khu vực nội thành; Chỉ đạo Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh cắt lá, tỉa tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ gãy mất an toàn; kiểm tra các công trình xây dựng cao tầng, chằng chống cần cẩu, cần trục để đảm bảo an toàn khi mưa bão xảy ra.

Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ chủ động bố trí lực lượng, các trang thiết bị tại các điểm có khả năng úng ngập cục bộ; kịp thời xử lý, ứng cứu, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự; Bộ Tư lệnh Thủ đô thường xuyên nắm chắc tình hình, chuẩn bị lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Thành phố cũng giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, các hồ chứa và các công trình thuỷ lượi; triển khai phương án phòng, chống úng, ngập, chỉ đạo các công ty thuỷ lợi sẵn sàng phương án tiêu úng và hỗ trợ cho khu vực nội thành.

Công ty Đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội, các công ty thuỷ lợi tổ chức kiểm tra, rà soát các hồ chứa, triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, chủ động vận hành các trạm bơm tiêu, các cống tiêu tự chảy đảm bảo hiệu quả việc tiêu úng; công ty điện lực đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố, ưu tiên cấp đủ điện ổn định cho các trạm bơm hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng.

Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão, úng Thành phố có nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, úng ngập, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo kịp thời về Thành uỷ, UBND, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, úng Thành phố để tập trung chỉ đạo.

Rút kinh nghiệm sau trận mưa ngày 13/7

Sáng 13/7 vừa qua, trận mưa lớn với cường độ mưa đến 150mm trong 2 giờ đã quá năng lực hệ thống thoát nước của Thành phố và gây úng ngập tại 25 điểm. Để chủ động phòng, chống ngập khi có mưa lớn tiếp tục xảy ra, Thành phố yêu cầu Ban Quản lý dự án giao thông đô thị khẩn trương hoàn thành kết nối đoạn cống (3-4m) trên mương Thái Hà (đoạn giữa phố Thái Thịnh) trước ngày 20/7 để đảm bảo việc tiêu thoát nước cho các khu vực Thái Hà, Thái Thịnh, Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng.

Thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải không được cấp phép đào hè, đường đối với các trường hợp thi công đặt rãnh vỉa trong thời gian từ nay đến hết năm 2010; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Rà soát các tuyến đường thường xảy ra ngập tương ứng với lượng mưa trên địa bàn để bố trí lực lượng, thiết bị hướng dẫn, tổ chức giao thông cho phù hợp; thực hiện tôn vuốt mặt đường tại các điểm cần thiết để hạn chế úng ngập; hoàn chỉnh lát hè trước vườn hoa Đại học Thuỷ lợi và ĐH Công đoàn trước 20/7; Thi công hạ ngầm các đường dây cáp tại các điểm xây dựng cầu vượt cho người đi bộ trên phố Thái Hà, Tây Sơn để hoàn thành thi công cầu vượt trong tháng 8; kiểm tra, xử lý việc thoát nước trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn phía trước Trụ sở Công ty Cầu 7) đồng bộ với chỉnh trang truyên tuyến, không để úng ngập cục bộ.


Ảnh minh họa

Trận mưa sáng 13/7 khiến Hà Nội bị ngập nặng tới 25 điểm


Thành phố yêu cầu Ban quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn khẩn trương hoàn thiện các hố ga trên tuyến Phố Huế - Hàng Bài; Công tác tổ chức kiểm tra, giám sát kỹ thuật thi công các dự án công trình hạ tầng đô thị phải được tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố định kỳ ngày 3 lần.


Các cơ quan liên quan phải kiểm tra từng rãnh thoát nước mới thi công để giao Công ty Thoát nước Hà Nội tổ chức nạo vét, vệ sinh đất, cát, phế thải, hoàn thành trước 25/7.


Đặc biệt, Thành phố giao Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng chỉ đạo việc bàn giao ngay hệ thống thoát nước, trạm bơm thoát nước hầm cơ giới Kim Liên từ Công ty công trình giao thông Hà Nội sang Công ty Thoát nước Hà Nội quản lý trước ngày 25/7 để vận hành. "Trong thời gian từ nay đến lúc bàn giao, hai cơ quan này phải phối hợp vận hành hệ thống thoát nước để đảm bảo tiêu thoát kịp thời, không để ảnh hưởng đến giao thông trong bất kỳ tình huống nào".

(Theo vietbao)