Đánh giá chi tiết Sony VAIO VPCF133FX?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Sony là 1 nhãn hiệu rất được ưa chuộng không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Để đạt được thành công ngày nay, hãng Sony đã gầy dựng thương hiệu từ rất lâu với các sản phẩm điện tử có độ bền cao theo thời gian cùng chế độ hậu mãi tốt. Trong thị trường laptop, Sony cũng là 1 thương hiệu danh giá với các laptop có thiết kế đẹp, bền nhưng giá bán vẫn còn hơi cao so với mặt bằng chung các thương hiệu khác. Dĩ nhiên, giá trị của một chiếc laptop Sony không chỉ nằm ở thiết kế mà còn cả ở thương hiệu danh tiếng: VAIO.

Và cái tên Sony VAIO thường được người dùng nghĩ đến với các laptop đẹp, sành điệu, khỏe và đắt; Sony VAIO chưa có bất kỳ một dòng “đặc dụng” nào dành cho Game. Khi cầm trong tay các laptop như Asus ROG Series, Dell Alienware, … nhìn vào người khác sẽ đoán biết ngay chủ sở hữu rất nhiều khả năng là game thủ. Laptop Sony Vaio chỉ dành cho người người sang trọng, đẳng cấp với sở thích đơn thuần là giải trí với nhạc và phim ảnh? Đúng nhưng chưa hoàn chỉnh, các máy Sony VAIO vẫn đủ sức để chúng ta có thể mãn nhãn bên cạnh những hiệu ứng ấn tượng của thế giới game. Vấn đề không nằm ở kiểu dáng bên ngoài mà ở “nội lực” bên trong chiếc laptop, đúng không nào? Lần này, vozExpress sẽ mang đến cho bạn đọc 1 bài đánh giá chi tiết về model Vaio thuộc F Series của Sony, tên mã là VPCF133FX với cấu hình được xếp vào loại khá khủng và giao tiếp USB3.0 tốc độ cao.

Cấu hình chi tiết

  • Vi xử lý: Intel Core i7 740QM (1.73GHz, 6MB L3 cache, Hyper Threading)
  • Chipset: Mobile Intel PM55 Express Chipset
  • Bộ nhớ: 4GB DDR3 Bus 1333MHz Elpida
  • Ổ đĩa quang: Optiarc Blu-ray Combo
  • Ổ cứng: 500GB SATA 2 5400rpm
  • Chip đồ họa: Nvidia GeForce GT 425M 1GB VRAM
  • Màn hình: 16.4-inch gương (1600 x 900) LED backlit công nghệ XBRITE-ECO
  • Wireless: Atheros AR9287 802.11n
  • Pin: Li-ion 6 cell 5,000mAh | 54Wh
  • Hệ điều hành: Genuine Windows 7 Home Premium 64-bit

Tổng quan thiết kế bên ngoài

Vỏ hộp ngoài của sản phẩm vẫn mang thiết kế cổ điển, truyền thống của Sony với màu đen chủ đạo. Toàn cảnh hộp sản phẩm không hề toát lên vẻ cao cấp và đắt tiền, nhưng bên trong là 1 laptop đắt giá. Để ý 1 chút ngoài vỏ hộp, nổi bật lên là 1 logo màu xanh trông khá quen thuộc đấy chứ – logo Blu-ray; vậy là VPCF133FX trang bị ổ đĩa Blu-ray, 1 tí tiết lộ về sản phẩm cao cấp bên trong chăng?

Bắt đầu khui thùng, cách đóng gói thùng hộp của Sony quả thật là tôi không thích lắm – hơi khó khăn khi lấy sản phẩm bên trong. Tôi thích kiểu đóng gói hộp dạng vỏ sò hơn (trước đây có vài model Sony Vaio được đánh giá tại vozExpress có cách đóng hộp dạng này), tuy nhiên kiểu hộp truyền thống lại có vẻ chắc chắn hơn khi giữ sản phẩm lúc vận chuyển. Sony Vaio VPCF133FX rất đơn giản về phụ kiện; đi kèm máy chỉ có adapter, dây nguồn và sách hướng dẫn, tuyệt nhiên không hề có đĩa hay các phụ kiện khác. Điều này cũng dễ hiểu vì toàn bộ Windows và những thứ linh tinh cần thiết đã nằm sẵn trong phân vùng ẩn trên ổ cứng máy.

Vaio VPCF133FX xuất hiện khá hoành tráng với kích thước lớn, vẻ ngoài sang trọng với màu sơn xám xanh, nổi bật bên trên là logo Vaio cách điệu được làm bằng kim loại và nằm chìm xuống mặt vỏ máy; logo Sony khiêm tốn nằm giữa cạnh trên với kích thước nhỏ. Máy trông khá to đấy, nhưng độ dày không lớn lắm, cảm giác cầm máy khá nặng và chắc tay. VPCF133FX có cân nặng 2.98Kg với pin 6 cell đi kèm, nếu tính cả adapter là 3.45Kg. Nếu bạn sắm sửa F133FX với mục tiêu biến nó thành cỗ máy tính di động và có khả năng giải trí phức tạp thì chúc mừng bạn, không sớm thì muộn bạn cũng lực lưỡng với cơ vai cuồn cuộn (các cơ còn lại thì bình thường :D)

Mặt sau máy trông đơn giản và sạch sẽ, các khe thông gió nằm tập trung chủ yếu ở cạnh dưới (mặt trên là phần lót tay) và chính giữa máy. Ốc vít xuất hiện không nhiều lắm nhưng khá đầy đủ ở những phần thiết yếu, một phần nhờ vào các nắp che RAM, HDD được thiết kế với ngàm gài vào thân máy. Hai cạnh bên mặt dưới được vát xéo, tạo cảm giác độ dày máy giảm đi khi nhìn vào. Tôi để ý thấy 1 decal “backstage lost & found” cùng số điện thoại và website sony.com/found dành cho những trường hợp đánh mất máy, người nhặt được sẽ liên hệ để trả lại, hy vọng vậy!

Các cổng giao tiếp

Cạnh trước của máy đơn giản với các cổng giao tiếp, đèn báo nằm tập trung bên trái. Từ trái sang phải gồm đèn báo sạc pin, đèn hoạt động của ổ cứng, công tắc wireless và đèn báo tình trạng hoạt động, khe cắm MagicGate cùng đầu đọc thẻ nhớ đa định dạng và đèn báo tình trạng hoạt động của 2 khe cắm này nằm ngay giữa.

Cạnh trái máy tập trung khá nhiều giao tiếp, từ trái sang phải gồm ngõ cắm adapter, lỗ khóa Kensington, khe thoát nhiệt, RJ45, D-Sub, HDMI, eSATA/USB combo, khe cắm card mở rộng ExpressCard, IEEE 1394. Bạn đọc có để ý thấy màu đồng không?

Sony Vaio VPCF133FX trang bị khối tản nhiệt bằng đồng nguyên chất để giải quyết vấn đề tỏa nhiệt của hệ thống cao cấp này. Với khả năng truyền dẫn nhiệt rất tốt, các lá tản nhiệt làm bằng đồng sẽ đảm đương tốt hơn vai trò giải nhiệt cho các phần cứng bên trong, bao gồm bộ xử lý Core i7 và card GT 425M, vốn ngốn điện và tỏa nhiệt rất dữ.

Cạnh sau của máy không hề có cổng giao tiếp nào cả, hạn chế sự bất tiện cho người dùng khi phải lui cui cắm thiết bị nếu các cổng giao tiếp được thiết kế đằng sau máy. Để ý thấy bên phải là chú thích của Sony về ngõ cắm adapter với nguồn DC 19.5V.

Cạnh phải của máy với diện tích chiếm nhiều nhất là ổ Blu-ray combo, công tắc nguồn chính (có đèn xanh lá khá đẹp) và 2 cổng USB màu xanh quen thuộc gần đây – USB 3.0, cùng với 2 ngõ cắm dành cho audio với mã màu giúp dễ phân biệt: đỏ dành cho mic, đen dành cho headphone/loa ngoài.

Sony Vaio VPCF133FX trang bị đầy đủ các giao tiếp cần thiết cho người dùng, phục vị đầy đủ nhu cầu từ bình thường đến cao cấp. Cá nhân tôi nghĩ VPCF133FX nên trang bị thêm từ 1 đến 2 cổng USB 2.0 nữa dù đã có sẵn 3 cổng (2 x USB 3.0/2.0 và 1 x eSATA/USB combo), lý do vì càng ngày các thiết bị dùng chuẩn cắm USB càng phổ biến. Với người chuyên dùng bàn phím và chuột ngoài như tôi đã tiêu tốn hết 2 cổng USB, chỉ còn lại 1 cồng cho USB flash drive, ổ cứng di động, sạc điện thoại và hàng tá thứ linh tinh khác… thì 1 cổng là không đủ; một giải pháp khá là trang bị thêm 1 USB hub.

Bàn phím

Sony Vaio VPCF133FX có bàn phím full-size với cả phần phím số dành cho việc chơi game hoặc thường xuyên dùng máy tính, nhập dữ liệu số học. Bàn phím dạng chiclet với bề mặt phím mờ, không in dấu vân tay trong quá trình sử dụng. Các phím bấm có diện tích bề mặt lớn, khoản các giữa các phím rộng và hợp lí, và tôi đặc biệt thích thú khi bàn phím có đèn nền.

Lúc bật máy thì đèn nền phím sáng, nhưng khi vào Windows thì lại tắt; những tưởng khi gõ phím sẽ sáng nhưng không, tôi bắt đầu tìm cách tinh chỉnh. Nhưng khi tìm kiếm trên các phím với chữ màu xanh (kết hợp cùng phím Fn), tôi hoàn toàn không thấy sự kết hợp nào dùng để bật, tắt hoặc điều chỉnh đèn nền phím cả. Tiếp tục restart máy để vào BIOS và tiếp tục thất vọng: không có tùy chọn tinh chỉnh ở đây. Quái, vào Windows mà không dùng được đèn nền phím thì Sony thiết kế đèn nền để chưng hoặc dùng trong BIOS à?

Tiếp tục mò mẫm, tôi để ý thấy cạnh đèn báo Num Lock, Caps Lock và Scroll Lock có gì đó quen quen; à, thì ra đây là cảm biến ánh sáng. Quên vụ bàn phím, tôi thử che cảm biến xem khả năng đáp ứng của cảm biến thế nào khi thay đổi độ sáng màn hình. Chờ và chờ nhưng không có thay đổi, trong khi ấy đèn nền phím lại bật sáng. Đến giờ tôi mới biết là cảm biến ánh sáng này dùng cho đèn nền. Đèn nền có 2 chế độ sáng tương ứng với độ sáng của môi trường làm việc. Công nghệ cao đấy, nhưng bản thân tôi vẫn thích tự tay điều chỉnh hơn, vì biết đâu bạn cần làm việc vào buổi tối, dùng bàn phím ngoài và đèn nền phím trên laptop cứ làm mất tập trung…

Cảm giác gõ phím trên VPCF133FX khá tốt, phím mềm, nhẹ và độ nảy tốt. Hành trình phím hợp lí và tình trạng flex khi gõ rất ít (chỉ xảy ra ở cụm phím nửa bên phải). Khoảng cách giữa các phím rộng, cụm 4 phím mũi tên được đặt lệch xuống dưới 1 chút, tạo thêm không gian để nới rộng các phím mũi tên. Thao tác trên bàn phím khá tốt và thoải mái, tôi cứ nghĩ Sony mang cả bàn phím chuẩn vào VPCF133FX khi kích thước toàn bàn phím nếu so sánh với bàn phím rời chỉ khác biệt 1 chút …

Ngoài ra, ngay phía trên bàn phím chính là các phím nóng của máy gồm Display Off (tắt màn hình khi cần rời máy 1 chút), các phím điều chỉnh trong Windows Media Player, Assist (gọi chương trình Vaio Care), S1 (mặc định gọi Vaio Control Center nhưng có thể tùy chỉnh sang chương trình khác) và Vaio (gọi thư viện ảnh).

Touchpad

Phần touchpad trên Sony Vaio VPCF133FX có diện tích di chuột khá to so với các laptop khác; tuy nhiên để ý thấy vẫn còn khoảng trống kha khá, nếu nhà sản xuất tận dụng luôn cả phần diện tích dư xung quanh, touchpad của máy sẽ hoàn hảo hơn. Có 1 điều cá nhân tôi không thích ở các laptop Sony Vaio, các decal quảng cáo về tính năng của máy được dán đầy ở phần kê tay, phần nào làm mất đi vẻ đẹp vốn có của máy. Như trong hình, decal “Why VAIO” có kích thước còn to hơn cả touchpad, phần di chuột gần như hoàn toàn bị lấn lướt bởi decal 2 bên. Một điều khác là hầu như rất ít người đọc những gì được viết trên các decal này, cá nhân tôi cũng thế; đó là lý do tại sao tôi phải mò mẫm mới biết được đèn nền phím dùng cảm biến ánh sáng (được quảng cáo trong decal nhỏ bên trái, icon thứ 3).

Touchpad khá đơn giản với 2 phím trái phải, hoàn toàn không có sự xuất hiện của 1 loại bảo mật tăng cường: đầu đọc dấu vân tay. Trên 1 model cao cấp như VPCF133FX, thiết nghĩ nếu thêm đầu đọc vân tay thì cũng không tăng thêm giá thành là bao nhưng thiết bị này chỉ xuất hiện chủ yếu trên các dòng máy business.

Bề mặt touchpad trơn láng, tô điểm bằng các hoa văn dạng chấm màu xám nhạt, gần tương tự như các vân nổi hình vuông ở phần nhựa lót tay. Touchpad di chuột khá nhạy, mượt nhưng kích thước nhỏ, không phù hợp với màn hình có độ phân giải đến 1600 x 900. Với thiết lập mặc định của máy, hoàn toàn không thể di chuột hết bề ngang màn hình khi di hết chiều dài touchpad. Cả 2 phím trái phải đáp ứng tốt, click chuột khá nhạy và mềm nhưng vẫn phát ra tiếng tách tách đanh gọn. Cảm ứng trên touchpad được sản xuất bởi Alps chứ không phải của thương hiệu Synaptics quen thuộc.

Vị trí đặt touchpad trên VPCF133FX nằm lệch về phía trái, vị trí đúng chuẩn khi nằm cân đối giữa phím F và phím J. Tuy nhiên, do máy có kích thước khá lớn nên tôi phải mất một ít thời gian để làm quen. Vài giờ đầu tiên sử dụng VPCF133FX, tôi chỉ di chuột trong khoảng ½ diện tích bên phải (lệch ra giữa). Driver dành cho Alps touchpad cũng khá bất hợp lí. Theo đó, touchpad hỗ trợ cảm ứng đa điểm với tính năng Flick Navigation, Pinch Zoom và Pivot Rotation, thế nhưng lại không hỗ trợ cuộn (scroll) bằng 2 ngón tay.

Màn hình

Sony Vaio VPCF133FX có màn hình to, kích thước 16.4-inch và hỗ trợ độ phân giải 1600 x 900. Với kích thước lớn và độ phân giải cao, diện tích làm việc trên màn hình được nhiều hơn, nội dung hiển thị cùng lúc cũng nhiều hơn những vẫn đảm bảo độ rõ ràng của các ký hiệu, chữ viết (ở thiết lập mặc định), giảm việc cuộn chuột liên tục. Bản lề màn hình tương đối nhỏ so với kích thước, nhưng đáng chú ý là bản lề này rất cứng cáp và chắc chắn, khi đã mở đến góc nhìn phù hợp và có tác động lực, không có dấu hiệu cho thấy màn hình bị rung lắc do khớp bản lề và vẫn giữ đúng vị trí.

Có lẽ khắc phục khuyết điểm của các model laptop trước đây, VPCF133FX có viền 2 cạnh bên màn hình cứng chắc hơn rất nhiều, tác động mạnh vào không thấy ảnh hưởng đến panel chính. Phần viền trên và dưới tuy chưa chắc chắn lắm, nhưng tác độ lực cũng không ảnh hưởng đến panel. LCD của máy được phủ gương, độ sáng màn hình cao, hình ảnh hiển thị sắc nét và rõ ràng. Khi soạn thảo văn bản bằng Microsoft Word, dùng font chữ Arial và size 10, thậm chí là 9 và 8, chữ viết vẫn thể hiện rõ ràng, sắc nét và dễ đọc.

VPCF133FX có LCD lớn, xem phim tốt hơn. Màu sắc hiển thị trên LCD sáng đẹp, hình ảnh tốt; thời gian đáp ứng của màn hình tốt, khi chơi game và xem phim với những cảnh hành động tốc độ cao, hiện tượng bóng ma không xuất hiện. Màn hình của máy có góc nhìn khá, góc nhìn 2 bên hơi ngả sang sắc đỏ nhưng vẫn hiển thị tốt, góc nhìn từ dưới lên hơi tối. Tuy nhiên có mấy ai lật ngửa hết độ mở của màn hình mà ngồi làm việc hoặc giải trí, vì thế các góc nhìn khác góc chính diện dường như không ảnh hưởng đến người dùng laptop.

Loa

VPCF133FX trang bị loa tích hợp cùng chip giải mã âm thanh Realtek ALC275. Một điều lạ là các chip âm thanh gần đây của Realtek như ALC892, ALC275 không hề xuất hiện trên website chính thức của Realtek nên việc tìm kiếm chi tiết dường như là không thể. Chỉ với 2 loa thành phần nhưng VPCF133FX có thiết kế phần vị trí loa khá hoành tráng, chiếm gần hết chiều dài máy, phủ bằng lưới trông sang trọng. Âm lượng của máy khá to, rõ, mở lớn không bị rè và méo tiếng. Do chỉ có 2 loa thành phần và không trang bị subwoofer tích hợp, âm thanh của VPCF133FX khá thiếu âm trầm, tập trung chủ yếu ở âm trung và cao.

Pin và thời gian sử dụng

Với 1 cỗ máy mạnh mẽ cùng vi xử lý Intel Core i7 4 nhân, card đồ họa rời GT 425M và màn hình lớn thì pin 6 cell 54Wh đi kèm hoàn toàn không thể gọi là pin mà nên gọi là UPS thì đúng hơn. Thật sự giờ đây pin theo máy chỉ còn nhiệm vụ lưu điện tránh trường hợp mất điện bất ngờ, còn nếu để mang theo làm việc thì lời khuyên là nên mang theo adapter và tìm chỗ ngồi có nguồn điện.

Thời gian dùng pin được thử nghiệm theo quy trình khá “nặng”, thời gian dùng pin thực tế có thể nhiều hơn hoặc ít hơn tùy hoàn cảnh sử dụng.

  • Xem phim: Tôi cho chương trình Windows Media Player chạy lại liên tục đoạn trailer phim Madagasca 2 được tải về từ Apple. Độ sáng màn hình thiết lập ở mức 100%, tôi không sử dụng loa mà dùng tai nghe với âm lượng thiết lập trong Windows là 75% (âm lượng trên WMP là 100%). Thời gian đo từ khi bắt đầu xem phim cho đến khi máy tự tắt vì pin còn 5% theo đúng thiết lập của Windows.
  • Chơi game: Tôi dùng phần mềm 3DMark06 cho chạy benchmark với thiết lập mặc định, loop liên tục cho đến khi máy tự tắt lúc hết pin. Độ sáng màn hình cao nhất, âm lượng ở mức 100% với tai nghe cắm rời qua jack 3.5mm trên thân máy
  • Lướt web: Tôi dùng phần mềm Mozilla Firefox 3.6 để lướt web. Sử dụng tiện ích miễn phí từ website www.sitereloader.com cho phép các website tự động load lại sau một khoảng thời gian do tôi thiết lập. Các website được cài thời gian reload khác nhau, một số trang có nhiều banner quảng cáo hay flash như 5giay.vn, vnexpress.net cũng được đưa vào thử nghiệm. Tổng số website được mở là 11 trang, trong đó có một trang từ mp3.zing.vn để chạy nhạc online và cũng tự reload. Firefox có cài thêm addon tự động chuyển sang các tab khác nhau sau 60 giây. Độ sáng màn hình ở mức 4 (tổng cộng 8 mức), tai nghe âm lượng 80%. Thời gian đo từ khi bắt đầu rút dây nguồn cho đến khi máy tự tắt.
  • Thời gian sạc pin: Cũng là một yếu tố cần quan tâm khác. Ngay khi máy tự động tắt, tôi cắm sạc và khởi động máy lại, thời gian bắt đầu tính từ thời điểm này. Khi pin được sạc đầy 100%, thời gian tính kết thúc. Trong quá trình sạc, tôi vẫn để máy chạy bình thường với các tác vụ game, lướt web, nghe nhạc, soạn thảo văn bản, độ sáng màn hình tối đa. Thời gian cũng được đo theo từng mức pin nhất định.

Trong quá trình vừa sạc pin vừa dùng máy, nhiệt độ máy có nóng lên đôi chút, nhiệt độ bề mặt của sạc 120W (19.5V – 6.2A) đi kèm máy dao động trong khoảng 56 – 570C (khá nóng).

Nhiệt độ và độ ồn

Nhiệt độ hoạt động của máy cũng được lấy mốc cao nhất: đo nhiệt độ khi đang chạy benchmark các game, nhiệt độ phòng khoảng 290C. Quạt tản nhiệt quay liên tục ngay cả khi máy trong trạng thái idle. Có lẽ nhờ trang bị khối tản nhiệt đồng, nhiệt độ vỏ máy được giữ ở mức không quá cao gây khó chịu cho người dùng. Tuy nhiên nếu chơi game trong thời gian dài, bạn nên dùng bàn phím và chuột rời; và 1 lời khuyên nữa là hạn chế đặt máy trên đùi đề làm việc, nhiệt độ tại khu vực khe thoát nhiệt và gần đó khá nóng.

Khi trong trạng thái idle, máy làm việc khá êm ái, gần như không nghe tiếng quạt tản nhiệt. Nhưng nếu stress máy bằng Cinebench, quạt tản nhiệt bắt đầu chạy ở 100% tốc độ, độ ồn lúc này tương đối cao, cảm nhận rất rõ ràng ngay cả khi cách xa máy khoảng 2m trong phòng. Vấn đề này cũng không thật sự ảnh hưởng nhiều đến quá trình sử dụng của bạn. Khi chỉ sử dụng các ứng dụng giải trí và làm việc đơn giản, VAIO VCPF133FX đủ “ngoan ngoãn” để không khuấy động không gian làm việc của bạn. Còn khi bạn chơi game? Quan tâm làm gì, hoặc bạn sẽ đeo tai nghe, hoặc gắn loa rời, hoặc bạn quá tập trung vào game đến mức quên đi cả tiếng ồn đấy, chắc chắn thế!

Hiệu năng

Đầu tiên là phép thử với một vài ứng dụng cho văn phòng cũng như cho nhu cầu giải trí đa phương tiện, gồm có các phép thử với Excel 2007, Winrar 3.9 và Quicktime 7.6. Với Excel, chúng tôi cho chạy file Monter Carlo, là một bảng số liệu kế toán trong một năm của một công ty. WinRAR 3.9 có nhiệm vụ nén một file tạp chí định dạng PDF thành RAR, thời gian được tính bằng đồng hồ bấm giờ. QuickTime 7.6 chuyển file video 720p Madagasca dung lượng 76MB thành file dùng cho iPhone, tương tự như WinRAR, chúng tôi dùng đồng hồ bấm giờ để đo thời gian sử dụng.

Tiếp theo là benchmark bằng phần mềm chuyên dụng rất quen thuộc với nhiều người: PCMark Vantage…

Hai phần mềm benchmark (phiên bản 64-bit) khả năng của CPU, đầu tiên là Cinebench R10…

… Cinebench R11.5 mới nhất …

Geekbench 2.1

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Game

Với card đồ họa rời Nvidia GeForce GT 425M 1GB VRAM kết hợp cùng vi xử lý Intel Core i7 740QM, VPCF133FX dĩ nhiên sẽ tiếp tục chinh phục các tựa game đỉnh hiện tại. Đầu tiên là phép thử với 3DMark06

Thử nghiệm với các game thông dụng như Resident Evil 5, The Last Remnant và Far Cry 2 với 2 độ phân giải: 1360 x 768 để tăng tính so sánh với các laptop trước đây và 1600 x 900 để xem hiệu năng trên độ phân giải chuẩn ra sao.

Chúng tôi sử dụng các thiết lập tương tự như khi thử nghiệm các card đồ họa dành cho máy để bàn, 16 x AF, 4 x AA ở 2 độ phân giải như trên. Các tính năng game và thiết lập đồ họa khác ở mức tối đa. Nhìn chung VPCF133FX vượt qua các game “nhẹ nhàng” này, đủ khả năng chinh chiến ở thiết lập đồ họa và độ phân giải cao nhất của máy.

Với Call of Duty: Modern Warfare 2 và Call of Duty: Black OPS, hệ thống đủ sức đưa game thủ vào các trận chiến long trời lở đất ngay cả ở thiết lập đồ họa cao nhất. Cả Modern Warfare 2 và Black OPS đều có số khung hình trung bình ngang ngửa nhau, khoảng 28fps. Tuy có 1 số đoạn khung hình sụt xuống khoảng 11fps nhưng nhìn chung không ảnh hưởng đến quá trình chơi và tận hưởng game.

Final Fantasy XIV cũng được đưa vào thử nghiệm. Tựa game nhập vai online này của Square Enix từng nổi đình đám với yêu cầu cấu hình cực khủng Intel Core i7 980X và GeForce GTX 480, 12GB RAM. Với VPCF133FX, Final Fantasy XIV đạt 1322 điểm với độ phân giải 1280 x 720.

Và còn gì nữa? Nvidia GeForce GT 425M hỗ trợ thư viện đồ họa DirectX 11 mới nhất cùng tính năng Tessellation mang đến hình ảnh chân thật hơn, đồng nghĩa với “độ nặng máy” cao hơn nhiều. Thử nghiệm với Unigine Heaven Benchmark 2.1 và tựa game ứng dụng DirectX11 H.A.W.X.2.

Với Unigine, quả thật đây là 1 phép thử nặng về DirectX 11 cùng Tessellation. Ở độ phân giải 1600 x 900 cùng thiết lập 16 x AF, 4 x AA, hệ thống bị kéo lê lết ở mức trung bình 7.8fps, max ở 14.2fps. Tiếp tục hạ thiết lập xuống còn 4 x AF và 0 x AA, kết quả có khả quan hơn với trung bình 10.4fps. Thật sự Unigine Heaven là 1 phép thử mà ngay cả các card đồ họa rời dành cho máy để bàn còn phải kiêng nể, thì việc VPCF133FX lê lết trong phép thử này cũng là điều dễ hiểu.

Qua H.A.W.X.2, ứng dụng thực tế trong game (dù rằng tôi không cảm nhận thấy Tessellation nhiều lắm) nhưng game thủ có thể chơi mượt được với trung bình 27fps ở thiết lập cấu hình cao nhất.

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Cổng USB 3.0

Được trang bị 2 kết nối USB 3.0 hiện đại nhất, lần này chúng tôi sẽ thử nghiệm tốc độ của cổng USB 3.0 trên VPCF133FX bằng ổ cứng di động giao tiếp USB 3.0 ADATA Nobility NH01 320GB. Do có 1 số vấn đề xảy ra với ổ cứng di động WD My Book Essential dùng giao tiếp USB 2.0 nên chúng tôi không thể so sánh tốc độ với ổ cứng di động USB 2.0. Thay vào đó, chúng tôi sẽ benchmark thử tốc độ của ổ cứng Seagate 5400rpm giao tiếp SATA2 bên trong máy để bạn có cơ sở so sánh tốc độ với cổng USB 3.0.

Ở đây, các phần mềm dùng để thử nghiệm gồm có CrystalDiskMark 3.0, HD Tune 2.55, HD Tach 3.0.4.0 và ATTO Disk Benchmark, tất cả đều là phiên bản miễn phí. Với tốc độ nhanh, việc VPCF133FX trang bị 2 cổng USB 3.0 là rất đáng giá, tốc độ sao chép dữ liệu tăng lên đáng kể sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi. Đặc biệt, khi giá các ổ cứng USB3.0 cũng không còn quá đắt và những đợt hàng đầu tiên đã được bán rộng rãi tại Việt Nam với mức giá có thể chấp nhận được.

Kết luận

Sony Vaio VPCF133FX lại 1 lần nữa khẳng định đẳng cấp của mình dù cho giá thành có phần đắt hơn các đối thủ khác trên thị trường. Máy chủ yếu dùng thay thế máy để bàn nên hiệu năng hoạt động khá tốt, khả năng giải trí cao. Ngoài ra, USB 3.0 là một sự nâng cấp đáng giá khác, đặc biệt là khi bạn cần truyền tải dữ liệu dung lượng lớn mà các phim HD là một ví dụ rất đặc trưng. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng về nhu cầu sử dụng thực tế trước khi quyết định đưa anh chàng bự con Sony VAIO VCPF133FX về nhà. Liệu bạn có thường xuyên đem laptop ra ngoài hay không? Phương tiện di chuyển của bạn là gì, xe máy hay ô-tô? Bạn có thực sự cần phải hy sinh khả năng linh động để đổi lấy một không gian làm việc thoải mái, rộng rãi hơn? Một khi bạn đã chắc chắn với những câu trả lời của mình, VAIO VCPF133FX là một trong những chiếc laptop tuyệt vời trong phân khúc máy laptop có kích thước màn hình lớn.

Ưu điểm:

  • Thân máy chắc chắn, thiết kế tốt
  • Bàn phím lớn, cảm giác gõ phím ổn, có phím số
  • Touchpad di chuột tốt
  • Cấu hình mạnh mẽ
  • Giao tiếp USB 3.0
  • Có ổ quang Blu-ray

Khuyết điểm

  • Hoạt động còn ồn
  • Không có cuộn 2 ngón tay
  • Nóng khi làm việc trong thời gian dài

Cảm ơn SaigonLab đã hỗ trợ sản phẩm giúp chúng tôi hoàn thành bài viết này. Giá tham khảo Sony Vaio VPCF133FX tại SaigonLab: 29.650.000 đồng.