Đánh giá nhanh Samsung Ativ Book 9 Plus: thiết kế đẹp, màn hình phân giải siêu cao, hiệu năng tốt?

thu
thu
Trả lời 10 năm trước

Ativ Book 9 Plus là chiếc máy kế thừa dòng Ultrabook Series 9 của Samsung. Sở hữu thiết kế tương tự người tiền nhiệm nhưng lần này, Samsung đã trang bị cho máy chiếc màn hình cảm ứng đa điểm với độ phân giải 3200 x 1800 qHD+ cao nhất từ trước đến nay trên thị trường laptop Windows, cùng với việc nâng cấp vi xử lý lên thế hệ Intel Haswell. Mình đã vừa mượn được Ativ Book 9 Plus từ Tạp Hóa Thiên Hồng và dưới đây xin gởi đến các bạn bài đánh giá nhanh sản phẩm này.

Thiết kế:

Samsung_Ativ_Book_9_Plus-5-5.
Samsung_Ativ_Book_9_Plus-14-14. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-1. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-2-2. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-3-3. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-4-4. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-18-18.


Ativ Book 9 Plus sở hữu một thiết kế thanh thoát tương tự Samsung Series 9. Máy được chế tạo từ nhôm với tông màu chủ đạo vẫn là xanh xám nòng súng, hơi sần nên cảm giác cầm máy trên tay rất thích và có độ bám tốt. Với trọng lượng khoảng 1,3 kg, thiết kế mỏng nhưng nhờ chất liệu kim loại nên Ativ Book 9 Plus là một chiếc Ultrabook nhẹ nhưng chắc chắn. Nắp máy đơn giản với logo Samsung khắc nổi, màu bạc phay xước khá tinh xảo. Phần nắp máy hơi cong về các cạnh chứ không phẳng hoàn toàn, tạo sự liền mạch với thiết kế tổng thể. Các cạnh được thiết kế dạng mặt cắt ngang, phay xước màu bạc, tạo sự phân tách rõ ràng giữa màn hình và phần còn lại của máy.

Samsung_Ativ_Book_9_Plus-8-8.
Samsung_Ativ_Book_9_Plus-6-6. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-7-7. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-9-9.


Mở nắp máy, bên trong là màn hình 13,3”, khoảng cách từ màn hình đến viền đo được là 1,2 cm ở 2 cạnh trái phải, 1,5 cm ở cạnh trên nơi có chứa webcam và 2 cm ở cạnh dưới với logo Samsung. Là một chiếc màn hình cảm ứng nên màn hình và viền đều được phủ kính, cộng với phần màu đen của viền khiến màn hình có cảm giác lớn hơn so với kích thước thực tế. Một điểm đáng chú ý khác về thiết kế màn hình của Ativ Book 9 Plus là phần bản lề. Máy có 2 bản lề đặt tại 2 phần dày ở cạnh sau và nó cho góc mở màn hình đến 180 độ, tức là ngang bằng với bàn phím. Với thiết kế này, chiếc màn hình cảm ứng của Ativ Book 9 Plus sẽ trở nên “lợi hại” hơn khi có thể chia sẻ nội dung và cho phép thao tác, chẳng hạn như chơi game cùng lúc với nhiều người.

Samsung_Ativ_Book_9_Plus-21-21.

Samsung_Ativ_Book_9_Plus-23-23. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-24-24.

Nội thất bên trong của Ativ Book 9 Plus khá đơn giản với bàn phím tiêu chuẩn có đèn nền backlit màu xanh nhạt, tiệp với tông màu máy. Thiết kế phím dạng chiclet với các phím rời rạc, khoảng cách giữa các phím khoảng 3,5 mm và kích thước các phím ký tự là 1,5 x 1,5 cm, khá lớn. Layout phím được bố trí hợp lý khiến việc thao tác trên bàn phím rất thoải mái và dễ làm quen. Mặc dù phím được làm khá mỏng, khoảng 1 mm nhưng cảm giác gõ rất tốt, nhẹ nhàng, không flex và ít sót ký tự khi gõ nhanh. Các phím điều hướng cũng được bố trí tách biệt và dễ bấm nhờ việc bỏ bớt phím Context Menu giữa 2 phím Alt L và Ctrl L.

Samsung_Ativ_Book_9_Plus-22-22.


Bên dưới bàn phím là bàn rê đa điểm kích thước 10,3 x 6,8 cm, đặt chính giữa khu vực chiếu nghỉ tay và hơi lệch sang phải so với phím Space. Bàn rê được thiết kế hơi lõm xuống so với mặt phẳng của chiếu nghỉ để hạn chế tình trạng lòng bàn tay chạm vào bàn rê làm nhảy trỏ chuột khi gõ phím. Bề mặt bàn rê được phủ kiếng cho cảm giác thao tác và độ chính xác cao. Với một chiếc màn hình phân giải lớn thì độ chính xác của bàn rê rất quan trọng khi chúng ta phải rê một quãng đường xa hơn để di chuyển trỏ chuột. Samsung đã làm rất tốt điều này và qua trải nghiệm sử dụng thực tế, mình thật sự hài lòng về chất lượng và tính khả dụng của bàn phím và bàn rê trên Ativ Book 9 Plus.

Samsung_Ativ_Book_9_Plus-16-16.
Samsung_Ativ_Book_9_Plus-17-17. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-29-30. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-30-29.


Về các cổng kết nối, Ativ Book 9 Plus bố trí các cổng tương tự Series 9 đó là đặt tại vùng dày nhất của 2 cạnh máy 2 bên. Cạnh máy được làm mỏng tại rìa trước và dày dần ra sau như hình giọt nước. Đây cũng là điểm dày nhất của máy và lợi dụng khoảng trống này, Samsung đã bố trí 2 bên 2 cổng USB 3.0 đặt chính giữa đồng thời bố trí phiên bản thu nhỏ của các cổng kết nối khác. Cụ thể, bên cạnh trái, sát cổng USB 3.0 là cổng microHDMI và cổng RJ-45 thu nhỏ. Bên cạnh phải, sát cổng USB 3.0 là jack tai nghe 3.5 mm và một cỏng thu nhỏ chuyển đổi ra VGA. Mặc dù “mang tiếng” là đầy đủ các cổng kết nối nhưng người dùng buộc phải mua thêm các adapter nếu muốn khai thác tất cả các cổng này. Vì vậy, thực tế 2 cổng khả dụng trên Ativ Book 9 Plus chỉ còn lại USB 3.0 và buộc lòng Samsung phải “đánh đổi” cho độ mỏng của máy. Tại mặt dưới cạnh trái, Ativ Book 9 Plus có một khe cắm thẻ nhớ và thiết kế của chiếc khe này khá thông minh. Khi bạn đưa thẻ vào, nắp che sẽ bị đè xuống để lộ khe thẻ bên trong và khi rút thẻ ra, nắp che tự động đóng lại.

Màn hình & âm thanh:

Samsung_Ativ_Book_9_Plus-25-25.
Samsung_Ativ_Book_9_Plus-11-11. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-12-12. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-13-13. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-19-19. Samsung_Ativ_Book_9_Plus-20-20.


Điểm “ăn tiền” của Samsung Ativ Book 9 Plus chính là chiếc màn hình có độ phân giải cực cao 3200 x 1800 px qHD+. Độ phân giải này cao hơn cả chiếc Toshiba Kirabook (2560 x 1440 px) và đặc biệt có thêm tính năng cảm ứng 10 ngón tay. Màn hình sử dụng tấm nền PLS với mật độ điểm ảnh đạt 282 dpi và độ sáng 350 nit. Do đó, màn hình cho màu sắc rực rỡ nhưng trung thực, độ tương phản tốt khiến các mảng màu đen rất sâu, tiệp với màu viền màn hình. Và dĩ nhiên, độ phân giải cũng đồng nghĩa tỉ lệ thuận với độ chi tiết và sắc nét của hình ảnh. Ngoài ra, tấm nền PLS (tương tự tấm nền dùng trên iPad) cũng mang lại góc quan sát rộng. Samsung cho biết họ đã bổ sung một lớp phủ chống chói nhưng khi sử dụng ngoài trời, hình ảnh phản chiếu vẫn rất rõ ràng trên chiếc màn hình này. Vì vậy, nhược điểm hiển thị dưới nguồn sáng trực tiếp của màn hình kiếng vẫn chưa được khắc phục trên màn hình của Ativ Book 9 Plus.

Samsung_Ativ_Book_9_Plus-26-26.
Giao diện Desktop rất nhỏ nếu để ở tỉ lệ Text tiêu chuẩn.


Màn hình phân giải cao và tính năng cảm ứng khiến Ativ Book 9 Plus có lợi thế hơn so với các đối thủ cùng phân khúc. Tuy nhiên, hệ điều hành Windows 8 cài sẵn chưa thật sự phù hợp để sử dụng với độ phân giải này, đặc biệt là giao diện Desktop truyền thống. Nếu không tăng kích thước hiển thị, giữ tỉ lệ mặc định thì các yếu tố điều khiển như nút bấm, biểu tượng, giao diện, ký tự trên màn hình Desktop rất nhỏ và thật sự thì mình phải “căng mắt” để đọc. Nếu tăng tỉ lệ hiển thị của font chữ, giao diện sẽ dễ thao tác hơn nhưng bù lại, một số ứng dụng phía thứ 3 chưa hỗ trợ độ phân giải cao, giao diện của ứng dụng trở nên “lộn xộn”, chữ lồng nút, không còn đẹp nữa.

Về phần cảm ứng thì màn hình của Ativ Book 9 Plus hỗ trợ tối đa 10 điểm chạm, độ nhạy cao và mình không có gì phải phàn nàn về trải nghiệm cảm ứng trên chiếc màn hình này. Tuy nhiên, thiết kế máy tính lai dạng vỏ sò truyền thống và cảm ứng chưa tạo nên sự thuận tiện như thiết kế dạng màn hình xoay, trượt convertible hayy tháo rời dạng tablet. Theo cá nhân mình, nếu như Samsung thiết kế màn hình có thể gập hẳn ra sau thì trải nghiệm sử dụng Ativ Book 9 Plus sẽ rất khác và thậm chí có thể hơn thiết kế của Lenovo Yoga.

Samsung_Ativ_Book_9_Plus-28-31.


Về phần âm thanh, Ativ Book 9 Plus đã làm mình rất ngạc nhiên. Thông thường, một chiếc máy Ultrabook siêu mỏng, kích thước nhỏ như vậy sẽ không được trang bị một hệ thống loa lớn, âm thanh đầu ra chỉ đủ nghe hay thậm chí là rất bé. Tuy nhiên, Ativ Book 9 Plus đã làm thay đổi suy nghĩ này bởi hiệu năng của loa rất tốt. Âm thanh đầu ra đủ lớn để bạn có thể nghe nhạc hay xem phim giữa một không gian ngoài trời, nhiều tạp âm và khi mở tối đa âm lượng, chất âm vẫn không bị thay đổi nhiều, không rè hay méo tiếng mặc dù hơi thiếu bass. Thêm vào đó, loa được thiết kế tại mặt dưới, gần 2 cạnh máy nên âm thanh phát ra làm rung động khu vực nghỉ tay, mang lại một cảm giác rất thích thú.

Hiệu năng:

Với Ativ Book 9 Plus, Samsung cung cấp 2 tùy chọn CPU Core i5 Haswell hoặc Core i7 Haswell. Chiếc máy mình mượn được dùng CPU Core i5-4200U - một con chip tiết kiệm điện tương tự Surface Pro 2 hay Sony Vaio Pro 13. Đi với con chip này là GPU tích hợp HD Graphics 4400 và Ativ Book 9 Plus cũng không dùng card rời.

Speccy.PNG
  • CPU: Intel Core i5-4200U xung nhịp 1,6 GHz (Turbo Boost 2,6 GHz)
  • GPU: Intel HD Graphics 4400;
  • RAM: 4 GB DDR3;
  • SSD: Toshiba 120 GB;
  • OS: Windows 8 64bit.

Ativ Book 9 Plus nhắm đến phân khúc Ultrabook mỏng nhẹ, thời gian sử dụng lâu thì việc trang bị CPU Core i5-4200U là một lựa chọn hợp lý. Core i5-4200U được khai thác khá nhiều trên các dòng máy Ultrabook năm nay, tương tự như Core i5-3317U thế hệ Ivy Bridge trước đây. Nếu so về hiệu năng, Core i5-4200U chỉ nhỉnh hơn Core i5-3317U đôi chút về hiệu năng xử lý đa lõi nhưng đơn lõi lại cao hơn 0,4 điểm theo đánh giá của CPUBoss. Thêm vào đó, thế hệ CPU Haswell đã được Intel cải tiến về cấu trúc, qua đó mức tiêu thụ điện năng TDP của Core i5-4200U chỉ 15 W trong khi Core i5-3317U là 17W.

Dưới đây là một số kết quả benchmark bằng các chương trình 3DMark 11, 3DMark 13, PCMark 7 và CrystalDiskMark cùng bảng so sánh điểm số giữa Samsung Ativ Book 9 Plus và các mẫu máy khác. Mình chọn ra 2 chiếc máy cùng sử dụng Core i5-4200U là Surface Pro 2, Sony Vaio Duo 13 và Surface Pro 1 là mẫu máy dùng Core i5-3317U. Cả 3 mẫu máy này đều dùng SSD và có 4 GB RAM.

3DMark 11.


Bài test 3DMark 11 cho thấy Ativ Book 9 Plus đạt 943 điểm ở nội dung Performance và 290 điểm ở nội dung Extreme. Mức điểm của Ativ Book 9 Plus xấp xỉ Vaio Duo 13 và Surface Pro 2 và dĩ nhiên cao hơn hẳn so với Surface Pro 1.

3DMark 13.


Với bài test 3DMark 13, Ativ Book 9 Plus đạt 36695 điểm nội dung Ice Storm, 4057 điểm Cloud Gate và 615 điểm Fire Strike. Ở nội dung Ice Storm dành cho các máy cấu hình trung bình đến thấp, điểm số của Ativ Book 9 Plus khá thấp so với các dòng máy còn lại. Khi mình cho chạy thử bài test này, 3DMark 13 không thể nhận dạng GPU của máy, vì vậy kết quả test có thể chưa chính xác với hiệu năng thực sự. Tuy nhiên, với nội dung Cloud Gate và Fire Strike nặng hơn, chúng ta có thể thấy kết quả của Ativ Book 9 Plus rất gần với Surface Pro 2 và Vaio Duo 13.

PCMark 7.


Ở bài test hiệu năng hệ thống PCMark 7, Samsung Ativ Book 9 Plus đạt kết quả cao nhất với 5104 điểm, cao hơn hẳn so với các đối thủ còn lại trong bảng so sánh. Trải nghiệm thực tế cho thấy Ativ Book 9 Plus có hiệu năng rất tốt. Khi mình mở gần 20 tab trình duyệt IE và cho chạy thử nhiều ứng dụng Modern UI thì máy vẫn hoạt động mượt mà, không có tình trạng treo giật.

CrystalDisk Mark.
Thử nghiệm tốc độ đọc ghi của ổ cứng SSD, Samsung Ativ Book 9 Plus đạt tốc độ đọc 503 MB/s, thua một chút so với Vaio Duo 13 nhưng tốc độ ghi của ổ cứng Toshiba trên Ativ Book 9 Plus lại đạt 469 MB/s, cao nhất. Tốc độ truy xuất ổ cứng cao của Ativ Book 9 Plus cũng lý giải cho điểm số PCMark 7 cao hơn hẳn so với các đối thủ còn lại. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý với ổ cứng SSD của Ativ Book 9 Plus đó là nó không phải dạng ổ SSD 2.5 hay mSATA thông thường mà là loại ổ M.2 SSD dạng thanh, giao tiếp qua cổng PCIe. Vì vậy, việc nâng cấp chiếc ổ này không dễ và ít phổ biến hơn so với các loại ổ SSD thông thường.


Pin & nhiệt:

Samsung_Ativ_Book_9_Plus-31-32.
Khe tản nhiệt nằm ẩn sau bản lề trên Ativ Book 9 Plus.


Ativ Book 9 Plus được trang bị pin 4 cell Li-Po, dung lượng 7300 mAh không thể tháo rời. Do thời gian mượn máy chỉ vỏn vẹn trong 1 buổi chiều nên mình không thể đánh giá chi tiết thời lượng pin của máy. Thử nghiệm xem phim HD trực tuyến trên Ativ Book Plus 9 từ 3:32 PM (97%) với độ sáng màn hình 100%, âm lượng 100% thì đến 5:22 PM, pin còn 61%. Vì vậy có thể suy ra trong vòng gần 2 giờ với nội dung test là xem phim HD, máy mất 36% pin. Theo Samsung thì pin của Ativ Book 9 Plus có thể đạt 7,5 giờ tối đa và thiết nghĩ nếu sử dụng với các tác vụ thông thường, giải trí đơn giản thì pin của máy có thể cầm cự được đến 6 giờ.

Về nhiệt độ, Ativ Book 9 Plus có thiết kế khe tản nhiệt đặt dưới bản lề và hơi nóng sẽ được đưa ra ngoài mà không gây nóng nếu để máy trên đùi. Thực ra qua thời gian test pin, mình nhận thấy khu vực nghỉ tay hơi ấm trong khi các phần khác vẫn mát mẻ.

Phần mềm:

Samsung_Ativ_Book_9_Plus-27-27.


Ativ Book 9 Plus được cài sẵn 2 phần mềm khá hay đó là HomeSync Lite và SideSync. HomeSync Lite là một ứng dụng cho phép biến chiếc máy tính Samsung thành một cổng lưu trữ đám mây, tương tự như một dịch vụ lưu trữ trực tuyến. Qua đó, người dùng có thể tải lên và tải xuống nội dung giữa máy tính và thiết bị di động. Hay nói đơn giản hơn, HomeSync Lite cho phép đồng bộ không dây giữa máy tính và thiết bị di động để sao lưu dữ liệu. Trong khi đó, SideSync là một ứng dụng dành riêng cho các thiết bị di động thuộc dòng Galaxy. Với SideSync, bạn có thể truyền tải dữ liệu nhanh chóng giữa điện thoại và máy tính có dây hoặc không dây. Đồng thời, ứng dụng cho phép máy tính điều khiển thiết bị Galaxy bằng phím và chuột.

Kết luận:

Qua những kết quả đánh giá cũng như trải nghiệm thực tế, có thể nói Ativ Book 9 Plus đã kế thừa những ưu điểm của dòng Series 9 trước đây đồng thời được nâng cấp đáng kể về cấu hình, trải nghiệm gõ phím, bàn rê và đặc biệt là màn hình cảm ứng với độ phân giải siêu cao. Tuy nhiên, việc lựa chọn màn hình phân giải lớn chưa phải là hay đối với hệ điều hành Windows 8 thời điểm này. Đồng ý rằng trải nghiệm giải trí trên máy sẽ được nâng cao đáng kể nhưng việc thao tác với màn hình Desktop trở nên khó khăn hơn và chưa kể là một số ứng dụng phía thứ 3 vẫn chưa nâng cấp để tương thích với phân giải màn hình 3200 x 1800. Ngoài ra, thiết kế của Ativ Book 9 Plus có thể nói là rất "sexy" nhưng mỏng cũng đồng nghĩa với việc một loạt các cổng kết nối quan trọng bị thu nhỏ và bắt buộc người dùng phải dùng adapter chuyển nhưng Samsung lại không bán kèm. Với mức giá 1399,9 USD, Ativ Book 9 Plus được xếp vào hàng máy tính Ultrabook cao cấp, và đối thủ của nó không ai khác là Toshiba Kirabook với màn hình 13,3" phân giải 2560 x 1440 px. Tuy nhiên, giá của Ativ Book 9 Plus lại rẻ hơn Kirabook 100 USD. Vì vậy, nếu bạn thích một chiếc máy tính mỏng nhẹ, pin lâu, màn hình đẹp, có cảm ứng và trải nghiệm tốt Windows 8 thì Ativ Book 9 Plus rất đáng để quan tâm.

Ưu điểm:

  • Thiết kế đẹp, mỏng nhẹ;
  • Màn hình tuyệt vời;
  • Cấu hình tốt;
  • Loa ấm, âm thanh đầu ra khá lớn.

Nhược điểm:

  • Cổng kết nối bị thu nhỏ, phải dùng adapter;
  • Dung lượng ổ cứng ít, khó nâng cấp.