Máy tính nào dành cho gia đình sinh viên?

 

 

 

thuy linh
thuy linh
Trả lời 14 năm trước

Với xu hướng bùng nổ thông tin trên Internet như hiện nay, việc sử dụng máy tính hỗ trợ cho học tập là nhu cầu không thể thiếu đối với phần lớn sinh viên mới nhập học, hoặc sau 1 năm học ở giảng đường. Tuy nhiên, một loại laptop không thể đáp ứng được cho tất cả các ngành học. Do vậy, nếu mua laptop, các bạn sinh viên mới nhập học hãy nghĩ trước những công việc sẽ cần đến sự trợ giúp của máy tính. Làm được điều đó, chắc chắn rằng, các bạn sinh viên sẽ không phải sắm lại laptop trong suốt quãng thời gian còn học ở giảng đường.

Laptop cho nhóm ngành kỹ thuật

Nếu ngành học của bạn là: công nghệ thông tin, lập trình viên, chuyên viên đồ họa, kiến trúc, cơ khí chế tạo máy, xây dựng hoặc một số ngành học kỹ thuật khác, bạn phải sắm loại laptop dùng CPU Intel 2 nhân như Core2 Duo hoặc Dual Core (Pentium D) tốc độ từ 2 GHz trở lên (các dòng CPU Intel dạng này có ký hiệu T4200, T4300, T6600, P7350). Đặc biệt, đối với sinh viên theo học ngành đồ họa, kiến trúc thì ngoài CPU dạng này, còn phải chọn loại dùng card màn hình rời. Giá của chúng giao động từ 10 - 13 triệu đồng cho loại dùng card màn hình onboard xài chipset Intel GMA500; trong khi loại dùng card màn hình rời chipset Geforce, Ati, Nvidia thường đắt hơn từ 5 triệu đồng.

Thị trường laptop với rất nhiều lựa chọn cho sinh viên

Ngoại trừ cần dùng màn hình có kích thước lớn để dễ vẽ, dễ thiết kế, bạn chỉ cần chọn loại laptop dùng màn hình LCD 14.1 inch hoặc 13.3 inch là tiện cho việc di chuyển từ nhà đến trường và ngược lại, hoặc khi chuyển nhà trọ đối với những bạn sinh viên ở tỉnh, hoặc đi xe đạp. Loại dùng màn hình LCD 14.1 inch có trọng lượng khoảng 2,4 kg, còn loại dùng màn hình LCD 13.3 inch là dưới 2 kg. Hiện nay, khi mua laptop mới, bạn không phải bận tâm đến việc lưu trữ dữ liệu, bởi hầu hết chúng đều dùng đĩa cứng có dung lượng từ 160 GB trở lên. Tuy nhiên, đối với bộ nhớ RAM thì bạn nên mua và lắp thêm thanh RAM dung lượng 1 GB nữa để được tổng bộ nhớ Ram là 2 GB, về sau không phải nâng cấp, hoặc không thể nâng cấp vì không còn loại RAM tương thích, cũng như giá cao như loại RAM DDR1 hiện nay so với DDR2.

Cẩn thận hơn khi lựa chọn các hãng không có tên tuổi


Với laptop có cấu hình như vậy, bạn hoàn toàn có thể cài Windows Vista hoặc Windows 7 hoặc lùi xuống dùng Windows XP SP2, và các phần mềm như Visual Studio.net, Autocad, Photoshop, Corel Draw, C, Pascal, SQL... phục vụ cho các môn học lập trình, vẽ...

Laptop cho nhóm ngành kinh tế, xã hội và nhân văn


Khác với nhóm ngành kỹ thuật, sinh viên nhóm ngành này chỉ cần một máy tính đáp ứng được các công việc của một nhân viên văn phòng là đủ dùng suốt 4 năm học hoặc nhiều hơn. Chính vì vậy, bạn sẽ chẳng phải lo gì nếu có điều kiện chọn ngay một laptop dùng CPU Intel Core2 Duo hoặc Dual Core (Pentium D) tốc độ 2 GHz dùng card màn hình onboard có bộ nhớ chia sẻ đến hơn 128 MB. Còn nếu điều kiện kinh tế không cho phép, bạn có thể chọn loại laptop dùng CPU Intel Celeron tốc độ từ 1.8 GHz trở lên (giá khoảng 8 triệu đồng), hoặc thậm chí là chọn loại netbook dùng màn hình LCD từ 10 inch trở lên và CPU Intel Atom từ 1.66 GHz (giá cũng khoảng 8 triệu hoặc 7 triệu đồng). Đặc biệt, nếu chọn netbook, bạn không nên ham rẻ hoặc thiếu tiền mà chọn loại dùng màn hình LCD dưới 10 inch, bởi bạn sẽ chán ngay trong những ngày sử dụng đầu tiên vì tất cả những gì trang bị trên nó đều nhỏ, hơn nữa đây còn là loại netbook tồn đọng chứ không phải mới.

Netbook , sản phẩm chỉ dành cho sinh viên với nhu cầu không lớn về tốc độ.

Thực tế cho thấy, đặc điểm của nhóm ngành học này là không xem máy tính là thiết bị cần phải có để phục vụ cho việc học, mà chỉ dùng máy tính để hỗ trợ cho việc học, mở rộng kiến thức. Gõ văn bản, tính toán bằng Excel, Access, làm bài luận, tra từ điển, nhận và gửi email, lướt web tìm kiếm thông tin và tài liệu... đó là những công việc mà sinh viên nhóm ngành này thường dùng khi xài máy tính. Chính vì vậy, nếu còn dư tiền, bạn có thể nâng cấp bộ nhớ RAM lên 2 GB hoặc để nguyên 1 GB cũng đủ xài. Các dòng laptop mới đều có tính năng wifi nên bạn có thể dùng laptop truy cập vào mạng wifi ở trường đang học, hoặc các quán café wifi hoặc thậm chí là xài ké wifi của nhà hàng xóm mà không phải bận tâm vì không có hộ khẩu để đăng ký đường truyền Internet ADSL.

Một số tiêu chí phụ


Nếu bạn là sinh viên nữ, ngoài việc chọn cấu hình laptop phù hợp với ngành đang học, bạn hãy chú ý đến trọng lượng của laptop. Với nữ, một laptop nặng khoảng 2 kg như trên các bảng báo giá có ghi hoặc nhẹ hơn có lẽ là phù hợp nhất, bởi nếu cộng thêm trọng lượng của cục adapter và cặp đựng thì tổng trọng lượng cặp chứa laptop lúc đó đã ở mức khoảng 3 kg, vừa đủ làm cho bạn đau vai, đau tay khi mang laptop theo bên người. Ngược lại, nếu không tìm được loại có trọng lượng lý tưởng đó thì bạn có thể chọn loại laptop nặng khoảng 2,4 kg. Còn nếu chọn netbook thì trọng lượng không phải là vấn đề cần quan tâm.

Đối với những bạn không có đủ tiền để mua ngay laptop, có thể chọn hình thức mua trả góp. Tuy nhiên, hãy ưu tiên những dòng laptop bán trả góp không lãi suất (tức lãi suất 0%), hoặc lãi suất thấp. Ngoài ra, có thể tìm mua laptop trong những chương trình máy tính dành cho sinh viên, ngành giáo dục ở dịp đầu năm học hay 20/11.

Nếu bạn là sinh viên ở tỉnh về các thành phố lớn để học, không nên mua vội máy tính ngay trong học kỳ đầu tiên nếu học kỳ đó không có môn tin học cơ bản. Khi đó, bạn hãy tập trung ổn định chỗ ở và làm quen với phương pháp học mới ở giảng đường, còn việc sắm laptop hãy để vào học kỳ tiếp theo. Hơn nữa, trong thời gian đầu, nếu bạn chưa sử dụng thành tạo máy tính ở những năm học phổ thông thì ắt sẽ cuốn vào những tính năng lạ trên máy tính và sao nhãng việc học ngay từ năm đầu tiên.

Việc chơi game trên laptop vừa làm ảnh hưởng đến việc học của bạn, cũng như tốn nhiều tiền khi sắm laptop, ảnh hưởng đến tuổi thọ bàn phím laptop. Do vậy, bạn hãy gạt bỏ ý định sắm laptop để vừa học vừa chơi game, hoặc bỏ ngay ý định chơi game nếu đã sắm được laptop cấu hình mạnh để phục vụ cho nhóm ngành học kỹ thuật.

Ngoài ra, bạn cũng nên mua balo mang trên lưng có ngăn đựng laptop để vừa đựng laptop vừa đựng sách vở cho tiện, đồng thời cũng đánh lừa được những kẻ cướp giựt trên đường.

Cuối cùng, ngoài tính năng tiện dụng, laptop không thể sánh với máy tính để bàn (desktop) về mọi mặt. Do vậy, nếu không phải mang laptop đi học thường xuyên, việc sắm máy tính để bàn vẫn tốt hơn cho bạn; khi đó, bạn có thể tránh được những rủi ro như mất cắp, hư hỏng những bộ phận đắt tiền.