Đánh giá ASUS PadFone 2 - thiết kế đẹp, cấu hình khá, giá hợp lý?

thu
thu
Trả lời 10 năm trước


PadFone có lẽ là sản phẩm di động đáng chú ý nhất của ASUS trong thời gian gần đây. Như tên gọi của nó, Pad và Fone, bạn sẽ có một chiếc điện thoại Android bình thường nhưng khi cần màn hình to hơn, bạn có thể cắm điện thoại vào phần Pad để nó trở thành một chiếc máy tính bảng 10,1". PadFone đã có 4 thế hệ nhưng mãi đến hôm nay thì ASUS mới bắt đầu phát hành PadFone thế hệ 2 tại Việt Nam. Mặc dù được bán ra khá trễ nhưng cấu hình của PadFone 2 vẫn khá tốt so với mặt bằng chung của các thiết bị Android hiện nay và mang lại trải nghiệm sử dụng khá thú vị. Dưới đây xin gởi đến các bạn bài đánh giá sản phẩm này.


Thiết kế:

Side 01.


PadFone 2 sở hữu thiết kế 2 trong 1, 1 phần dock giống máy tính bảng (PadFone 2 Station) và 1 chiếc điện thoại rời (PadFone 2). Trước tiên mình sẽ nói đến phần điện thoại.

Thiết kế của điện thoại PadFone 2 được ASUS nâng cấp từ thế hệ PadFone đầu tiên ra mắt hồi đầu năm ngoái. Máy có kích thước 137,9 x 68,9 x 9 mm, trọng lượng khoảng 135 g và được chế tạo chủ yếu bằng nhựa. Mặt trước của máy là màn hình 4,7", nằm trong phần viền khá dày, khoảng trống 2 bên khoảng 2,5 mm. Phía trên màn hình là loa thoại, các cảm biến và camera trước đặt lệch sang trái. Trong khi đó bên dưới màn hình là 3 phím bấm cảm ứng gồm Back, Home và Recent Apps. Tất cả các yếu tố vừa nêu đều được bao bọc bên trong một lớp kính cường lực. Tuy nhiên, lớp kính này tiếp tục được bao ngoài bởi một viền nhựa khác. Viền nhựa này dày hơn tại đáy máy và được vát chéo. Vì vậy, nó không quá thô kệt mà tạo nên sự mềm mại trong thiết kế của PadFone 2.

Button 01.


Speaker 01. DSC_0979. DSC_0984.

Bao bọc các cạnh máy là viền nhôm được hoàn thiện khá cao cấp và hơi giống iPhone 4. Điểm đặc biệt của viền nhôm này là độ dày của nó không đều nhau mà chuốt nhỏ dần từ đỉnh máy đến đáy máy. Tại đáy máy, viền nhôm kết hợp với viền nhựa vát chéo tạo cảm giác chiếc máy được thiết kế thuôn mỏng. Bạn sẽ bị đánh lừa khi mới cầm PadFone 2 trên tay bởi phần viên nhôm này. Thế nhưng sự thật lại được phơi bày khi đặt máy nằm trên bàn và quan sát theo phương ngang. Nắp sau của máy được thiết kế ngược lại với viền nhôm và bo cong vào trong. Vì vậy, khi nhìn PadFone 2 theo một góc hơi chếch từ 2 bên, bạn không thể thấy được sự hiện diện của phần nắp mà chỉ có phần viền nhôm. Đây là câu trả lời cho "ảo giác" mà PadFone 2 tạo ra.

Back 01.


Back (1). Back (2). Back (3).

Mặt sau của PadFone 2 là nắp nhựa được thiết kế với họa tiết vòng tròn đồng tâm hơi sần. Với thiết kế bo cong tại các góc cạnh và hoa vân sần sùi thì PadFone 2 cho cảm giác cầm trên tay rất chắc chắn, vừa vặn lòng bàn tay và không trơn tuột. Tại mặt sau gần đỉnh máy là camera 13 MP với đèn flash LED và bên phải camera là loa ngoài.

Jack 01.

Right 01. Left 01. USB 01. DSC_1003. DSC_0996. DSC_0998.

Các phím bấm khác trên PadFone 2 như nguồn và tăng giảm âm lượng đều được đặt trong viền nhôm cạnh phải. Trên đỉnh máy là jack cắm tai nghe 3.5 được đặt chính giữa đỉnh máy với 1 viền chrome bọc ngoài, sát bên là khe microSIM. Cổng kết nối microUSB được đặt tại đáy máy và có thiết kế khá lạ. Sợi cáp đi kèm theo vẫn là cáp microUSB nhưng đầu jack cắm lại có thêm 2 gờ dài ra và mình vẫn chưa hiểu chức năng của thành phần này là gì. 2 bên cổng microUSB là 2 lỗ tròn giúp cấp nguồn và cố định máy khi cắm vào phần PadFone 2 Station.

PadFone 03.


Tiếp theo là phần PadFone 2 Station. PadFone 2 mang lại một giải pháp 2 trong 1 và như mình đã nói khi cần 1 chiếc màn hình to hơn thì bạn có thể cắm PadFone 2 vào phần dock này. Vì vậy, phần dock chỉ đơn giản là một chiếc màn hình 10.1" với pin tích hợp, camera phụ, loa ngoài nhưng không có bất cứ thành phần xử lý nào khác. Khi cắm PadFone 2 vào dock, hình ảnh trên điện thoại được truyền ra màn hình máy tính bảng và dĩ nhiên giao diện của máy cũng thay đổi theo phong cách tablet Android. Khi hoạt động ở chế độ máy tính bảng, bạn vẫn sử dụng một cấu hình tương tự của PadFone 2.

PadFone 04.

Bay 01. Dock USB 01. DSC_1023. DSC_1032. DSC_1026. DSC_1027.

PadFone 2 Station có kích thước 263 x 180,8 x 10,4 mm, nặng 514 g chưa tính điện thoại. Thiết kế của chiếc dock tablet này rất cơ bản với viền đen dày khoảng 2 cm bao quanh màn hình. Viền trên là camera phụ 1.2 MP, phím nguồn được đặt ở cạnh trên phía sau và nút tăng giảm âm lượng được chuyển sang cạnh trái. Loa ngoài của tablet khá lớn, đặt ở mặt sau gần 2 phím âm lượng. Cạnh dưới vẫn là cổng microUSB thiết kế tương tự cổng trên điện thoại PadFone 2. Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý nhất của chiếc dock này là khay để gắn điện thoại ở mặt sau. So với PadFone thế hệ đầu tiên, cách gắn điện thoại vào dock đã được thay đổi rõ rệt từ phương ngang sang phương dọc. Khay cắm máy cũng có viền kim loại, hoàn thiện cao cấp. Bên trong rãnh trượt là các mấu răng cưa bằng su mềm, giúp bạn trượt máy vào dock một cách tự nhiên và giữ cố định máy. Tablet sẽ rung báo hiệu kết nối thành công và bạn có thể bắt đầu sử dụng. Khi cần tháo ra, bạn chỉ việc đẩy nhẹ điện thoại lên.

Màn hình & loa:

Screen.


Về màn hình, mình tiếp tục chia ra 2 phần là màn hình 4,7" của điện thoại PadFone 2 và màn hình 10,1" của PadFone 2 Station.

Có thể nói PadFone 2 sở hữu một chiếc màn hình 4,7" khá chất lượng với tầm nền Super IPS+, độ phân giải HD 1280 x 720 px, cảm ứng đa điểm và được bảo vệ bởi lớp kính cường lực của Corning kèm lớp phủ chống bám vân tay. Hình ảnh được hiển thị chi tiết, trong và màu sắc trung thực. Với kích thước 4,7" cùng độ phân giải 1280 x 720 px, mật độ điểm ảnh của màn hình khoảng 312 ppi. Mặc dù vậy, bạn khó có thể phát hiện ra từng điểm ảnh của màn hình. Vì vậy, màn hình của PadFone 2 vẫn có độ mịn và sắc nét cao.

PadScreen.


Thế nhưng, điều ngược lại lại xảy ra với màn hình của phần dock PadFone 2 Station. Màn hình này sử dụng tấm nền IPS thông thường với kính cường lực Gorilla Glass tương tự. Tuy nhiên, độ phân giải 1280 x 720 px không hề phù hợp với kích thước 10,1". Vì vậy, màn hình tablet không có được độ mịn, sắc nét cần thiết và màu sắc khá nhợt nhạt. Thêm vào đó, lớp phủ chống bám dính vân tay trên tablet không phát huy hiệu quả tối ưu như trên điện thoại và kết quả là dấu vân tay vẫn chi chít sau khi sử dụng được 1 lúc. Nếu như ASUS trang bị cho tablet một chiếc màn hình Full HD 1920 x 1080 px thì mọi chuyện sẽ khác. Có lẽ rút kinh nghiệm từ nhược điểm màn hình tablet của PadFone 2 nên kể từ thế hệ Infinity, tất cả 2 phiên bản mới của PadFone đều được trang bị màn hình tablet phân giải Full HD.

Một câu hỏi đặt ra là liệu khi cắm điện thoại vào dock, kết nối có được thực hiện đủ nhanh hay không. Câu trả lời là "rất nhanh"!. Cắm máy vào, sau 1 cái rung nhẹ nhẹ thì hình ảnh từ điện thoại đã được truyền ngay sang màn hình tablet và bạn không phải mắc công ngồi đợi chuyển đổi. Tốc độ chuyển đổi cũng tương tự khi bạn rút điện thoại từ dock.

DSC_1028.


Về phần loa, ASUS nổi tiếng với công nghệ âm thanh SonicMaster và công nghệ này cũng đã được tích hợp lên PadFone 2. Vì vậy, chất lượng âm thanh trên điện thoại lẫn tablet đều to rõ, âm thanh khá chi tiết và không bị rè khi mở tối đa âm lượng. Một lưu ý nữa là ở chế độ tablet, bạn vẫn có thể gọi điện nhưng dùng loa ngoài bởi dock không có loa thoại và với kích thước 10,1" thì việc cầm cả một cái "thớt" úp vào tai cũng không phải là một ý kiến hay.

Hiệu năng:

ASUS PadFone 2 được trang bị cấu hình khá tốt với:

  • CPU: Qualcomm Snapdragon S4 Pro APQ8064 lõi tứ, xung nhịp 1,5 GHz, L2 Cache 2 MB;
  • GPU: Adreno 320, 400 MHz;
  • RAM: 2 GB LPDDR2;
  • Bộ nhớ trong: 16/32/64 GB (không hỗ trợ khe thẻ nhớ);
  • Kết nối: Bluetooth 4.0, Wi-Fi 802.11 a/b/g/n, GPS + GLONASS;
  • Mạng: 3G/4G LTE/WCDMA;
  • OS: Android 4.1.1 (Jelly Bean).

Mặc dù cấu hình của PadFone 2 không mới mẻ với Snapdragon 600 hay 800 của thế hệ PadFone Infinity nhưng nó làm mình thật sự ngạc nhiên. Xung nhịp CPU cao, 4 lõi xử lý cùng 2 GB RAM (lượng RAM dư ổn định ở 900 M - 1 GB), PadFone 2 hoạt động rất mượt mà khi mở ứng dụng, chuyển đổi ứng dụng và lướt web. Một yếu tố quan trọng nữa là giao diện mà PadFone 2 sử dụng là giao diện mặc định của Jelly Bean với một số yếu tố bổ sung và làm mới như thanh Widget và Notification. Vì vậy, do không phải gồng mình cõng giao diện riêng nên hiệu năng của máy được tối ưu. Tuy nhiên, một điểm trừ đối với PadFone 2 là không có khe thẻ nhớ mặc dù máy có thiết kế không phải siêu mỏng.

Dưới đây là kết quả benchmark với một số công cụ chuyên dụng như AnTuTu, Quadrant, Geekbench, Nenamark và Vellamo. Trong danh sách các thiết bị so sánh, ASUS PadFone 2 là thiết bị sở hữu cấu hình gần như thấp nhất với vi xử lý đời cũ hơn. Cấu hình của các thiết bị còn lại như sau: HTC One (Snapdragon 600 lõi tứ 1,7 GHz, Adreno 320, 2 GB RAM), Motorola Moto X (Snapdragon S4 Plus lõi kép 1,7 GHz, Adreno 320, 2 GB RAM), Sony Xperia Z1 (Snapdragon 800 lõi tứ 2,2 GHz, Adreno 330, 2 GB RAM), LG G2 (Snapdragon 800 lõi tứ 2,26 GHz, Adreno 330, 2 GB RAM), Galaxy Note 3 (Exynos 5 Octa 5420 lõi tám 4 nhân Cortex-A15 1,9 GHz + 4 nhân Cortex A7 1,3 GHz , Mali-T628 MP6, 3 GB RAM), Galaxy S4 (Exynos 5 Octa 5410 lõi tám 4 nhân Cortex-A15 1,6 GHz + 4 nhân Cortex-A7 1,2 GHz, 2 GB RAM), riêng HTC One Mini có cấu hình thấp hơn với Snapdragon 400 lõi kép 1,4 GHz, Adreno 305 và 1 GB RAM.

AnTuTu & Quadrant.PNGGeekbench.PNGNenamark.PNG


Với CPU 4 nhân và 2 GB RAM, các kết quả benchmark AnTuTu, Quadrant và Geekbench của PadFone 2 chỉ cao hơn One Mini và xấp xỉ Moto X. So với các thiết bị còn lại, PadFone 2 hiển nhiên yếu kém hơn về mặt hiệu năng. Một điều khá bất ngờ là với bài test Nenamark, ASUS PadFone 2 lại đạt được số khung hình cao nhất (60,5 fps) so với các thiết bị còn lại.

Camera:

PadFone 2 được trang bị camera 13 MP f2.4. Chất lượng hình ảnh của chiếc camera này khá tốt với điều kiện đủ sáng. Hình ảnh có độ sắc nét và chi tiết khá cao, đồng thời màu sắc cũng bão hòa hơn. Tuy nhiên, khi chụp trong điều kiện ánh sáng đèn thì hình ảnh khá nhiễu và nhợt nhạt hơn. Thêm vào đó, camera có độ trễ khá lớn, khi nhấn nút chụp, phải mất khoảng 1 giây thì hình ảnh mới được xử lý. Vì vậy, nếu bạn rung tay thì ảnh sẽ dễ dàng bị mất nét. Một nhược điểm nữa của camera là do thiết kế nằm khá sát ở cạnh trên nên nếu không để ý, ngón tay của bạn có thể vướn vào khung hình. Dưới đây là một số hình mình chụp từ PadFone 2.

Về giao diện camera của PadFone 2 có khá nhiều tùy chỉnh và được bố trí hợp lý. Giao diện này được chia làm 2 cột, bên trái dành cho các tùy chỉnh chế độ camera và hiệu ứng. Bên phải là các nút chức năng như chuyển camera, bật tắt flash, nút chụp, quay phim và xem lại ảnh. Về các tùy chỉnh chụp, bên cạnh các chế độ chụp cơ bản thì ASUS cũng tích hợp các bộ lọc filter trực tiếp vào camera và bạn có thể chọn ngay để áp dụng lên hình chụp. Các thông số khác như cân bằng trắng, ISO, cũng có thể điều chỉnh linh hoạt.

Pin:

DSC_1014.


ASUS PadFone 2 được trang bị pin 2140 mAh. Theo lý thuyết thì pin máy không thể tháo rời nhưng chúng ta vẫn có thể mở nắp máy phía sau. Tuy nhiên, ASUS đã dán một con tem lưu ý là không được tháo pin ra. Sử dụng riêng phần điện thoại từ 8h sáng với nhiều tác vụ trong ngày, vọc vạch khá nhiều, 3G, Wi-Fi luôn bật, độ sáng màn hình tự động, nghe gọi 10 cuộc thì đến tối 8h máy báo sạc lại. Như vậy, có thể suy ra với cường độ sử dụng cao hơn thì PadFone 2 vẫn đảm bảo 1 ngày làm việc.

Khi sử dụng PadFone 2, mình thường đem theo cả phần dock tablet. Chiếc dock cũng được tích hợp pin 5000 mAh và khi cắm điện thoại vào dock, pin từ dock sẽ tự động được sạc cho điện thoại. Điều này cũng dễ hiểu bởi chiếc dock cần có điện thoại để hoạt động và điện thoại luôn được ưu tiên sạc đầy pin. Vì vậy, với chiếc dock này, vấn đề về thời lượng sử dụng của PadFone 2 đã được cải thiện rất nhiều. Trong 2 ngày, mình hầu như không cần dùng đến cục sạc để sạc lại máy mà chỉ cắm điện thoại vào dock.

Giao diện & Phần mềm:

PadFone 2 UI.


ASUS PadFone 2 sử dụng giao diện gốc của Android 4.1 với một số thay đổi nho nhỏ về thanh Notification kèm các ứng dụng độc quyền đi kèm. Khi sử dụng PadFone 2 như một chiếc điện thoại bình thường, giao diện trên máy sẽ là giao diện điện thoại và ngược lại khi cắm vào dock thì tự động chuyển sang giao diện máy tính bảng. Các thiết lập trên giao diện điện thoại và máy tính bảng được giữ riêng biệt.

Notification.


Thanh Notification trên PadFone 2 đã được ASUS thiết kế lại, khá đơn giản và không chiếm nhiều diện tích màn hình. Phía trên cùng là các nút tùy chỉnh mạng, âm thanh (Audio Wizard) và Settings, hàng dưới là loạt các nút bật tắt Wi-Fi, kết nối dữ liệu di động Mobile Data, chế độ pin Smart Saving, công cụ từ điển bôi dịch Instant Dictionary, bật tắt Wi-Fi Hotspot, kết nối Bluetooth, GPS, chế độ âm thanh và khóa xoay màn hình. Tiếp đến là thanh điều chỉnh độ sáng với một nút Auto ngoài cùng bên phải để bật tắt chế độ cân chỉnh sáng tự động và dưới cùng là phần Notifications với các thông báo như tin nhắn, email, cuộc gọi nhỡ, cập nhật trạng thái mạng xã hội …

Multitask.

Tool 01. Tool 02.

Ở chế độ máy tính bảng, ngoài giao diện truyền thống với các nút Back, Home, Recent Apps trên thanh Menu bên dưới thì ASUS đã bổ sung thêm một nút hình mũi tên. Khi bấm vào đây, một loạt các tiện ích như máy tính, chuyển đổi đơn vị, trình chơi video, đồng hồ đếm lùi … sẽ hiện ra. Khi bạn đang mở một ứng dụng nào đó và muốn mở thêm một tiện ích khác mà không cần thoát ra màn hình chính thì đây là chức năng của thanh tiện ích này. Trong hình, mình đang mở ứng dụng SuperNote và đồng thời mở thêm tiện ích chuyển đổi đơn vị và từ điển.

Keyboard.


Giống như những chiếc điện thoại và máy tính bảng Android khác, PadFone 2 cũng được cài sẵn bộ gõ đa ngôn ngữ và layout bàn phím riêng. Đáng tiếc là bàn phím này lại không có tiếng Việt mặc dù layout phím khá dễ bấm và thiết kế khá đẹp mắt.

App.
App Locker. App Backup. FileManager. MyLibrary. Instant Dict. AudiWizard. SuperNote.


Ngoài ra, PadFone 2 còn được cài sẵn khá nhiều ứng dụng thú vị và hữu ích. Trong bảng trên, bạn có thể thấy danh sách những ứng dụng được ASUS cài sẵn bao gồm App Locker, App Backup, File Manager, ASUS Studio, ASUS Story, Power Saver, WebStorage, MyLibrary, Instant Dictionary, AudioWizard, Block List, BuddyBuzz và SuperNote.

  • App Locker: cho phép khóa ứng dụng bằng mật mã (với những ứng dụng "nhạy cảm" anh em hay sử dụng trên điện thoại Android thì App Locker sẽ ngăn chặn bàn tay tò mò của bạn gái, vợ hay con trẻ :))
  • App Backup: sao lưu phục hồi những ứng dụng đã cài đặt phòng khi phải Factory Reset.
  • File Manager: như tên gọi, đây là trình duyệt và quản lý tập tin.
  • ASUS Studio và ASUS Story: 2 ứng dụng quản lý thư viện hình và video.
  • Power Saver: thiết lập chế độ quản lý năng lượng cho máy.
  • WebStorage: dịch vụ lưu trữ đám mây đa nền tảng của ASUS (người mua máy sẽ được tặng miễn phí 50 GB bộ nhớ trong 2 năm).
  • MyLibrary: ứng dụng đọc sách truyện như Amazon Kindle.
  • Instant Dictionary: một ứng dụng đáng để xài trên PadFone 2. Đây là một dạng từ điển bôi dịch, khi bạn mở trình duyệt web hay đọc sách, bạn có thể kích hoạt Instant Dictionary trực tiếp trên thanh Notification và việc còn lại của bạn chỉ là bôi đoạn chữ muốn dịch, chọn ngôn ngữ và dể Instant Dictionary làm phần còn lại.
  • AudioWizard: thiết lập các chế độ âm thanh như Music, Movie, Recording, Gaming và Speech.
  • Block List: chặn số điện thoại.
  • BuddyBuzz: một ứng dụng khá hay giúp bạn lướt Facebook, Twitter của bạn bè trực tiếp từ danh bạ. Kết hợp với ứng dụng PinPal, bạn có thể cập nhật trạng thái, like, comment, up ảnh v.v… mà không cần cài ứng dụng Facebook từ Store.
  • SuperNote: một ứng dụng ghi chú tương tự Evernote với giao diện đẹp, đa năng, tự động đồng bộ với WebStorage.

Kết luận:

Qua quá trình sử dụng, cá nhân mình nhận thấy ASUS PadFone 2 là một chiếc máy chất lượng và nó thật sự mang lại một giải pháp 2 trong 1 gọn nhẹ. Điều mình đánh giá cao ở PadFone 2 là hiệu năng cùng với tính cơ động khi đem theo làm việc hàng ngày. Vấn đề pin của điện thoại cũng được cải thiện nhờ gói pin dung lượng cao tích hợp trong dock. Vì vậy, PadFone 2 có thể đáp ứng nhu cầu gọi điện, làm việc thông thường lẫn giải trí với các trò chơi và video. Mặc dù vậy, PadFone 2 vẫn chưa phải là thế hệ PadFone mới nhất nên vẫn còn vài nhược điểm như màn hình của dock phân giải thấp, chưa đẹp, camera chỉ ở mức khá. Với mức giá 15 triệu thì PadFone 2 là một sự lựa chọn kinh tế khi bạn muốn có cả 2 thứ điện thoại và tablet nhưng kinh phí hạn chế. Dưới đây xin tóm lại những ưu nhược điểm của PadFone 2:

Ưu điểm:

  • Thiết kế đẹp, chắc chắn;
  • Màn hình điện thoại đẹp, sắc nét;
  • Cấu hình tốt;
  • Pin khá;
  • Giao diện đơn giản, phần mềm đi kèm hay.

Nhược điểm:

  • Màn hình của dock chưa đẹp, phân giải thấp;
  • Camera chưa tốt, ảnh hơi nhợt nhạt;
  • Không có khe cắm thẻ nhớ mở rộng.