Bé hay bị chảy máu cam, vì sao?

Bé trai nhà mình vừa mới tròn 3 tuổi được mấy hôm, từ bé cháu thường có biểu hiện táo và nóng trong người, nhưng khoảng 3 tháng gần đây bé thường bị chảy máu cam. Trước thì thỉnh thoảng 1,2 hoặc 3 tuần bị 1 lần nhưng gần đây khá thường xuyên khoảng 2,3 ngày 1 lần có ngày bé chảy máu cam 2 lần. Bé thường đi ngoài hơi khó, bị táo, mình đang oố gắng cho cháu uống nhiều nước và ăn sữa chua. Bé nhà mình rất ít ăn rau và hoa quả.

Mình thấy rất bối rối mong WTT tư vấn giúp đỡ, vì mình thấy với biểu hiện sức khỏe bình thường liệu bé nhà mình có thiếu hụt chất gì đó không? Mong bác sĩ trả lời!

Xin cảm ơn!

Nguồn: webtretho

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Chào anh/chị,

Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu mũi ở trẻ: Viêm mũi cấp tính và mạn tính, dị vật mũi, dị hình hốc mũi, chấn thương mũi, các khối u hốc mũi lành hoặc ác tính, do cúm, thương hàn, sốt xuất huyết, do dùng thuốc…

Theo tôi, anh/chị nên cho bé khám chuyên khoa tai mũi họng để xác định nguyên nhân. Bên cạnh đó, việc bổ sung vitamin C giúp thành mạch máu tốt hơn cũng có hiệu quả một phần.

Chúc bé mau khỏe.

BS. Nguyễn Ngọc Thùy Dương, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM
Nguồn: webtretho
mùa thu
mùa thu
Trả lời 13 năm trước

Khoang trong của mũi chứa nhiều mạch máu nhỏ, khi khu vực này bị khô (hoặc bị kích thích) sẽ dẫn tới hiện tượng chảy máu. Các yếu tố gây nên chứng chảy máu cam ở bé là dị ứng, bé bị cảm lạnh, bé bị nhiễm trùng xoang, mũi của bé thiếu độ ẩm và những kích thích khác (ngoáy mũi, có vật lạ trong mũi, bị chấn thương mũi). Thỉnh thoảng, nguyên nhân gây chảy máu có thể do trục trặc ở kết cấu mũi; ví dụ, cấu trúc dị thường hoặc sự phát triển không bình thường ở mũi.

Gợi ý cách cầm máu

Trước tiên, bạn nên bình tĩnh, dỗ dành bé. Chảy máu cam là dấu hiệu dễ gặp nhưng hiếm khi để lại hậu quả nghiêm trọng. Bạn nên ôm bé trong lòng và khẽ nghiêng người bé, ngả về phía sau. Tiếp đến, bạn dùng một chiếc khăn sạch, mềm thấm và dịt nhẹ vào lỗ mũi của bé. Bạn có thể giữ động tác này trong vài phút, cho đến khi máu ở mũi bé ngừng chảy. Cùng thời gian này, bạn có thể “gây nhiễu” sự chú ý bằng cách hát cho bé nghe, cho bé xem một cuốn sách hoặc phim hoạt hình (tùy vào độ tuổi của bé). Sau vài phút, bạn thử kiểm tra xem bé còn chảy máu nữa không. Nếu máu còn chảy, bạn có thể dùng một chiếc khăn sạch, mềm khác, tiếp tục dịt vào lỗ mũi bị chảy máu cho bé.

Dùng khăn sạch, mềm dịt mũi bé lại.

Lưu ý: Không nên nghiêng người bé quá mức, không đặt bé nằm ngửa vì máu từ lỗ mũi của bé có thể chảy xuống cổ họng, gây nên vị khó chịu và làm bé bị nôn (trớ). Cũng không nên dùng bông để cầm máu cam, vì khi máu thấm vào bông sẽ làm cục bông tăng thể tích, có thể gây nghẽn ở mũi bé.

Ngăn ngừa

Nếu không khí trong phòng trở nên khô, bạn có thể dùng máy tạo độ ẩm cho bé. Không nên cho bé nhét bất kỳ vật gì vào lỗ mũi. Nếu bé có thói quen ngoáy mũi, bạn nên tìm cách giữ cho đôi tay của bé được bận rộn. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn cho rằng bé mắc dị ứng - yếu tố có thể gây nên chứng chảy máu cam. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về dung dịch muối, để nhỏ mũi và vệ sinh mũi cho bé.

Dấu hiệu phải lo lắng

Thông thường, hiện tượng chảy máu cam ít nguy hiểm. Các bé dễ bị chảy máu cam trong thời tiết mùa đông, khi không khí trở nên khô và cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Bạn cũng có thể nhận thấy những vệt máu khô, chảy ra từ mũi của bé vào buổi sáng (do bé chảy máu cam khi ngủ).

Tuy nhiên, nếu bé xuất hiện những dấu hiệu sau, bạn nên đưa bé đi khám:

- Chảy máu cam sau khi bé bị ngã hoặc do bị va đập vào vùng đầu hoặc vùng mũi.

- Bé bị mất khá nhiều máu do chảy máu cam. Ngay khi bạn nhận thấy việc cầm máu cho bé không thành công, bạn nên nhanh chóng đưa bé đi khám.

- Bé dùng một loại thuốc mới, sau đó bé bị chảy máu cam không ngừng.

- Bé chảy máu cam thường xuyên.

- Vừa chảy máu cam, bé vừa bị chảy máu ở bộ phận khác trên cơ thể (chẳng hạn ở lợi).

Điều trị

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mũi của bé bằng một loại đèn chiếu sáng đặc biệt. Bé có thể được chỉ định nhỏ dung dịch muối, giúp co khít các mạch máu; hoặc bác sĩ sẽ dùng những miếng bông có tẩm thuốc dịt vào mũi, giúp cầm máu.

Nếu bé xuất hiện chấn thương ở đầu hoặc ở mũi, bác sĩ sẽ kiểm tra vết thương có bị sưng phù hay không. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ kết luận về tình trạng xương mũi và xương sọ của bé. Dùng một miếng gạc mát, chườm sống mũi cho bé cũng có tác dụng giúp cầm máu. Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bạn nên đưa bé đi khám.

mùa xuân
mùa xuân
Trả lời 13 năm trước

Chảy máu cam tuy ít nguy hiểm đến tính mạng, nhưng dễ làm bệnh nhân và người nhà hốt hoảng, lo lắng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam. Giới y học đã xếp thành các nhóm để tiện xử lý.

Chảy máu mũi trong hốc mũi

1. Viêm mũi cấp tính và mạn tính: tình trạng viêm mũi làm cho lớp chất nhày bảo vệ bề mặt niêm mạc mũi bị thương tổn, vì thế các mạch máu nằm ngay dưới đó cũng hay bị xước, rách gây chảy máu mũi.

Viêm mũi gây kích thích tạo ra dịch rỉ viêm gồm có nước, muối, protein và các thành phần hữu hình hòa tan, dịch làm tăng tính thấm thành mạch gây đau căng trong hốc mũi, tạo thành những chất dính gọi là dỉ mũi, bám chặt lên lớp niêm mạc mũi. Điều này làm trẻ hay cho tay vào mũi ngoáy, gây chảy máu mũi.

2. Dị vật mũi: trẻ nhét hạt cườm, hòn bi, hạt lạc... vào trong hốc mũi gây viêm loét và chảy máu mũi.

3. Dị hình hốc mũi: đây cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi dẫn đến chảy máu mũi.

4. Chấn thương mũi: do va chạm, do đánh nhau, do tai nạn giao thông hoặc tai nạn sinh hoạt làm rách hệ thống niêm mạc mũi. Nếu chấn thương nặng làm vỡ các mạch máu lớn trong hốc mũi có thể dẫn đến sặc máu, mất máu cấp với số lượng lớn có thể tử vong.

5. Các khối u hốc mũi lành hoặc ác tính: có thể có nhưng rất hiếm gặp ở trẻ em, chủ yếu là những khối u xơ vòm mũi họng hay gặp ở trẻ nam tuổi dậy thì. Bên cạnh dấu hiệu chảy máu mũi cần đánh giá dịch chảy ra có mùi hôi hoặc thối, bẩn để nghi ngờ đến bệnh lý ác tính.

Chảy máu mũi ngoài hốc mũi

Thường gặp do cúm, thương hàn, sốt xuất huyết - đây là những loại bệnh lý cũng hay gặp ở trẻ em. Ngoài ra bệnh lý viêm cầu thận cấp hay những trẻ em phải sử dụng thuốc chống đông kéo dài do điều trị một số bệnh tim mạch bẩm sinh.

Cách phòng bệnh

Nếu trẻ xuất hiện viêm mũi lâu ngày cần khám và điều trị ngay, giải thích cho trẻ không nên ngoáy mũi vì bên cạnh việc gây chảy máu mũi, đây cũng là một nguyên nhân làm nhiễm khuẩn mũi.

Khi thấy trẻ có biểu hiện về mũi, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ bình tĩnh ngồi xuống hoặc nằm (nếu có thể) rồi dùng hai ngón tay bịt chặt hai lỗ mũi và thở nhẹ nhàng bằng miệng trong 5 đến 10 phút sẽ hết chảy máu.

Tuy nhiên, vì chảy máu mũi còn rất nhiều nguyên nhân khác nên khi trẻ xuất hiện chảy máu mũi nhiều lần phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các cơ sở tai mũi họng để tìm ra nguyên nhân giúp cho việc xử trí triệt để chảy máu mũi.

Ngoài ra, 2 lần một tuần bạn có thể dùng nước muối sinh lý rửa sạch mũi, không nên rửa nước muối nhiều lần vì cũng làm cho niêm mạc mũi mất đi lớp nhày bảo vệ và dễ bị tổn thương.

Bạn nên đưa bé đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để các bác sĩ giúp bạn tìm nguyên nhân gây đổ máu cam và hướng dẫn điều trị.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!