Những món ăn truyền thống Trung Thu của các nước ?

thu
thu
Trả lời 10 năm trước

Món ăn phổ biến và nổi tiếng nhất dịp Trung Thu tất nhiên là bánh Trung Thu - bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng truyền thống của Trung Hoa, Đài Loan, Hồng Kong… thường có nhân đậu đỏ hoặc hạt sen với trứng muối. Tại Việt Nam, nhân bánh nướng truyền thống lại gồm mỡ đường, mứt bí, mứt sen, lá chanh, lạp xưởng… Bánh nướng của miền Nam còn có thêm trứng muối mặn mặn bùi bùi ở trong nhân. Về sau này, bánh nướng ngày càng trở nên đa dạng về hình dáng, nguyên liệu, và cả cách thức chế biến.


Ăn bánh, thưởng trà, ngắm trăng (Ảnh: Internet)


Luôn đi đôi với bánh nướng là bánh dẻo. Nếu bánh nướng tượng trưng cho mặt trăng, cho trời, và mang hình tròn thì bánh dẻo tượng trưng cho đất, thường có hình vuông. Bánh dẻo làm bằng bột nếp trắng tinh nhồi với đường với nước hoa bưởi thơm lừng, thường có nhân làm bằng hạt sen hay đậu xanh tán nhuyễn.

Ngoài bánh, mâm cỗ Trung Thu truyền thống của Trung Hoa còn gồm có dưa hấu, trà… Tại Đài Loan, dịp lễ Trung Thu, người ta còn tổ chức nướng thịt BBQ.

Tuy phong tục ăn mừng tết Trung Thu của Việt Nam khởi nguồn là sự ảnh hưởng của phong tục từ Trung Hoa, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt. Nếu như tết Trung Thu ở Trung Hoa gắn liền với các sự tích về các vị vua thì tại Việt Nam, Trung Thu được coi là tết của trẻ em, với những trò phá cỗ, rước đèn… Mâm cỗ Trung Thu tại Việt Nam về cơ bản không khác nhiều so với ở Trung Hoa, nhưng có điểm nhấn là sự chú trọng về hình thức trình bày. Chẳng hạn như bánh dẻo bánh nướng được nặn với hình thù con heo, con cá; dùng bột gạo hấp chín, pha màu rồi nặn thành tò he nhiều hình dạng, nhân vật; quả bưởi được những người bà, người mẹ khéo léo tách và tạo hình chú chó bông… Người lớn cũng sẽ nhâm nhi những món này cùng một bình trà nóng.


Cỗ Trung Thu truyền thống Việt Nam với chú chó bưởi, tò he, lồng đèn ông sao, bánh và rất nhiều loại trái cây (Ảnh: Internet)


Trong khi đó tại Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, tết Trung Thu - Chuseok là một trong những dịp lễ lớn nhất trong năm, kéo dài ba ngày, là tết đoàn viên gia đình. Loại bánh gạo truyền thống Songpyeon (송편) là ngôi sao của dịp lễ này, đó là chiếc bánh gạo có hình bán nguyệt với nhiều loại nhân khác nhau như hạt dẻ, hạt vừng, các loại đậu… trên mặt bánh còn có lá thông. Ngoài ra, người ta còn thường ăn japchae, bulgogi, galbijim, trái cây…


Bánh Songpyeon truyền thống của lễ Chuseok (Ảnh: Internet)


Tại Nhật Bản cũng có ngày lễ gọi là Tsukimi (có nghĩa là “ngắm trăng”), mọi người vừa ngắm trăng vừa thưởng thức tsukimi-dango (bánh gạo nặn hình tròn) và các loại thực phẩm khác thu hoạch được vào khoảng thời gian này như khoai sọ, đậu nành, hạt dẻ, nhâm nhi cốc rượu sake…


Chiếc bánh gạo hình chú thỏ trên cung trăng (Ảnh: Internet)