Có nên lấy chồng gia trưởng?

Bọn em yêu nhau đã được 2 năm rồi, hai bên gia đình cũng đồng ý, chỉ chờ em ổn định công việc là tổ chức. Nhưng em hoang mang quá mọi người ạ. không biết là em có suy nghĩ linh tình không nhưng quả thực là em hơi e ngại về tính gia trưởng của anh ấy. Bây giờ mới yêu nhau thôi mà anh ấy đã hay can thiệp vào cuộc sống riêng của em. Nếu em không nghe theo anh ấy thường không vừa ý và giận. Em thì khá ngang bướng nên phản đối tính xấu đó của anh rất ghê, nên bọn em thường xuyên giận nhau. Thực ra anh ấy là một người rất tốt, có trách nhiệm. Nhưng nếu cứ như thế này thì em cũng thấy rất mệt mỏi. Suổt ngày làm theo ý người khác thì em không chịu được mà cãi nhau với anh ấy suốt thì cũng chẳng hay ho gì. Có đôi khi em cũng định chia tay vì thấy không hợp nhau. Nhưng em băn khoăn không biết mình có vội vàng quá không?
Con Nan
Con Nan
Trả lời 15 năm trước
Bạn ơi, cũng có nhiều người lấy chồng gia trưởng rồi và sống vẫn ổn. Nguyên nhân là những người phụ nữ đó chấp nhận và sống chung được với tính gia trưởng nhưng nếu ngay lúc đầu đã thấy khó chịu rồi thì sẽ rất khó hòa hợp về sau bạn ạ. Mình không thể nói là bạn nên tiếp tục hay bỏ người yêu, cái đó là bạn phải quyết định thôi vì nó là việc trọng đại của bạn và không ai hiểu chuyện hơn bạn phải không. Bạn nên tìm cách giúp người yêu của mình để giảm bớt tính xấu đó vì theo bạn đánh giá thì người đó rất tốt, có trách nhiệm mà. Chúc bạn hạnh phúc và đưa ra được quyết định đúng đắn!
royal vu
royal vu
Trả lời 15 năm trước
Chồng gia trưởng- đã có nhiều bài báo viết về họ và đa số đều khuyên chị em phụ nữ cần tránh. Bạn thử lên mạng tìm từ khóa "lấy chồng gia trưởng" tham khảo đi. kết quả như thế nào thì chắc chắn rằng sẽ rất đau lòng một khi bạn đã thấy khó chịu với anh ta ngay từ lúc đầu. Chúc bạn có một quyết định sáng suốt và có một tương lai hạnh phúc.
thu
thu
Trả lời 11 năm trước

Để thay đổi tính gia trưởng là vô cùng khó khăn bởi tính cách con người được quy định bởi sự giáo dục của gia đình từ bé, ảnh hưởng của môi trường… đến 30 tuổi tính cách con người đã ổn định. Trường hợp của em cố gắng điều chỉnh khéo léo chủ động thảo luận làm sao mỗi bên hài lòng một chút. Việc chồng cằn nhằn đôi khi để tỏ ra uy quyền, với người gia trưởng đôi khi họ không chú trọng quá đến vấn đề tiền bạc mà chú trọng đến việc vợ không hỏi ý kiến chứng tỏ “ cô coi thường tôi”. Nên ngăn chặn ngay từ đầu để vợ không thể muốn làm gì thì làm. Với người đàn ông gia trưởng lo sợ nhất là không kiểm soát được vợ. Theo anh em vẫn nên giữ sĩ diện cho chồng bằng việc tỏ thái độ nhún nhường vẫn nên hỏi ý kiến chồng. Còn nếu sự gia trưởng hoặc bạo lực từ phía chồng quá lớn, o ép đến mức độ không chịu nổi, thậm chí có hành vi đánh đập, cục cằn … thì mình không thể im lặng được

hao
hao
Trả lời 11 năm trước

Bí quyết 'nịnh' chồng gia trưởng

Những chia sẻ thú vị sau đây biết đâu sẽ hữu ích với chính cuộc sống của bạn.

Buổi tối thấy chồng đang ngồi xem tivi, Giang chủ động ‘xin’ xoa bóp vai cho chồng. Nhằm lúc chồng đang sảng khoái, kêu: ‘Đã quá, lên cao chút đi’, Giang thủ thỉ: ‘Anh, cho em đổi xe ga nhé. Đi, anh nhé’. Thấy chồng thở dài, im lặng, Giang tranh thủ luôn: ‘Thế anh nhé, im lặng là đồng ý’.

Để thuyết phục chồng đổi xe cho mình, Giang phải “nịnh” chồng đến vài lần. Chồng Giang trầm tính và hơi gia trưởng. Anh không đồng ý việc gì thì đố Giang dám “lèo nhèo”, sẽ ăn mắng như chơi. Do đó, khi muốn hỏi ý chồng việc gì, Giang toàn phải vận dụng kế “nói mòn lỗ tai”.

Nhưng không phải “nói dai” thành “nói dại”. Chẳng hạn chuyện đổi xe ga. Giang có con xe số, mua cách đây 4-5 năm. Hồi mới lấy chồng (khoảng 2 năm trước), Giang được chồng gợi ý đổi xe ga nhưng lần ấy, Giang tiếc tiền, chung thủy mãi với “em xe số”, bảo xe còn mới, bỏ đi thì tiếc. Với cả, đi xe số cho tiết kiệm xăng. Bây giờ, thấy bạn bè, đồng nghiệp váy ngắn – váy dài trên xe ga, Giang thèm. Giang về nịnh chồng nhưng do anh xã đang lo dồn vốn làm ăn nên chưa thể quyết. Chồng bảo đi tạm một thời gian ngắn nữa thì đổi nhưng Giang sốt ruột.

Nói chuyện này 1-2 lần không được chồng đồng ý, Giang để cách một thời gian rồi mới đề xuất lại. Cuối cùng, cô cũng thành công.

Cũng có chồng hơi gia trưởng nên khi muốn việc gì, Nguyên (Cầu Giấy, Hà Nội) phải kiên trì nịnh. Chồng Nguyên hơn cô 10 tuổi. Kinh tế trong nhà, một tay chồng Nguyên lo cả. Hồi mang bầu, sinh con, Nguyên nghỉ việc, ở nhà lo nội trợ. Đến giờ, con gái Nguyên đã đến tuổi đi lớp, Nguyên muốn tìm việc làm nhưng chồng Nguyên không cho. Đề xuất chuyện này 1-2 lần, chồng Nguyên bảo: Không làm gì cả, em cứ ở nhà lo cơm nước, chăm con. Đến lần thứ 3 thì Nguyên bị chồng cáu: Không nói chuyện này nữa”. Tuy ấm ức nhưng Nguyên kiên quyết không từ bỏ ý định thuyết phục chồng.


Trong thời gian ấy, Nguyên tích cực chiều chồng hơn: nấu ăn ngon, mua bia lạnh... Lúc vui thì “đá” sang chuyện tin tuyển dụng trên mạng, có vài chỗ gần nhà, hợp với chuyên môn, lại không phải đi xa... nên Nguyên vẫn có thể đi làm, chăm con, chăm chồng tốt. “Cho em nộp đơn, đi làm thử. Nếu không chăm con được tốt, em sẽ nghỉ ngay mà” – Nguyên năn nỉ. Cuối cùng, Nguyên thấy chồng không phản ứng gay gắt nữa mà cũng xuôi xuôi.

Nhiều lần thành công trong việc nịnh chồng, Mai Anh (27 tuổi, nhân viên bảo hiểm) chia sẻ, muốn được chồng đồng ý việc gì, Mai Anh sẽ làm bộ mặt đau khổ. Khi ấy, chồng Mai Anh sẽ hỏi lý do và cô có dịp trình bày. Tuy nhiên, không phải lúc nào, chồng Mai Anh cũng đủ tinh tế và nhạy cảm để biết vợ có nỗi niềm. Khi buồn mãi mà không được chồng đoái hoài, Mai Anh chủ động tâm sự. Chẳng hạn, tuần này, Mai Anh muốn được chồng đèo về ngoại nhưng cô biết chồng lười, theo lệ là 1 tháng mới tới ông bà ngoại một lần, Mai Anh rầu rĩ: “Chán ghê anh ơi, ông bà ngoại gọi điện mãi bảo vợ chồng mình cho cu Tý sang ăn cơm. Em bảo nhà con còn bận lắm nên chưa chắc đã sang được”... Thấy chồng không phản đối, Mai Anh nói thêm: “Hay anh bận thì để hai mẹ con em bắt taxi sang ngoại nhé” thì chồng Mai Anh “bật” ngay: “Ai bảo bận, báo cơm cho ông bà cuối tuần cả nhà mình sang”.

Theo Mai Anh, nịnh chồng đôi khi phải “khích tướng” thế, chứ nếu nói: “Anh ơi, cuối tuần anh đèo mẹ con em sang ngoại nhé” thì rất dễ bị từ chối. Tốt nhất cứ đề xuất: “Nếu anh bận thì hai mẹ con em tự đi cũng được”... Nếu chồng đi cùng thì tốt, không thì hai mẹ con tự về ngoại chơi cũng không sao.

Tâm (Hải Phòng) có chồng làm kinh doanh tự do. Sợ chồng có nhiều tiền mà lại nộp cho vợ ít nên Tâm tranh thủ nịnh chồng. Thỉnh thoảng, có hóa đơn điện, nước, Tâm gọi chồng nịnh: Anh ơi, hết tiền, hết tiền, anh đóng tiền điện đi. Hoặc rảnh rỗi là rủ chồng đi siêu thị, mua đồ ăn, đồ sinh hoạt... tất nhiên là tiền chồng trả hết. Có những lúc, điện thoại di động hết tiền, Tâm cũng gạ được chồng mua cho thẻ nạp. Vì hay gọi vui chồng là chồng đại gia nên những lần sau, Tâm cũng được chồng tự nguyện thanh toán cho một vài khoản sinh hoạt. Hoặc khi nào thấy chồng cứng đầu, không chịu rút hầu bao là Tâm thỏ thẻ: Anh ơi, cu Bi nó thích cái này lắm... là chồng Tâm vui vẻ chi tiền ngay. Bù lại, Tâm cũng chứng tỏ mình là một phụ nữ giữ tiền đáng tin cậy và biết thu vén.