Phân tích các hình thức của quan hệ kinh tế quốc tế?

Nguyen Thi Huyen Trang
Nguyen Thi Huyen Trang
Trả lời 15 năm trước
Có sáu hình thức kinh tế đối ngoại. 1. Hình thức đầu tiên là hình thức hợp tác trong lĩnh vực sản xuất bao gồm gia công, xây dựng xí nghiệp chung, chuyên môn hoá và hợp tác hoá sản xuất quốc tế... Nhận gia công cho nước ngoài là một hình thức tốt, tận dụng được nguồn lao động, tạo nhiều việc làm và tận dụng công suất máy móc hiện có.Nhưng, muốn mở rộng việc nhận gia công cho nước ngoài phải chọn những gì thế giới cần chứ không phải là những gì mà chủ quan ta mong muốn. Xí nghiệp chung hay hỗn hợp là kiểu tố chức xí nghiệp công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ và tổ chức tài chính – tín dụng. Về mặt pháp lý, xí nghiệp chung thường được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần với trách nhiệm hữu hạn tương ứng với số vốn góp của các thành viên. Các xí nghiệp này thường được ưu tiên xây dựng ở những ngành nghề kinh tế quốc dân hướng vào xuất khẩu hay thay thế hàng nhập khẩu và trở thành nguồn thu ngoại tệ chuyển đổi hay tạo điều kiện cho Nhà nước tiết kiệm ngoại tệ. Do phân công lao động quốc tế tất yếu dẫn đến hợp tác quốc tế trên cơ sở chuyên môn hoá, có thể là chuyên môn hoá giữa những ngành khác nhau hay chuyên môn hoá trong cùng một ngành. Hình thức này làm cho cơ cấu kinh tế ngành của các nước tham gia đan kết, phụ thuộc lẫn nhau. 2. Hình thức hợp tác khoa học kỹ thuật. Hình thức này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như phối hợp nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công nhân... Đối với những nước lạc hậu về kỹ thuật, phương tiện vật chất kỹ thuật còn thiếu, đội ngũ cán bộ mỏng, vốn đầu tư nghiên cứu ít thì việc hợp tác khoa học kỹ thuật có nghĩa nghĩa rất quan trọng, giúp các nước này nhanh chóng rút ngắn khoảng cách lạc hậu về khoa học kỹ thuật với các nước phát triển. 3. Ngoại thương hay thương mại quốc tế là sự trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa các quốc gia. Ngoại thương có vai trò rất quan trọng đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với những quốc gia đang phát triển nhằm góp phần làm tăng của cải và sức mạnh tổng hợp của mỗi nước. Nó là một động lực của sự tăng trưởng kinh tế quốc dân, nâng cao trình độ công nghệ và ngành nghề trong nước, “điều tiết thừa, thiếu” của mỗi nước, tạo điều kiện giao dịch việc làm cho người lao động trong nước. Nội dung cơ bản của ngoại thương bao gồm xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá trong đó xuất khẩu là hướng ưu tiên trong điểm trong ngoại thương các nước. Trong hoạt động ngoại thương ở nước ta hiện nay cần hướng vào giải quyết các vấn đề: - Tăng kim ngạch xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu. - Chính sách nhập khẩu phải tập trung vào việc hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phục vụ chiến lược hướng mạnh vào sản xuất đồng thời thay thế nhập khẩu những mặt hàng có thể sản xuất hiệu quả ở trong nước. - Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chính sách thương mại tự do và chính sách bảo hộ thương mại. - Hình thành tỷ giá hối đoái một cách chủ động, hợp lý. 4. Hình thức đầu tư quốc tế là một hình thức cơ bản của quan hệ kinh tế đối ngoại. Nó là quá trình trong đó hai hay nhiều bên có quốc tịch khác nhau cùng góp vốn để xây dựng và triển khai một dự án đầu tư nhằm đưa lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Đầu tư quốc tế có tác động hai mặt đối với các nước nhận đầu tư. Một mặt làm tăng nguồn vốn, tăng công nghệ mới, nâng cao trình độ quản lý, tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tiếp cận kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới. Mặt khác, đối với các nước kém phát triển, nó sẽ làm tăng sự phân hoá giữa các gioai cấp trong xã hội, làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tăng tính phụ thuộc vào bên ngoài. Có hai hình thức đầu tư quốc tế: Đầu tư trực tiếp (FDI) là hình thức đầu tư mà quyền sở hữu và quyền sử dụng quản lý vốn của người đầu tư thông nhất với nhau, tức là người có vốn đầu tư trực tiếp tham gia vào việc tổ chức quản lý và điều hành dự án đầu tư, chịu trách nhiệm về kết quả và rủi ro trong kinh doanh và thu lợi nhuận. Đầu tư trực tiếp được thực hiện dưới các hình thức như hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, xí nghiệp liên doanh.... Đầu tư gián tiếp là loại hình đầu tư mà quyền sử hữu tách rời quyền sử dụng vốn đầu tư, tức là người có vốn đầu tư không trực tiếp tham gia vào việc tổ chức, điều hành dự án mà thu lợi dưới dạng lợi tức cho vay hoặc lợi tức cổ phần. Trong các hình thức đầu tư gián tiếp thì vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) là bộ phận quan trọng nhất bao gồm các khoản hỗ trợ không hoàn lại và các khoản tín dụng ưu đãi khác. 5.Hình thức tín dụng quốc tế. Đây là quan hệ tín dụng giữa Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, các cá nhân trong nước với các chính phủ, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các cá nhân ngoài nước, trong đó với các tổ chức ngân hàng thế giới và ngân hàng khu vực là chủ yếu. Tín dụng quốc tế được thể hiện dưới nhiều hình thức như vay nợ bằng tiền tệ, vàng, công nghệ, hàng hóa hoặc thông qua hình thức đầu tư trực tiếp. Vốn tín dụng quốc tế thường dùng để mở rộng sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng - những khu vực vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm nhưng cần phải được sử dụng có hiệu quả. 6. Cuối cùng là các hình thức thu ngoại tệ và du lịch quốc tế. Các hình thức thu ngoại tệ chủ yếu là du lịch quốc tế (bao gồm các hoạt động tổ chức, hướng dẫn du lịch, cung cấp các dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi, thăm quan, lưu niệm... cho du khách), vận tải quốc tế (sử dụng các phương thức đường biển, đường bộ, đường không... trong đó vận tải đường biển có vai trò quan trọng nhất), xuất khẩu lao động ra nước ngoài và tại chỗ (đáp ứng nhu cầu lao động ở những ngành khó cơ giới hoá, tự động hoá hoặc cần nhiều lao động) và nhiều dịch vụ khác (dịch vụ ăn uống, tư vấn, thông tin bưu điện...) Đối với Việt Nam, việc phát triển nhanh các hình thức dịch vụ thu ngoại tệ đem lại lợi ích cả trước mắt lẫn lâu dài.