Dịch vụ công ích có quyền và nghĩa vụ gì giống và khác với các doanh nghiệp khác? Quy định tại văn bản Luật nào?

Tôi muốn thành lập doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công ích và thực hiện các dịch vụ công ích. Xin luật sư cho tôi biết doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích có quyền và nghĩa vụ gì giống và khác với các doanh nghiệp khác? Quy định tại văn bản Luật nào?
tun cua di
tun cua di
Trả lời 15 năm trước
Điều 8, 9, 10 và Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: Về điều kiện thành lập thì doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích cũng tương tự như các doanh nghiệp khác. Thứ nhất: Đối với điều kiện chủ thể, tổ chức, cá nhân sau đây không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: 1) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; 2) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; 3) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam; 4) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; 5) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; 6) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh; 7) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản. Thứ hai: Điều kiện ngành nghề đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định. Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác. Về quyền và nghĩa vụ có các điểm giống nhau sau: Thứ nhất: các điểm giống nhau về quyền: 1) Tự chủ kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, đầu tư; chủ động mở rộng quy mô và ngành, nghề kinh doanh; 2) Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn. 3) Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng. 4) Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu. 5) Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh. 6) Chủ động ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh. 7) Tự chủ quyết định các công việc kinh doanh và quan hệ nội bộ. 8) Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp. 9) Từ chối mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định. 10) Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. 11) Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo uỷ quyền tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. 12) Các quyền khác theo quy định của pháp luật Thứ hai: các điểm giống về nghĩa vụ: 1) Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. 2) Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán. 3) Đăng ký mã số thuế, kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. 4) Bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm. 5) Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố. 6) Thực hiện chế độ thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê; định kỳ báo cáo đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo mẫu quy định; khi phát hiện các thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó. 7) Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh. 8) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Các điểm khác biệt theo pháp luật hiện hành quy định dành riêng cho danh nghiệp hoạt động công ích gồm: 1) Được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá thực hiện thầu hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 2) Được bảo đảm thời hạn sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý. 3) Sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. 4) Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi như nhau cho mọi đối tượng khách hàng. 5) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng. 6) Được Nhà nước khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Trường hợp bạn hỏi không nói rõ ngành nghề và loại hình doanh nghiệp muốn thành lập, do vậy bạn nên xem thêm tại Luật doanh nghiệp năm 2005 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006). Ngoài ra, về thủ tục thành lập đề nghị xem thêm Nghị định 88/2005/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 và các văn bản luật có liên quan đối với từng loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện để đăng ký theo đúng quy định của pháp luật.