Những con đường 'đau khổ' ở Việt Nam?

Việt Nam có những hố tử thần ngốn cả con xe của bạn. Những khúc cua tay áo một bên vực thẳm một bên núi cao, nhưng ổ trâu ổ voi còn cao hơn núi, sâu hơn vực. Chỉ có lòng quyết tâm mới vượt qua.

Có những con đường biển báo lấp vào lùm cây, vạch kẻ đường thì như đánh đố. Lúc ấy xuất hiện từ bên phải một "người điên", vượt và chặt đầu xe. Có con đường nắng bụi, mưa bùn, ngập không nhìn thấy mốc giới. Nếu lạ đường thì xe sẽ đi trên nắp cống đang mở sẵn thoát nước.

Nhiều khi đỗ lại chờ đèn đỏ mà xe sau cứ lấy đuôi xe mình làm phanh. Nếu không thế thì chẳng thể nào thoát được vòng vây xe máy. Hở ra là họ chen. Có những con đường cho chạy 100 km/h, nhưng ngay sau là biển báo tốc độ tối đa 20 km/h. Oái oăm hơn là xe đang xuống dốc.

Ở nơi đó thường có ông đội nón lá, mặc áo mưa, lưng đeo cành cây mắt dõi theo từng đoàn xe, bất ngờ dương súng bắn anh tài nào đấy không quen đường. Đồng đội ông cách đấy một cây, đứng sẵn và cho một gậy vì quá tốc độ. Có con đường đẹp nhất VN, gọi là cao tốc nhưng xe buýt, xe máy, xe bò, xe cải tiến ngang nhiên đi vào. Thậm chí ngược chiều.

Cảnh bụi bặm trên Đại lộ Thăng Long.
Cảnh bụi bặm trên Đại lộ Thăng Long.

Có những con đường dành riêng cho tàu hỏa thế mà ôtô, xe máy cứ cắt ngang liều mình như chẳng có. Có con đường hiện đại bậc nhất vừa khánh thành, cánh tài xế nhà ta phi lên thử xe, thử cảm giác vì lâu ngày bị trói trong 50 km/h. Những anh Kia CD5, xe khách đời ơ kìa cũng "đú" trên 120 km/h để rồi cắt côn ra mo, nếm cảm giác phiêu linh. Có anh không chịu được nhiệt, nổ lốp, mất lái trượt mấy vòng trước khi quay đầu về núi, kịp tiễn đưa mấy người dân oan về với thế giới bên kia.

Nhiều con đường trước kia rộng thênh thang, gắn với các anh hùng đã đi vào lịch sử. Nay bịt lại bằng bê tông. Đèn đỏ đèn xanh hiện đại, ngốn hàng tỷ đồng thuế còn đó, đang hoạt động mà dòng người đóng thuế đông như kiến vẫn rẽ, quay đầu, rồi lại rẽ cho đến khi mệt nhoài...

Ngạc nhiên nhất là họ tranh nhau kể công, thậm chí đòi cấp bằng sáng chế! Khi bị dân kêu, Quốc Hội kêu thì đồng loạt "cãi xóa" - vô can. Dải phân cách vừa hoàn thành "sứ mệnh" hôm trước thì hôm sau đã thành sắt vụn.

Có con đường 24/7 là tắc nghẽn, thoảng có vài anh công an được điều đến. Nhưng một ngày đẹp trời đoàn quốc tế đi qua, thì chao ôi sao mà lắm công an thế. Có anh tóc bạc đeo lon đại tá cũng cầm gậy chỉ đường và thật kỳ diệu, đông nhưng không tắc! Đoàn quốc tế đi qua, các anh cũng bỏ vị trí và "chuyện thường ngày" lại tiếp diễn. Vì thế, có nên gọi các anh là "công an quốc tế" không nhỉ?

Có con đường không bao giờ phun nước rửa. Nhưng có những con đường ngày hai lần đều như vắt chanh cứ nhè vào ca, tan ca là phụt lấy được, chị em váy xanh váy đỏ là lung hết cả tung.

Có những con đường hàng đêm choai con không biết con nhà buôn hay con ai, động rồ rú ga nẹt pô, lắc giật, đánh võng, bốc đầu...theo sau là bọn rỗi hơi hò hét cổ vũ. Đến lúc đuổi nhau với công an, náo loạn cả một đêm yên bình. "Phi đen" nhất là dân oan nào ra đường gặp "gái", bước bằng chân trái, gặp bọn này không hoàn vũ thì cũng báo cháo cả đời.

Có con đường mà càng cuối năm càng đào bới để chi hết tiền ngân sách. Nhưng cái đáng nói là họ làm cẩu thả, ngụy trang bằng cành cây khô là còn phúc, không thì kệ. Chỉ khổ cho ai mải ngắm mà không đi xe hai cầu, sập bẫy chỉ có nước cứu hộ. Thủ phạm chỉ loanh quanh mấy ông điện, nước, viễn thông mà không tài nào dứt điểm.

Vài con đường hiện đại, có cả hầm cho người đi bộ. Không hiểu sao chui vào khách lạ lại lạc, mãi chẳng định hướng được cái cửa mà mình cần ra. Thế là chúng biến thành chỗ tập thể dục, chỗ ngủ cho dân vô gia cư, chỗ tệ nạn...

Còn người đi bộ lại băng qua đường với tinh thần dũng cảm vô song.

Nguyễn Phúc Tâm

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Tiêu biểu như con đường ở dưới gầm cầu Thăng Long (đoạn qua Chèm) đang đẹp và nhẵn thế không hiểu sao họ phá ra làm lại và bây giờ trông nó còn tệ hơn khi chưa sửa nhiều. Tại sao đường vẫn đẹp mà phải làm lại với chất lượng còn kém hơn? Có vị lãnh đạo nào trả lời câu hỏi ấy cho người dân không?

roi biet
roi biet
Trả lời 13 năm trước

Người dân đóng thuế rồi thì tiền của chả biết đổ ra nâng cấp thế nào, vừa mới làm xong 1 con đường thì hôm sau lại cắt lại xẻ lại đào bới lên, chưa đi được dăm bữa thì đã sụt lún.

Cứ thử ra đường buổi tối lúc 7h xem sao, cứ phải gọi là y như buổi sáng sớm có sương mù dày đặc. Không hiểu sao khi vừa làm xong thì ai cũng tranh là công của tôi. Đến khi đường hỏng thì lại đổ lỗi cho người khác, không phải do tôi làm thế là sao. Bao giờ mới có đường đẹp mà đi.

Quốc Trung

biet rui
biet rui
Trả lời 13 năm trước

Đường xuống từ cầu Thanh Trì đi Hải Phòng thường xuyên bị ách tắc. VOV giao thông kêu là do đèn tín hiệu không tốt nhưng tôi thấy không đúng mà do khâu thiết kế cầu không đúng tạo giao cắt không hợp lý gây ách tắc. Sự không hợp lý này cần nhanh chóng sửa chữa.

gfhfghgg
gfhfghgg
Trả lời 13 năm trước

Tôi vô cùng bức xúc với những con đường VN. Chán không thể nào tả được. Những con đường đang đẹp, xe chạy bon bon tự dưng bị đào bới, rồi lấp liếm vô tội vạ ổ voi, ổ gà, kẹt xe.. Ngày nào đi cũng gặp, cũng xót xa.

Một công trình có mấy chục mét mà làm hết tháng này đến tháng khác, hết xin gia hạn năm nay qua năm khác. Chả nhẽ họ không thấy được những điều hiển nhiên thế.

Thanh Huyền

tun oi
tun oi
Trả lời 13 năm trước

Quốc lộ 21B đoạn từ Cầu Đò Quan đến Cầu Lạc Quần - Nam Định

Đọc bài viết : Những con đường 'đau khổ' ở Việt Nam - Tôi cũng xin góp thêm con đường "tiêu biểu" nữa, đó là Quốc lộ 21B đoạn từ Cầu Đò Quan đến Cầu Lạc Quần - Thuộc địa phận tỉnh Nam Định.

Đoạn đường này đã bắt đầu triển khai thi công mở rộng được vài năm nhưng chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành. Đoạn đường này lưu lượng giao thông rất lớn, nhưng hình như CĐT không hề quan tâm thúc đẩy dự án. Thật quá kinh hoàng mỗi lần đi xe khách về quê, mặt đường bị cày xới, ổ voi, ổ trâu, rồi lại chặn đoạn này, bịt đoạn kia...

Đoạn đường chỉ khoảng 30-40 cây số nhưng đi xe khách phải mất hơn 1 tiếng. Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm nặng, bụi mù mịt do thi công. Người đi xe máy, xe đạp thật quá khổ và đối mặt với nguy cơ tai nạn. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên đoạn đường này mà nguyên nhân chính do tình trạng mặt đường bị tàn phá do đơn vị thi công gây ra.

Không biết đến bao giờ con đường huyết mạch này mới hoàn thành để người dân không còn chịu đựng tình trạng kinh hoàng trên...

ocnhoi
ocnhoi
Trả lời 13 năm trước

Sự thật chua chát quá!

Cầu vượt Sài Sơn nằm trên trục đường Đại lộ Thăng Long, sau 2 tháng gắn biển và thông xe để chào mừng đại lễ nó vẫn giữ nguyên hiện trạng như lúc đang thi công. Em không cần phải tả cảnh nhiều, các bác có điều kiện đi qua sẽ thấy hết sự khủng khiếp của nó. Các bác nhà báo có tâm huyết, các nhà chức trách có lương tâm xin hãy qua đây một lần (không cần phải đi hết cả cây cầu hay đường dẫn mặc dù nó không dài lắm).

pqy
pqy
Trả lời 13 năm trước

Tôi yêu Việt Nam vì Việt Nam có những cái mà khó nơi nào có được như đã kể trên. Mỗi ngày ra đường chạy xe tôi đều cầu nguyện có thể đi đến nơi về đến chốn bình an để có thể tiếp tục yêu đời. Tai bay vạ gió đổ thừa cho số phận hết, chứ biết đổ thừa ai bây giờ, vì có gì xảy ra có ai chịu trách nhiệm đâu. Lòng kiên nhẫn, ý chí sắt đá, tinh thần dũng cảm và cảnh giác cao độ dường như được bồi dưỡng thêm mỗi ngày.

gj
gj
Trả lời 13 năm trước

Còn có những con đường nắp cống cắm cành cây

Đang đi trên đường cao tốc ngon trớn, bỗng cái rầm, một anh bay vèo và lăn lộn vài chục vòng trước khi vào gầm xe sau để được chuyển vào nhà xác. Chiếc xe thì nguyên một nửa dưới nắp hố ga để ngỏ. Hôm sau, dân ta bảo nhau cắm mấy khúc gỗ, mấy cành cây, thậm chí là bê nguyên đống rác (vật liệu xây dựng) ra giữa đường để...TỰ CỨU LẪN NHAU.

Nguyễn Việt Hùng

fh
fh
Trả lời 13 năm trước

Đường Hồ Chí Minh - Đau khổ hay không?

Đường Hồ Chí Minh được đầu tư lớn nhằm giảm tải cho Quốc lộ 1A nhưng lái xe chỉ đi 1 lần, lần sau không đi nữa, lý do thật đơn giản là CSGT lấy đó là địa bàn săn - bắt - phạt lái xe với những biển báo tốc độ, vạch liền.... không hợp lý.

Giống như những cái bẫy: đường thì vắng ôtô, chỉ có xe máy, xe đạp và bò, hai làn đường hẹp nhưng cứ kẻ vạch liền suốt đường, đặc biệt là tỉnh Thanh Hóa, nếu lái xe không đè vạch liền thì cứ đi sau xe đạp, bò... công an phối hợp với thiếu niên quay camera ven đường, trong quán cóc... Nhà nước và nhân dân cùng làm?Tôi đã bị dừng xe 4 lần trong địa phận tỉnh này vì đè vạch.

Chẳng lẽ hàng nghìn tỷ làm đường xong chỉ vì mấy cái "gai" mà con đường đành bỏ phí?

Nguyễn Nhân Sĩ

spg
spg
Trả lời 13 năm trước

Đoạn từ Cầu Diễn tới Nhổn

Không nói đâu xa, con đường chỉ có vài KM từ Cầu Diễn đến Nhổn mà làm mấy năm không xong, khiến cho hàng nghìn Sinh viên các trường Đại Học dưới Nhổn, người dân ở đó sống chung với bụi.

Vô hình trung khiến tuổi thọ của một thế hệ giảm vì suốt ngày phải hứng bụi. Ai chịu trách nhiệm con đường này phải biết suy nghĩ lại, làm thế có xứng đáng với trách nhiệm và với biết bao nhiêu người dân đóng thuế để dành tiền làm đường.

Bức xúc lắm các vị ah!