Hậu quả và cách xử lý khi xe bị ngập nước?

Đang vào mùa mưa bão rồi các cụ ạ, em là lái mới, các cụ cho em hỏi: Hậu quả và cách xử lý khi xe bị ngập nước với ạ? Em cảm ơn các cụ.

Hồ Anh Khang
Hồ Anh Khang
Trả lời 7 năm trước

Hậu quả và thiệt hại sau những sự cố là khủng khiếp, những chiếc xe may mắn có được chủ xe kinh nghiệm thì chỉ sửa chữa nhanh và lại vận hành bình thường, chiếc nào “vô phúc” thì phải tháo máy thay biên và piston. Những hư hỏng nặng thường rơi vào những dòng xe cao cấp như BMW và Mercedes-Benz, có chiếc phải thay cụm động cơ mới và toàn bộ hệ thống điện, lái xe có thể phải trả giá bằng 1 khoản ngót 200 triệu mới đảm bảo tiêu chuẩn của Mercedes.

Nước cực kỳ nguy hiểm với động cơ, nhưng thật trớ trêu, xe ô tô của bạn không phải được thiết kế để lội nước. Nước rất có hại với các ổ bi, ổ bạc dưới gầm xe, ảnh hưởng đến máy đề, máy phát điện, các cánh quạt, các linh kiện điện, các cảm biến, hộp điều khiển rất dễ hỏng, nước làm giảm hiệu lực của côn - ly hợp, phanh.
Nếu mức nước cao sẽ bị hút vào đường hút gió (khí nạp) của máy và làm máy hỏng, nhẹ thì cong biên, nặng thì hỏng trục cơ, vỡ block máy. Đây chính là hiện tượng “thuỷ kích”, khi máy vận hành bình thường, các piston đang lao lên ép hỗn hợp khí nạp với tốc độ khoảng 1000 vòng/phút, do hỗn hợp khí nạp đã bị nước chiếm chỗ và vì nước không chịu nén nên chính lực ép này đã tạo phản lực làm biến dạng cong các tay biên và piston, khi tay biên cong quá sẽ bị gẫy, đoạn gẫy này sẽ chọc thủng thành động cơ phá huỷ máy xe của bạn.

Vì vậy bạn phải hiểu rõ đầu ống hút gió của xe bạn ở vị trí nào để phòng tránh. Khi trời mưa to nên để xe nơi cao, nếu phải dùng xe thì chọn các tuyến đường ít ngập. Khi bắt buộc phải lội nước, nếu mức nước cao trên trục láp là mức nguy hiểm, nên tắt công tắc AC (điều hoà), đi số 1 (với những xe số sàn), chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, đi thật chậm và ra hiệu cho xe ngược chiều cùng đi chậm tránh tạo sóng cao.

Nếu nước cao đến giữa Padeshock thì tốt nhất là tắt máy, đẩy xe qua nơi nguy hiểm, rồi kiểm tra bầu lọc gió, nếu nước đã lọt vào thì phải xử lý ngay. Sau khi khởi động xe, nhớ đạp nhẹ rà phanh một lúc cho má phanh khô, tạo hiệu quả phanh như bình thường. Với những xe có ống hút cao thì bạn vẫn phải cẩn thận vì nước có thể chui qua các lỗ thông khí trên vỏ cầu xe, trên thân máy làm hỏng dầu bôi trơn, gây thiệt hại về sau. Đơn giản hơn, nước sẽ lọt qua các lỗ dưới sàn xe làm ướt nội thất, chập các linh kiện điện tử lắp dưới sàn.

Nếu không may xe bị chết máy thì tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe lên chỗ và gọi ngay cứu hộ. Với mỗi xe khác nhau thì việc xử lý sự cố sau khi ngập nước cũng khác nhau, lời khuyên đúng đắn nhất là đừng nên tìm cách tự sửa nếu các bạn không có chuyên môn kỹ thuật.
Huỳnh Nhật Anh
Huỳnh Nhật Anh
Trả lời 7 năm trước

Đi qua vùng ngập nước, khả năng "xế yêu" của bạn bị nước làm chết máy gây ra hỏng hóc là rất lớn. Vậy hiện tượng này là gì và làm sao để tránh được điều đó cũng như những hậu quả và cách phòng ngừa?

Thủy kích là gì?

Thủy kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào đường hút gió của máy, làm xe chết máy đột ngột. Trong trường hợp này, nếu người lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ dẫn đến hỏng máy.

Với điều kiện vận hành bình thường, các piston đang lao lên ép hỗn hợp khí nạp với tốc độ khoảng 1.000 vòng/phút. Tuy nhiên, khi nước tràn vào đường hút gió và chiếm chỗ của hỗn hợp khí nạp và vì nước không chịu nén nên chính lực ép này đã tạo phản lực làm biến dạng các tay biên và piston. Khi tay biên cong quá sẽ bị gẫy, đoạn gẫy này sẽ chọc thủng thành động cơ, phá huỷ máy xe.

Hậu quả của thủy kích thường rất nặng nề do hư hỏng nằm ở động cơ - trái tim của xe. Chi phí sửa chữa trong trường hợp bị thủy kích thường rất lớn, ít cũng vài chục triệu đồng khi chỉ phải thay tay biên, nhiều có thể lên tới vài trăm triệu đồng nếu chẳng may phải thay cả cụm động cơ mới và toàn bộ hệ thống điện. Chi phí khắc phục sẽ tỷ lệ thuận với mức độ sang trọng và cao cấp của xe cấp bởi giá phụ tùng chính hãng rất đắt.

Giải pháp phòng ngừa

Với khả năng ngập lụt có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại những thành phố lớn, để phòng xa cho những rủi ro này, tốt nhất nên tìm mua loại bảo hiểm có bao gồm gói bảo hiểm thủy kích.

Mức phí cho khoản bảo hiểm phụ này dao động trong khoảng từ 0,3 - 0,5% giá trị xe tùy theo mỗi nhà cung cấp bảo hiểm. Trước khi mua, bạn nên hỏi rõ nhân viên bảo hiểm về điều khoản thủy kích.

Một số nguyên tắc cơ bản khi lái xe gặp mưa ngập:

- Khi buộc phải đi qua vùng ngập nước, nên tháo lọc gió động cơ ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào vì đây là vị trí cao nhất, tránh lấy gió qua đường khí nạp theo xe vì đây là vị trí thấp hơn. Qua khỏi đoạn ngập lụt, bạn có thể lắp lại lọc gió động cơ như ban đầu.

- Mức nước an toàn cảnh báo là dưới 25 cm, không vượt qua tâm bánh xe, ở trên mức đó bạn không nên đi qua. Bên cạnh đó, đặc biệt chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.

- Khi đi qua vùng ngập, nên tắt công tắc điều hòa (nút AC), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái điềm tĩnh. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1. Nếu để nguyên, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô. Chú ý không nên đạp côn xe số sàn khi qua chỗ ngập để tránh trường hợp chết máy.

- Nên hạn chế đạp thốc ga vì việc tăng ga mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút. Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao, nếu nước vào sẽ khiến hiện tượng thủy kích mạnh hơn, dẫn tới cong tay biên.

- Khi đã đi qua chỗ ngập, bạn cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa. Sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.

- Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, bạn tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe vị trí cao và gọi ngay cứu hộ. Với mỗi xe khác nhau thì việc xử lý sự cố sau khi ngập nước cũng khác nhau, vì thế đừng nên tìm cách tự sửa nếu bạn không có chuyên môn kỹ thuật.

- Khi gọi cứu hộ, tài xế cũng lưu ý nếu xe trang bị số tự động, hệ thống tự động chống trượt, tự động cài cầu, tự động ổn định chống lật hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian thì chỉ nên kéo xe bằng xe bàn (4 bánh không quay).

- Ngoài ra, không nên mở cửa ngay khi xe bị chết máy mà cần chú ý tới mức nước. Nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào, tuyệt đối không được mở cửa, vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào làm hư các hệ thống điện tử. Trong trường hợp này, cần mở cửa sổ để ra vào xe.

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 7 năm trước

Điều tiên quyết tránh rủi ro là người lái phải đi chậm và cẩn thận, đặc biệt lưu ý khi tới các khúc cua, sẵn sàng phanh và tay lái.

Lái ôtô khi đường ngập nước

Hiển nhiên, việc đầu tiên nên tính đến khi lái xe trong thời tiết mưa to là tài xế nên chọn các tuyến đường ít ngập. Nếu bắt buộc phải đi qua đường lội nên tắt hoàn toàn hệ thống AC (điều hoà), riêng đối với xe số sàn tốt nhất là cài xe ở số 1 mức ga cao khoảng trên 2000 vòng/phút.

Với xe số tự động có các số D1, D2, D3, hãy chuyển về D1 đồng thời nhấn đều tay ga vừa phải, giữ xe đi chậm. Cố gắng ra hiệu cho xe khác đi ngược chiều giảm tốc độ để tránh trường hợp đi nhanh tạo sóng mạnh tràn vào bên trong máy, nguy cơ sẽ còn nặng hơn.


Xe phóng nhanh tạo sóng lớn (Ảnh: otofun)

Xe 4 -7 chỗ đi số 1 với mức ga đều và phải tránh đi quá nhanh để không ảnh hưởng tới người tham gia giao thông trên đường và không tạo sóng lớn dễ khiến nước tràn vào máy, còn xe trên 12 chỗ nên đi số 2 nhấn ga vừa phải với vận tốc đều.

Tránh lao xe vào vùng trũng (mức nước ngập quá nửa lốp xe với các xe gầm thấp) vì nước sẽ mau chóng bị hút vào đường khí nạp của máy, gây hậu quả cong tay biên, hỏng trục cơ, piston hay vỡ block máy.


(Ảnh: Otofun)

Trường hợp bất khả kháng, đường bị ngập nước quá sâu và xe bạn không thể tránh hướng khác nên tiếp tục giữ tốc độ động cơ cao để tránh nước vào ống xả, phóng lên vị trí cao hơn, sau đó tắt máy nhanh và nhờ người đẩy xe thoát khỏi vùng trũng, kiểm tra ngay bầu lọc gió, dầu máy để phòng khi nước đã lọt vào. Nếu không may dầu đã bị dính nước, chuyển sang màu lạ thì không nên cố đi tiếp.

Lưu ý nếu xe bị “chết” máy không nên tìm cách khởi động lại ngay. Để chắc chắn việc không mắc phải tình huống …chữa “lợn lành thành lợn què”. Chủ xe nên rút ngay chìa khóa điện và tìm cách đẩy xe lên chỗ thoáng, gọi thợ sửa xe hoặc cứu hộ.

Luôn nhớ đậy nắp ca-pô ngay khi thấy trời mưa nặng hạt để tránh cho hệ thống điện bị thấm nước.


Hậu quả xe "chết máy" giữa vùng nước sâu, vượt quá khả năng "lội" của xe(Ảnh: Autonet)

Lái ôtô trên đường trơn, vũng bùn lầy

An toàn nhất, bạn nên đi chậm lại và không chuyển hướng lái đột ngột vì nếu điều khiển với tốc độ cao, cộng với tác động bề mặt đường trơn ướt dễ dẫn tới hậu quả lật xe.


Xe gặp vũng bùn lầy

Do trời mưa, đường trơn nên khi bạn muốn dừng xe hay giảm tốc độ cố gắngđạp phanh nhẹ từ từ, tránh đánh lái gấp. Điều đơn giản cần nhớ đối với người lái loại xe được trang bị ABS (hệ thống chống bó cứng phanh), nên đạp mạnh phanh ngay và giữ thật chắc. Ngược lại, với loại xe không có ABS, lại không nên đạp phanh đột ngột sẽ dễ gặp phải tình trạng xe mất lái.

Nếu không may bánh xe bị ngập trong vũng lầy, phương án hữu hiệu cho tình thế này là giữ vững tay lái, đồng thời nới lỏng chân ga cho đến khi xe giảm tốc độ.

Lời khuyên đối với người điều khiển xe máy

Khi lái xe trên đường ngập nước nên giữ đều tay ga, còn đối với xe số, cố gắngđi số 2 vì xe có thể tạo hơi khỏe, giúp tránh bị nước tràn vào ống bô. Tùy vào mức độ nước ngập thì gài số đi phù hợp. Nếu nước lên mớm gần tới ống bô nên để xe đi số 3, còn quá ống bô thì cài số 2.

Lưu ý nếu nước đã vào ống xả mà người lái vẫn cố tình khởi động máy sẽ dẫn tới tình trạng xe hỏng nặng hơn, chết máy hoàn toàn. Phương án tốt nhất là tắt ngay động cơ, dắt xe lên chỗ thoáng.

Vẫn tắt máy, đạp nổ nhiều lần cho nước bên trong ống bô bị đẩy ra ngoài, đạp liên tục 6, 7 lần sau đó vặn chìa chía điện lên đạp tiếp đến khi máy nổ. Nếu không nổ, tắt máy, kiểm tra ngay bu-gi phòng trường hợp nước vào bu-gi. Lấy khăn khô lau bu-gi và tẩu nhựa. Lắp bu-gi vào máy vị trí cũ, và bật máy, khởi động lại.

Hoàng Trùng Khánh
Hoàng Trùng Khánh
Trả lời 7 năm trước

Dù là xe số hay xe ga, nhưng khi đi qua những vùng ngập lụt lớn thường bị chết máy. Xe máy bị chết máy do ngập nước sẽ có nguy cơ hỏng hóc rất cao.Dưới đây là một số mẹo hướng dẫn bạn cách chăm sóc xe sau khi bị ngập nước mưa, mời các bạn cùng xem.

Với xe máy

Việc xe bạn cần làm sau khi đi mưa là rửa xe bởi nước mưa có nhiều axit, cộng với bùn bẩn sẽ bám vào xe làm các bộ phận trên xe nhanh bị rỉ sét, ăn mòn.

Bạn đừng nên cho rằng rửa xe chỉ để xe sạch và ngại rửa chỉ vì cho rằng ngày mai trời xe mưa tiếp. Bạn không cần mang xe ra hàng mà có thể tự mình dội nước để làm sạch xe rồi sau đó lấy vải lau khô những phần thuộc về sắt, thép, da...

Nếu xe của bạn đi vào vùng ngập nước thì việc chăm sóc xe sẽ cần thực hiện sớm và cẩn thận hơn.
Nếu xe của bạn đi vào vùng ngập nước thì việc chăm sóc xe sẽ cần thực hiện sớm và cẩn thận hơn.

Việc này sẽ giúp xe có thể hoạt động trong tình trạng tốt nhất, giảm chất ăn mòn bám trên xe và hạn chế tối đa các hiện tượng gỉ sét.

Sau khi rửa sạch, bạn cần tra dầu vào xích, ổ khóa càng. Khi đi mưa, nước mưa nhanh chóng bám vào ổ xích, gây hiện tượng khô dầu và gây ra tiếng kêu ở ổ xích thậm chí chỉ qua một đêm sau khi đi mưa. Việc tra dầu vào ổ xích để duy trì trạng thái trơn tru của các khớp nối.

Nếu xe của bạn đi vào vùng ngập nước, đặc biệt đi qua khu vực nước ngập ngang hoặc trên máy thì việc chăm sóc xe sẽ cần thực hiện sớm và cẩn thận hơn. Bạn nên lau bugi, xả nước trong ống pô và kiểm tra dầu máy. Nếu phát hiện dầu có nước (khi đó dầu sẽ có màu nâu như màu bùn) thì bạn phải cho xe nổ để nóng máy và thay dầu mới.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra và thay lọc gió (đa số các xe đời mới dùng lọc gió giấy nên phải thay, với lọc gió xốp thì thường chỉ cần vệ sinh bằng nước sạch). Ngoài ra, việc kiểm tra hệ thống ống xả, chế hòa khí... cũng là cần thiết để xe bạn được khỏe và bền.

Trong một số trường hợp nước ngập toàn bộ xe, bạn có thể phải thay ắc-quy bởi lúc đó ắc-quy đã bị đoản mạch.

Với ôtô

Nếu đi qua vùng ngập nước sâu, bạn cần kiểm tra sớm dầu máy.
Nếu đi qua vùng ngập nước sâu, bạn cần kiểm tra sớm dầu máy.

Để xe khỏe và bền, bạn cần bảo dưỡng tổng thể xe trước mùa mưa và trong mùa mưa tùy theo mức độ mưa ngập và tần suất đi mưa, lội nước mà có cách chăm sóc xe hợp lý. Tuy nhiên, những việc bạn cần làm cơ bản hậu mưa ngập vẫn là làm sạch xe, kiểm tra dầu và bảo dưỡng lọc gió.

Nếu đi qua vùng ngập nước sâu, bạn cần kiểm tra sớm dầu máy. Nếu dầu máy chuyển màu nước gạo tức là nước đã vào động cơ thì bạn tuyệt đối không nên tìm cách khởi động lại mà nên rút chìa khoá điện, đẩy xe lên chỗ cao và gọi cứu hộ.

Với một số dòng xe bình dân, ngoài việc kiểm tra dầu và bảo dưỡng lọc gió, bạn cần bảo dưỡng thêm ổ bi và phanh sau một thời gian đi mưa.

Ngoài ra, để xe bền và khỏe, sau khi đi mưa, bạn nên hút, sấy, khử mùi cho nội thất xe, đặc biệt khi xe bị ngập hoặc có nước tràn vào trong. Sau khi tẩy uế, bạn nên chăm sóc các chi tiết da bằng hoá chất chuyên dụng.