Trong những trường hợp nào, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ?

Trong những trường hợp nào, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ?
Trả lời 16 năm trước
Điều 38 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2002 và Điều 12 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định những trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là: - Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng, là người lao động không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục. Mức độ không hoàn thành công việc được ghi trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động của đơn vị. - Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định của pháp luật lao động. - Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ốm đau đã điều trị sáu tháng liền và người lao động làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động, mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì được xem xét để giao kết tiếp hợp đồng lao động. - Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Lý do bất khả kháng khác là trường hợp do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên, do địch họa, do dịch bệnh không thể khắc phục được dẫn tới việc phải thay đổi, thu hẹp sản xuất, kinh doanh. - Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.