Bệnh xoắn tinh hoàn biểu hiện như thế nào? Cách điều trị ra sao?

Em nghe hàng xóm nói chuyện có đứa trẻ bị bệnh này, em lo lắm.Có anh chị nào có kinh nghiệm về bệnh xoắn tinh hoàn xin chỉ giúp em với. Biểu hiện của bệnh như thế nào ạ? Làm sao để biết được bé đã bị mắc phải.Làm sao để phòng tránh được? Nhỡ chẳng may bị rồi thì phải xử lý ra sao? Điều trị bệnh như thế nào ạ? Xin chỉ dẫn chi tiết giùm em nhé. Em cảm ơn mọi người.
Huyng Mai Diem
Huyng Mai Diem
Trả lời 14 năm trước
Con mình được 1 tuần tuổi, sáng thay tả mình phát hiện 1 bên tinh hoàn của bé hơi ửng đỏ. Nghĩ là hăm tả nên mình thoa thuốc cho bé và vẫn tiếp tục kiểm tra. Đến trưa thì bé có vẻ đau khi tiếp xúc chổ ửng đỏ, và quấy khóc không chịu ngủ. Đến chiều thì chổ sưng đỏ bắt đầu cưng cứng. Mình sợ quá vác con đi khám ở FV thì được chẩn đoán là tinh hoàn bị xoắn, có khả năng hoại tử cao, chuyển gấp sang Nhi Đồng II để mổ cấp cứu. Tối hôm đó mổ nhưng vẫn ko kịp, bé mất vĩnh viễn 1 bên tinh hoàn. Khi tìm thông tin trên internet, nếu bạn tìm "sưng tinh hoàn" thì gần như ko tìm được thông tin về căn bệnh nguy hiểm này. Chỉ khi xuất viện về nhà mình tìm "xoắn tinh hoàn" thì mới biết. Nếu phát hiện sớm trong vòng 6 tiếng đầu thì đã có khả năng giữ được cho con rồi. Bác sỹ bảo thường thì bệnh này cũng ko hiếm, nhưng thường phát bệnh ở độ tuổi từ 2-3 tuổi trở lên, ít khi xảy ra ở trẻ sơ sinh. Do con mình quá bé, ko biết kêu đau với mẹ nên mới dẫn đến sự việc đau lòng như vậy. Bệnh này ít người biết vì thường thì cha mẹ có tâm lý che dấu bệnh của con vì thương con, sợ con sau này lớn lên mang tâm lý tự ti. Mình muốn nhắn nhủ tới các bà mẹ cảnh giác về căn bệnh nguy hiểm này. Mỗi sáng khi tắm cho bé, nếu có bất kỳ dấu hiệu sưng đỏ, cứng ở tinh hoàn thì phải đem bé đi khám ngay, đừng phân vân rồi ân hận các mẹ nhé!
Lai Hoang Doanh
Lai Hoang Doanh
Trả lời 14 năm trước
Bình thường, tinh hoàn được cố định chắc chắn ở trong bìu. Nhưng trong một số trường hợp, các điểm cố định này trở nên lỏng lẻo (thường liên quan đến cả 2 tinh hoàn), gây nên tình trạng xoắn thừng tinh. Bệnh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và thanh thiếu niên. Nếu không được điều trị sớm, nó có thể gây vô sinh. Ở trẻ sơ sinh, xoắn thừng tinh có các biểu hiện: trẻ sinh ra đã thấy một tinh hoàn to, không đau, sờ thấy rắn đều, da ở bìu đỏ sẫm hoặc nhợt, mất nếp nhăn. Có trường hợp một bên bìu rỗng do tinh hoàn bị xoắn đã tiêu đi từ trước. Ở tuổi thanh thiếu niên, xoắn thừng tinh có các biểu hiện cấp tính như đau dữ dội một bên bìu, lan lên vùng bẹn hoặc cả vùng chậu, kèm buồn nôn hoặc nôn. Bìu bị viêm, tăng thể tích, da đỏ phù nề, mất nếp nhăn, sờ nắn vào rất đau. Để chẩn đoán xác định căn bệnh này, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và chỉ định ghi hình siêu âm để có thể thấy trực tiếp các vòng xoắn. Xoắn thừng tinh thường đem lại hậu quả nặng nề. Do mạch máu bị nghẽn nên tinh hoàn không được nuôi dưỡng, rất dễ tổn thương. Nếu chậm được chẩn đoán và điều trị, tinh hoàn có thể bị hoại tử thành mủ hoặc hoàn toàn teo đi trong vài tháng. Bệnh nhân có nhiều nguy cơ vô sinh, nhất là các trường hợp thừng tinh 2 bên tinh hoàn đều lần lượt bị xoắn... Căn bệnh này là một cấp cứu về ngoại khoa nên bệnh nhân cần được đưa đi khám và mổ sớm. Phẫu thuật tháo xoắn sẽ giúp phục hồi việc cung cấp máu cho tinh hoàn. Các bác sĩ cũng ngăn ngừa xoắn tái phát bằng cách cố định tinh hoàn, đồng thời đề phòng xoắn thừng tinh bên đối diện bằng cách cố định tinh hoàn đó. Riêng với trẻ sơ sinh, không cần mổ gấp để cố định tinh hoàn còn lại; có thể trì hoãn việc này trong vài tháng. Khi đã mổ tháo xoắn thừng tinh, bệnh nhân vẫn có nguy cơ thiếu dinh dưỡng và teo thứ phát tinh hoàn liên quan nên cần được kiểm tra lại sau 6 tháng.
Nguyen Thi Trang
Nguyen Thi Trang
Trả lời 14 năm trước
... Có hẹn với Bác sỹ Lĩnh ở FV lúc 5h chiều, thế mà 6h hơn Bác sỹ mới đến do kẹt xe. Sau khi xem sơ tình trạng của bé, B/s nghi bé bị Sa ruột vào bìu, cho đi Siêu âm. Siêu âm xong, có kết quả, mặt B/s buồn xo, kiu là bé bị xoắn tinh hoàn rồi, chắc đã hoại tử mất rồi, phải chuyển qua Nhi Đồng II để mổ gấp. Mẹ như ko tin vào tai mình nữa. Chỉ vừa mới ửng đỏ sáng nay và tới trưa mới có dấu hiệu đau mà. Ba với mẹ nháo nhào vác con vô bệnh viện Nhi Đồng II. Dù đã có bác sỹ quen ưu tiên nhưng thủ tục vẫn rất lằng nhằng. Mẹ thì ôm ghì lấy con xem ba chạy hết đầu này chạy đầu kia thanh toán tiền siêu âm, xét nghiệm, mất cả tiếng đồng hồ. Con thì khóc ngất vì vừa đói vừa đau, mà mẹ lại ko được cho con bú để khi gây mê con ko bị ói, trong khi sữa thì chảy ướt cả áo, mẹ đã khóc hết nước mắt. Giờ nghĩ lại mẹ còn thấy kinh hoàng. Lúc bác sỹ siêu âm cho con, con đau đớn quằn quại, mẹ chỉ biết hôn lấy con tới tấp mong xoa dịu con thôi. Y tá hỏi tên của con để lưu hồ sơ cả chục lần mà mẹ ko nghe thấy gì cả, đến khi bị đập vào vai 1 phát mẹ mới hoàn hồn lại. Sau đó thì chờ nhập viện, mẹ ôm con xiu vẹo đi theo hướng dẫn của cô hộ lý vào khu bên trong. Bệnh viện Nhi Đồng II to kinh khủng, cả 1 khuôn viên rộng lớn bên trong. Mẹ vừa đói vừa mệt vừa mất tinh thần, vừa mới sinh con được 1 tuần, người vẫn còn rệu rã. Bồng con vào tới khu Ngoại Khoa sâu tít bên trong, mẹ mệt lả cả người. Ba thì xách đồ lỉnh kỉnh đi trước. Con thì vẫn khóc suốt chừng ấy thời gian, môi đã khô cong cả lên. B/s xem kết quả siêu âm xong thì cho mổ cấp cứu ngay. Lúc đó may mà có bà ngoại đến. Bà thay mẹ ẵm con vô phòng mổ vì mẹ sợ ko chịu đựng nổi. Rồi ba mẹ lại ngồi chờ kết quả của ca mổ. Từng giờ từng phút trôi qua chậm như cả thế kỷ. Đầu óc thì trống rỗng, mà trống rỗng được thì tốt vì ko thì chỉ có hình ảnh con mình bé xíu nằm trên bàn mổ. Rồi cũng có kết quả sau hơn 2 tiếng, ko được như mong đợi của bác sỹ vì ko thể giữ lại đầy đủ cơ quan sinh dục cho con, con vĩnh viễn mất 1 bên tinh hoàn. Bac sỹ nói khả năng có con vẫn bình thường nhưng theo mẹ tìm hiểu thì chỉ còn 50% thôi. Sau đó lại tiếp tục chờ tin con thêm gần 2 tiếng nữa. Con bé tí được đặt trên cái giường đẩy to đùng, đẩy lộc cộc ra từ phòng mổ. Lúc đó mẹ lao tới hôn con mà thấy con nằm bất động, da thịt con lạnh ngắt và cứng nữa. Mẹ sợ điếng cả người con ạ. Lúc ôm con được 1 lát mới thấy con ấm ấm trở lại. Nửa tiếng sau thì con tỉnh hẳn, bắt đầu cảm nhận được cơn đau và đói, gồng người khóc ngất trên tay mẹ. 2 mẹ con ôm nhau khóc, bà ngoại cũng khóc theo. Bác sỹ lại dặn ko được cho bé bú, phải 1 tiếng nữa mới cho bé uống thử 2 muỗng đường, sau đó nửa tiếng, nếu bé ko ói thì mới được cho bú. Thế là mẹ biết còn 1 tiếng rưỡi nữa nghe con khóc vật vả thế này. Chưa bao giờ mẹ thấy mình bất lực như vậy. Sau đó là 5 ngày nằm viện, sáng 1 lần chiều 1 lần, y tá lại đến tiêm kháng sinh cho con. Mỗi lần tiêm là 2 mẹ con đều khóc. Đêm thì con ngủ rất ít vì đau, lại ngay chỗ đi tiêu tiểu nên cứ phải động vào suốt. Mẹ đã chuẩn bị tâm lý cho việc có em bé rồi nhưng thật sự chưa tưởng tượng được những việc đã diễn ra liên tiếp trong 1 tuần làm mẹ của mình. Mẹ mệt mỏi và xuống tinh thần vô cùng. Bao nhiêu là người thông cảm và động viên nhưng cứ nghĩ tới con là mẹ lại ko kiềm được nước mắt. ... Đọc đoạn này thương quá đi mất. Đúng là lần đầu tiên mình nghe đến bệnh này. Thương Bé quá!
Hoang Van Tai
Hoang Van Tai
Trả lời 14 năm trước
Đêm cuối năm, em T.Q.Đ., 13 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM nhập viện BV Nhi Đồng 2 trong tình trạng vùng bìu sưng rất to và đau đến nỗi không thể đi lại được. Đ. kể khoảng 7 giờ sáng 30-12-2007, em bỗng thấy đau ở vùng bìu nhưng do đây là vùng khá nhạy cảm nên em ngại nói với ba mẹ. Mãi đến ngày hôm sau khi không thể chịu đau hơn được nữa, em mới chịu nói cho ba mẹ biết. Tại BV, em đã được các bác sĩ nghĩ nhiều đến bệnh xoắn tinh hoàn. Khi mổ tinh hoàn ra, các bác sĩ thấy tinh hoàn bị hoại tử nên buộc phải cắt bỏ. Bác sĩ Nguyễn Văn Quang, trưởng khoa ngoại - thận niệu BV Nhi Đồng 2, cho biết gần hai tháng nay, số trẻ bị xoắn tinh hoàn đến BV Nhi Đồng 2 điều trị đột ngột tăng cao. Chỉ trong gần hai tháng đã có hơn 10 cháu bé bị xoắn tinh hoàn đến điều trị, trong khi những tháng trước chỉ thỉnh thoảng mới gặp một ca. Điều đáng lưu ý là có nhiều trẻ đến BV khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Theo bác sĩ Quang, trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ giảm 50% khả năng sinh con. Đặc biệt khi lớn, chuyện chỉ còn một tinh hoàn trong bìu sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ. Bác sĩ Ngọc Thạch cho biết với bệnh xoắn tinh hoàn, "thời gian vàng" điều trị bệnh chỉ gồm sáu giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Cụ thể đến trước sáu giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn, còn nếu đến trong khoảng 6-12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50%, nếu đến trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu và đến trên 24 giờ sẽ không cứu được tinh hoàn. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, khoa ngoại-thận niệu BV Nhi Đồng 2, nói hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh mà chỉ tìm ra được những yếu tố gây thuận lợi như chuyển đổi nồng độ nội tiết tố đột ngột (thường diễn ra ở tuổi dậy thì) và tinh hoàn bẩm sinh quá di động. Bệnh xoắn tinh hoàn thường gặp ở tuổi sơ sinh hoặc tuổi dậy thì (10-15 tuổi). Triệu chứng điển hình của bệnh là đau đột ngột một bên bìu, sưng to vùng bìu và thường kèm theo ói. Thời gian gần đây, trẻ bị xoắn tinh hoàn đến BV điều trị thường gặp ở tuổi dậy thì. Ở lứa tuổi này, khi khởi phát triệu chứng các em thường có tâm lý ngại ngùng, che giấu, không nói sớm cho ba mẹ biết để đưa đi khám. Cũng có một số trường hợp đã nói ba mẹ biết nhưng ba mẹ lại không chú ý nên cũng đến BV trong tình trạng trễ. Bác sĩ Ngọc Thạch nhấn mạnh để tránh cho trẻ bị xoắn tinh hoàn các bà mẹ phải chú ý nhiều đến yếu tố nguy cơ. Với những trẻ có tinh hoàn di động (lúc bà mẹ sờ thấy có, lúc lại không thấy tinh hoàn trong bìu) thì cần đưa trẻ đến BV khám xem có nguy cơ xoắn hay không. Nếu có, các bác sĩ sẽ cố định tinh hoàn bằng một phẫu thuật nhỏ, nhẹ nhàng để tránh nguy cơ xoắn tinh hoàn về sau. Ngoài ra, bác sĩ Thạch cũng lưu ý khi phát hiện trẻ đau vùng bìu đột ngột cần đưa đi khám ngay để được điều trị kịp thời. Mới đây, khoa ngoại - thận niệu BV Nhi Đồng 2 cũng gặp một số trường hợp do va chạm mạnh đã làm vỡ tinh hoàn. Có trường hợp trong giờ ra chơi ở trường học, một bạn gái giỡn đá qua đá lại với bạn trai... không ngờ đá phải vùng bìu của bạn. Sau đó, vùng bìu của bạn trai này sưng to, đỏ. Khi đưa đến BV Nhi Đồng 2, qua siêu âm các bác sĩ phát hiện tinh hoàn bị vỡ. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Quang, các trẻ nam nên tránh những va chạm mạnh ở vùng nhạy cảm này tránh làm tổn thương đến tinh hoàn. Với những trường hợp đã từng bị cắt bỏ một tinh hoàn do bị hoại tử thì càng phải thận trọng hơn, vì nếu lỡ bị vỡ nốt tinh hoàn còn lại mà không đến BV điều trị kịp thời, cũng sẽ làm tinh hoàn bị hoại tử và không còn khả năng sinh con.