Bạn trai hay khóc mỗi khi cãi nhau?

Mình và anh ấy yêu nhau gần hai năm. Anh ấy hơn mình một tuổi, hiện tại kinh tế không có gì vì đang đi bộ đội. Lúc mới quen nhau hai đứa rất hạnh phúc vì anh ấy luôn yêu thương chăm sóc mình chu đáo, về sau anh ấy hay ghen tuông bóng gió, mình đi đâu cũng không cho đi. Nếu mình đi đâu trước rồi mới nói thì anh ấy hỏi mấy giờ về, mình về không đúng giờ thì anh làm ầm lên.

Nhiều khi mình sợ hãi ám ảnh, không biết sau này lấy nhau về có bị bạo hành không. Mình đã cố gắng phân tích với anh về hành động không hay đó, nhưng mỗi lần cãi nhau là anh cứ ầm ầm la ó, đập đầu vào tường, tự đánh mình. Mình mệt mỏi quá. Mong chuyên gia tư vấn giúp. Bình thường thì anh tỏ ra rất tình cảm và yêu thương mình.

thu
thu
Trả lời 9 năm trước

Người ta có tính cách khác nhau, mỗi người một kiểu không ai giống ai. Tính cách một phần do bẩm sinh hay còn gọi là di truyền, một phần do rèn luyện và một phần nữa do áp lực (quản lý) của xã hội và người khác mà thay đổi. Có người có tính cách gây gổ với người khác, có người liều lĩnh, có người gian xảo, có người tự làm đau đớn mình…

Người chồng sắp cưới của bạn có tính “hay ghen bóng gió, bạn đi đâu cũng không cho đi, nếu bạn đi đâu trước rồi mới nói thì anh ấy hỏi mấy giờ về, nếu về không đúng giờ thì làm ầm lên”. Tính cách này có phần anh ấy cảm thấy ở thế yếu so với bạn nên sợ mất mà ghen. Tâm lý này cũng bình thường như người yếu cái gì thì lo giữ cái đó. Còn hỏi thời gian về thì đây là tính cách gia trưởng.

Gặp người có tính cách gia trưởng thì chỉ nên nói một lời “có” hay “không”. Nếu bạn biết ứng xử với người gia trưởng thì không khó. Ví dụ anh ấy hỏi mấy giờ về? Bạn dự kiến dư ra, để lỡ về trễ, còn nếu về sớm thì càng tốt, hoặc khi về trễ thì nên gọi điện báo cho anh ấy biết. Bạn hiểu người ở nhà lo hơn người đi đường vì đi đường có thể xảy ra tai nạn nên người ở nhà rất lo. Khi lo lắng quá mà thấy người kia về thì mọi cái ức chế cần giải phóng và “làm ầm lên”.

“Anh ấy hay khóc lúc cãi nhau” tức là người có tính cách hờn dỗi, dễ phẫn uất và đang trong thế yếu. Có lẽ bạn có nhiều điểm lợi thế hơn nên anh ấy chỉ còn biết dùng “vũ khí khóc” vốn có trong tính cách. Khi bạn im lặng tức là không giúp anh ấy giải phóng ức chế, từ đó ức chế gia tăng mà để trong đầu nó không chịu nổi nên “đập đồ”, nếu không đập đồ, họ có thể đánh người đối diện, nhưng do “sợ” không dám đánh người đối diện thì tự đánh mình nhằm thuyết phục người kia. Tính cách này có thể thay đổi khi anh ta “chuyển sang thế mạnh” khi bạn là vợ anh ta.

Bạn phân tích không có kết quả gì đâu vì tính cách là sự tích lũy từ gene đến quá trình sinh ra đến nay với nhiều sự tác động. Nếu bạn đủ sức thay đổi tính cách anh ta thì bạn cũng đáng bậc thiên tài. Bạn chỉ có thể nương tựa vào tính cách anh ta rồi từ từ can thiệp tế nhị như “dạy em bé”, lúc đó mới hy vọng biến đổi tính cách.

Bạn muốn giúp anh không hành động như vậy thì trước hết phải “sống chung với lũ” rồi qua đó tìm ra dòng chảy của lũ để tránh lũ, đắp đê, đắp bờ… ngăn lũ từng phần thôi, chứ mong “hết lũ” là không tưởng.

Bạn lưu ý khi bình thường chưa bị ức chế mạnh thì người ta dễ ngụy trang tính cách nên khó phát hiện, hoặc lúc bình thường thì người ta thỏa mãn nên không bộc lộ tính gia trưởng.

Chúc sự sáng suốt.