Bé gái 5 tuổi liệt mặt vì mẹ bật điều hoà suốt đêm?

Hôm nay tôi đọc báo, có nghe tin bé gái bị liệt nửa mặt vì mẹ bật điều hòa cả ngày. Mấy hôm nay trời nóng bức, bé nhà tôi mới được 1 tháng tuổi, tôi sợ bé nóng nên cũng bật điều hòa cả ngày cho bé nằm ngủ cho ngon giấc.

Nhưng nghe thông tin này, tôi rất lo lắng. Xin hỏi, nên cho trẻ nằm điều hòa như thế nào thì không gây hại đến sức khỏe?

Trịnh Bảo Nam
Trịnh Bảo Nam
Trả lời 7 năm trước

Những ngày nắng nóng này, ai cũng muốn được hạ nhiệt trong phòng điều hòa. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp nhập viện, thậm chí chết người vì để nhiệt độ quá lạnh.

Thực tế đã có những trường hợp chết người do sau khi tắm nước lạnh lại nằm điều hòa chế độ lạnh ngay hoặc vừa đi nắng về lập tức tắm nước lạnh để giải nhiệt. Nguy cơ đột quỵ trong trường hợp này là rất cao.

Trong trường hợp cơ thể đột ngột tiếp xúc với môi trường nhiệt độ xuống thấp như đang đi ngoài đường nắng nóng 38 - 39 độ C vào phòng điều hòa đột ngột chỉ có 17 - 18 độ C hay khi trời nóng rồi chuyển sang lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ nhiều sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh.

Với sự thay đổi đột ngột này, nếu nhẹ, cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, đau đầu, chóng mặt. Nặng có thể làm nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, thậm chí dẫn đến trạng thái hôn mê, tử vong. Đặc biệt nguy hiểm hơn với những người có sức đề kháng yếu, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai…

Dưới đây là một số gợi ý cách sử dụng điều hòa nhằm tránh các bệnh:

- Tránh sự thay đổi đột ngột

Khi ở ngoài nắng về, mồ hôi ra nhiều, tuyệt đối không vào phòng có nhiệt độ quá lạnh ngay. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên lau khô mồ hôi cho bé, để bé ngồi 1 lúc sau đó mới cho bé vào phòng có điều hòa.

Khi muốn ra ngoài, nên tắt điều hòa, mở cửa phòng 1 lúc để thích nghi với nhiệt độ bên ngoài. Sau đó mới ra khỏi phòng.

Trong những ngày thời tiết nắng nóng, nên hạn chế ra vào phòng có điều hòa liên tục để tránh hiện tượng thay đổi nhiệt độ đột ngột.

- Để nhiệt độ hợp lý

Tùy vào tình hình thời tiết, công suất điều hòa, diện tích phòng mà điều chỉnh nhiệt độ điều hòa cho thích hợp. Mức chênh lệch giữa nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ ngoài trời càng ít càng tốt. Không nên để quá lạnh bởi như thế vừa tốn điện mà lại không tốt cho sức khỏe. Còn nếu để nhiệt độ cao quá thì tác dụng làm lạnh lại không hiệu quả. Nhiệt độ lý tưởng nhất nên ở 27 – 28 độ C.

Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngoài trời và trong phòng khoảng 7 – 8 độ C là phù hợp với sự thích ứng của cơ thể trẻ. Đặc biệt, trẻ sơ sinh chưa có khả năng tự điều hòa thân nhiệt như những trẻ lớn hơn, đặc biệt là những trẻ sinh thiếu tháng thì khả năng điều hòa thân nhiệt cho cơ thể càng kém hơn.

- Không nên ở phòng điều hòa quá lâu

Ngoài giấc ngủ ban đêm bật điều hòa liên tục, thời gian còn lại trong ngày, không nên ở phòng máy lạnh khoảng hơn 4 giờ liên tục.

- Vệ sinh điều hòa và vệ sinh phòng

Việc vệ sinh máy điều hòa và phòng ốc cũng vô cùng quan trọng, việc làm này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc lưu trú trong phòng, trong máy điều hòa.

Khi không bật điều hòa nữa thì phải mở hết cửa sổ, cửa phòng để cho không khí lưu thông.

3. Sử dụng điều hòa khi ngủ

- Nên tránh hướng điều hòa thổi thẳng vào mặt, đầu vì dễ bị ngạt mũi, khó thở và mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng.

Với trẻ, khi ngủ hãy đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Cần chọn cho trẻ những bộ quần áo thấm mồ hôi tốt như đồ cotton.

Da của trẻ em rất nhạy cảm, vì vậy ngồi trong phòng điều hòa lâu sẽ dẫn tới mất nước, khô da. Để hạn chế tình trạng này nên thường xuyên uống nước hoặc để một chậu nước dưới máy điều hòa. Ngoài ra thỉnh thoảng cũng nên lau sàn nhà bằng giẻ ướt.

Đặc biệt, cần lưu ý đến thân nhiệt của trẻ thường xuyên, thường xuyên kiểm tra lưng bé xem có mồ hôi hay không, việc có mồ hôi lưng không lau kịp trong phòng điều hòa rất dễ khiến bé bị bệnh về hô hấp.

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 7 năm trước

Khi đang cảm thấy nóng bức, ai cũng muốn xả ngay cơn nóng bằng các cách như bật điều hòa, quạt thốc thẳng vào người, đi tắm ngay hoặc uống nước đá lạnh. Đây là những cách làm mát nguy hiểm có thể khiến bạn mất mạng trong tích tắc.

Tại sao có thể đột tử vì lạm dụng điều hòa?

Lúc bạn cảm thấy nóng bức chính là khi nhiệt độ cơ thể đang ở mức cao. Nếu như ngay lập tức sử dụng điều hòa, quạt điện thốc thẳng vào người hay đi tắm nước lạnh là vô cùng nguy hiểm vì chúng ta đã tạo nên sự thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột.

Vì không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ này, cơ thể thường phản ứng như bị choáng váng. Thậm chí với những người bị bệnh tim mạch, huyết áp, hô hấp mạn tính có thể xảy ra những cơn tăng huyết áp cấp, đau đầu, buồn nôn, thậm chí là tai biến mạch máu não có thể dẫn đến tử vong.

Đây chính là cơ chế dẫn đến những trường hợp đáng tiếc đã từng xảy ra như bị cảm lạnh, trúng gió, ngất xỉu trong mùa hè.

Dựa vào đây mà các nhà khoa học cũng từng nhiều lần cảnh báo chúng ta về mức độ nguy hiểm của việc tắm đêm, lạm dụng điều hòa, quạt phun sương và thực phẩm lạnh.

Những cách làm mát nên tránh trong mùa hè:

- Ngồi thẳng điều hòa, quạt điện, uống nước đá ngay sau khi vừa đi nắng về hay sau khi tắm xong.

- Bật điều hòa cả ngày và đêm. Nên tận dụng thời điểm sáng sớm và chập tối để mở cửa cho không khí trong nhà được lưu thông, hạn chế vi khuẩn gây bệnh.

- Ra vào phòng điều hòa nhiều lần, đột ngột

- Lạm dụng các thiết bị làm mát đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là việc để nhiệt độ điều hòa không hợp lý

- Tắm đêm bằng nước lạnh

- Ngủ dưới sàn nhà cả đêm

Cách làm mát tự nhiên bảo vệ sức khỏe

Tận dụng gió trời trong điều kiện có thể, nghỉ ngơi ở n��ơi thoáng mát, có nhiều cây xanh là những cách làm mát "xa xưa" nhưng rất có lợi cho sức khỏe.

Các gia đình nên:

- Đóng kín cửa, che chắn nhà hiên bằng bạt, rèm để hạn chế tối đa ánh nắng vào ban ngày

- Mở tung các cửa sổ để lưu thông gió và làm nhà thoáng mát hơn vào buổi chiều tối

- Cọ rửa nhà cửa, sân, ngõ nhiều lần khi trời hết nắng để hạ nhiệt và làm nhà mát hơn

- Trước khi đi ngủ có thể lau qua chiếu vài lần bằng khăn ướt

- Ăn nhiều rau quả tươi, hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ để cơ thể nhẹ nhõm, mát mẻ

- Sử dụng các loại chè, đồ uống giải nhiệt ngày hè để bảo vệ sức khỏe

Hồ Anh Khang
Hồ Anh Khang
Trả lời 7 năm trước

Theo các chuyên gia, việc sử dụng điều hoà không khí và quạt không đúng cách sẽ gây thay đổi nhiệt độ đột ngột, từ đó dẫn đến kích ứng thần kinh mặt, khuyến cáo người dân và các bậc cha mẹ không nên để điều hoà ở nhiệt độ quá thấp trong thời gian dài.

Ngoài ra, để con không bị ốm vì nằm điều hoà, mẹ cần lưu ý các quy tắc sau:

Nhiệt độ điều hoà nên để từ 26-28 độ

Giai đoạn sơ sinh được tính từ sau khi sinh ra đến 30 ngày tuổi. Trẻ sơ sinh không có khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể như trẻ lớn hay người lớn, nhất là trẻ non tháng. Trẻ sơ sinh nếu để trần truồng trong phòng với nhiệt độ 23 độ C thì sẽ bị lạnh như một người lớn trần trụi trong phòng 0 độ C.

Sau khi sinh nếu trẻ đủ tháng đã được chăm sóc đúng cách, thân nhiệt bình thường của trẻ sẽ ở khoảng 36,5 độ C – 37,5 độ C. Nếu trẻ được mặc quần áo, mang bao tay, mang vớ chân, đội mũ và đắp chăn thì có thể chịu được nhiệt độ phòng từ 26 độ C – 28 độ C. Ở nhiệt độ này đối với người lớn, nhất là người mập mạp thì có khi là còn nóng bức nhưng đối với trẻ là lạnh và phải mặc đủ như đã nói. Vì thế, người lớn không nên quyết định nhiệt độ trong phòng có trẻ mới sinh theo sự thoải mái của mình.

Qui tắc 3 phút

Sự chênh lệch, thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa trong và ngoài phòng điều hòa có thể nhanh chóng “hạ gục” sức đề kháng của trẻ, khiến trẻ dễ bị sốt, cảm cúm, ho. Mẹ nên nhớ mỗi khi muốn cho con từ phòng điều hòa ra ngoài thì hãy mở cửa trước đó 3 phút, cho con đứng chơi gần đó để quen với luồng không khí nóng bên ngoài. Mặt khác, khi bé ở ngoài về, ra nhiều mồ hôi, mẹ cũng nên lau mồ hôi cho con và để con ngồi nghỉ ít nhất 3 phút ở nhiệt độ phòng bình thường, tránh cho bé vào ngay phòng điều hòa gió lạnh, nhiệt độ thấp đột ngột.

Không để điều hòa thốc thẳng vào khu vực ngủ của bé

Hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn rất nhạy cảm. Nếu quạt gió của điều hòa thổi thẳng vào mặt, vào đầu thì với những bé có cơ địa yếu sẽ rất dễ mắc những bệnh về đường hô hấp như dị ứng đường hô hấp, viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, đau họng.

Ví trí đặt điều hòa nên ở trên cao. Cánh cửa gió của điều hòa không đặt trực tiếp hướng về phía trẻ nằm, cũng không đặt tốc độ quạt gió quá mạnh. Nên đặt ở tốc độ quạt gió thấp nhất và để ở chế độ quay, tuyệt đối không để ở chế độ chạy thẳng một góc.

Thời gian bật điều hoà không quá 2-3 tiếng mỗi lần

Thời gian tối đa mẹ cho bé nằm điều hoà chỉ nên từ 2-3 tiếng mỗi lần. Điều này có nghĩa là cứ 2-3 tiếng, mẹ nên cho bé ra ngoài nhiệt độ bình thường từ 10-15 phút. Đây cũng là thời gian để đuổi không khí tù đọng đồng thời kết hợp đón nắng vào trong phòng bé.

Nhỏ mũi và cho con uống nước thường xuyên

Ngoài việc để ý về cách sử dụng điều hoà, mẹ cũng cần lưu ý sức khoẻ cho bé. Nằm điều hoà tạo cảm giác mát mẻ nhưng cũng rất dễ gây khô da, khô mũi. Mẹ cần lưu ý thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho bé, đồng thời cho con uống nhiều nước, với trẻ bú mẹ thì bú nhiều lần để tránh mất nước cho cơ thể.

Khi trẻ ngủ, mẹ cũng lưu ý đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Với trẻ ngủ qua đêm trong phòng điều hoà hay đạp chăn, mẹ có thể tham khảo các phương pháp này để giữ ấm cho con khi trẻ hay đạp chăn lúc ngủ.