Làm gì khi bé 5 tuổi không tập trung viết bài?

Bé gái con tôi bước sang tuổi thứ 5. Ở trên lớp cô giáo tập cho bé viết, tôi để ý thấy bé rất không tập trung, viết được một chữ lại ngó ra chỗ khác, gãi chân, gãi tay hay nhìn xuống gầm bàn... rồi mới viết tiếp chữ nữa. Làm cách nào để con tôi có thể tập trung học được? Về nhà tình trạng mất tập trung còn rõ hơn. Để bé ngồi viết một mình thì cả buổi mới được 2-3 chữ, chốc chốc lại than con mỏi chân quá, mỏi tay quá, ngứa lưng quá, mệt quá. Tôi phải ngồi kế bên động viên, khen từng chữ con viết được nhưng vẫn không khá hơn. Để con viết được 1/2 trang giấy thì cả hai mẹ con đều mệt nhoài. Thế nhưng khi vẽ tranh hay tô màu tượng thì bé có thể ngồi hằng giờ và tự chơi một mình được.
tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước
Bé 5 tuổi của chị rất hứng thú với vẽ tranh và tô tượng và có thể ngồi lâu để làm việc này là mừng lắm rồi bởi có nhiều bé còn không thể tập trung lâu làm bất cứ việc gì. Ở tuổi mẫu giáo khó có thể bắt bé làm điều mà bé không thích. Vì vậy, muốn bé ngồi viết bài thì chị cần phải làm cho công việc này hấp dẫn bé hơn. Chị đã có rất nhiều cố gắng để bé có thể thực hiện công việc song chưa hiệu quả bởi bé chưa thích thú với nó. Mọi lời khen, thưởng… đều đã trở nên quen thuộc nên dần dần ít có ý nghĩa đi. Chị phải luôn thay đổi chiến thuật. Hãy tạo ra các cuộc thi giữa mẹ và con chẳng hạn: Hôm nay hai mẹ con mình thi viết chữ xem ai giỏi nhé và chị hãy đặt ra mục tiêu vừa phải, có nghĩa là thi viết một dòng thôi, sau tăng hai, ba… và nhiều dần lên. Chị hãy khích lệ để bé tham gia và mẹ phải tỏ ra cố gắng lắm mới hoàn thành bài tập. Ngoài ra thỉnh thoảng chị hãy nhờ bé giúp chị cách viết chữ như thế nào cho đúng, thí dụ: "Ôi, con ơi hôm qua con viết chữ gì rồi nhỉ, sao mẹ không nhớ là viết như thế nào, con chỉ giúp mẹ với"… Với cách nói nhiệt tình và đầy sự "kêu cứu" này, bé sẽ "giúp" chị. Hơn nữa, chị hãy tận dụng việc bé thích tô tranh, biến các con chữ thành những hình ngộ nghĩnh cho bé vẽ, tô, để bé không phải viết chữ, một công việc buồn chán và không có ý nghĩa đối với bé. Thí dụ: để trẻ viết được chữ O cho cứng cáp, chị cho bé tự vẽ chùm các quả bóng bay và tô màu, hay chữ A thì chị cho cháu vẽ nhiều ông sao trên trời… Cuối cùng xin lưu ý với chị, trẻ mẫu giáo chưa phát triển sự tập trung chú ý có chủ định, sự vận động của các ngón tay còn vụng về và chóng mỏi… nên nếu chị bắt cháu quá sức của mình có thể dẫn đến việc hình thành phản xạ có điều kiện không tốt (sợ khi nghe thấy mẹ nhắc đi viết bài) với việc viết thì việc dạy cháu sau này sẽ khó khăn hơn. Hãy xác định đúng mức khối lượng, tính chất công việc và phương pháp cho phù hợp với độ tuổi của cháu thì chị sẽ thành công.