Hỏi về luật tập đoàn

Hiện nay tại Việt Nam nhiều tổ hợp công ty tự gọi mình là tập đoàn kinh tế, nhưng không biết tại Việt Nam đã có luật tập đoàn chưa? Và mô hình tập đoàn khác gì so với mô hình công ty mẹ công ty con. Một điều nữa, giữa mô hình tập đoàn và mô hình mẹ con thì mỗi một mô hình, có những điểm mạnh điểm yếu nào? Mình xin chân thành cảm ơn.
Trả lời 15 năm trước
Hiện nay, Việt Nam chưa có một văn bản luật riêng để quy định về tổ chức và hoạt động của các tập đoàn. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã có một số quy định đề cập đến tập đoàn kinh tế và khái niệm tập đoàn kinh tế. Đồng thời, Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp đã có một số quy định chi tiết và cụ thể hơn về tập đoàn kinh tế. Theo đó, tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ - công ty con. Tập đoàn kinh tế sẽ không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Doanh nghiệp và việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do các công ty lập thành tập đoàn tự thỏa thuận quyết định. Như vậy, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, mô hình tập đoàn có thể hiểu là một hình thức tổ chức cao hơn, chặt chẽ hơn của hình thức công ty mẹ - công ty con và thường thông qua một chính sách thống nhất được áp dụng chung trong toàn bộ tập đoàn. Đặc điểm chung của các tập đoàn trên thế giới như sau: - Tập đoàn có quy mô về tài chính rất lớn, phạm vi hoạt động rộng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia, mà mở rộng ra phạm vi toàn cầu, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, chiến lược sản phẩm và hướng đầu tư luôn thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của tập đoàn và môi trường kinh doanh, nhưng mỗi ngành đều có định hướng chủ đạo, lĩnh vực đầu tư mũi nhọn với những sản phẩm đặc trưng của tập đoàn. - Về mặt tổ chức, tập đoàn là hình thức liên kết của nhiều công ty hoạt động trong cùng một ngành, hay những ngành khác nhau trong một nước hay nhiều nước, thông qua sự điều hành chung. Trên thực tế, các tập đoàn trên thế giới thường áp dụng những mô hình quản trị điều hành cơ bản sau đây : - Mô hình “kim tự tháp”, về thể chế quản lý tập trung quyền lực theo chiều dọc, trực tuyến. - Mô hình “mạng lưới” (đa trung tâm), về thể chế quản lý phân tán quyền lực cho các bộ phận/công ty con. - Mô hình “hỗn hợp” (nhị nguyên), về thể chế quản lý phối hợp giữa tập trung và phân tán quyền lực. Dưới đây là một số mô hình cơ cấu tổ chức quản lý tập đoàn của một số nước tiêu biểu: 1. Mô hình của Mỹ: Là mô hình thống nhất ngang, có những đặc trưng sau: - Có Hội đồng giám đốc, bao gồm nhiều giám đốc phụ trách theo các tiêu thức khác nhau về khách hàng, khu vực, bộ phận... - Chú trọng đến lợi ích chủ đầu tư và có quan tâm bổ sung thêm lợi ích người lao động. - Mức độ luật định thấp. - Chính phủ duy trì môi trường ổn định để các thị trường tự do hoạt động, tuy nhiên là “tự do nằm trong khuôn khổ”. - Công đoàn tham gia tự nguyện, nhỏ và yếu. - Quyền của người lao động bị hạn chế, hầu như không được tham gia điều hành hoạt động công ty. - Vai trò của ngân hàng hạn chế trong việc sở hữu và kiểm soát công ty. - Thị trường chứng khoán có vai trò rất lớn trong việc cung cấp vốn và giám sát hoạt động của công ty. 2. Mô hình của Nhật Bản: Là mô hình thống nhất ngang mở rộng, có những đặc trưng sau: - Thành lập Ban giám đốc và có Ủy ban quản lý. - Lợi ích của gia đình lên trên hết. - Mức độ luật định trung bình. - Chính phủ can thiệp mạnh vào nền kinh tế, thực thi chính sách ủng hộ và định hướng phát triển, quan chức Chính phủ và giới kinh doanh có mối liên hệ chặt chẽ. - Công đoàn hoạt động yếu và chịu ảnh hưởng của giới chính trị. - Các cổ đông có vai trò ngang nhau. - Người lao động có nhiều ảnh hưởng bởi họ làm việc lâu dài và gắn bó với công ty. - Vai trò của ngân hàng quan trọng trong việc cung cấp tài chính, nhưng trong việc quản lý công ty chỉ giữ vai trò thứ yếu. - Thị trường chứng khoán không giữ vai trò chính yếu. 3. Mô hình của Trung Quốc: Là mô hình tách rời ngang, có những đặc trưng sau: - Thành lập Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và Ban giám sát (là “ba hội mới”), xử lý hài hòa mối quan hệ giữa “ba hội mới” và “ba hội cũ” (ba hội cũ là Ban chấp hành Đảng bộ, Ban chấp hành công đoàn và Đại hội công nhân viên chức). Hội nghị trung ương 4 khóa XV năm 1999 quy định: Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng quản trị do một người đảm nhiệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc về nguyên tắc phải riêng biệt. - Chính phủ phi tập trung hóa quyền lực, xóa bỏ sự can thiệp thái quá của Nhà nước, hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường định hướng XHCN mang màu sắc Trung Quốc. 4. Mô hình của CHLB Đức: Là loại mô hình tách rời ngang, có những đặc trưng sau: - Thành lập Hội đồng quản trị và Ban điều hành; có sự phân biệt tách rời giữa Hội đồng quản trị và Ban điều hành với chức năng và nhiệm vụ khác nhau. - Chú trọng đến lợi ích của cả hai phía chủ đầu tư và người lao động. - Thực hiện nguyên tắc bỏ phiếu và biểu quyết của cả Hội đồng quản trị và Ban điều hành. - Mức độ luật định cao. - Chính phủ điều tiết, duy trì độc quyền một số dịch vụ công ích. - Các công đoàn lớn và tập trung hóa, có sức mạnh. - Ngân hàng và các tổ chức tài chính chiếm sở hữu đa số, quyền sở hữu tập trung, việc chi trả cổ tức ít được ưu tiên. - Quyền của người lao động có nhiều ảnh hưởng thông qua công đoàn hay Hội đồng công nhân qua quy định được quyền tham gia và quyết định những vấn đề quan trọng của công ty. - Ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài chính và kiểm soát công ty. - Thị trường chứng khoán bị điều tiết mạnh và có vai trò không lớn. 5. Mô hình của Thụy Sĩ: Là mô hình thống nhất dọc, có những nét đặc trưng sau: - Chỉ có Hội đồng quản lý và việc quản lý điều hành tập đoàn tập trung vào người đại diện Hội đồng quản lý. - Chú trọng đến lợi ích chủ đầu tư. - Mức độ luật định trung bình. Trong thực tiễn, các tập đoàn phát triển không theo một mô hình thể chế cứng nhắc hoặc một khuôn mẫu cố định nào, mà nó thay đổi linh hoạt dựa trên nhu cầu phát triển của tập đoàn theo từng giai đoạn. Các tập đoàn của Mỹ hiện nay đang thắng thế và có khả năng trở thành khuôn mẫu cho các nước phát triển.