Những họa sĩ nào nổi tiếng ở Việt Nam?

Các bạn biết những họa sĩ nào nổi tiếng trong làng tranh nghệ thuật Việt Nam nhỉ ?
dù bây giờ các phong cách tranh nghe thuat mới đang xuất hiện như tranh phong thủy, tranh đá, loa tranh...nhưng những tác phẩm tranh của các danh họa thì vẫn luôn khẳng định vị thế ở mọi thời gian.

trần anh đức
trần anh đức
Trả lời 12 năm trước
Nguyễn Tư Nghiêm

FNMXUI080858

Tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm


Tranh cua danh hoa Nguyen Tu Nghiem

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, “trong 8 danh họa và nhà điêu khắc vừa được Nhà nước tặng giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thật xứng đáng đứng trong hàng ngũ “bát tú” trên bầu trời nghệ thuật nước nhà. Sự đóng góp lớn lao nhất của ông vẫn là mở ra cho mình một lối vẽ không lặp lại những người đi trước, và sau đó là đức tính kiên trì lao động, sáng tạo nghệ thuật… góp phần tôn vinh nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại”.

Sự nghiệp hội họa của Nguyễn Tư Nghiêm đã được giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật ghi nhận, trang trọng xếp vào một trong những vị trí đầu tiên của nhóm “tứ trụ”, thế hệ thứ hai gồm: Sáng (Nguyễn Sáng) – Nghiêm (Nguyễn Tư Nghiêm) – Liên (Dương Bích Liên) – Phái (Bùi Xuân Phái) của thập niêm 1970-1980 bên cạnh 4 “đại thụ” của thế hệ thứ nhất: “Nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Vân (Tô Ngọc Vân), tam Lân (Nguyễn Tường Lân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn)”.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922 ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Từ thời thơ ấu, ông đã thích vẽ. Năm 1941, ông ra Hà Nội thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học cùng khóa với Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm… khóa XV (1941-1946).

Năm thứ 3, ông được Giáo sư Tô Ngọc Vân, một danh họa nổi tiếng về sơn dầu trực tiếp hướng dẫn. Giáo sư Tô Ngọc Vân hay khuyến khích các học trò vẽ sáng tạo, tránh sự gò bó khuôn sáo… nên học trò Nguyễn Tư Nghiêm tha hồ phá cách.

Nguyễn Tư Nghiêm thường vẽ sơn dầu bằng bay như bức Người gác Văn Miếu, với lối vẽ khá giản lược mà vẫn thành công. Đó là bức tranh “mô-đéc” nhất lúc bấy giờ, làm chấn động giới hội họa với lối vẽ táo bạo, mới lạ. Sau này, năm 1944, bức Người gác Văn Miếu được Hội đồng giám khảo Triển lãm Mỹ thuật Salon Unique tặng giải nhất.

Có câu chuyện khá thú vị về tài học của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm như sau: Nguyễn Tư Nghiêm và Huỳnh Văn Gấm luôn tìm tòi lối vẽ phá cách, khác với lối vẽ hiện thực cổ điển.

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào những năm cuối, do sơn dầu thiếu nên giáo sư Joseph Inguimbenty rất khắt khe trong việc cấp sơn dầu cho sinh viên sáng tác.

Riêng Nguyễn Tư Nghiêm thì ngoại lệ: luôn được thầy cấp cho nhiều sơn dầu để vẽ. Họa sĩ Nguyễn Sáng thắc mắc thì được giáo sư Joseph Inguimberty trả lời: “Nghiêm vẽ sơn dầu tôi cho 20 điểm, còn các anh thì tôi cho Deux zéros (hai điểm 0!)”.

Tranh của ông màu không tươi rói, rực rỡ, lại có phần hơi đục nhưng hòa sắc thâm trầm, khúc triết, hài hòa trong từng mảng miếng đột ngột, bất ngờ. Đường nét đơn giản, khỏe khoắn, được cách điệu trên cái hồn điêu khắc dân gian. Đó là thế giới khắc gỗ đã thăng hoa dưới nét cọ Nguyễn Tư Nghiêm.

Nét vẽ của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm trong họa phẩm Múa sư tử thì không chê vào đâu được. Những hình dáng, những khuôn mặt méo mó, xộc xệch, nhưng lại là những méo mó chủ ý và có duyên tạo nên một hiệu quả nghệ thuật bậc thầy mà những nghệ sĩ non tay không thể và không dám làm.

Năm 1945, ông về quê tham gia Việt Minh và là cán bộ Ủy ban kháng chiến Nam Đàn. Năm 1947, ông lên chiến khu Việt Bắc. Năm 1952, ông là sinh viên đầu tiên được công nhận tốt nghiệp khóa kháng chiến Việt Bắc và sau đó trở thành giảng viên khóa mỹ thuật đầu tiên của trường do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng.

Với sự mẫn cảm của người nghệ sĩ, Nguyễn Tư Nghiêm đã tạo dựng một phong cách nghệ thuật đặc biệt từ việc học tập mỹ thuật dân tộc, kết hợp giữa quá khứ với hiện đại. Những phù điêu trong đình, chùa là nơi ông tiếp thu tinh hoa truyền thống và lấy cảm hướng sáng tạo.

Họa phẩm Điệu múa cổ là một ví dụ điển hình từ việc học tập, ảnh hưởng vốn mỹ thuật truyền thống của ông. Tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm vừa mang đậm bản sắc dân tộc vừa hòa quyện cùng hơi thở cuộc sống.

Thời đó, trong lúc các họa sĩ khác đang loay hoay tìm lối vẽ riêng cho mình thì ông đã rất vững vàng trong bút pháp và lối vẽ cách điệu phóng khoáng cho dù tác phẩm đó là bột màu, sơn dầu hay sơn mài…

Bức Con nghé quả thực – sơn mài, màu sắc đẹp, phong phú nhưng còn mang chất hiện thực. Bức này hiện đang được lưu trữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ở lĩnh vực tranh Tết, các đồng nghiệp chỉ hứng thú khi vẽ các con vật có hình thù đẹp như rồng, hổ, ngựa, gà… Nguyễn Tư Nghiêm vẽ tất cả các con vật trong 12 con giáp, con nào cũng được ông thêm bớt các chi tiết cực đắt để nâng lên thành hình tượng nghệ thuật hấp dẫn.

Như bức Tết năm Mùi, với lối vẽ cách điệu quen thuộc, những đường nét thẳng, đơn giản, khúc triết và khỏe khoắn kết hợp với gam màu trầm, đặc biệt vú con dê mẹ được ông nhấn to, căng tròn trong khi con dê con đang bú say sưa… Bức tranh thấm đẫm chất phồn thực, mang hiệu quả thẩm mỹ cao.

Trong lĩnh vực hội họa, Nguyễn Tư Nghiêm là một họa sĩ luôn khám phá, đào sâu thể nghiệm và không bao giờ cho phép bằng lòng với chính mình. Cùng một chủ đề, ông có thể làm đi làm lại mãi: ví như từ Thánh Gióng (1976) đến Thánh Gióng (1990) là một chặng đường dài của những chắt lọc, tìm kiếm ngôn ngữ kỳ công.

Nguyễn Tư Nghiêm là một trong số ít họa sĩ nước nhà thực sự trở về với cội nguồn dân tộc, tìm kiếm những gì gần gũi với vốn cổ dân tộc, mang âm hưởng nghệ thuật dân gian để sáng tạo nên một phong cách mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Cho dù mãi đến năm 1984 ông mới có được một cuộc triễn lãm của riêng mình tại thủ đô Hà Nội, song người ta vẫn coi ông là một trong những người “mở đường” cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại và xứng đáng là một trong “bát tú” trên bầu trời mỹ thuật Việt Nam.

(Theo Tạp chí Hồn Việt)

Dương Bích Liên (17 tháng 7 năm 1924 – 12 tháng 12 năm 1988) là một hoạ sĩ Việt Nam. Ông đặc biệt thành công với những tác phẩm về chân dung thiếu nữ (Phố Phái, gái Liên). Dương Bích Liên là một trong nhóm tứ kiệt của làng hội hoạ Việt Nam: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái.

Cuộc đời

Tiểu sử

Xuất thân

Dương Bích Liên sinh tại Hà Nội trong một gia đình trí thức quan lại. Ông là con trai duy nhất của một quan tri phủ. Quê gốc của ông ở làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu (nay là thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Dòng họ Dương của ông ở Khoái Châu có truyền thống hiếu học, thời nào cũng có văn nhân khoa bảng và những người đỗ đạt cao.

Bước ngoặt

Xuất thân trong một gia đình quyền thế và giàu có, nhưng năm 17 tuổi, ông trở nên yêu thích nghệ thuật, nảy ra ý muốn từ bỏ cảnh sống giàu sang để chạy theo cuộc đời gió bụi.

Năm 1941, Dương Bích Liên gặp họa sĩ Hoàng Lập Ngôn. Khi đó Hoàng Lập Ngôn vừa thiết kế xong chiếc xe ngựa và đặt tên cho chiếc xe tự chế của mình là Nhà Lăn Mê Ly, hoạ sĩ dùng chiếc xe ngựa kéo này làm phương tiện giao thông để đi vẽ người và trực cảnh khắp đó đây. Dương Bích Liên được họa sĩ Hoàng Lập Ngôn nhập hội, lên xe lăn xuyên Việt.

Chiếc xe "Nhà Lăn Mê Ly" tưởng sẽ phiêu du đất trời dài lâu nhưng chỉ lăn được đến Thanh Hoá thì quan phủ sai người đi truy tìm. Người nhà quan phủ tìm ra "Nhà Lăn Mê Ly" và áp giải cậu công tử về nhà.

Sau chuyến lãng du mang tính chất số mệnh đó, Dương Bích Liên quyết định ghi tên theo học Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Từ đây, Dương Bích Liên bắt đầu sự nghiệp hội họa.

Thời kì sáng tác

Dương Bích Liên là một trong những học trò cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông học khoa Hội họa, khóa XVIII (1944-1945).

Năm 1946, Dương Bích Liên và nhiều trí thức văn nghệ sĩ Hà Nội tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông hoạt động ở đoàn kịch của Phạm Văn Khoa, Đoàn văn công của Nguyễn Xuân Khoát, vào Đoàn Văn hóa kháng chiến cùng với họa sỹ Tô Ngọc Vân, Thế Lữ..., làm báo “ Vệ quốc đoàn”.

Năm 1949, ông là một trong những hoạ sỹ đầu tiên được kết nạp Đảng tại vùng kháng chiến cùng một ngày với hoạ sỹ Mai Văn Hiến và nhà văn Trần Đăng.

Năm 1952, ông được giao trọng trách lên chiến khu sống gần và vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm Hồ Chủ tịch qua suối đoạt giải nhất Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980 và hiện được bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 1954, Dương Bích Liên trở về tiếp quản thủ đô. Được tổ chức biên chế vào “tổ sáng tác” cùng các họa sỹ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng...

Năm 1968, ông đi thực tế ở mỏ than Quảng Ninh cùng các họa sỹ: Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm...

Giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Dương Bích Liên là vào thập niên 70. Trong thời gian này, ông đã gửi các tác phẩm của mình tham dự triển lãm nhưng chúng sớm bị loại, như bức Hào và bức Bác Hồ nói chuyện với Vệ Quốc Quân. Riêng bức thứ 2, sau khi bị loại, người ta không còn thấy tăm tích tác phẩm này nữa. Bức tranh mô tả cảnh Hồ Chí Minh đang nói chuyện với người lính Vệ Quốc Quân ở trong Chiến khu Việt Bắc. Lý do bức tranh bị loại là họa sĩ đã vẽ người lính nhắm mắt trong khi vị lãnh tụ đang nói chuyện. Theo cách thanh minh của Dương Bích Liên, chỉ khi nào người ta extreme ( cực sướng) thì người ta thường nhắm mắt. Nhưng vào thời thời đó, không ai dám nghe theo cách diễn giải của hoạ sĩ.

Người ta cho rằng ông đã tự ái và đau buồn vì sự lạnh nhạt của nhân thế đối với những tác phẩm của mình, thế nên về cuối đời ông đã gần như không có hứng thú sáng tác nữa.

Năm 1984, Nhà nước chính thức mời bộ tứ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái tổ chức triển lãm cá nhân. Riêng Dương Bích Liên từ chối. Do vậy, lúc sinh thời, ông là một họa sĩ không có cuộc triển lãm nào cho riêng mình.

Những ngày cuối đời

Trước khi mất vài chục ngày, Dương Bích Liên bảo bạn ông là Nguyễn Hào Hải mang ông trở về 55 Bà Triệu. Ông muốn được chết ở nhà của mình. Dương Bích Liên lựa chọn một cái chết lặng lẽ, không bệnh tật, không đau ốm mà tịch cốc không ăn chỉ uống rượu.

Trong 20 ngày sau cùng của họa sỹ, Nguyễn Hào Hải là người duy nhất thường xuyên qua lại thăm nom bên cạnh họa sỹ. Sau khi Dương Bích Liên mất, Hào Hải đã có bài viết về 20 ngày cuối cùng của họa sỹ Dương Bích Liên đăng trên tạp chí Mỹ thuật.

Trước khi chết, Dương Bích Liên có một ước nguyện: "Sau này, trong cái ngày tiễn đưa tôi về bên kia thế giới, tôi không muốn có ai là người lớn, tôi muốn đưa tiễn tôi là một đứa bé ăn mặc thật đúng điệu. Chỉ có đứa bé ấy, đi lững thững bên chiếc xe ngựa chở cái xác không hồn của tôi ra nghĩa trang".

Dương Bích Liên mất khoảng 9h sáng ngày 12 tháng 12 năm 1988. Tối hôm trước đó, Nguyễn Hào Hải trò chuyện với họa sỹ gần 2h đêm mới trở về nhà. Phan Kế Bảo, người hàng xóm của họa sỹ lên gọi cửa không còn nghe thấy tiếng họa sỹ trả lời, nhòm qua khe cửa thấy cánh tay của họa sỹ buông thõng xuống giường. Ông vội vã lên Viện Triết học báo tin cho Nguyễn Hào Hải.

Đám tang của Dương Bích Liên người ta không thể làm theo ý nguyện của ông. Vài tháng sau khi họa sỹ mất, các nhà làm phim dựng lại toàn bộ đám tang của người bạn tri âm tri kỷ mà họ yêu mến. Trong phim, có một bé trai ăn mặc điệu theo kiểu châu Âu, lững thững sau xe ngựa chở cỗ quan tài, vừa đi vừa rắc những cánh hoa xuống hai ven đường, trong khung cảnh của trời chiều mùa thu.

Con người

Trong nhóm tứ kiệt Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, Dương Bích Liên ít được nhiều người biết đến bởi ông đã "tự nguyện chọn tiếng im lặng của hội họa làm bản thân". Ông sống cô đơn, thu mình lặng lẽ, trốn chạy chính mình và trốn chạy những khát vọng.

Dương Bích Liên sống không gia đình, không vợ con, không họ hàng, và ít bạn hữu. Căn nhà nhỏ ở 55 Bà Triệu của ông trống không, đồ đạc chỉ một chiếc giường nhỏ quanh năm phủ ga trắng muốt, một chiếc võng và một bàn một ghế độc nhất. Sinh thời, ông có rất ít bạn thân ngoại trừ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng viết về Dương Bích Liên:

"Nếu cùng thời với các danh hoạ hàng đầu Trường Đông Dương, chắc ông còn mơ mộng hơn họ, bởi phẩm chất mơ mộng chiếm toàn bộ nghệ thuật của ông, dù đôi lúc trược trình bày dưới vẻ khắc nghiệt. Ông không bám vào một cảnh trí như Bùi Xuân Phái, không trầm kha vào các ý tưởng số phận như Nguyễn Sáng, mà tinh tế đứng bên ngoài cái mình vẽ ra vừa như là một sự kiện hiện hữu có thực, vừa như chuyện bịa, cảnh nằm mơ".

Hoạ sĩ Dương Bích Liên là người dành cả cuộc đời cho nghệ thuật đến mức lơ đãng và quên chính bản thân mình.

Sự nghiệp

Dương Bích Liên là một họa sĩ cách mạng đầu tiên trong làng hội hoạ Việt Nam. Là một hoạ sĩ tài ba, tâm huyết, Dương Bích Liên rất say mê vẽ, ngay cả trong những ngày chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ diễn ra ác liệt nhất, ông cũng không rời giá vẽ. Sự nghiệp hội hoạ của Dương Bích Liên là một tài sản quý của kho tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 2000, họa sỹ Dương Bích Liên được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt II).

Quan điểm nghệ thuật

Dương Bích Liên không có ý dày công cất giữ những sáng tạo của mình. Khi chết, ông muốn được đốt hết những bức tranh đã vẽ. Tác phẩm của ông còn lại ngày hôm nay là hàng trăm bức tranh, chủ yếu là do bạn bè quý mến ông và nâng niu cất giữ.

Trường phái hội hoạ

Dương Bích Liên dày công nghiên cứu các phong cách, trào lưu nghệ thuật thế giới. Ông thiên về vẽ chân dung, rất nổi tiếng với đề tài thiếu nữ. Mọi chất liệu đều được ông thể hiện nhuần nhuyễn, độc đáo, siêu thoát đặc biệt là các thể loại sơn mài, sơn dầu, phấn đấu và chì than.

Đề tài

Nhìn vào sự nghiệp sáng tác của ông có đến 2/3 tác phẩm về đề tài phụ nữ, trong đó có những tác phẩm là tuyệt tác của hội hoạ Việt Nam hiện đại, với hành ngữ của giới mộ điệu: " Phố Phái, Gái Liên". Dương Bích Liên dành nhiều sáng tác cho đề tài thiếu nữ với bao tình cảm ưu ái, say mê và trìu mến nhất. Các nhân vật nữ luôn là những nguồn cảm hứng, những hình ảnh trung tâm của những biểu cảm thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ. Chân dung thiếu nữ của ông rất đa dạng, là những cô gái đẹp ông nhận ra và bắt gặp trong cuộc sống đời thường, mang một ánh sáng dung dị, thánh thiện trong trẻo.

Tác phẩm nồi tiếng

  • Đi học đêm.(sơn dầu)
  • Ngày mùa. (sơn dầu)
  • Chiều vàng. (sơn mài)
  • Chiều biên giới.
  • Lều hoang.
  • Dĩ vãng.
  • Hai em bé bên sông Hồng.
  • Bác Hồ qua suối.
  • Hào.
  • Đi cấy sau mùa lũ.
  • ...

Chân dung Thiếu nữ

  • Thiếu nữ và hoa cúc trắng.
  • Thiếu nữ và hoa phong lan.
  • Thiếu nữ bên hồ.
  • Thiếu phụ.
  • Chân dung.
  • Tuyết Mai.
  • Gửi lời chào Jacqueline Picasso.
  • ...

trần anh đức
trần anh đức
Trả lời 12 năm trước

Trần Văn Cẩn (sinh ngày 13/8/1910 tại Kiến An, mất năm 1994) là một họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, một trong bộ tứ danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam: Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn.

Tran-van-can.jpg
Trần Văn Cẩn
Tên khai sinh Trần Văn Cẩn
Nghệ danh/
Bút danh
Trần Văn Cẩn
Sinh 13 tháng 8, 1910
Kiến An, Hải Phòng
Mất 1994
Quốc tịch Việt Nam
Lĩnh vực Hội họa
Tác phẩm Em Thúy
Giải thưởng Huân chương Lao động
Giải thưởng Hồ Chí Minh

Cuộc đời và sự nghiệp

Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Văn Cẩn cùng nhiều họa sĩ khác đã hồ hởi dựng hàng chục tranh cổ động quanh hồ Hoàn Kiếm. Bức "Nước Việt Nam của người Việt Nam" của Trần Văn Cẩn đã được căng trên toà nhà Địa ốc ngân hàng (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Năm 1946, triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần đầu tiên dưới chế độ mới được mở tại Hà Nội. Bức "Xuống đồng" của Trần Văn Cẩn đã được trao giải nhất và được Hội Văn hóa Cứu quốc mua, cùng với bức "Bác Hồ làm việc ở Bắc bộ phủ" của Tô Ngọc Vân và "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Nguyễn Đỗ Cung.

Tháng 7/1948: tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc, Trần Văn Cẩn được bầu vào Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam.

Tháng 6/1954: Trần Văn Cẩn thay thế Tô Ngọc Vân (đã mất trong thời gian này) đảm nhiệm Hiệu trưởng trường Mỹ thuật và giữ cương vị này trong 15 năm (1954 -1969).

Với những đóng góp to lớn, Trần Văn Cẩn đã được trao nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng nhất. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).

Năm 2010, một con phố thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội được đặt tên Trần Văn Cẩn

Tác phẩm tiêu biểu

  • Em Thuý
  • Nữ dân quân vùng biển
  • Chân dung bác thợ lò
  • Thiếu nữ áo trắng
  • Gội đầu
  • Xuống đồng
  • V.v...


Em Thúy
là một bức tranh sơn dầu do họa sĩ Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1943. Mô tả hình ảnh người cháu gái 8 tuổi của họa sĩ, bức tranh được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Trần Văn Cẩn cũng như là một trong những đại diện tiêu biểu của tranh chân dung Việt Nam thế kỷ 20.

Em Thuy.jpg

Em Thúy
Trần Văn Cẩn, 1943
Tranh sơn dầu, 60 × 45 cm
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội

Mô tả

Em Thúy là chân dung chính diện một em bé gái chừng 10 tuổi ngồi trên ghế mây, hai tay đặt trên đùi và mặc quần áo ở nhà đơn giản màu trắng. Em bé có mái tóc ngắn, hai con mắt mở to trong sáng cùng nét mặt thơ ngây.

Lịch sử

Họa sĩ Trần Văn Cẩn là một trong những đại diện hàng đầu của Hội họa Việt Nam đầu thế kỷ 20, ông tốt nghiệp thủ khoa Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1937.Trong Thế chiến thứ hai, ngoài thời gian đi sáng tác, họa sĩ thường sống với gia đình người họ hàng tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Trong gia đình, ông quý nhất người cháu gái tên là Minh Thúy, vì vậy họa sĩ đã vẽ tặng người cháu một bức chân dung vào năm 1943với tựa đề đơn giản, Em Thúy, khi đó Minh Thúy lên 8 tuổi.

Sau khi quân Pháp quay lại chiếm Hà Nội, gia đình em Thúy đi tản cư mà không mang theo bức tranh. Tới khi họ quay về thì bức tranh đã bị lấy trộm và gia đình phải bỏ tiền ra chuộc lại bức tranh từ một người buôn tranh, ông này trước đó tìm thấy Em Thúy tại nhà một người thợ cạo. Cuối cùng Em Thúy được họa sĩ Trần Văn Cẩn tặng lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài bức chân dung vẽ Minh Thúy năm 8 tuổi, họa sĩ Trần Văn Cẩn còn có một bức tranh khác vẽ Thúy lúc cô 24 tuổi.

Trải qua hơn 60 năm, bức tranh bắt đầu rơi vào tình trạng xuống cấp, năm 2003 Em Thúy được đề nghị đưa ra nước ngoài để bảo quản phục chế nhưng Bộ Văn hóa không đồng ý. Một năm sau đó bức tranh được giao cho chuyên gia phục chế người Úc Caroline Fry tiến hành phục chế tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Theo đánh giá của Fry thì sau khi phục chế bức tranh có thể duy trì tình trạng tốt trong khoảng 20 năm.Bức tranh được chính thức bàn giao cho Bảo tàng Mỹ thuật ngày 28 tháng 6 năm 2004.

Đánh giá

Em Thúy được coi là một trong những tác phẩm tranh chân dung thành công nhất của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Theo nhà phê bình Thái Bá Vân, hình tượng cô bé trong Em Thúy phản ánh thế giới nội tâm của Trần Văn Cẩn vào những năm 1940 khi họa sĩ mang nhiều nỗi niềm trước công cuộc Âu hóa ở Việt Nam.Theo người phục chế bức tranh là Caroline Fry thì Em Thúy thể hiện một gương mặt giản dị nhưng đáng yêu, hiện thân của tuổi trẻ, với đôi mắt đầy tin tưởng như muốn giao tiếp với mọi người, bức tranh cũng thể hiện ảnh hưởng từ phong cách dùng bố cục không đối xứng của họa sĩ người Pháp Henri Matisse.

Lấy cảm hứng từ Em Thúy, một người Anh là Paul Zetter đã sáng tác bản nhạc Khúc minuet dành cho Em Thúy, cũng chính ông là người đã giúp mời Caroline Fry bảo quản phục chế lại Em Thúy.

Nguyễn Tường Lân (1906-1946) là họa sĩ Việt Nam, một trong bộ tứ họa sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam: "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn".

Nguyễn Tường Lân học khóa 4 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1928-1933). Sau khi tốt nghiệp, ông mở xưởng vẽ tại Hà Nội, nổi tiếng với đầy đủ tiện nghi và những người mẫu đẹp. Thuần thục hầu hết các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, bột màu, chì than, Nguyễn Tường Lân đã sáng tác nhiều tác phẩm, tuy nhiên cho đến nay, rất ít ỏi các tác phẩm của ông còn sót lại.

Đánh giá

Tại Salon 1935 (SADEAI), báo Ngày nay nhận xét:

...Bức họa Hiện vẻ hoa cô con gái ngồi yên lặng dưới rèm cửa vừa cuốn của Nguyễn Tường Lân làm ta nghĩ đến những mỹ nhân, nét bút linh diệu, nhẹ nhàng của họa sĩ Tàu và Nhật Bản. Trên đường Bắc Kạn cũng là một bức họa đẹp, nét vẽ giản dị, màu không nhiều. Ông Lân năm nay đã tỏ ra là một họa sĩ có bản năng, các hình màu đã rõ rệt, không còn mịt mù như trước nữa.

Tại Salon 1936 (SADEAI):

...Nhà họa sĩ Nguyễn Tường Lân, trong bức vẽ lớn Thiên nhiên, một cô gái khỏa thân - cho chúng ta thưởng thức cái tài của nghệ sĩ trong tả những hình thể đều đặn.

Salon 1939 (SADEAI):

...Nguyễn Tường Lân vẫn dí dỏm gẩy lên những nét vui tươi xinh xắn trên những đường toàn thể rất sơ sài.

Ông được xem là một trong số ít các họa sĩ đương thời có khả năng đưa các màu nguyên chất vào một sự hài hòa mang tính hư cấu, tượng trưng, giản dị và nhã nhặn, kể cả đối với tranh lụa. Ngay từ thập niên 1940, bằng nhịp điệu phóng khoáng của những vệt bút lớn chạy trên sơ đồ trang trí, Nguyễn Tường Lân đã sớm phá cách để đi đến phong cách nghệ thuật trừu tượng hóa (Hai thiếu nữ bên cửa sổ, Salon Unique, 1943).

Nguyễn Sáng - Người tận hiến
Trịnh Chu
Tạp chí Người đô thị


Các tác phẩm của Nguyễn Sáng mang rõ những thông điệp lớn về thân phận con người, khẳng định một tài năng lớn của sáng tạo hiện đại cho nền mỹ thuật Việt Nam, sống và vẽ, dấn thân và quyết liệt cho sáng tạo

Người lữ hành cô độc

Sinh năm 1923 tại Mỹ Tho, khác với những người trong gia đình, Nguyễn Sáng chọn cho mình một con đường riêng mang tên: nghệ thuật. Kể từ đấy bắt đầu cuộc vật vã hóa thân mệt nhọc, cuộc chạy đua kiệt sức tới những bến bờ vô định của cái đẹp. Cuộc kiếm tìm quên ngày tháng, đói nghèo, thiệt thòi và bất hạnh.

Chân dung Nguyễn Sáng. Tranh: Đinh Quang Tỉnh



Là người thích hội họa chính thống, Nguyễn Sáng đã làm một cuộc viễn du đất Bắc, bởi “Chỉ có ở đấy mới hợp với cái tạng và ước vọng sinh thành của người nghệ sĩ”. Năm 1938-1939, từ Sài Gòn ông ra Hà Nội thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XIV (1940-1945). Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Cuối tháng 12-1946, ông lên chiến khu Việt Bắc. Cũng năm này, Nguyễn Sáng vẽ bộ chân tem chân dung Hồ Chủ Tịch – là bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa; ngoài ra ông còn tham gia vẽ giấy bạc cho Bộ Tài chính (còn gọi là giấy bạc Cụ Hồ). Hòa bình lập lại ông về Hà Nội, ở tầng 3, nhà số 65, Phố Nguyễn Thái Học.

Nguyễn Sáng là một người lữ hành cô độc đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong sáng tác ông thăng hoa bay bổng chừng nào thì trong cuộc sống thường nhật ông túng quẫn chừng ấy. Khi những người cùng thời với ông, buồn cho số phận còn được tình yêu chia sẻ, mất tình yêu còn được cuộc sống đền bù… thì ông “chẳng có gì ngoài một tấm lòng và hai bàn tay trắng”. Chính cái nỗi “khó sống” ấy là nguyên cớ cho Nguyễn Sáng dồn hết mọi nỗi niềm, tâm tư vào tranh, nhờ vào đấy chúng ta có một kho tàng nghệ thuật vô giá. Như một tín đồ của mỹ thuật giáo, ông thà tuẫn đạo chứ nhất định không chịu cải đạo. Sự tôn sùng cái đẹp, coi cái đẹp là mục đích của nghệ thuật, chi phối toàn bộ hoạt động nghệ thuật của ông. Tranh Nguyễn Sáng khỏe khoắn và hoành tráng, chính xác và ngang tàng. Như bức Chùa phố Minh – sơn mài, hết sức tinh tế, công phu mà táo bạo, hào phóng, giản lược, chắt lọc mà hàm súc, sung mãn, thể hiện một bút pháp tài hoa bậc thầy. Hơn nữa, Nguyễn Sáng đã khéo léo, tài tình trong việc dung hợp những họa tiết tạo hình của tranh dân gian Việt Nam, mà chủ yếu là tranh hàng Trống, tranh Đông Hồ; hình tượng lớn, mộc mạc, từng mảng lớn, khỏe khoắn, đường nét lớn, phóng khoáng, đơn giản, không chú ý đền tiểu tiết… tạo cảm giác trở về nguồn xa xưa của cha ông. Gắn bó với truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với lối diễn hình, biểu cảm mới mẻ, hiện đại qua ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình phương Tây: lập thể, trừu tượng, siêu thực... làm cho tác phẩm của Nguyễn Sáng vừa mang bản sắc dân tộc vừa chứa đựng cảm quan thời đại.

Giặc đốt làng tôi

Sáng tạo - bản năng sống

Vỗn sẵn mang trong mình dòng máu phóng khoáng của dân Nam Bộ, cùng sự sâu sắc, tinh tế, hào hoa của người Hà thành đã tạo nên một Nguyễn Sáng đầy cá tính. Nguyễn Sáng vẽ cái gì ra cái đó, và đằng sau sự rõ ràng ấy là cả một kiến thức sâu rộng về mỹ thuật. Ở bức Thiếu nữ bên hoa sen - sơn dầu, một thiếu nữ dịu dàng, khỏe mạnh dáng ngồi như chuẩn bị bay lên. Đấy là hình ảnh của con người mới làm chủ vận mệnh mình, thay cho con người ẻo lả, yếu đuối ngày xưa. Bóng tối phía sau hình con ngựa, gợi cho người xem liên tưởng đến hình ảnh ngựa Gióng của chàng trai làng Phù Đổng.

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ- Sơn mài

Nguyễn Sáng vẽ chân dung rất đơn giản và hiện thực, lột tả hết cái thần của người mẫu, nhưng được diễn tả cách tân, khoáng đạt không nệ thực. Ông là bậc thầy về mô tả, làm nổi bật cả tính cách lẫn đặc điểm nhân vật. Thế nhưng bức Trong vòm chuối - sơn mài, lại là một không gian thuần khiết và mãnh liệt, thơ mộng và chân thực của làng quê Việt Nam...

Thiếu nữ bên hoa sen

Năm 1977, Nguyễn Sáng cùng vợ vào Sài Gòn sống tại số nhà 40/05 đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thành. Đến năm 1979, sau khi cô Thủy - vợ ông qua đời, ông trở lại Hà Nội. Nếu cô đơn là bản chất của nghệ thuật thì Nguyễn Sáng là một nghệ sĩ thứ thiệt, nghệ sĩ từ trong cội nguồn. Ông không màng công danh địa vị, không lo cho cuộc sống đời thường, chỉ tập trung vẽ.

Kiều- sơn dầu

Mang nhu cầu nghệ thuật và sáng tạo như một bản năng sống. Nguyễn Sáng tâm sự: “Nếu không phải vì nghệ thuật, anh có rải tiền đầy đường tôi cũng giẫm lên mà đi, còn vì nghệ thuật tôi có thể nhặt từng đồng xu để sống”. Đó là tuyên ngôn sống của Nguyễn Sáng - một họa sĩ tài danh, ngang ngạnh, gai góc và thất thường. Với ông, nghệ thuật bao giờ cũng bắt đầu bằng tình yêu, lòng thành kính và sự tự nguyện hiến dâng.

Người bẻ bước ngoặt xuống dòng ngôn ngữ cho nền hội họa mở

thổi sáo

Nghệ thuật của Nguyễn Sáng gắn liền với lịch sử cách mạng, lịch sử nghệ thuật dân tộc. Ông là một họa sĩ hàng đầu của hội họa cách mạng Việt Nam; là một trong số những họa sĩ có tác phẩm đẹp nhất về đề tài chiến tranh cách mạng với những: Giặc đốt làng tôi, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Hành quân đêm mưa, Bộ đội nghỉ trưa trên đồi, Thành đồng Tổ quốc… Được biết, có bảo tàng nước ngoài muốn có bức Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ để triển lãm, họ đã đặt bảo hiểm cả triệu USD.

Bằng sự mẫn cảm nghệ thuật bậc thầy, Nguyễn Sáng là một trong số ít họa sĩ nước nhà thực sự trở về cội nguồn dân tộc, tìm kiếm những gì gần gũi với đời sống mang âm hưởng nghệ

Sáng- Nghiêm-Liên-Phái vẫn được xưng tựng như những đỉnh cao nghệ thuật nước nhà, bên cạnh bộ tứ đàn anh: nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn

thuật dân gian. Ông đã làm một cuộc cách tân đáng kể trong lĩnh và sơn dầu và nhất là sơn mài, là người “có công lớn trong việc bẻ một bước ngoặt ngôn ngữ cho nền hội họa mới chúng ta” (Thái Bá Vân). Năm 1987, ông quay trở lại Sài Gòn, và ngày 16-12-1988, bước lãng du nghệ thuật của một danh họa tài năng lắm truân chuyên đã dừng bước. Tên ông đã được ghi trong cuốn Từ điển Bách khoa Larousse của Pháp. Thành công của Nguyễn Sáng chính là qua tranh, ông đã nêu bật được cái nhạc điệu tâm hồn của người đương thời, những thứ biến thiên theo thời gian, nên những bức tranh này như một sự lưu trữ tâm trạng của quá khứ. Càng ngày càng trở nên vô giá.


Nguồn: Tạp chí Người đô thị



trần anh đức
trần anh đức
Trả lời 12 năm trước
Nguyễn Phan Chánh (1892-1984)quê ở thôn Tiền bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ông lấy bút hiệu là Hồng Nam.


Nguyễn Phan Chánh sinh ra và lớn lên ở một miền quê văn hiến nhưng đó mảnh đất nghèo đang chịu ách áp bức của thực dân phong kiến. Mồ côi cha từ lúc 7 tuổi, hoàn cảnh gia đình, hiện trạng xã hội là cả một gánh nặng đặt lên đôi vai non trẻ của ông. Vốn có năng khiếu bẩm sinh về hội hoạ, điều đó chẳng những nâng đỡ tinh thần ông mà nó còn trực tiếp cùng ông kiếm kế sinh nhai, nét vẽ tài hoa của ông về sau để lại cho hậu thế một dòng tranh lụa dạt dào thấm đậm tính dân tộc. Những năm tháng học chữ Hán và chữ Quốc ngữ ở quê nhà đã giúp ông làm quen với tinh thần hội hoạ phương Đông qua thi pháp trực hoạ ước lệ trên chữ Hán. Thời gian ở Huế đối với ông là cả một môi trường rộng lớn để tiếp cận với nghệ thuật từ kiến trúc lăng tẩm, Kinh đô đến tranh vẽ tường tranh khắc phong cảnh trên khắp cõi Nam trong đó có núi Hồng, sông Lam quê hương ông.

Năm 1925 được bạn bè khuyết khích Nguyễn Phan Chánh thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, gần một trăm thí sinh ông là người Trung Kỳ duy nhất lọt vào mắt ban giám khảo người Pháp, sau 5 năm theo học ông là một trong 10 thí sinh chính thức được lọc tuyển. Giàu vốn sống dân gian, ham học hỏi tình yêu nghệ thuật tha thiết nên chỉ ít năm sau khi được tiếp xúc những nguyên tác tranh lụa Trung Hoa, lụa Nhật Bản đã nhanh chóng khơi dậy trong ông nguồn cảm hứng sâu xa dòng nghệ thuật phương Đông. Những bức tranh lụa của ông đã thành công rực rỡ từ những năm 1931 với các tác phẩm như: chơi ô ăn quan, em cho chim ăn, rửa rau cầu ao,vv..., thời kỳ rực rỡ của hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh bộc lộ tư chất phong tình của người Hà Tĩnh sớm hình thành xu hướng hiện thực trong từng tác phẩm lấy thân phận con người thời bấy giờ là mục tiêu biểu cảm.

Tác phẩm đầu tay tham gia đấu xảo quốc tế Pari đã đem lại vinh dự lớn lao cho tác giả và chính nó làm cho cái nhìn kỳ thị của người Pháp về tạo hình Việt Nam phải thay đổi sâu sắc. Bút pháp trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh đã làm được điều từ lâu nghệ thuật tạo hình Việt Nam chưa thực hiện được, thế giới biết nghệ thuật vẽ tranh lụa Việt Nam qua Nguyễn Phan Chánh. Sau khi ra trường mặc dù tên tuổi của ông đã có ảnh hưởng ra tận nước ngoài nhưng ở Đông Dương người ta chỉ xếp cho ông một chân dạy học trong trường Mỹ thuật, sau đó lại tìm cách thay chân ông bằng một người được lòng nhà chức trách Pháp. Năm 1938 thuê phòng riêng trưng bày và một mình làm tất cả mọi việc để tổ chức triển lãm cá nhân, đây là cuộc triễn lãm để rồi chia tay Hà Nội trở về nông thôn tiếp tục vẽ những người nông dân bình dị thân quen trên quê hương ông. Mãi đến 17 năm sau khi hoà bình lập lại ở Miền Bắc ở tuổi 63 ông mới trở lại Hà Nội tiếp tục phát triển và sáng tạo dòng tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Cuộc đời làm tranh lụa của ông từ sau cách mạng tháng Tám mà đỉnh điểm từ 1955-1973 với một số lượng đánh kính nể: 58 bức tranh lụa và nhiều kí hoạ gói trọn trong 18 năm sáng tác ở tuổi 60-80. Tranh ông đại diện cho dòng lụa dân tộc suốt gần nửa thế kỷ. Nhiều triển lãm được khai trương là bài học bổ ích cho hội họa Việt Nam là tiếng nói cho nghệ thuật Việt Nam với thế giới.

Tranh lụa hiện đại Việt Nam nửa thế kỷ, lịch sử mỹ thuật Việt Nam ghi nhận sự đóng góp lớn lao của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh. Ông đã đặt nền móng cho chất liệu lụa Việt Nam với bút pháp nhất quán độc lập suốt cuộc đời sáng tạo của mình. Tên tuổi của ông đi vào mỹ thuật Việt Nam và thế giới giúp cho thế hệ sau này nhận chân dung của mình trong cái vô cùng của nghệ thuật.


CHƠI Ô ĂN QUAN

TẮM CHO CON

CƠM NHÀ

CHẢI TÓC





Tô Ngọc Vân (1908-1954)sinh ngày 15 tháng 12 1908 tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, Hưng Yên, nhưng lớn lên tại Hà Nội. Một vài tài liệu viết ông sinh năm 1906.


Là một họa sĩ Việt Nam nổi tiếng, tác giả bức Thiếu nữ bên hoa huệ. Ông còn có những bút danh Tô Tử, Ái Mỹ. Tô Ngọc Vân được đánh giá là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Ông còn được xem là một trong những họa sĩ lớn của hội họa Việt Nam, nằm trong "bộ tứ" nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn).

Năm 1926, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thuộc thế hệ đầu tiên của trường, tốt nghiệp khóa 2 năm 1931. Sau khi ra trường, Tô Ngọc Vân đã có tác phẩm xuất sắc, được giải thưởng cao ở Pháp. Ông đi vẽ nhiều nơi ở Phnom Penh, Băng Cốc, Huế… Ông hợp tác với các báo Phong Hóa và Ngày Nay của Nhất Linh, báo Thanh Nghị… Từ 1935 đến 1939 ông dạy học ở trường trung học Phnom Penh, sau đó ông về dạy ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tới 1945. Thời gian đó ông vừa giảng dạy vừa sáng tác.

Sau cách mạng Tháng Tám, Tô Ngọc Vân tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1950 ông phụ trách Trường Mỹ thuật Việt Bắc.

Tô Ngọc Vân được đánh giá là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Ông còn được xem là một trong những họa sĩ lớn của hội họa Việt Nam, nằm trong “bộ tứ” nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn).

Tô Ngọc Vân cũng là một trong số rất ít hoạ sĩ Việt Nam đã sớm vẽ tem ngay từ thời Pháp thuộc(Postes Indochine). Mẫu tem Apsara được ông thiết kế từ nguồn tư liệu của những chuyến đi vẽ, sáng tác ở khu đền Angkor Wat, Angkor Thom của Campuchia. Hình tượng chính của con tem là nữ thần Apsara, một trong hàng ngàn tượng vũ nữ điêu khắc nổi trên những vách đền đài của nền văn hoá cổ Khmer. Tem Apsara của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân là mẫu tem thứ 23 của Bưu điện Đông Dương kể từ khi Pháp phát hành tem thư ở Việt Nam. Và cũng là tem duy nhất ông góp vào nền nghệ thuật tem thư ở Việt Nam.

Ông mất ngày 17 tháng 6 năm 1954 ở Đa Khê, vùng gần sát chiến trường Điện Biên Phủ. Họa sĩ Tô Ngọc Vân được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996)
Những tác phẩm tiêu biểu của ông
Trước cách mạng Tháng Tám 1945: Thiếu nữ bên hoa sen (1944), Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Hai thiếu nữ và em bé (1944), Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa (1942), Buổi trưa (1936), Bên hoa (1942), Thuyền sông Hương (1935) đều là tranh sơn dầu.
Trong kháng chiến chống Pháp: Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946-sơn dầu), Nghỉ đêm bên đường (sơn mài - 1948), Con trâu quả thực (ký hoạ màu nước - 1954), Hai chiến sĩ (màu nước - 1949)…














NGUYỄN GIA TRÍ (1908 - 1993)hoạ sĩ, nhà đồ hoạ, biếm hoạ Việt Nam. Ông quê ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây


Một trong những hoạ sĩ hàng đầu có những đóng góp cho những bước khởi nguyên và sự phát triển của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam thế kỉ 20. Ông cùng với Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn là bốn cây đại thụ của nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam (nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn).
Tiểu sử
Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mĩ thuật Đông Dương năm 1936, ông là người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ trang trí thành những tuyệt phẩm nghệ thuật và từ đó ông đã được mệnh danh là "cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam". Nguyễn Gia Trí là một trong những họa sĩ nổi tiếng đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam, với những đường nét vẽ thanh lịch và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài. Ông phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng các nguyên tắc cấu trúc tranh vẽ phương Tây, để tạo những bức họa hiện đại mang đầy tính chất dân tộc. Những tác phẩm của ông có thể tìm thấy trong viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội và viện Bảo tàng Mỹ thuật tại Sài Gòn.
Vào thập niên 40 thế kỉ 20, khi chuyển sang sáng tác chuyên về chất liệu sơn mài, đã tạo ra được một phong cách riêng. Chủ đề quen thuộc là những thiếu nữ duyên dáng, nhàn tản trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Với chất son, sơn than, vàng, bạc, vỏ trứng, sơn cánh gián, Nguyễn Gia Trí đã tạo cho tranh sơn mài một vẻ đẹp lộng lẫy, một chiều sâu bí ẩn, đưa kĩ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu hội hoạ này trong nền mĩ thuật Việt Nam:

Đình làng vào đám (1939),
Thiếu nữ bên cây phù dung (1944).

Những năm 1960 ÷ 1970, nghệ thuật của ông có xu hướng thiên sang trừu tượng. Tuy vậy, cuối đời ông lại trở về với thế giới lãng mạn đầy mộng mơ của những năm 40: bức tranh Bắc, Trung, Nam.
Bức tranh Thiếu nữ trong vườn được trình bày như vườn hoa muôn sắc màu, trong đó các cô gái đang vui đùa, chạy nhảy, giá trị hiện thực toát lên từ hình khối, động tác. Sắc vàng kim được dát trên nền trời, trên những tấm áo điểm xuyết vỏ trứng, những vệt vàng lộng lẫy trên từng đường lượn như tôn vẻ đẹp thanh tân thiếu nữ. Ở những tranh sơn mài có kích thước lớn, Nguyễn Gia Trí luôn mở rộng tầm nhìn thẩm mỹ, đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, ý tưởng hy vọng đặt bên cạnh sự hoài niệm... Đó cũng là cách sử lý khi thể hiện mặt bên kia của tấm bình phong mang tên Phong cảnh có cách vẽ khoẻ khoắn, những mảng vỏ trứng, hình cây điển hình được viền bằng những mảng mầu to rộng, nét chắc khoẻ gợi về sự gần gũi chân quê của vùng nông thôn Bắc Bộ Việt Nam.
Nguyễn Gia Trí còn là một nhà biếm hoạ sắc sảo, bút danh Raitơ (Right) với những tranh châm biếm chính quyền thực dân Pháp và đám quan lại phong kiến tay sai trên báo Phong hoá, báo Ngày nay. Ông là nhà đồ hoạ nổi tiếng với những tranh khắc gỗ màu mang đậm màu sắc dân gian.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí thường làm tranh không hết hợp đồng, hầu hết khách đặt tranh là những tỷ phú Nam Phi, Nam Mỹ. Họ đến xin ông vẽ những tranh khổ lớn và không yêu cầu về hình thức nghệ thuật, tùy ông muốn. Tranh ông bán đo bằng ca-rê. Ở Việt Nam các họa sĩ trong lịch sử Hội họa hiện đại có duy nhất danh họa Nguyễn Gia Trí bán tranh tính bằng ca-rê và luôn phải từ chối đơn đặt hàng của khách.
Họa sĩ lúc sinh thời đã có nguyện vọng giữ lại ba bức tranh: "để cho thế hệ mai sau nghiên cứu". Đó là 3 bức tranh sơn mài khổ lớn lưu tại Thư viện quốc gia TP Hồ Chí Minh mà vợ Ngô Đình Nhu mua định tặng Nhật Hoàng, nhưng ông yêu cầu phải để lại trong nước. Những năm 70 của thế kỷ 20, tài chính của Nguyễn Gia Trí tới hàng nghìn cây vàng. Nhưng đến khi nhắm mắt ,xuôi tay, ngoài vài tấm tranh, tài sản của ông chẳng có gì đáng kể, tất cả đã được họa sĩ dành cho nghệ thuật!
Các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã được chỉ định là Bảo vật Quốc Gia. Vì thế, những tác phẩm của ông đã không được phép rời khỏi Việt Nam.












BÙI XUÂN PHÁI - Hoạ sĩ của Hà Nội

06/05/2010

Đã có lần người ta thử đặt câu hỏi rằng: nếu hội họa Việt Nam vắng đi gương mặt Bùi Xuân Phái? Câu trả lời là không thể được ! Sẽ có một khoảng trống rất lớn không sao bù đắp nổi. Bùi Xuân Phái được coi là họa sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất ở nước ngoài đã đành, song đấy mới chỉ là một phần. Nền mỹ thuật có thể thiếu đi một tên tuổi, nhưng không thể thiếu đi những tác phẩm vào loại đẹp nhất, phản ánh sâu xa nhất tinh thần dân tộc Việt - những phố cổ, chèo, chân dung... - chỉ Bùi Xuân Phái mới vẽ ra được. Đó là những tác phẩm của một thời, một thủa, vừa mới gần đây mà như đã rất xa và có lẽ sẽ không quay lại được.

Bùi Xuân Phái là họa sĩ đúng với ý nghĩa thuần khiết nhất của danh từ này, một họa sĩ với một tài năng lớn. Sinh năm 1920 tại Hà Nội, Bùi Xuân Phái vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa cuối cùng (1941-1946), thời ấy, ông chưa có gì nổi trội so với rất nhiều tên tuổi trong nền mỹ thuật hiện đại. Đúng ra là phải vào thập niên 70, khi người Hà Nội chợt nhận ra rằng đã từ lâu có một "Phố Phái" hiện hữu, đầy ắp trong lòng thành phố của mình, cho đến bây giờ người ta mới hiểu Bùi Xuân Phái đã "như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ" (Thái Bá Vân), người ta mới nhận ra tầm vóc của ông. Tuy nhiên, khi còn là học sinh Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Bùi Xuân Phái đã vẽ phố và đã đi dự triển lãm ở Tô-ki-ô, đã nhận giải thưởng Triễn lãm Mỹ thuật loàn quốc năm 1946. Ngoài Giải thưởng Hồ Chí Minh lớn lao dành cho cả cuộc đời sáng tác của mình, Bùi Xuân Phái đã từng nhận nhiều giải thưởng khác (Mỹ thuật toàn quốc 1980; Mỹ thuật Thủ đô 1969, 1981, 1983, 1984; Giải thưởng đồ họa Leipzig...). Song sự ghi nhận lớn nhất mà ông giành được thì không chỉ ở các giải thưởng, mà ở một cái tên cả nước Việt Nam đều biết. cái tên "Phố Phái". Mỗi con đường, mỗi phố đều mang tên một danh nhân, còn những phố, đường mang tên "Phố Phái" thì nhiều không ai đếm được. Nó tồn lại trong hoài niệm của rất nhiều người, dù thành phố đổi thay bao nhiêu, những nơi gợi lại bóng hình "Phố Phái" vẫn là nơi chứa chan nhiều cảm xúc.Suốt hơn 40 năm, Bùi Xuân Phái dành cho Hà Nội tất cả tình yêu của mình. Ông sống chỉ để vẽ, ông "mắc bệnh" vẽ, vẽ vào bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào có thể vẽ được. Vẽ với ông là sống và thở. Từ một tấm toan đến một mảnh giấy báo, từ một bìa sách đến một vỏ bao thuốc lá... ông tạo nên hàng nghìn bức vẽ khác nhau về phố cổ - Những tranh phố của ông đủ để dựng một thành phố thật, thân thiết với những Hàng Khoai, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, Hàng Rươi, nhưng là một thành phố của kí ức bâng khuâng đến từng mảng tường vôi lở, từng mái ngói rêu phong đổ bóng thời gian và bao nhiêu ô cửa nhỏ đăm đắm đợi chờ. Cả đến những áng mây trắng ngần trĩu nặng niềm ưu tư thanh khiết, và những cột điện đầu ngõ xiêu vẹo mong manh... Tất cả đều để gợi nhớ chứ không để tả. Một bút pháp vừa thực vừa hư, gây ấn tượng một cách sâu sắc, nó làm người ta không ngờ những nơi bình dị mắt ta quen nhìn hàng ngày lại có thể đẹp một cách giản dị mà mãnh liệt đến thế. Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân viết : "Hà Nội rất hội họa ở nhũng phố phường xưa. Và có thể nói công bằng, theo cách của nghệ thuật rằng Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra nó. Là người Hà Nội, hình tượng được sinh ra là để gắn bó, để cảm hóa chúng ta về một thế giới hình thể và màu sắc của riêng đây. "Phố Phái" là phố của chung tất cả mọi người, ông chỉ là người phát hiện ra nó - người đầu tiên và sau ông, hình như vẫn chưa có ai, dù đã có rất nhiều họa sĩ mê say đi tìm vẻ đẹp nơi rêu phong phố cổ".Một mảng tranh nữa mà Bùi Xuân Phái cũng được coi là người độc quyền - mảng chèo - cũng không thể biết được ông đã vẽ bao nhiêu bức chèo lớn và nhỏ. Bớt trầm tư, cô tịch hơn mảng tranh phố, những bức chèo của Bùi Xuân Phái chứa đựng cái thẩm mỹ dân gian hóm hỉnh của làng xã Việt Nam. Những hề say, hề gậy, những đào lệch, đào thương... được làm sống động bằng một ngôn ngữ hội họa cũng nôm na, ước lệ như diễn xuất chèo. Các nhà phê bình cho rằng ứng xử thẩm mỹ của Bùi Xuân Phái với cái sân khấu chèo của mình là thân thiện và nhân tình. ông tự nhập thể vào cuộc hội hè với những âm thanh và nhịp điệu của làng xã Việt Nam với ý thức khám phá thêm một sắc màu hội họa dân tộc. Nhưng ông không kể lể như chèo : ông làm nên một ngôn ngữ chèo. Nhân vật của ông, những biến thiên ngàn năm của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ xuất hiện đầy chất thơ, sâu sắc và nhẹ nhõm. Năm 1960, Bùi Xuân Phái làm trang trí cho vở chèo Sợi tơ vàng, có lẽ ông phát hiện ra chèo từ đấy, và tạo ra một thế giới riêng, cho mình và cho chèo. Khác hẳn với phố cổ, mảng tranh chèo, những minh họa cho tập sách về Hề chèo năm 1977, cho tập Thơ Hồ Xuân Hương in sau đó... khiến người ta phát hiện ra một Bùi Xuân Phái trẻ trung, dí dỏm, đậm chất "u-mua". Trước và sau ông, chưa có ai làm được như vậy. Tên của ông vẫn là một đỉnh dốc chưa có ai vượt qua.Không chỉ có phố cổ, không chỉ có chèo, không chỉ có chân dung - mảng chân dung mà Nguyễn Quân đã nhận xét : "...Tự họa và chân dung của ông không là gương soi của diện mạo mà là gương soi của đường điện tâm đồ cảm xúc bên trong, ở dưới mặt tranh, lịch sử của cá nhân, nắng gió của thời gian, dấu vết của lao động, của đau đớn và niềm tin, đọng lại như dấu ấn của số phận, kỷ niệm của đời người". Bùi Xuân Phái còn có những bức thật đẹp về nhiều miền khác nhau của Tổ quốc : Mỏ than, Xúc than vào lò, Phân xưởng nhuộm, Hòa Bình, Cát Bà, Cảng Đà Nẵng, phố cổ Hội An... Điều kỳ lạ là ông vẽ giản dị thế, mà người ta có thể nhìn mãi không biết chán những bức tranh của ông, dù một chủ đề, ông vẽ cả trăm, cả nghìn bức cũng vậy. Người ta nhận ra ông, không thể lẫn với ai, ở từng nét vẽ, từng mảng màu. Những đường viền đậm đặc và run rẩy, những gam nâu, xám, những đốm đỏ, cam bất chợt rực cháy...đặc trưng của Bùi Xuân Phái luôn luôn làm người ta kinh ngạc vì sự đơn giản đến lạ lùng của nó.Những tập hợp tranh của ông, những bài viết về ông thật phong phú. Trần Hậu Tuấn, nhà sưu tập đã khởi nghiệp bằng lòng yêu mến các tác phẩm của Bùi Xuân Phái, đã in ba cuốn sách về ông và vẫn nuôi ý định xuất bản tiếp một cuốn sách lớn, gần như toàn bộ tác phẩm của ông, vào năm 1998 nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Bùi Xuân Phái



Khởi thủy dòng tranh thủy mặc: Họa sĩ tiêu biểu của VN


- Trương Hán Minh là họa sĩ tranh thủy mặc nổi tiếng trong làng tranh Việt Nam và quốc tế. Tranh của ông được mua với giá khá cao trên thị trường và có trong nhiều bộ sưu tập danh tiếng trên thế giới và trong nước. "Hơn 30 năm khổ luyện bây giờ tôi có thể nhắm mắt phóng cọ mà vẫn đạt được những gì mình muốn thể hiện" - Trương họa sĩ tự hào cho biết.


Nét bút khổ luyện


Trương Hán Minh sinh năm 1951 tại Chợ Lớn, TP.HCM. Thân phụ ông (sinh năm 1919 tại Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) kể lại rằng, trong giai đoạn quân Nhật gây ra nạn đói năm Ất Dậu (1945) tại miền Bắc Việt Nam thì đồng thời cũng tạo ra nạn đói khủng khiếp ở Quảng Đông, đói đến nỗi người ta phải ăn cả vỏ cây... Vì thế, cha của ông đã đưa gia đình sang Sài Gòn - Chợ Lớn (Đề Ngạn) tìm đất sống.

x
Họa sĩ Trương Hán Minh thực hiện một bức tranh thủy mặc.


Gia tộc họ Trương vốn nhiều đời theo nghề vẽ. Từ nhỏ Trương Hán Minh đã rất yêu thích hội họa, bộc lộ năng khiếu rất sớm qua những nét vẽ. Hết tiểu học, Trương Hán Minh may mắn được thọ giáo họa sĩ Lương Thiếu Hằng thuộc họa phái Lĩnh Nam, hiệu trưởng trường Tư thục Nghệ thuật Đông Phương.

Sẵn có tố chất lại chuyên cần học hỏi, không ngừng tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu tỉ mỉ đối tượng miêu tả trước khi đặt bút vẽ, tranh của Trương Hán Minh càng ngày càng nổi tiếng. Thư pháp của ông cũng rất tinh tế.

Người ta nói rằng tranh thủy mặc Trương Hán Minh là một nghệ thuật tổng hợp từ sự vận dụng nét bút đầy khổ luyện với nguồn cảm hứng sâu sắc từ thiên nhiên của đất nước Việt Nam.

Trương Hán Minh đi rất nhiều từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Ba Vì, Tam Đảo, Hạ Long đến Năm Căn, Gành Hào, Sóc Trăng, Châu Đốc, Rạch Giá... Nói chung, nơi đâu có cảnh vật đẹp là ông đi và vẽ.

Hạnh phúc

Mọi người kính trọng Trương họa sĩ không chỉ qua những tuyệt tác thủy mặc mà còn vì nhân cách ngay thẳng, tinh thần vượt khó.

Trương họa sĩ tâm sự: "Học là vô tận cảnh. Nghề vẽ tranh thủy mặc ít nhất phải có thâm niên. Người nào muốn vẽ bức tranh có hồn, ngoài hoa tay, sự thông minh còn phải có kinh nghiệm và yêu nghề. Tôi dành rất nhiều thời gian cho việc học và quan sát thiên nhiên. Ngoài những chuyến theo đoàn đi tham quan sáng tác thì thứ bảy, chủ nhật nào tôi cũng ra ngoại ô ngắm thiên nhiên và vẽ tranh. Với tôi, việc học nếu cứ trao dồi thì sẽ giỏi".

x
"Hồ Hoàn Kiếm" - một tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Trương Hán Minh.


Trương Hán Minh hiện là hội trưởng hội Mỹ thuật người Hoa, hội phó hội thư pháp TPHCM. Từ nhiều năm nay, ông đảm trách chủ nhiệm bộ môn Mỹ thuật của nhiều trường học.

Những tác phẩm tiêu biểu của Trương Hán Minh có thể kể đến là Anh hùng đại triển, đệ bóng, Hoa mẫu đơn, Uyên ương, Phi thảo, Chu thanh, Góc biển Cà Mau, Vịnh Hạ Long... với bút pháp điêu luyện, nét vẽ phóng khoáng, màu sắc sinh động thể hiện rất rõ phong cách của họa phái Lĩnh Nam.

Hỏi về chuyện gia đình, Trương họa sĩ vui vẻ cho biết: "Hồi mới sang Việt Nam, gia đình tôi làm nghề trồng cải. Vì cần có người phụ việc tưới trồng nên ba má tôi lo liệu cưới vợ cho tôi rất sớm. Đến nay vợ chồng tôi và con cái sống rất hạnh phúc".


"Tranh thủy mặc phải chú trọng 5 thứ: bút, mực, màu, hình, thần. Hình là cái cốt để gửi ý, thần là cái chủ yếu làm cho tranh sống động. Màu là chỉ trong một nét mực đen nhưng nếu là cao thủ thì phải thể hiện được 7 màu." - Họa sĩ Trương Hán Minh -

yeStyle
yeStyle
Trả lời 12 năm trước

bài viết của bạn rất chi tiết và hay nữa cùng với những lời giới thiệu là những bức tranh vẽ, tranh nghệ thuật rất tuyệt vời. cảm ơn bạn nhé.