Có nên nói “Không” với sinh viên tại chức ?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Sự kiện TP Đà Nẵng vừa thông báo từ năm 2011 sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước đã gây xôn xao dư luận, đa số ý kiến không đồng tình vì cho rằng như vậy không công bằng đối với người học.

Đây là chủ trương của chính quyền Đà Nẵng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đã được thành ủy thông qua. Theo giải thích của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, hiện nay nguồn nhân lực đang được đào tạo bằng kinh phí của thành phố vẫn chưa bố trí hết. Việc không tuyển bằng tại chức là do chất lượng của hệ chính quy và hệ tại chức có sự chênh lệch mặc dù biết rằng về mặt bằng cấp là bình đẳng.

Trước chủ trương trên của Thành phố Đà Nẵng, nhiều giáo sư, nhà quản lý giáo dục đã có ý kiến :

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT:
Nói “không” với sinh viên tại chức là vi phạm Luật!

Đà Nẵng nói “không” với bằng tại chức là không công bằng về mặt pháp lý. Hiện nay các hệ đào tạo do Nhà nước quy định đã ghi rõ trong Luật Giáo dục, bằng đại học chính quy và không chính quy đều bình đẳng như nhau. Có thể bằng tại chức đánh giá là kém nhưng Nhà nước đã công nhận rồi. Nếu Đà Nẵng nói như vậy là vi phạm Luật nhưng ở ta không ai kiện, không ai xử, họ muốn làm gì thì làm.

Đó là về mặt pháp lý, còn phía nhà tuyển dụng không nên quan niệm quá về bằng cấp, cứ tuyển dụng, cứ thiđinhưng phải nghiêm túc và công bằng, không gây tệ nạn trong đó, người giỏi thì vào. Chúng ta nên hiểu rằng năng lực con người không phải phát triển theo đường thẳng tùy theo từng độ tuổi.

Tuy nhiên, qua sự việc này ngành giáo dục cũng nên nhìn nhận lại đào tạo hệ tại chức hiện nay vì nhiều trường đại học, sinh viên hệ chính quy chỉ có khoảng 3.000 sinh viên nhưng hệ đào tạo tại chức lên tới hơn 10.000, chất lượng lại không đảm bảo.

GS.TS Phan Công Nghĩa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân:
Không tuyển sinh viên tại chức là cực đoan!

Chủ trương TP.Đà Nẵng vừa thông báo từ năm 2011 sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước, theo tôi phân biệt đối xử như vậy là không đúng, phải căn cứ vào thực chất chứ không nên dựa quá nhiều vào bằng cấp.

Tuyển là quyền của nhà tuyển dụng nhưng không nên nói không với cả một hệ đào tạo. Nếu nói về chất lượng hệ tại chức là do người tuyển dụng chứ không phải do bằng cấp. Trong tuyển dụng nếu bằng tại chức vẫn đảm bảo yêu cầu tuyển dụng thì vẫn nên tuyển. Theo tôi dù là bằng chính quy hay bằng tại chức, không thỏa mãn nhu cầu tuyển dụng thì không nên tuyển nhưng không nên nói không với hệ đào tạo nào đó như vậy là cực đoan.

Chính cách tuyển dụng sẽ tác động đến đào tạo, dù có bằng cao nhưng kiểm tra thực tế không thỏa mãn nhu cầu thì anh không tuyển như thế sẽ tác động trở lại với nhà đào tạo để họ đào tạo làm sao để nâng cao được chất lượng đào tạo.

Ông Phan Mạnh Tiến,Phó vụ trưởng Vụ giáo dục đại học &sau đại học, Bộ GD-ĐT:
Tuyển dụng cán bộ công chức chính là cách tuyển chứ không phải cách loại hồ sơ.

Luật giáo dục đã quy định, mọi văn bằng đều có giá trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bằng tốt nghiệp của một người học ở trường đại học vùng cũng có giá trị như bằng tốt nghiệp ở một trường ĐH trọng điểm, điều này đã rõ ràng rồi.

Có thể nhà tuyển dụng cho rằng, không nhận cử nhân tốt nghiệp ĐH tại chức là để nâng cao chất lượng đầu vào. Điều này cũng có thể hiểu được vì chất lượng đào tạo không chính quy còn hạn chế, nhưng không phải tất cả những người học không chính quy đều yếu kém. Trong những lớp học buổi tối, tôi tin vẫn có những người học thực sự. Ngược lại, sinh viên hệ chính quy cũng thế. Không phải ai học chính quy cũng đều là học giỏi, học nghiêm túc.

Theo tôi, điều quan trọng để nâng cao chất lượng tuyển dụng cán bộ công chức chính là cách tuyển chứ không phải cách loại hồ sơ. Muốn tuyển những công chức giỏi, hãy tìm cách nâng cao chất lượng đề thi đầu vào để tìm những người thực sự xứng đáng.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:
Lỗi không phải do cái bằng tại chức!

Quyết định không tuyển dụng người có bằng tại chức của TP. Đà Nẵng là cực đoan vì không phải tất cả những ai học tại chức đều kém còn học chính quy là tốt. Tôi đảm bảo nếu lấy tiêu chí “trình độ thực tế” để chọn, khối người có bằng chính quy vẫn bị rớt như thường. Còn người học tại chức, nếu có ý thức tự học tốt, động cơ học đúng đắn vẫn có thể có trình độ đáng nể.

Thực tế cho thấy rất nhiều người đã và đang có cống hiến trong nhiều lĩnh vực đều đi lên từ việc tự học là chính. Khi chúng ta không thể kiểm soát được chất lượng mà đóng luôn “cửa tại chức” thì không nên. Việc này vô hình trung đi ngược với chủ trương khuyến học, khuyến tài của Nhà nước. Đà Nẵng nên cân nhắc lại quyết định này, lấy “năng lực thực tế” là tiêu chí ưu tiên thay vào việc phân biệt loại văn bằng.

Theo xu hướng chung trên thế giới, cần phải mở ra nhiều con đường khác nhau để tạo điều kiện cho mọi người được học tập và học tập suốt đời. Nhất là với điều kiện Việt Nam, các trường không thể đáp ứng hết nhu cầu đào tạo chính quy nên hình thức đào tạo tại chức vẫn cần thiết, tiết kiệm rất nhiều kinh phí của Nhà nước.

Nhưng trong một thời gian dài khi việc đào tạo tại chức bung ra, chất lượng đào tạo đã không được kiểm soát chặt chẽ. Việc nhiều cán bộ nhà nước đi học để hợp thức hóa yêu cầu bằng cấp cũng phổ biến. Tuy nhiên, lỗi không phải do cái bằng tại chức mà do động cơ của người học, do quan niệm không cấp tiến của người tuyển dụng khi không chú trọng năng lực và chỉ cần bằng cấp.

pq
pq
Trả lời 13 năm trước

Tôi thấy đây là quyết định đúng đắn: Thử hỏi mấy ai học tại chức lại là người có trình độ chuyên môn tốt chứ? Người học chính quy thì học ngày học đêm đến khi ra trường kiến thức còn non nữa là những người học tại chức. Theo tôi là nên hạn chế đào tạo hệ tại chức, liên thông...vì đây là cách học mang tính chất về bằng cấp chứ không phải về chuyên môn và kiến thức

biet roi
biet roi
Trả lời 13 năm trước

Mình thấy các bạn có cái nhìn từu tượng quá. không tuyển bằng tại chức thì nhà nước mình đào tạo hệ tại chức tập trung để làm gì? chúng ta tuyển người để làm việc chứ không phải tuyển bằng cấp. ai làm được việc thì tuyển thôi chắc gì bằng chính làm được việc. mình thấy nhiều người học tại chức ra đi làm vẫn giỏi đấy. nên theo mình không nên phân biệt như vây.

lu mo
lu mo
Trả lời 13 năm trước

Bằng cấp vẫn là bằng cấp! ở đây tôi muốn nói những người đã phải trải qua cuộc thi gắt gao tại đầu vào các trường đại học chính quy thì vẫn phải là một cái gì đó (tất nhiên có 1 số ít người bằng các lý do khác học vẫn vào được như nhìn bài của bạn, trúng tủ…). Tuy nhiên không thể phủ nhận họ vẫn là sinh viên chính quy. Nhưng người tốt nghiệp chính quy kể cả học thật cũng không phải ai cũng hoàn thành nhiệm vụ nhưng nếu không may nhưng người này vẫn được giao các công việc mà họ không thể hoàn thành thì phải có sự thay đổi (bằng cách tìm người khác – nhưng vẫn phải ưu tiên những người tốt nghiệp chính quy). Những người tốt nghiệp tại chức không thể phủ nhận có những người cũng rất giỏi trong nhiều lĩnh vực nhưng dù sao cũng mạo hiểm khi chọn họ (khi chọn thì vẫn không chắc 100% là đã chọn được nhưng người giỏi) trong khi ta còn rất nhiều người tốt nghiệp chính quy chưa được xét đến vì nhiều lý do. Theo tôi hiểu vào công chức là sẽ được ăn lương của nhà nước, có nhiều cơ hội thăng tiến lên làm quản lý, rất ít khi bị mất việc (nên vẫn có lương dù không giúp được gì nhiều ). Vậy chúng ta phải bắt đầu từ đâu??????????/

roi biet
roi biet
Trả lời 13 năm trước

Tôi thấy như vậy đâu có sai ? Nhà tuyển dụng có quyền tuyển theo yêu cầu của họ ! Họ có thể bảo tôi chỉ tuyển DHBK, DHKTTN không tuyển dân lập cũng được (mình thấy rất nhiều) ! Một số chỉ tuyển SV khá giỏi (cùng 1 loại bằng chứ không nói tới 2 loại hình đào tạo) ! Chẳng hạn như Vinafone, Mobifone họ chỉ tuyển Đại Học Tốt Nghiệp Loại Giỏi với SV mới ra trường sao không ai lên tiếng nhỉ ? SV với bằng DH Việt Nam ra Quốc Tế học lên cao họ chấp nhận còn mang bằng đi xin việc bên nước ngoài họ không tuyển (loại từ vòng nhìn cái bằng), vậy mình kiện ai nhỉ ? Còn nói về trường hợp của Tp.Đà Nẵng mình rất tán đồng, họ đâu có bảo cho người học tại chức thôi việc, họ chỉ bảo là không tuyển tại chức đầu vào mà thôi. Chung quy vẫn là ý thức nâng cao chất lượng của các cán bộ của địa phương mình (con em ở địa phương học chính quy theo tiền tài trợ còn đầy ra tại sao phải tuyển tại chức ? Giống như sv giỏi đầy ra tại sao phải tuyển sv trung bình)! Và Đà Nẵng không chấp nhận thì còn phần còn lại của cả nước vẫn nhận đó thôi (trong đó có cả Tp.HCM và Tp.HN). Họ có thể tự do nộp đơn mà (nếu đủ năng lực) :)

biet rui
biet rui
Trả lời 13 năm trước

Theo cũng là sinh viên hệ chính quy, theo tôi thấy nếu đứng trên lập trường của nhà tuyển dụng thì bằng tại chức thì liệu bạn có chiếu cố để tuyển hệ tại chức. Tôi là một nhà tuyển dụng, tôi không tuyển hệ tại chức, chưa tính đến khả năng làm việc nhưng bạn cứ nhìn thẳng vào cách mà các nhà trường đạo tạo tại chức thì bạn sẽ biết. Không hiệu quả.

gfhfghgg
gfhfghgg
Trả lời 13 năm trước

Tôi thấy qui định như vậy là hoàn toàn chính xác, đúng ra phải thực hiện cách đây 10 năm cơ! Bởi vì những người sinh ra sau chiến tranh, được sống trong hòa bình nay cũng đã 35 tuổi rồi, họ có điều kiện ăn học, tại sao không phấn đấu học chính qui nhất là những người được sống ở thành phố như Đà Nẵng? Còn về pháp luật, quy định như vậy tôi chẳng thấy gì là trái cả. Ỡ đây không phải là Đà Nẵng không công nhận bằng tại chức mà không muốn tuyển dụng người có bằng tại chức mà thôi, nó cũng giống như tôi đang sở hữu một cái gì đó mà tôi muốn cho, gửi biếu, tặng ai tùy tôi. Còn như trong trường hợp này thì Đà Nẵng đang sở hữu chỗ làm việc, còn muốn tuyển dụng ai thì tùy người ta. tôi thật sự hoan hô chính quyền TP Đà Nẵng về việc này.

gfhfghgg
gfhfghgg
Trả lời 13 năm trước

Tôi thấy qui định như vậy là hoàn toàn chính xác, đúng ra phải thực hiện cách đây 10 năm cơ! Bởi vì những người sinh ra sau chiến tranh, được sống trong hòa bình nay cũng đã 35 tuổi rồi, họ có điều kiện ăn học, tại sao không phấn đấu học chính qui nhất là những người được sống ở thành phố như Đà Nẵng? Còn về pháp luật, quy định như vậy tôi chẳng thấy gì là trái cả. Ỡ đây không phải là Đà Nẵng không công nhận bằng tại chức mà không muốn tuyển dụng người có bằng tại chức mà thôi, nó cũng giống như tôi đang sở hữu một cái gì đó mà tôi muốn cho, gửi biếu, tặng ai tùy tôi. Còn như trong trường hợp này thì Đà Nẵng đang sở hữu chỗ làm việc, còn muốn tuyển dụng ai thì tùy người ta. tôi thật sự hoan hô chính quyền TP Đà Nẵng về việc này.

tun oi
tun oi
Trả lời 13 năm trước

Tôi đồng ý với chính sách của Thành phố Đã Nẵng, đó là một hành động vì sự phát triển của Thành phố. Không thể để thực trạng "Vàng thau lẫn lộn" được. Tôi nghĩ đã đến lúc triển khai trên toàn quốc. Tốt nghiệp đại học chính quy bài bản hiện nay rất nhiều, rất nhiều người ko có việc làm, mặc dù họ là những học sinh sinh viên có tố chất, năng lực tốt. Với tư cách là một người dân VN, tôi hoan nghênh việc làm của Thành phố Đà Nẵng. Chúng ta hãy ủng hộ hành động đó.

ocnhoi
ocnhoi
Trả lời 13 năm trước
Tôi thấy hoàn toàn là hợp lý. Nên từng bước xoá bỏ hệ đào tạo tại chức, mở rộng. Hình thức vừa học vừa làm đã không còn phù hợp với thời đại hội nhập quốc tế nữa. Tôi nghĩ đã đến lúc Bộ GD và ĐT nên xem xét lại vấn đề này. Ngày xưa tôi cũng là sinh viên hệ chính quy hẳn hoi, học đến gù cả lưng mới được tấm bằng. Trong khi đó thì hệ tại chức họ học và lấy bằng ra quá dễ dàng, thậm chí có người còn thuê người đi học thay với mức giá 30.000đ/buổi. Chuyện đó là chuyện thường ngày. Giáo viên biết, sinh viên biết. Tất cả mọi người đều biết. Tại sao chúng ta không lên tiếng để xoá bỏ tệ nạn này đi. Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định nói không với tại chức của TP Đà Nẵng.