Bạn tham khảo thử bài viết này nhá:
Biến đổi khí hậu: 11 triệu người Việt Nam có thể mất chỗ ở
Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến Việt Nam. Cụ thể là ngày càng có nhiều cơn bão và mức độ tàn phá mạnh hơn. Chỉ tính riêng năm 2006, nước ta đã bị thiệt hại trên 1,2 tỷ đô la do bão gây ra. Các nhà khoa học dự đoán, trong tương lai không xa, nếu mực nước biển dâng cao 1m, Việt Nam có thể mất đi 12,2% diện tích đất là chỗ ở của 23% dân số, tương đương với 17 triệu người.
Khí hậu toàn cầu đang biến đổi mạnh
Trong một báo cáo mới đây nhất của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu cho thấy, sự tích tụ khí các-bon-níc (CO2) trong bầu khí quyển của trái đất đang ở mức chưa từng có trong 650.000 năm qua.
Nguyên nhân là do hàng năm, con người đã thải vào khí quyển một khối lượng lớn các loại khí nhà kính (khoảng 42 tỷ tấn/năm). Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng, nhiều loại động, thực vật đã và đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Ước tính, trung bình một ngày trên thế giới có 150 loài động, thực vật bị tuyệt chủng. Như vậy, 1 năm có từ 18.000 đến 55.000 loài bị tuyệt chủng.
Hiện tại, thế giới có khoảng 60.000 loài thực vật, 728 loài bò sát, lưỡng cư và 472 loài cá đang có nguy cơ bị diệt vong. Hơn nữa, các hệ sinh thái đang bị tác động và khai thác quá mức, diện tích rừng, nhất là rừng nhiệt đới bị thu hẹp.
Chỉ tính riêng từ 1980 đến 1995, trên thế giới đã mất đi 200 triệu ha rừng hậu quả là làm ảnh hưởng đến chức năng điều hoà nước và chống xói mòn... Vì thế, diễn biến khí hậu toàn cầu ngày càng phức tạp.
Nhiệt độ trên mặt đất tăng nhanh hơn so với mặt biển, nhiệt độ ở Bắc bán cầu tăng nhiều hơn Nam bán cầu. Nhiệt độ trái đất tăng trung bình 0,6oC so với thế kỷ 20 và dự kiến có thể tăng lên 5,8oC vào năm 2100. Nhiệt độ thay đổi sẽ khiến lượng mưa tăng khoảng 10%, băng tuyết ở các vùng Nam cực tan ra làm nước biển dâng cao.
Cũng như các nước trên thế giới, khí hậu ở Việt Nam đang diễn ra theo chiều hướng xấu. Các cơn bão, mưa lớn, nhiệt độ cao, thấp thất thường và hạn hán xảy ra liên tiếp. Nhiệt độ ở nước ta trung bình tăng khoảng 0,1oC/thập kỷ, nước biển dâng cao khoảng 5cm/thập kỷ và nhiệt độ một số tháng mùa hè tăng từ 0,1 đến 0,3oC/thập kỷ.
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong vòng 46 năm qua (từ năm 1960 đến năm 2006), Việt Nam có tới 34 năm xảy ra hạn hán (chiếm 74%). Đặc biệt, trong những năm gần đây tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt.
Ông Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do sự biến động của thời tiết, khí hậu ngày càng phức tạp.
Ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
Tại Hội thảo chuyên đề về Đa dạng sinh học và Biến đổi khí hậu: Mối liên quan đến đói nghèo và phát triển bền vững do Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa tổ chức, các chuyên gia khí tượng thuỷ văn và môi trường nhận định: “Việt Nam có thể nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu do mực nước biển dâng cao. Khí hậu biến đổi tác động mạnh mẽ đến mọi sinh hoạt, sản xuất của con người.
Những lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng nhất là tài nguyên nước, nông nghiệp, lâm nghiệp, vùng ven biển, năng lượng, giao thông vận tải, y tế. Biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như tiếp cận nguồn nước, sức khoẻ và môi trường. Tuy nhiên, một trong những ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu đến Việt Nam là khi nước biển dâng cao, 27% sinh cảnh tự nhiên, 33% khu bảo tồn và 23% khu vực có sự đa dạng sinh học ven biển ở Việt Nam sẽ bị tác động. Hơn nữa, nhiều diện tích đất (chủ yếu là các vùng đất ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long) sẽ bị ngập chìm khiến hàng chục triệu người mất chỗ ở”
Theo GS, TSKH Trương Quang Học, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), sự suy thoái đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu ở Việt Nam cũng như trên thế giới là 2 trong số những vấn đề bức xúc nhất, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong nước và trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam có hệ sinh thái đa dạng nhưng đã và đang bị suy thoái trầm trọng, diện tích rừng giảm mạnh. So với 83 triệu dân thì rừng Việt Nam không còn là “rừng vàng” nữa, bởi nếu tính bình quân, mỗi người hiện chỉ có 0,15 ha rừng.
Ông Ahmed Djoghlaf, Ban điều hành Công ước về đa dạng sinh học Quốc tế cho rằng, rủi ro chung do biến đổi khí hậu gây ra sẽ mất ít nhất 5% tổng sản phẩm quốc dân toàn cầu (GDP). Trái lại, chi phí để giảm thiểu lượng khí thải nhà kính nhằm tránh những tác động do biến đổi khí hậu gây ra có thể chỉ chiếm 1% GDP.
Bởi vậy, nếu ngay bây giờ, con người không có hành động thiết thực để giảm lượng khí thải, mức độ tích tụ khí nhà kính trong bầu khí quyển có thể tăng gấp đôi vào những năm 2035 và nhiệt độ trung bình trên toàn cầu có thể tăng lên trên 2oC.
Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần làm tốt việc bảo tồn đa dạng sinh học, bởi đa dạng sinh học gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như hạn chế sự tác động đến biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hoàng Phú
Nguồn:Phụ nữ Việt nam - Số báo: 65 (2860) - Ngày phát hành: 30/5/2007