Cho minh hoi ve thuyết trình Địa lý kinh tế?

Hiện nay em đang phải làm bài thuyết trình môn Địa lý kinh tế Câu hỏi là: trình bày nhữung thuận lợi của VN khi nằm trong khu vực kinh tế năng động nhất thế giới. Yêu cầu: liệt kê các thuận lợi có được, VN đã tận dụng thuận lợi đó như thế nào trong quá trình phát triển đất nước Các anh chị cho em xin ý kiến nhé, các anh chị chỉ cần nêu những ý chính của nó thôi để em triển khai, thanks ^^
thu
thu
Trả lời 10 năm trước

*thuan loi la:
- mo rong quan he buon ban va hop tac kinh te vs thi truong lon tren the gioi
-tao dc nhiu cong an viec lam cho ng dan
-su fat trien nhanh chong cua tang lop tung luu do thi
-nhanh chong tiep thu cong nghe moi cung nhu kj nang cua nhiu nc khac
*kho khan la:
-lam fat cao
-nhung kho khan ve cac khoan tin dung, tai chinh di vay va giam ja tri thuong mại
-viec tuyen dung nhan vien , cong nhan voi muc luong thap o nhju noi da gay nen nan that nghiep

hao
hao
Trả lời 10 năm trước
Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - chính trị khu vực và trên thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc, nhất là mức độ và tốc độ toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ thì sự phát triển kinh tế của mỗi nước không chỉ phụ thuộc vào việc khai thác những tiềm năng nội sinh của nền kinh tế mà còn tùy thuộc vào khả năng tận dụng những lợi thế cũng như vượt qua những thách thức do quá trình hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới mang lại. Chúng ta sẽ điểm qua một số yếu tố thuận lợi và khó khăn mà quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa đã và đang đặt ra cho Việt Nam.
1. Một số yếu tố thuận lợi để đạt tăng trưởng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới

Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, Việt Nam là nước có lợi thế về vị trí tự nhiên, rất thuận lợi để tham gia vào quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới. Một là, Việt Nam nằm trong khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và được dự báo là còn tiếp tục tăng trưởng cao trong vòng 15-20 năm tới. Đây cũng là khu vực năng động và độ liên kết nội vùng về thương mại và đầu tư rất chặt chẽ và ngày càng gia tăng do chính phủ các nước trong khu vực không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Hai là, Việt Nam nằm trên tuyến giao thông trọng yếu của khu vực và thế giới nên có điều kiện cắt giảm chi phí vận tải, chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư, là điều kiện thuận lợi để phát triển các hoạt động ngoại thương, và tham gia tích cực hơn vào quá trình phân công lao động quốc tế và chuyên môn hoá đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam chia sẻ nhiều điểm tương đồng về văn hoá, lịch sử, xã hội với các quốc gia đã hoặc đang phát triển thành công trong khu vực như Các nền kinh tế mới công nghiệp hóa (NIEs), ASEAN và Trung Quốc. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình hội nhập với các nước trong khu vực cũng như vận dụng bài học kinh nghiệm của những nước này vào quá trình phát triển của Việt Nam.

Xu hướng phát triển kinh tế chủ yếu của thế kỷ XXI về cơ bản đều dựa vào quá trình liên kết và hợp tác chặt chẽ giữa tất cả các quốc gia và khu vực nhằm đưa đến sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, việc hội nhập tích cực vào các thể chế khu vực và toàn cầu sẽ là hướng đi tốt nhất để có thể kết hợp một cách hữu hiệu các nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhìn chung, quá trình hội nhập đem lại cho Việt Nam một số thuận lợi sau:

+ Là quốc gia đang phát triển đi sau, Việt Nam có thể tận dụng thành quả phát triển của các nước đi trước để đi tắt đón đầu, nhanh chóng tiến tới giai đoạn sản xuất các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Sự di chuyển các luồng nhân tố sản xuất trong quá trình toàn cầu hoá kinh tế sẽ tạo điều kiện cho chuyển giao kiến thức, công nghệ, ý tưởng sáng tạo về khoa học cũng như kỹ năng tổ chức, quản lý... Kinh nghiệm của các nước Đông Á chỉ ra rằng, nước nào có chiến lược mở cửa và hội nhập quốc tế thích hợp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn quốc tế hơn và có khả năng "mượn sức" của thế giới để thúc đẩy tăng trưởng.

+ Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ xoá dần ranh giới giữa thị trường trong và ngoài nước, mở ra một thị trường rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích cả trực tiếp và gián tiếp: (i) Doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư vào các ngành mà trước đây khi quy mô thị trường nhỏ bé khó có thể có lợi nhuận, nay có lợi nhuận do tận dụng lợi thế nhờ quy mô, ví dụ việc đầu tư vào các ngành sản xuất linh kiện phụ trợ hay vào việc phát triển các vùng cung cấp nguyên liệu; (ii) Cho phép các doanh nghiệp tiếp cận với ý tưởng kinh doanh của đối thủ nước ngoài và sáng tạo ra các ý tưởng kinh doanh mới; (iii) Có động lực mạnh dạn đầu tư cho máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại từ cơ hội thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn, tạo điều kiện cho sự phân công lao động và chuyên môn hoá tốt hơn; (iv) Cho phép doanh nghiệp khả năng lựa chọn nguồn nhập khẩu tư liệu sản xuất chất lượng tốt, giá rẻ từ nhiều nhà cung cấp trên toàn thế giới để nâng cao chất lượng sản phẩm ...

+ Sự mở rộng phạm vi hoạt động của các công ty đa quốc gia sang các nước đang phát triển nhằm khai thác các lợi thế so sánh của các nước này đã và đang trở thành một nhân tố tích cực thúc đẩy hoạt động mua sắm, chuyển giao, hợp tác phát triển các loại công nghệ, kỹ thuật hiện đại giữa các nước phát triển và nước đang phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xây dựng và phát triển năng lực công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang những ngành công nghiệp mới. Hơn thế nữa, sự có mặt của các công ty đa quốc gia còn mang lại những tác động tích cực có tính lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước. Sức ép từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài buộc doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng đổi mới, thích ứng với những thay đổi trên thị trường, biết cách chuyển các lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh quốc tế.

+ Việt Nam có thể tận dụng quá trình hội nhập để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hàng hoá nhập khẩu rẻ hơn sẽ làm thay đổi cơ cấu tiêu dùng của các hộ gia đình theo hướng sử dụng nhiều hơn sang các hàng hoá chất lượng cao, giúp cải thiện chất lượng sống chung của toàn xã hội.

+ Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ mang lại cho Việt Nam thế chủ động trong việc vận dụng và tham gia vào các cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp và quốc gia khi đàm phán, giải quyết các tranh chấp thương mại nảy sinh. Ngày nay, các nước trên thế giới đều hiểu rằng những lợi ích của quá trình tự do hoá thương mại, toàn cầu hoá chỉ có thẻ được tận dụng khi mỗi nước được bảo vệ bởi một hệ thống pháp lý thật sự minh bạch và công bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc gia nhập WTO sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Họ được hưởng lợi ích từ quy chế tối huệ quốc, hưởng các ưu đãi về thuế quan, được cung cấp những thông tin cần thiết về tự do hoá mậu dịch và được bảo vệ theo luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp mậu dịch quốc tế.
2. Một số yếu tố khó khăn có thể hạn chế khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

+ Quá trình hội nhập đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi hệ thống chính sách theo hai nguyên tắc cơ bản là thương mại tự do không phân biệt đối xử và hệ thống chính sách minh bạch. Tuy nhiên, đây lại là những điểm yếu của Việt Nam. Lấy ví dụ, các quy định về thuế quan và phi thuế quan của Việt Nam còn hết sức phức tạp, thường xuyên điều chỉnh, gây tâm lý thiếu tin tưởng cho các đối tác thương mại. Trong khi đó, nhiều biện pháp, chính sách tạo thuận lợi và bảo hộ thương mại được quốc tế thừa nhận và sử dụng rộng rãi như quy chế xuất xứ, biện pháp tự vệ, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thì lại chưa có hoặc chưa hoàn thiện. Sự thiếu tương thích giữa hai hệ thống luật pháp, năng lực thể chế hạn chế sẽ khiến nền kinh tế khó phản ứng tốt với những thay đổi từ bên ngoài, dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc bất lợi từ môi trường kinh tế thế giới.

Về khía cạnh thương mại, nếu việc thực hiện các cam kết AFTA trong giai đoạn vừa qua chỉ đòi hỏi Việt Nam cắt giảm thuế quan đối với hàng hoá thương mại trong phạm vi các quốc gia ASEAN thì việc gia nhập WTO đòi hỏi sự cải cách chính sách thương mại toàn diện để cắt giảm thuế quan, hạn chế và tiến tới loại bỏ việc sử dụng hàng rào phi thuế, mở cửa thị trường dịch vụ, bảo hộ sở hữu trí tuệ và các biện pháp khuyến khích đầu tư... trong phạm vi tất cả các nước thành viên WTO. Khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ phải chịu sức ép nặng nề của các dòng hàng hoá và dịch vụ, công nghệ nhập khẩu và hơn hết là những biến động của các thị trường trên thế giới, chủ yếu là những biến động liên quan đến lĩnh vực tài chính - tiền tệ.

+ Việc vượt qua các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan cũng như các quy định về vệ sinh, y tế, môi trường, xã hội ở cả các quốc gia công nghiệp và quốc gia đang phát triển cũng sẽ là một thách đố không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Một mặt, hệ thống pháp luật, giám sát tiêu chuẩn chất lượng chưa hoàn chỉnh, năng lực chuyên môn, quản lý kém của Việt Nam sẽ gây khó khăn cho việc đối phó với các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan ngày càng cao tại các thị trường Mỹ, Nhật và EU. Mặt khác, các biện pháp hạn chế nhập khẩu tinh vi như chống bán phá giá, quy định về nguồn gốc xuất xứ cũng như các quy định về sức khoẻ, môi trường, xã hội của các nước phát triển sẽ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết chưa đầy đủ về quy chuẩn và đòi hỏi chất lượng ở các thị trường xuất khẩu.

+ Việc gia nhập WTO sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước. Về xuất khẩu, áp lực cạnh tranh mạnh nhất sẽ là từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN với nhiều sản phẩm tương tự như Việt Nam nhưng lại có ưu thế cạnh tranh hơn như các nông sản, thuỷ sản, may mặc, giày dép, đồ chơi... Hiện nay, đa số các doanh nghiệp Việt Nam là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu và khả năng tiếp cận công nghệ mới hạn chế, năng suất lao động cũng như chất lượng và tính độc đáo của sản phẩm còn thấp, chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra cho sản phẩm thiếu ổn định và bền vững. Mức độ cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư cũng sẽ rất quyết liệt do tình trạng cung vốn ngày càng thấp so với cầu về vốn của thị trường quốc tế và áp lực cạnh tranh thu hút vốn từ các nước láng giềng ASEAN, đặc biệt là từ Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Việc xác định các ngành, các sản phẩm có khả năng cạnh tranh quốc tế để đầu tư chiều sâu thực sự đang là một thách thức đối với Việt Nam khi mà tiềm lực khoa học, công nghệ của Việt Nam còn rất khiêm tốn, trong khi các loại hình công nghệ - kỹ thuật mới như vi điện tử, tin học, kỹ thuật viễn thông, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu mới xuất hiện lại đòi hỏi một tiềm lực công nghệ mạnh. Việc gia nhập WTO trong điều kiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn kém có thể sẽ dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phá sản. Hậu quả trực tiếp nhất là tình trạng mất việc làm của một bộ phận người lao động và nếu lượng doanh nghiệp bị phá sản là đáng kể thì hậu quả kéo theo sẽ có thể là sự mất ổn định xã hội.

+ Tình trạng phát triển theo chiều rộng, thiếu chiều sâu của nền kinh tế trong điều kiện các nguồn lực hạn chế đang và sẽ còn kìm hãm khả năng tăng trưởng cao, cả trong ngắn và dài hạn. Mặc dù những năm qua nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, song chủ yếu đây là thành quả của việc giải phóng nền kinh tế khỏi sự trói buộc của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, từng bước hình thành và phát triển cơ chế thị trường. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát triển theo chiều rộng, nền kinh tế sẽ bị phụ thuộc ngày càng nhiều vào các nguồn vốn vật chất và đặc biệt là vào những yếu tố bên ngoài nền kinh tế. Trong khi đó, nhân tố quyết định khả năng tăng trưởng trong dài hạn là khả năng tích lũy vốn nhân lực và tiến bộ công nghệ thì còn hết sức khiêm tốn, biểu hiện ở mức năng suất lao động thấp và trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp còn khá lạc hậu.

+ Nền kinh tế còn tập trung nhiều cho mục tiêu phục vụ thị trường nội địa. Một số ngành kinh tế đã từng được hình thành và phát triển với mức bảo hộ cao trong giai đoạn Việt Nam theo đuổi chiến lược thay thế nhập khẩu trước đây nên có sức cạnh tranh kém. Nhiều dự án đầu tư trong các ngành này mang tính dàn trải, sử dụng nhiều vốn mà hiệu quả kinh tế không cao như mía đường, xi măng. Theo đánh giá của WB, nếu so sánh với 23 nước tương tự về trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, khả năng tích luỹ vốn và giảm nghèo thì Việt Nam đứng thứ 3 về huy động đầu tư, song lại đứng thứ 17 về chất lượng đầu tư. Nguyên nhân cơ bản là cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, tỷ lệ đầu tư của khu vực nhà nước quá cao và tập trung vào một số ngành (chủ yếu là thay thế nhập khẩu) kém hiệu quả và thiếu sức cạnh tranh.

Mức độ huy động vốn cao trong những năm gần đây cho thấy nền kinh tế vẫn có nguy cơ tiếp tục xu thế trên. Đây là điều rất nguy hiểm khi mà chính sách bảo hộ sản xuất nội địa sẽ không còn phù hợp trong điều kiện hội nhập hiện nay. Hơn nữa, tình trạng bao cấp vẫn còn tồn tại trong nền kinh tế (thể hiện qua các khoản tín dụng ưu đãi cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, bù giá một số mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế như xăng dầu). Hậu quả của cơ chế bao cấp sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ làm giảm hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần hình thành và củng cố một kiểu tư duy, một phương thức hoạt động và một cách ứng xử xã hội theo kiểu dựa vào Nhà nước để tồn tại một cách kém hiệu quả và không phải chịu trách nhiệm.

+ Chi phí đầu vào của một số loại hình dịch vụ như giá điện, dịch vụ viễn thông, vận tải... đắt hơn nhiều so với các nước trong khu vực, làm gia tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam trở nên đắt đỏ và kém hấp dẫn.