Mình muốn học quản trị mạng! bằng từ thấp đến cao,trước tiên mình phải học để lấy bằng ji trước! giúp với

rfgrfgfdg
rfgrfgfdg
Trả lời 12 năm trước

Một trong những thắc mắc “kinh điển” khi chúng ta muốn học bất cứ điều gì, đó là: điều kiện (về trình độ) để theo học là như thế nào? Trong bối cảnh IT phát triển quá nhanh, người học đôi khi chỉ kịp rèn luyện theo một vài sản phẩm đã đủ hết thời gian. Cho nên thỉnh thoảng vẫn thấy một lập trình viên chưa biết gõ.. Word, hay một chuyên viên mạng không biết hệ số nhị phân. Trước khi tìm biết nên học gì, chúng ta phải hiểu rõ xuất phát điểm của mình.
Để có thể theo đuổi việc học quản trị mạng, trước hết bạn phải sử dụng máy tính tương đối thành thạo. Ở đây không cần bạn phải giỏi về Office (tức chứng chỉ A quốc gia), mà đòi hỏi bạn phải nắm được những kiến thức cơ bản về cấu trúc máy tính, biết chút ít về phần cứng, về chuyện lắp ráp, cài đặt. Vì điều này cũng khó kiểm tra, cho nên một số nơi đào tạo yêu cầu bạn có bằng A quốc gia, thật ra là muốn đảm bảo bạn đã “xài” máy tính trên 6 tháng và sẽ bổ sung những kiến thức bạn còn thiếu trong quá trình dạy.
Trong đó, khái niệm và thao tác với file, folder, hệ điều hành, các thiết bị như card màn hình, CD-ROM là rất quan trọng. Bạn có thể không biết vẽ đồ thị trong Word nhưng bạn phải biết driver là gì, cài đặt ứng dụng ra sao. Một kỹ năng khác mà các khóa học chuẩn ít khi đề cập, nhưng chúng tôi lại thấy khá quan trọng, là việc sử dụng Internet. Bạn nên biết những ý niệm chung về domain name, về email và biết cách tìm kiếm thông tin trên mạng.
Một yếu tố khác cần quan tâm là khả năng đọc hiểu tiếng Anh chuyên ngành. Cho dù chương trình đào tạo đã được Việt hóa, khả năng Anh ngữ vẫn cần thiết để tự học, tìm tòi sách trên mạng. Chỉ sử dụng sách tiếng Việt thì không đủ để cập nhật kiến thức mới. Ngoài ra, bạn sẽ có một lợi thế nếu biết về các hệ cơ số, nhất là hệ nhị phân.
Câu hỏi quen thuộc: Nên học Microsoft hay Cisco hay Linux?
Khi có đủ kiến thức nền, học phần đầu tiên cần “thanh toán” bao giờ cũng là “mạng căn bản”. Tùy theo thiết kế của từng nơi đào tạo, nhưng phần này ít nhất phải cung cấp cho bạn các khái niệm về mạng, về chuẩn 7 lớp OSI, các giao thức, kiến trúc, mô hình mạng, cũng như thiết bị và môi trường truyền dẫn. Bạn sẽ “tiêu hóa” mọi thứ không khó, trừ mô hình 7 lớp OSI. Theo kinh nghiệm, sau một thời gian bạn mới thấm dần vấn đề này.
Tiếp theo, nhiều bạn thường hỏi: nên học Microsoft hay Cisco? Xin trả lời ngay: hai công nghệ này không cùng loại nên không có chuyện so sánh, mỗi công nghệ có một phạm vi riêng, chúng bổ sung cho nhau chứ không thể thay thế nhau. Một bên là học về các sản phẩm phần mềm của Microsoft, một bên là học về các thiết bị mạng của Cisco. Chúng cũng có những khối kiến thức chung như TCP/IP, nhưng bạn cần điều gì cho công việc thì hãy chọn hướng đó.
Microsoft Windows hay Linux đều là hệ điều hành (mạng), bạn có thể chọn học 1 trong 2, tùy vào yêu cầu công việc. Tuy nhiên, cho dù bạn sẽ theo đuổi công nghệ nguồn mở (Linux) hay Cisco, bạn cũng nên học qua căn bản công nghệ Microsoft. Vì đó là một môi trường dễ hấp thu kỹ năng cơ bản về quản trị mạng và ít nhiều bạn sẽ gặp sau này.
Các cơ sở đào tạo, cơ hội học tập
Hiện nay, ngoài hệ thống đào tạo Cisco đã có tên tuổi, còn có một số nơi đào tạo chuyên viên phân tích, thiết kế, cài đặt, quản trị, bảo trì và đảm bảo an ninh cho các hệ máy tính và truyền thông theo chuẩn quốc tế, như TT Phát triển công nghệ thông tin Trường ĐHCNTT (TTPTCNTT- ĐHCNTT), TT Tin học (ĐHKHTN),.. Đặc biệt chương trình hợp tác đào tạo Cử nhân Công nghệ Thông tin giữa TTPTCNTT- ĐHCNTT với Viện Đại học Công nghệ BCIT của Canada định hướng nghề nghiệp cao giúp sinh viên có thể lựa chọn hướng nghề phù hợp cho mình với các chứng chỉ, văn bằng có giá trị quốc tế.
Khởi đầu là như vậy, có dịp chúng ta sẽ bàn các cấp độ sâu hơn. Đầu tư cho việc học bao giờ cũng có lợi. Chúc các bạn mau chóng thành chuyên viên mạng!

tun cua di
tun cua di
Trả lời 12 năm trước

Hy vọng bài viết này sẽ giúp được bạn

Cách đây khoảng 15 năm, CNTT vẫn còn là một cái gì đó rất mới mẻ, mơ hồ. Suy nghĩ của tôi về nó là một cái máy tính có thể tính toán nhanh hơn máy tính bỏ túi nhỏ xíu, có thể chơi vài trò game hay hơn cái máy Nintendo bấm bấm, chạy ra màn hình đen đen có dấu nháy nháy và chạy vài câu lệnh nó cho ra 1 loạt các chữ khó hiểu, v.v… Nhưng chính vì những cái đó đã làm tôi ngày càng tò mò hơn và trở nên say mê từ lúc nào cho đến tận bây giờ.
Học lớp 7, nhà trường chuẩn bị cho các bạn học sinh học nghề để khi tốt nghiệp lên cấp 3 sẽ được cộng thêm điểm vào điểm thi tốt nghiệp khi chẳng may gặp tình huống “học tài thi phận”. Các bạn nam thì học Điện và Tin Học, các bạn nữ thì học Dinh dưỡng và Đan Thêu may vá.

Học nghề Điện Tử à, cái này có vẻ hay đấy vì Ba của tôi là kỹ sư điện tử mà, nhưng ông đã khuyên tôi “Thế hệ của con là cái máy tính đấy, học điện tử thì cũng được nhưng Ba muốn con hãy luôn tìm hiểu cái gì mới hơn cơ, biết đâu sau này nó giúp ích mình nhiều hơn (mặc dù cụ ông cũng chưa từng sờ đến nó bao giờ )!”. Câu nói của Ba làm tôi bắt đầu tò mò và quyết định đi đăng ký luôn là học nghề môn “Tin Học”.

Trong cả quá trình được học tại lớp, nào là DOS, Pascal, Norton Commander, VietRes, Quattro Pro,v.v…, tôi cảm nhận rằng có vẻ như mình đã chọn không nhầm cái nghề này.

Đến năm lớp 12, niềm mơ ước của tôi là làm sao phải thi đậu cho bằng được vào cái ngành CNTT để thực hiện đam mê cũng như phục vụ cho đất nước. Nhưng đời quả không như mình mong đợi, bao nhiêu cố gắng của tôi đều đã không thực hiện được. Để cho kịp với bạn bè, năm 1999, tôi đành phải thi vào khối D (vì tôi cũng rất thích môn Ngoại Ngữ mà) và sau hơn 4 năm Đại Học tôi cũng ra trường.

Quay lại cái ngày vừa thi đậu vào trường ngoại ngữ, tôi thật sự chẳng cảm thấy vui gì vì không biết sau này mình ra trường, mình có được làm việc vì cái ngành mình đam mê hay không !!! Tâm sự với chú, nhìn thấy lòng hăng say CNTT của tôi, 2 chú cháu đã trao đổi rất nhiều. Cuối cùng nhìn thấy sự băn khỏan cũng như độ say mê của tôi, chú đã xin cho tôi vào làm nhân viên kỹ thuật bán thời gian tại một công ty cung cấp thiết bị máy tính ở TP.HCM.
Học Tin Học thời phổ thông cũng chỉ biết gõ gõ vài cái trên bàn phím, nay lại được va chạm và thực hành ngay trên nhiều máy tính thật của công ty. Khi lắp ráp máy để giao cho khách hàng, nào là RAM, nào là CPU, ổ cứng, nguồn v.v… ôi sao sướng thế, vì khi xưa mình chẳng khi nào dám đụng đến mấy cái này (giá trị của 1 cái máy tính 286, 386 lúc đó có khi lên đến cả mấy nghìn USD đó chứ).

Những khi được đi sửa chữa máy tính cho khách hàng, được trực tiếp cùng các sư phụ ( từ tôi hay gọi các anh đi trước ở công ty) thức đêm, kéo dây, bấm cáp, cấu hình mạng, máy chủ, tôi nghĩ với những cái này cộng với tấm bằng cử nhân ngoại ngữ, mình chắc cũng chẳng cần phải lo lắng gì nhiều sau khi ra trường. Thời gian vừa làm vừa học được hơn 3 năm, chuyện học ở trường và công việc cũng tạm ổn (nói vậy thôi chứ tôi đam mê cái CNTT hơn chuyện học chính là cái chắc, nên đôi khi thi lại các môn ở trường cũng là lẽ thường tình ).

Rồi cũng đến cái ngày định mệnh, năm đó là mùa hè năm thứ 3 đại học, công ty có giao cho tôi cung cấp hơn 200 bộ máy tính cho một trung tâm đào tạo chứng chỉ quốc tế về CNTT. Nói thật lúc đấy, việc cấu hình BIOS mainboard, bấm cáp, đặt địa chỉ IP cho máy để nối mạng, v.v…, tôi làm nhoay nhoáy là xong. Sau khi hoàn tất các công việc cho trung tâm, 1 người cho đến bây giờ tôi vẫn mãi gọi là sư phụ, là người Thầy vĩ đại nhất, đã đến và nhận bàn giao toàn bộ. Thầy đã nói: “Sao mày cấu hình BIOS nhanh vậy ? Đặt IP ác thế ? mày làm từ từ để tui còn xem chứ ? Thế hệ thống ở đây em đã đi dây và cấu hình thế nào ? Sơ đồ đâu để tui còn nắm và giao lại cho các bạn kỹ thuật ở đây ?” Tôi mới nói 1 câu làm Thầy cười nghiêng ngả: “Hehe… dạ em cấu hình nhanh vậy chứ có hiểu gì đâu ạ ”. Cũng chính vì câu nói đó của tôi cũng đã làm tôi suy nghĩ khá nhiều. “Đúng, tại sao mình chả hiểu gì cả và cứ làm như cái máy nhỉ ???”

Sau đó, Thầy xoa đầu tôi, cười và nói 1 câu rất nhẹ nhàng: “Tối nay 6h Thầy có dạy 1 lớp ở đây về Chứng Chỉ Quản Trị Hệ Thống MCSE, em rảnh thời gian thì đến ngồi nghe nhé, nhớ đó”.

Sau hơn 9 tháng học tập cùng với sự dẫn dắt của Thầy, suy nghĩ của tôi về CNTT lúc bấy giờ cũng đã khác trước rất nhiều. Càng học, tôi càng cảm thấy sao ngành này nó rộng lớn thế ! Tôi đam mê đến mức nhiều lần đang ngồi học, bị khách hàng ở công ty gọi đi sửa máy gấp, tôi đã quyết định xin chú giám đốc tạm nghỉ làm để đi học, trong đầu cũng nghĩ mình học xong chắc chắn sẽ quay về lại phục vụ công ty được tốt hơn, vì âu nhờ nơi đây mình mới có cơ hội để gặp Thầy.

Đôi khi cũng băn khoăn hỏi Thầy về 2 mảng Quản Trị Mạng và Quản Trị Hệ Thống khác nhau thế nào, Thầy cũng giải thích và định hướng rất rõ ràng: “Em có thấy chính phủ ta khi đất nước giải phóng xong, họ quy hoạch đường xá trước phải không? Nào là Quốc Lộ 1A, Quốc Lộ 21, 22, v.v…. Về CNTT cũng vậy, các thiết bị HUB, Switch, Router, v,v… kết nối hạ tầng và các máy tính lại với nhau. Xong, khi hạ tầng có rồi, thì người ta làm gì nhỉ ??? Xây dựng trường học, bệnh viện, chợ, nhà ga, tàu điện ngầm, v.v… để phục vụ người dân phải không? Nên 2 mảng em hỏi nó chính là như thế đấy, Hệ thống được xây dựng dựa trên hạ tầng đã có sẵn, không những chỉ Microsoft, các HĐH khác như Linux/Unix, MacOS,v.v… cũng làm được điều này, và đã là dịch vụ hệ thống thì luôn cập nhật cũng như nâng cấp liên tục. Ai làm được gì thì Microsoft làm được hết, thậm chí còn tốt hơn rất nhiều. Em nhớ 1 điều này, khi đi theo bước chân người khổng lồ, em không bao giờ chết được”.

Sau khi hòan tất xong MCSE, tôi đã tự đọc thêm về các mảng khác như quản trị mạng Cisco, tìm hiểu thêm về HĐH mã nguồn mở Linux/Unix, về quản trị cơ sở dữ liệu SQL, bảo mật (Security), v.v… và cảm thấy thật không quá khó vì đã có kiến thức cơ bản sau khi học xong về quản trị hệ thống Microsoft.

Ngày ra trường cũng chính là sau hơn 2 năm theo Thầy và được Thầy định hướng, tôi đã có những bước đi rất phù hợp và có nhiều hướng để có thể lựa chọn công việc mình sẽ theo. Sau khi trãi qua những công việc về quản trị hệ thống cho các Ngân Hàng, tham gia vào việc tư vấn giải pháp cho những doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn, cuối cùng nghĩ đến các bạn học sinh sinh viên vẫn còn đang băn khoăn hoặc thiếu định hướng như mình xưa kia, tôi đã quyết định chọn nghiệp đi dạy về CNTT để mong giúp được các bạn ấy phần nào con đường sự nghiệp mình sẽ lựa chọn, vì hiểu rằng môi trường đào tạo trong những năm học Đại Học, không cho các bạn những kiến thức sâu và thực tế, mặc dù có cho các bạn những kiến thức hàn lâm, nhưng nghiệp CNTT không đơn giản như vậy, rất nhiều hướng đi mà sẽ làm các bạn bối rối.

Và như Thầy, sau hơn 9 năm đi dạy, tôi rất vui vì đã góp phần nào định hướng được cho rất nhiều bạn học về CNTT, hỗ trợ các bạn trong quá trình làm đồ án, cũng như trong công việc. Có bạn giờ đã và vẫn đang tiếp tục sự nghiệp của tôi là đi dạy, có bạn thì quản trị cho những hệ thống lớn như các tập đoàn, ngân hàng và các công ty tài chính, và niềm vui sướng lớn nhất của tôi là được làm như thế, và tôi sẽ làm điều này cho đến khi không còn có thể đứng lớp được nữa.

Công việc về quản trị mạng và hệ thống thì không hề thiếu, càng nhiều kiến thức sẽ làm cho bạn chủ động hơn. Quan trọng nhất vẫn là sự định hướng đúng, nó sẽ giúp bạn học cái gì và sẽ làm gì với niềm đam mê CNTT !!!

Một lần nữa, dù ở đâu, hay cuộc sống có như thế nào, em vẫn mãi kính mến và cảm ơn Thầy!

Hoàng Mạnh Hùng
Hoàng Mạnh Hùng
Trả lời 12 năm trước

Để học quản trị mạng thì bạn chỉ cần học những kiến thức cơ bản về các giao thức truyền tin.

Còn tiếp theo là chủ yếu sự tự học hỏi của bạn.

Còn các lớp CCNA, CCIE ... thì quả thật cũng phải tự mình học rất nhiều, ngoài ra thì học phí cũng không ít.