Mua điện thoại cũ hay mới ?

nbbnbmn
nbbnbmn
Trả lời 13 năm trước

Thời điểm bão giá như hiện nay, nhiều người khá băn khoăn khi phải chọn mua một chiếc điện thoại cũ hay một chiếc điện thoại mới do sự chênh lệch giá thành và chất lượng sử dụng. Bài viết này, Mình sẽ tư vấn cho bạn những kiến thức cần thiết trước khi đưa ra quyết định cho riêng mình.

Cân nhắc giá bán

Đây là yếu tố đầu tiên và cũng là duy nhất tác động mạnh đến sự phân vân của người tiêu dùng khi phải chọn lựa giữa hai loại điện thoại này. Đối với các dòng điện thoại cao cấp, sự chênh lệch giá cả là rất hấp dẫn khi so sánh giữa máy mới và máy cũ. Đơn cử như giá bán chính hãng của chiếc điện thoại HTC HD2 hiện đang khoảng 12,9 triệu đồng, thế nhưng giá máy cũ của dòng điện thoại này lại đang dao động chỉ từ 6,5-7,5 triệu đồng, tức sự chênh lệch lúc này lên đến gần một nửa. Rõ ràng, mức giá này sẽ khiến nhiều người chấp nhận sử dụng điện thoại cũ để tiết kiệm chi phí.

Khi mua máy cũ, cần xác định thời gian sử dụng của máy để tính được độ bền của sản phẩm.

Nói như vậy không nhằm khuyến khích bạn chọn mua máy cũ, nhưng có thể thấy một thực tế khá phũ phàng rằng: Nếu mua máy mới, bạn đã chấp nhận để phung phí một khoản mất giá khá lớn khi bán đi, bất kể bạn sử dụng chúng bao nhiêu lâu. Đã có không ít trường hợp người sử dụng buộc phải chấp nhận bán lỗ từ 1-2 triệu đồng chỉ sau vài ngày sử dụng, và có thể lên đến hơn một nửa giá trị ban đầu chỉ sau 1 năm sử dụng.

Cá nhân người viết bài cũng là người khá trung thành với việc sử dụng điện thoại cũ, bởi ngoài yếu tố giá rẻ thì nếu biết sử dụng kỹ, bạn vẫn có thể bán lại được với mức giá tương đương với mức giá khi mua. Đó là điều mà một người mua điện thoại mới khó có thể làm được. Hơn nữa, đôi lúc với cùng một số tiền, bạn chỉ có thể mua được một chiếc điện thoại mới có cấu hình trung bình, nhưng nếu chấp nhận chọn mua máy cũ, bạn cũng có thể mua được một chiếc điện thoại khác thuộc phân khúc cao cấp hơn.

Mặc dù vậy, nguyên lý trên chỉ có thể đúng với các dòng điện thoại cao cấp do chúng thường có giá thành cao. Ngược lại, đối với các dòng điện thoại phổ thông dưới 3 triệu đồng thì việc chọn mua một chiếc máy cũ là việc không được khuyến khích. Trên thực tế, những chiếc điện thoại cũ này thường chỉ có mức chênh lệch giá từ vài trăm đến khoảng 1 triệu đồng so với hàng mới. Mức chênh lệch này sẽ hợp lý hơn nếu bạn đầu tư số tiền đó vào chế độ bảo hành 1 năm của chính hãng, hoặc một vài dịch vụ cộng thêm của cửa hàng.

Xác định tình trạng máy

Phần này có lẽ sẽ không đề cập nhiều đến những chiếc máy mới do tỉ lệ hư hỏng là rất thấp, hoặc nếu có xảy ra thì cũng đã có chế độ bảo hành của chính hãng. Vì thế, vấn đề được đề cập ở đây sẽ xoay quanh những yếu tố cần cân nhắc khi chọn mua một chiếc điện thoại cũ.

Nếu chấp nhận mua máy cũ, bạn có thể mua được những dòng điện thoại cao cấp hơn ở cùng mức giá.

Trước tiên, bạn nên xác định được thời điểm sản xuất của chiếc điện thoại định mua, hoặc nếu không thì tối thiểu cũng phải xác định được tổng thời gian đã sử dụng của chiếc điện thoại đó. Việc này tuy khá khó khăn khi mua tại các nguồn hàng trôi nổi, nhưng ít ra bạn cũng xác định được vòng đời của chiếc điện thoại đó đã bao lâu. Chẳng hạn, sau khoảng 2 năm sử dụng, thời lượng pin của một chiếc điện thoại có thể giảm đi một nửa tùy theo phương pháp sử dụng, và cách sạc của người dùng. Và tất nhiên, tuổi thọ của các linh kiện bên trong cũng sẽ giảm đi đôi chút theo năm tháng. Nói như vậy để bạn hiểu rằng, một chiếc máy cũ đã có hơn 3 năm tuổi đời đôi khi sẽ không kinh tế như khi chọn mua một chiếc điện thoại mới. Ngoại trừ bạn xác định được thời điểm sử dụng thực tế của chúng cách đó chỉ không lâu.

Mặt khác, với các dòng điện thoại nắp trượt thì tuổi thọ thực tế của phần cơ trượt chỉ hoạt động tốt trong khoảng thời gian 2 năm trở lại. Sau khoảng thời gian này, tỉ lệ hư hỏng thường thấy như đứt cáp, kẹt cơ, lỏng lẻo… xảy ra khá phổ biến. Chính vì vậy, việc chọn mua các loại điện thoại nắp trượt đã có tuổi thọ khá lâu là việc không nên, đặc biệt là với những dòng điện thoại nắp trượt thuộc phân khúc phổ thông.

Bên cạnh đó, việc mua điện thoại cũ cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro nếu bạn không thực sự am hiểu về điện thoại cũng như phương pháp xem máy cũ. Với tình trạng lừa bán điện thoại giả, điện thoại hư hỏng đang tràn lan như hiện nay thì nếu không cẩn thận, bạn không những chẳng tiết kiệm được, mà còn tốn thêm nhiều chi phí phát sinh khác. Ngay cả cá nhân người viết bài cũng không ít lần mua phải điện thoại cũ có tình trạng không ưng ý, nhưng hầu hết đều phải chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Những chiếc điện thoại cũ thuộc dòng sản phẩm cao cấp thường có sự chênh lệch mức giá khá lớn giữa hàng cũ và mới.

Cũng cần nhắc lại rằng, khi mua điện thoại cũ, đừng chỉ nên so sánh giữa tình trạng của thân máy mà quên tính thêm các phụ kiện kèm theo nếu bị thiếu. Chẳng hạn với một số dòng điện thoại cao cấp, những phụ kiện kèm theo như tai nghe, pin phụ, cáp, sạc… thường có giá bán ra có khi lên đến 20% tổng giá trị máy.

Nhìn chung việc chọn mua điện thoại cũ hay mới còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: điều kiện kinh tế, sự am hiểu, cảm giác sử dụng… Tuy nhiên, trong tình hình bão giá như hiện nay thì việc chọn mua một chiếc điện thoại cũ là giải pháp khá hợp lý để tiết kiệm ngân sách. Tốt nhất, nếu có thể thì bạn nên nhờ một người có kinh nghiệm tư vấn thật kỹ trước khi quyết định sẽ mua điện thoại cũ hay mới.