Cách tránh ngộ độc thực phẩm như thế nào ?

Cách tránh ngộ độc thực phẩm

GiadinhNet - Theo các chuyên gia y tế, cách phòng chống ngộ độc thực phẩm tốt nhất là luôn ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và nên trang bị cho mình kiến thức về chế biến, bảo quản thực phẩm.

1. Đi chợ buổi sáng

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chò - Chủ nhiệm bộ môn Dinh Dưỡng, BV 103 (Học viện Quân Y), cần chọn mua thực phẩm tươi, sạch vì mùa hè thực phẩm rất dễ ôi thiu, biến chất do nhiễm khuẩn. Chọn những thực phẩm giữ được màu tự nhiên, không có màu sắc và mùi vị lạ, biểu hiện ôi thiu. Nên đi chợ vào buổi sáng sớm vì có nhiều thực phẩm tươi mới dễ lựa chọn.

Khi chọn thịt cần chọn thịt tươi đã qua kiểm dịch, mặt ngoài khô bóng, khối thịt rắn chắc, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Cá nên chọn con đang sống, mắt vẫn trong suốt, mang màu đỏ tươi, vây óng ánh...
 
2. Không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn đã nấu chín
 
Khi đi chợ, mọi người nên tách riêng các loại thịt, thực phẩm từ gia cầm, không cho lẫn vào rau. Bọc kín từng loại thịt này trong túi nilông để nước chảy ra không dính vào thực phẩm khác.
 
Nếu thực phẩm chưa chế biến ngay cần cho vào tủ lạnh bảo quản. Thịt, cá, tôm... khi mua về nên rửa sạch, cho vào túi bóng hay hộp nhựa riêng với từng loại thực phẩm rồi để vào tủ lạnh. Những thực phẩm này nên để ở dưới cùng ngăn bảo quản lạnh, vì nếu có dịch chảy ra sẽ không làm ướt các thực phẩm khác. Rau quả cần để vào ngăn mát của tủ lạnh. Thức ăn chín không đựng vào dụng cụ vừa đựng thực phẩm sống, nhất là thịt, cá... 
 
3. Đun lại thức ăn trước khi cất vào tủ lạnh
Theo ông Trịnh Ngọc Khải -  Chủ tịch CLB đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội, nhiều người có thói quen bỏ thức ăn thừa vào tủ lạnh, khi ăn mới đun nấu lại. Như thế không tốt bởi tủ lạnh chỉ kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn chứ không thể diệt khuẩn. Hãy đun sôi diệt khuẩn, để nguội mới cất vào tủ lạnh. Khi ăn nên hâm nóng ở nhiệt độ 70 - 100 độ C mới an toàn.  Nếu để thực phẩm ở môi trường ngoài trời quá 4 tiếng rất dễ biến chất và ngộ độc. Nên bảo quản thực phẩm, đồ ăn thức uống ở điều kiện che đậy, nhiệt độ dưới 4 độ C.
 
4. Rửa sạch rau rồi mới thái nhỏ
 
PGS.TS Nguyễn Thanh Chò cho biết, để tránh và hạn chế các loại thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản, tốt nhất rau sống trước khi ăn cần phải ngâm vào nước gạo trong 30 phút, sau đó rửa sạch dưới vòi nước nhiều lần. Việc ngâm nước muối không có tác dụng làm sạch rau mà chỉ làm cho rau bị đen và nát.

Ngay cả hoa quả cũng không nên ngâm nước muối mà cần phải ngâm trong nước sạch để pha loãng nồng độ hóa chất. Nên ngâm trước khi ăn khoảng 30 phút.

Trước khi nấu, rau xanh cần rửa sạch rồi mới thái nhỏ. Nhiều người thường thái nhỏ rau, hay vò nát rau khi rửa như rau ngót, rau cải... Việc này không những rau không sạch mà còn làm mất các dưỡng chất.
 
5. Vệ sinh dụng cụ và tay trước khi chế biến
 
Bạn cần rửa tay bằng nước ấm cùng với xà bông diệt khuẩn, sau đó lau khô tay với khăn vải mềm, nếu cẩn thận hơn có thể dùng bông gòn thấm cồn lau lên đôi bàn tay. Việc rửa tay có tác dụng ngăn ngừa sự lây lan các vi khuẩn có hại qua đường ăn uống.

Nên rửa tay trước khi ăn và sau khi chế biến thực phẩm, đặc biệt là đối với những loại thực phẩm tươi sống. Những vật dụng trong ăn uống cũng nên được rửa sạch với nước rửa bát và nước sạch để loại trừ những loại vi khuẩn gây hại.
 
6. Ăn ngay khi nấu
 
Các loại thực phẩm cần được nấu chín trước khi ăn để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Theo các chuyên gia, thức ăn an toàn cần nấu chín ở nhiệt độ 70 - 100 độ C để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Nên ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín xong.
 
jdhgjfg
jdhgjfg
Trả lời 13 năm trước

Thanks! thông tin có ích