Bị ngứa chân tay?

Chân tay chỉ bị ngứa vào buối tối, xin hỏi bị bệnh gì vậy?

Tran Van Trung
Tran Van Trung
Trả lời 13 năm trước

Ngứa da là một triệu chứng thường gặp với nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Khi ngứa, người bệnh sẽ gãi làm xây xước da, chảy máu gây nhiễm trùng mưng mủ hoặc ngứa, gãi tạo thành các nốt sẩn, mụn nước, khi khỏi ngứa thường để lại các nốt thâm, thậm chí để lại các nốt sẹo nhỏ.

Nguyên nhân gây nên ngứa có thể ở ngay ngoài da hoặc có thể ở bên trong nội tạng của cơ thể.

Nguyên nhân ở ngoài da

Bệnh viêm da dị ứng: Trong các bệnh viêm da dị ứng có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có viêm da do tiếp xúc thường hay gặp. Viêm da tiếp xúc là do dị ứng nguyên khi gặp kháng thể gây nên hiện tượng phản ứng biểu hiện là viêm da và gây ngứa, ví dụ viêm da dị ứng ở một số người do đeo quai đồng hồ bằng da hoặc bằng nhựa hoặc viêm quanh thắt lưng quần do giây chun bằng cao su. Cũng có một số người dị ứng với da hoặc cao su nên không đi dép da hoặc dép nhựa được vì hễ mỗi lần đi dép vào là ngứa da vùng tiếp xúc trực tiếp tạo nên phản ứng gây ngứa.

Bệnh mề đay: Mề đay là một bệnh dị ứng da do tiếp xúc với thời tiết lạnh hoặc do ăn, uống với chất hay gây dị ứng ở một số người như tôm, cua, ốc, mắm tôm... Đây là những chất đóng vai trò là dị ứng nguyên khi gặp kháng thể có sẵn trong máu bệnh nhân sẽ gây nên hiện tượng dị ứng.

Bệnh mề đay thường xảy ra ngứa đột ngột, dữ dội tại một vùng da nào đó hoặc có khi gần khắp da cơ thể như cánh tay, bụng, đùi, cẳng chân. Đôi khi bệnh mề đay còn xảy ra ở niêm mạc làm sưng mắt, môi, thậm chí gây viêm niêm mạc ruột gây đau bụng, tiêu chảy, viêm, phù thanh quản. Người ta gọi là nổi mề đay vì nổi lên các nốt sẩn, ngứa.

Trong bệnh mề đay, điển hình nhất là ngứa, người bệnh càng gãi càng ngứa. Các sẩn ngứa to, nhỏ khác nhau đôi khi tạo thành từng mảng. Viền của sẩn ngứa mề đay có màu hồng, trung tâm của sẩn ngứa có màu nhạt hơn.

Bệnh nấm da: Viêm da do nấm là bệnh nói chung, nhưng do nhiều loài nấm khác nhau gây nên (nấm thân, nấm kẽ, nấm móng, nấm tóc...). Mỗi một loài nấm gây bệnh cho da được gọi các tên khác nhau. Bệnh nấm da cũng gây nên ngứa làm cho bệnh nhân rất khó chịu, ví dụ bệnh hắc lào.

Bệnh hắc lào là do nấm thân gây nên. Đầu tiên là ngứa vùng bị bệnh, sau đó thấy một vệt màu hơi đỏ, có viền, bờ rõ rệt, trên viền có các mụn nước lấm tấm. Viền này càng ngày càng lan rộng tạo thành nhiều hình vòng cung. Do người bệnh bị ngứa, gãi làm lây lan ra nhiều vùng da khác trên cơ thể. Bệnh hắc lào là bệnh lây từ người này sang người khác do dùng chung quần áo, khăn tắm, ngủ chung giường, chiếu... Muốn phòng bệnh hắc lào cần vệ sinh cá nhân tốt. Không dùng chung quần áo, chiếu, khăn và không nằm chung giường với người bị bệnh hắc lào. Khi nghi bị bệnh hắc lào nên đi khám để được xác định và điều trị dứt điểm tránh lây lan cho người khác.

Bệnh lang ben: là một bệnh do nấm gây ra và cũng gây ngứa ghê gớm. Bệnh gây ngứa đặc biệt là khi người bệnh ra nhiều mồ hôi nhất là khi trời nắng. Bệnh lang ben hay gặp ở cổ, vai, ngực, bụng, cánh tay. Bệnh lang ben cũng lây lan từ người này sang người khác do dùng chung quần áo, khăn mặt, ngủ chung giường... Khi bị lang ben nên đi khám bệnh để được làm các xét nghiệm xác định nấm và trên cơ sở đó người thầy thuốc sẽ cho thuốc điều trị thích hợp và tư vấn sát với thực tế hơn.

Gàu da đầu: Ở người nhiều gàu thường kèm theo ngứa da đầu. Gàu là hiện tượng viêm da làm bong lớp sừng ở da vùng đầu. Hiện nay có nhiều loại dầu gội đầu khác nhau và tùy thuộc vào da đầu của từng người. Vì vậy khi bị gàu nên chọn loại dầu gội thích hợp với da đầu của mình mới hy vọng làm giảm hoặc hết gàu.

Nguyên nhân từ trong nội tạng của cơ thể

Dị ứng thuốc: ngày nay hiện tượng dị ứng thuốc là điều làm cho thầy thuốc hết sức quan tâm. Loại thuốc nào cũng có thể gây nên dị ứng tùy từng cơ địa của từng người (kể cả thuốc Tây y và đông y). Khi dị ứng thuốc, ngoài các triệu chứng khác thì ngứa cũng chiếm một tỷ lệ khá cao.

Bệnh giun sán: Khi mắc bệnh giun, sán thì ngoài rối loạn tiêu hóa có thể có triệu chứng ngứa và nổi mẩn ngoài da. Những trường hợp này người ta ít nghĩ tới chỉ khi đi khám bệnh, xét nghiệm phân mới tìm ra được nguyên nhân và thầy thuốc mới có chỉ định dùng thuốc tẩy giun đúng loại. Song song với việc tẩy giun cần ăn uống hợp vệ sinh, không ăn rau sống và uống nước lã để đề phòng mắc bệnh giun tái phát.

Mắc bệnh tiểu đường (đường máu tăng cao): thường có sụt cân, ăn nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều kèm theo có thể có ngứa da. Do ngứa nên gãi nhiều làm xây xước da gây nhiễm khuẩn. Mắc bệnh tiểu đường cần ăn kiêng một số thực phẩm như đường, các loại nước giải khát có đường, bia, rượu, chuối chín. Nên tập thể dục đều đặn. Cần vệ sinh da thật tốt để tránh nhiễm khuẩn.

Bệnh về gan, mật: Các bệnh về gan mật làm tắc mật làm vàng da và gây ngứa. Khi ngứa mà tìm các loại nguyên nhân chưa xác định được thì cần kiểm tra chức năng và kiểm tra gan, mật để xem có viêm nhiễm, sỏi, u hay không. Viêm gan thì có nhiều nguyên nhân nhưng hay gặp nhất là viêm gan do virus và viêm gan do rượu. Muốn phòng tránh viêm gan do virus (virus viêm gan A,B,C) cần được tiêm phòng. Cần bỏ rượu, đặc biệt khi đã có hiện tượng viêm gan bất kỳ do nguyên nhân gì.

Như vậy, muốn hết bệnh ngứa cần tìm nguyên nhân, khi đã biết chắc chắn nguyên nhân của nó thì việc điều trị sẽ có nhiều thuận lợi cho dù là nguyên nhân bên trong cơ thể hay nguyên nhân ngoài da.

Do Hoang Ha
Do Hoang Ha
Trả lời 13 năm trước

Theo như bạn hỏi thì rất có thể bạn mắc bệnh viêm da. Viêm da do rất nhiều yếu tố liên quan, bệnh có thể có nguyên nhân nào đó hoặc không rõ nguyên nhân. Bệnh phát ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể.

Vị trí thường gặp ở mặt trước hai cẳng chân. Da đỏ lên, có các mụn nước nhỏ li ti hoặc các vết sần đỏ. Bệnh nhân rất ngứa. Khi gãi nhiều thì gây chảy máu hoặc các vết xước.

Đôi khi da bị khô và sần lên trông xù xì như vỏ cây. Hầu hết các trường hợp không do gan gây nên. Tuy nhiên nếu có điều kiện bạn nên đi làm xét nghiệm để đánh giá chức năng gan, thận.

Việc điều trị bệnh, bệnh nhân cần lưu ý:

Về chăm sóc da: tắm hoặc rửa nhẹ nhàng ngày 1 lần. Không gãi, không cạo trước khi bôi thuốc. Không xát chanh, xát muối, xà phòng vào chỗ da bị viêm.

Về điều trị: Bôi tại chỗ một trong các thuốc có chứa corticoid có hoạt phổ mạnh như: temproson, gentrison, caditrigel… Ngày bôi 2 lần trong 2-3 tuần. Sau đó phải giữ ẩm da và hạn chế mất nước qua da thì da sẽ đỡ bị viêm.

Bôi các chế phẩm làm ẩm da như: kem vitamin E, kem physiogel, babycare…. Bôi sau tắm và bôi chồng lên lúc đi ngủ vào chỗ da bị viêm và da bị khô. Có thể bôi nhiều lần/ngày để giữ ẩm cho da nhất là về mùa đông.

Nếu có nhiễm trùng bồi phụ thì phải uống một trong các kháng sinh sau: cephalexin, roxithromycin. Sử dụng kháng sinh một đợt trong 5-10 ngày tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu ngứa nhiều thì phải uống một trong các thuốc kháng histamin như loratadin, fexofenadin, chlopheniramin một đợt từ 5-10 ngày. Ngoài ra bạn có thể uống thêm thuốc mát gan cũng tốt.



Hoang Trung Thuc
Hoang Trung Thuc
Trả lời 13 năm trước

Trong tình huống này, da bị ngứa ở các kẽ ngón bàn tay – bàn chân nếu kèm các tổn thương mụn nước – đỏ da, ngứa nhiều về đêm… thì có thể là bệnh ghẻ ngứa. Tuy nhiên bệnh đã xảy ra cách nay một năm nhưng các dấu hiệu ngứa da, bong dộp và bầm (sậm màu da) ở lòng và kẽ ngón của bàn tay – bàn chân tái đi tái lại cách nhau khoảng mỗi ba tháng có thể do:

1. Ghẻ chàm hóa: hiện tượng chàm hóa là do da tăng nhạy cảm với con cái ghẻ hoặc do cào gãi nhiều. Da bị ngứa rất nhiều, tăng sừng, sậm màu xảy ra sau khi bị ghẻ đã được điều trị hết hoặc điều trị chưa triệt để.
Ghẻ là bệnh da do nhiễm ký sinh trùng. Con cái ghẻ sinh ra trứng và có thể tồn tại trong môi trường xung quanh (tấm trải giường, nệm, gối, chân tường, quần áo…) 3-5 ngày, và cứ thế gây tái nhiễm lại cho người bệnh. Do đó các biểu hiện có thể diễn ra thành từng đợt theo chu kỳ đẻ trứng – ấp trứng – trưởng thành – đào hang và chết. Mỗi chu kỳ kéo dài 2-3 tháng.

Có khoảng 25% trường hợp bị ghẻ với các dấu hiệu ngứa, bong dộp da thành từng đợt kéo dài hơn một năm. Trường hợp này nên điều trị ghẻ trước rồi điều trị hiện tượng chàm hóa sau. Điều trị ghẻ bằng các thuốc bôi (theo y lệnh bác sĩ chuyên khoa) kết hợp các biện pháp vệ sinh thích hợp. Giặt và ngâm nước sôi quần áo, bao gối, trải giường… Không sử dụng các vật dụng này trong năm ngày sau khi giặt. Sau đó có thể bôi các thuốc corticosteroid trong thời gian ngắn < 7 ngày và uống thuốc giảm ngứa để điều trị chàm.

2. Tổ đỉa: là bệnh dị ứng của da. Bệnh rất dễ tái phát khi tiếp xúc các tác nhân gây dị ứng như chất tẩy rửa, xà bông, một số thức ăn… và có thể tự khỏi. Biểu hiện là các mụn nước ở sâu dưới da của lòng bàn tay – lòng bàn chân, ngứa nhiều, sau đó da bong tróc thành những mảng nhỏ dính.
Cách chăm sóc da trong trường hợp này là:
- Tránh tiếp xúc xà bông, chất tẩy rửa. Dùng xà bông baby để vệ sinh.
- Tránh các thức ăn gây cho da ngứa hơn.
- Bôi các thuốc tiêu sừng hoặc làm dịu da khi đang có tổn thương.
- Bôi chất giữ ẩm da khi da không có tổn thương.
- Hạn chế tiếp xúc vùng da dễ bị tổn thương với các vật dụng bằng chất liệu như cao su, da, nhựa có màu.