Dòng tivi Sony cao cấp đã hồi sinh như thế nào?

Mới đây, các thống kê thị trường đã cho thấy sự trở lại của TV Sony ở phân khúc cao cấp và vươn lên ngoạn mục, chiếm tới 39% thị phần phân khúc TV có giá 1.500 USD (khoảng 35 triệu đồng) trở lên từ mức 17,5% vào năm ngoái, trong lúc hai đối thủ là LG sụt giảm 8% từ 35,8% xuống còn 27,8% và Samsung giảm mạnh chỉ còn 13,2%.

OLED (Organic Light-Emitting Diode) nghĩa là đèn đi-ốt phát quang hữu cơ, trong đó, một tấm phim carbon nằm trong panel màn hình sẽ tự phát sáng khi có dòng điện chạy qua. Điều quan trọng nhất là ánh sáng này có thể được phát ra trên cơ sở pixel-by-pixel, do đó một pixel trắng sáng hoặc màu có thể xuất hiện bên cạnh pixel màu đen hoặc màu hoàn toàn khác, mà không pixel nào ảnh hưởng đến pixel nào. Điều này tương phản trực tiếp với TV LCD truyền thống, vốn dựa vào một đèn nền riêng biệt để tạo ra ánh sáng sau đó truyền qua một lớp pixel.

QLED là viết tắt của Quantum-dot Light Emitting Diode - đi-ốt phát quang chấm lượng tử, về lý thuyết có nhiều điểm tương đồng với OLED, đặc biệt là mỗi pixel cũng có thể phát ra ánh sáng riêng của nó, nhưng trong trường hợp này là nhờ các chấm lượng tử - các hạt bán dẫn nhỏ có kích thước chỉ vài nanomet. Hiện chỉ có Samsung đi theo công nghệ QLED.

Mặc dù thực tế sử dụng cho thấy TV QLED của Samsung cho màn hình sáng hơn, nhưng chúng không thể mỏng như một chiếc TV OLED, độ tương phản cũng kém hơn. Hơn nữa, hiện nay, các chiến dịch quảng cáo đang khiến người tiêu dùng tin rằng TV độ sáng càng cao hình ảnh sẽ càng đẹp, nhưng đây là hướng suy nghĩ sai lầm vì độ sáng TV không ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, và độ sáng TV chỉ nên điều chỉnh sao cho phù hợp với môi trường xung quanh và dễ chịu nhất với mắt. TV được tăng độ sáng quá cao thực chất là để che giấu hạn chế về độ tương phản.

Một trong những nguyên nhân lý giải cho việc TV Sony lội ngược dòng và phục hồi trên thị trường, đó là các dòng TV OLED cao cấp của Sony được thị trường đón nhận tốt. Ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn các dòng TV màn hình lớn, mà ở phân khúc TV màn hình lớn thì công nghệ OLED đang thống lĩnh.

Dòng TV OLED của Sony như một khung tranh khổng lồ, thiết kế đề cao sự tối giản chỉ gồm màn hình và chân đế giúp tôn lên nét đẹp sang trọng cũng như tạo nên vẻ cứng cáp. Tại Việt Nam, TV Sony vốn được ưa chuộng nhờ độ bền cao, màu sắc ấm áp chân thực và âm thanh sống động.

Đáng chú ý, mặc dù tấm nền OLED trang bị trên TV Sony là do LG sản xuất, nhưng các đánh giá của các trang công nghệ uy tín như CNET, Stuff.tv… đều nhận định TV Sony cho chất lượng hình ảnh và âm thanh nhỉnh hơn TV LG, dù không nhiều. Đây chắc chắn là một yếu tố sống còn giúp mang lại những khách hàng trung thành cho TV Sony.

 

Chưa có câu trả lời nào