Sầm Sơn biển dịch vụ có đắt không nhỉ?

Sầm Sơn biển dịch vụ có đắt không nhỉ?

fjghbfg
fjghbfg
Trả lời 12 năm trước

Người ta thường nói về những người làm "dịch vụ" tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa bằng hình ảnh "chín tháng mài dao - ba tháng chém". Không những vậy, việc bán vé du lịch ở đây cũng chẳng giống ai, du khách buộc phải mua khi thanh toán tiền khách sạn, nhà nghỉ.


Trên bãi biển, nhiều khách du lịch làu bàu mãi về việc một con cá mực bán tại bãi biển có giá đắt gấp đôi so với giá bán tại… Hà Nội. Hơn thế, trả lời cho những câu "làu bàu" của khách, những người bán hàng "thanh minh" rằng, "đến bãi biển ăn mực thì phải chấp nhận. Ngồi ăn tại đây thích hơn nên việc giá cả cao hơn là chuyện… đương nhiên".

Chuyện giá cả dù có đắt thì bây giờ người ta cũng không quan ngại nhiều, lo lắng hơn là sự an toàn, thoải mái. Bãi biển Sầm Sơn đoạn cạnh đền Độc Cước, chiều đông nghẹt người. Và ở giữa đám người đang say mê giỡn sóng ấy là… những chiếc thuyền đánh cá nhỏ đang rẽ sóng và … rẽ người để cập bến. Mũi thuyền tiến tới đâu, khách tắm biển cứ phải tản ra tới đó nếu không muốn bị… mái chèo hoặc mũi thuyền va phải.

Nguy hiểm hơn, những chiếc xe gắn máy chạy trên mặt nước lạng lách giữa đám đông người đang tắm rú ga quần thảo để kiếm khách du lịch. Nếu người khách nào có nhu cầu sẽ được người lái nhường tay lái để thỏa mãn cảm giác chạy tốc độ cao trên biển. Không thấy có bóng dáng nhắc nhở của cơ quan chức năng. Có chăng chỉ là tiếng tuýt còi nhắc nhở khách của một vài nhân viên Bảo Việt ngồi trên bãi đá cạnh đền Độc Cước. Cứ thế, chiếc xe quần thảo trong đám đông trên khắp bãi biển, mặc kệ nguy hiểm đối với người dân và cứ thế thả ra mùi khói xăng khét lẹt.

Một chuyện nữa gây phiền toái cho khách là việc tỉnh Thanh Hoá áp dụng thu phí du lịch với mức giá khá cao. Chuyện thu hay không là phụ thuộc vào chính sách thu hút khách và phát triển du lịch của mỗi địa phương. Nhưng điều đáng bàn là khách đến Sầm Sơn đã bị “đánh úp” khi địa phương không lập điểm thu vé thống nhất mà giao cho "các nhà nghỉ" thu với văn bản ủy nhiệm đóng dấu đỏ đàng hoàng. Chỉ đến khi khách làm thủ tục trả phòng khách sạn mới "bị thu" vé này mà không được báo trước câu nào đã khiến cho du khách rất bất bình, chuyện cãi vã giữa du khách và chủ khách sạn, nhà nghỉ xảy ra thường xuyên.

Điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ, dù ở đây có hẳn một Ban quản lý nhưng công việc của họ chỉ là "đi thu lại hoá đơn từ các nhà nghỉ, khách sạn trong khu vực". Thấy chúng tôi thắc mắc, chị chủ nhà nghỉ mau mắn gọi điện cho Ban quản lý.

Sau khoảng mười phút, các vị "cán bộ" có mặt với cả quyển vé du lịch, hoá đơn để "bắt những vị khách cứng đầu phải mua vé du lịch". Kèm theo đó là lời giải thích: "Cái này là chủ trương của tỉnh, các anh chị có thắc mắc thì cứ lên tỉnh mà hỏi…", đó là nguyên văn câu trả lời của ông Vũ Ngọc Dấn, Đội phó Đội thu phí du lịch Sầm Sơn.

Ông Dấn và các cộng sự không tỏ thái độ đồng tình hay phản đối với chủ trương này và nhất quyết cho rằng, không có chuyện thất thoát vé vì tất cả được làm công bằng. Nhưng trên thực tế, đoàn có 14 người thì nhà chủ bảo chỉ thu có 10 vé cho... nhanh. Trên thân vé có ghi "vé có bảo hiểm", nhưng giả sử nếu khách trong khi đang vui chơi ở đây mà gặp rủi ro thì lấy đâu ra vé mà trình khi họ chỉ bị buộc mua vé lúc ra về.

Trong thời buổi hội nhập như hiện nay thì rõ ràng chỉ bằng những chuyện "nhỏ" như trên thì Sầm Sơn đang mất dần đi lợi thế cạnh tranh với các bãi tắm như Cửa Lò (Nghệ An), Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh)... Một lần đến mà không hẹn ngày quay lại là nhận xét chung của đông đảo du khách đến với Sầm Sơn hôm nay