Trẻ em ngủ như thế nào thì tốt?

Bé nhà tôi mới được 1 tuổi, tuy nhiên, tôi thấy bé ngủ rất ít. Mặc dù gia đình tôi đã cố ép cháu đi ngủ nhưng cháu không ngủ được nhiều. 

Xin hỏi, trẻ em ngủ bao nhiêu giờ một ngày thì tốt?

Tiến Hội
Tiến Hội
Trả lời 9 năm trước
Trẻ ít ngủ là do trẻ ăn chưa được no bạn ạ. Bạn nên cho trẻ ăn no sẽ ngủ nhiều. Ngủ thì từ 8 đến 9 tiếng là ổn
Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 9 năm trước
Người lớn nên ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày, trẻ 1-2 tuổi cần đến 11-14 tiếng còn lứa tuổi 13-18 tuổi được khuyên nghỉ ngơi 8-10 tiếng.

Trẻ thiếu ngủ có nguy cơ mắc hàng loạt vấn đề về tinh thần và thể chất, thậm chí một số bệnh nghiêm trọng. Theo CBS News, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ đã công bố hướng dẫn mới về giấc ngủ của trẻ em, được thực hiện bởi 13 chuyên gia y tế.

Cụ thể:

Trẻ 4-12 tháng: Ngủ 12-16 tiếng mỗi ngày (bao gồm ngủ trưa).

Trẻ 1-2 tuổi: Ngủ 11-14 tiếng mỗi ngày (bao gồm ngủ trưa).

Trẻ 3-5 tuổi: Ngủ 10-13 tiếng mỗi ngày (bao gồm ngủ trưa).

Trẻ 6-12 tuổi: Ngủ 9-12 tiếng mỗi ngày.

Trẻ 13-18 tuổi: Nngủ 8-10 tiếng mỗi ngày.

Người lớn từ 18 tuổi trở lên: Ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày.

Không có khuyến nghị cho trẻ dưới 4 tháng tuổi bởi thời gian nghỉ ngơi của các bé trong giai đoạn này rất đa dạng và chưa có đủ nghiên cứu để kết luận.

Tiến sĩ Lee Brooks từ Bệnh viện Nhi Philadelphia cho biết trẻ em được ngủ đầy đủ sẽ ứng xử, tập trung, học tập, ghi nhớ, điều hòa cảm xúc tốt hơn. Ngược lại, thiếu ngủ dẫn đến chấn thương, tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường, trầm cảm cùng nhiều vấn đề khác.

Ngày nay giấc ngủ của chúng ta bị ảnh hưởng bởi công nghệ hiện đại. Viện Hàn lâm Y học Giấc ngủ Mỹ khuyến cáo không dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ ít nhất 30 phút và cha mẹ nên bỏ hết tivi, máy tính, điện thoại di động ra khỏi phòng ngủ của trẻ bởi ánh sáng từ màn hình kích thích sự tỉnh táo. Điều này không hề dễ dàng bởi thanh thiếu niên ngày nay đã quá quen với các thiết bị điện tử, song cha mẹ cần tích cực đàm phán với con. "Nếu trẻ cần nghe nhạc trước khi ngủ, hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định bên ngoài phòng ngủ", Brooks gợi ý. Tương tự như vậy với các trò chơi trực tuyến.

Hãy tạo dựng thói quen ngủ lành mạnh cho con bạn ngay từ khi còn nhỏ bằng cách đánh răng, đọc sách cùng trẻ và đi ngủ vào một giờ cố định. Hãy nhớ rằng chỉ khi ngủ, cơ thể cùng tâm trí mới thực hiện được một số chức năng rất quan trọng. "Chúng ta nên bỏ ngay quan niệm ngủ là lười biếng. Đó là điều không thể thiếu và chúng ta cần tôn trọng giấc ngủ", Brooks kết luận.

Lê Thảo Anh
Lê Thảo Anh
Trả lời 9 năm trước

- Trẻ từ 1 - 4 tuần: cần ngủ từ 15 - 18 tiếng mỗi ngày: Với trẻ sơ sinh cần phải ngủ 15 - 18 giờ mỗi ngày, mỗi giấc ngủ thường kéo dài từ 2 - 4 giời. Tuy nhiên, với trẻ sinh non thì thời lượng ngủ có thể lâu hơn còn những trẻ bị đau bụng thì có thể ngủ ít hơn. Ở giai đoạn này, trẻ chưa hình thành đồng hồ sinh học riêng, nên giấc ngủ thường không theo chu kỳ ngày đêm. Đây là giai đoạn mà trẻ cần được ngủ nhiều nhất.

- Trẻ từ 1 - 4 tháng: cần ngủ từ 14 - 15 tiếng mỗi ngày. Khi trẻ được từ 6 tuần tuổi trở đi, trẻ thường ngủ ít đi một chút. Tuy nhiên, thời gian ngủ lại dài hơn và thường kéo dài từ 4 - 6 tiếng và có xu hướng ngủ nhiều hơn vào buổi tối.

- Trẻ từ 4 tháng tới 1 tuổi: cần ngủ từ 14 - 15 tiếng mỗi ngày: Ở giai đoạn này, lý tưởng nhất là trẻ ngủ được 15 tiếng mỗi ngày, nhưng thực tế ở trẻ dưới 11 tháng tuổi thường chỉ ngủ được 12 tiếng mỗi ngày. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để tập cho trẻ hình thành một thoái quen ngủ lành mạnh vì lúc này trẻ đã bắt đầu hòa nhập nhiều với xã hội và chu kỳ ngủ cũng bắt đầu giống người lớn.

- Ở trẻ dưới 6 tháng thường ngủ khoảng 03 lần vào ban ngày, và giảm xuống còn 2 lần khi trẻ được 6 tháng tuổi. Buổi sáng, trẻ thường bắt đầu ngủ từ khoảng 9 giờ và kéo tới khoảng mười giờ. Buổi trưa, bắt đầu từ khoảng giữa trưa tới khoảng 2 giờ chiều và ngủ kéo dài khoảng một hoặc hai tiếng. Buổi chiều, trẻ có thể bắt đầu ngủ từ khoảng 3 - 5 giờ. Khi được 6 tháng tuổi(ở một số trẻ có thể sớm hơn), thể chất của trẻ đã phát triển và có khả năng ngủ được qua đêm.

- Trẻ từ 1 - 3 tuổi: Cần ngủ từ 12 - 14 tiếng mỗi ngày. Khi trẻ được 1 tuổi thì giấc ngủ buổi sáng sẽ dần mất đi, và thường chỉ có một giấc ngủ ngắn buổi trưa vào ban ngày. Khi trẻ biết đi, lý tưởng cần có 14 tiếng ngủ mỗi ngày, nhưng thực tế thì chúng chỉ được ngủ khoảng 10 tiếng. Ở phần lớn trẻ từ 21 - 36 tháng, vẫn cần ngủ trưa và thời gian kéo dài khoảng từ 30 phút tới một tiếng. Buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ từ 7 - 9 giờ tối và thức dậy từ khoảng 6 - 8 giờ sáng.

- Trẻ từ 3 - 6 tuổi: cần ngủ 10 - 12 tiếng mỗi ngày. Ở giai đoạn này, buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ từ khoảng 7 - 9 giờ tối và dậy khoảng từ 6 - 8 giờ sáng. Từ 3 tuổi trở đi, hầu hết trẻ vẫn còn ngủ trưa, tuy nhiên khi được 5 tuổi thì hầu như không còn ngủ trưa nữa. Thời gian ngủ trưa càng ngắn thì sẽ tốt cho trẻ.

- Từ 3 tuổi trở đi, phần lớn trẻ đã hình thành được thói quen ngủ của mình.

- Trẻ từ 6 - 12 tuổi: Cần ngủ 10 - 11 tiếng mỗi ngày. Ở giai đoạn này, trẻ đã có những hoạt động ở trường, xã hội và gia đình, nên buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ trẻ hơn. Buổi tối, chúng thường ngủ bắt đầu ngủ lúc 9 giờ tối và thức dậy từ khoảng 7 - 10 giờ sáng. Giai đoạn này, trẻ cần được ngủ đủ từ 9 - 12 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu mỗi ngày trẻ ngủ được trung bình khoảng 9 tiếng thì cũng vừa đủ.

- Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Cần ngủ 8 - 9 tiếng mỗi ngày. Ở giai đoạn này, các em có nhiều hoạt động hơn nên giấc ngủ rất quan trọng để lấy lại sức khỏe. Tuy nhiên, với áp lực học hành, nhiều em đã không ngủ đủ giấc mỗi ngày. Do đó, phụ huynh cần để ý nhiều hơn tới giấc ngủ của các em.

- Theo các bác sĩ chuyên khoa bệnh viện Nhi đồng 2, giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhất là trẻ nhỏ. Trẻ ngủ đủ, ngủ ngon, ngủ sâu bé sẽ phát triển tốt. Khoa học đã chứng minh vào thời điểm 11 giờ hằng đêm, lúc trẻ ngủ sâu, hormon tăng trưởng sẽ được phóng thích, trẻ phát triển chiều cao tốt hơn. Ngược lại nếu rối loạn giấc ngủ vào ban đêm trẻ không chỉ chậm lớn, mệt mỏi, hay quấy khóc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Làm thế nào để trẻ có giấc ngủ tốt?

- Nên tập cho trẻ có thói quen ngủ sớm và đúng vào một giờ đã định, nhằm tạo cho trẻ có một phản xạ nghỉ ngơi, giúp trẻ ngủ dễ dàng trong bất kỳ điều kiện nào.

- Giảm tối thiểu các kích thích của ngoại cảnh cũng như nội tại lên hệ thần kinh trẻ trong lúc ngủ. Điều quan trọng nhất là phải tránh tiếng ồn và ánh sáng vì chúng làm giấc ngủ trẻ không sâu và dễ thức giấc. Ngoài ra, các yếu tố khác như để trẻ đói hoặc ăn quá no, không vệ sinh thân thể, quần áo quá chật, nằm sai tư thế, nơi ngủ bẩn chật và không thông thoáng đều gây tác hại xấu đến giấc ngủ.

- Cần hết sức tránh các chấn thương về tâm lý như làm cho trẻ bị ức chế trước khi ngủ (như dọa nạt, quát mắng, kể những chuyện gây sợ hãi, cho xem phim ảnh kinh dị...). Trường hợp trẻ có tiêu tiểu trong khi ngủ, nên nhẹ nhàng làm vệ sinh và cho trẻ ngủ lại, không la mắng.

- Cho trẻ vui chơi, vận động cơ thể đầy đủ cũng góp phần giúp ngủ sâu hơn. Khi trẻ khó ngủ, có thể dùng lời nói êm dịu để gây ám thị như “con nhắm mắt lại ngủ ngoan đi, mẹ thương” hoặc: “nhắm mắt lại ngủ giỏi đi con”... để giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ.

- Mỗi trẻ có một nhu cầu về thời gian ngủ, độ dài và độ sâu khác nhau. Cha mẹ cần tạo mọi điều kiện cho trẻ ngủ đầy đủ, không nên đánh thức sớm. Thông thường, khi ngủ đủ giấc, trẻ sẽ tự động thức dậy, không cần phải gọi.

- Trong trường hợp trẻ có rối loạn giấc ngủ (như mất ngủ liên tiếp vài đêm, mộng du), cần đưa đi khám bệnh, không nên dùng thuốc ngủ khi chưa có ý kiến bác sĩ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ.

Lời kết

Giấc ngủ chiếm trọn 1/3 cuộc đời mỗi con người đã nói lên được tầm quan trọng của giấc ngủ. Và đối với trẻ em nhất là trẻ trong độ tuổi phát triển giấc ngủ càng nên được các bậc phụ huynh quan tâm và chăm chút. Ngủ đủ giấc, ngủ đúng sẽ giúp trẻ có được một giấc ngủ sâu và chất lượng làm cho thể chất và trí tuệ trẻ phát triển một cách tốt nhất.