Cho tôi hỏi tính tất yếu khách quan và các nguyên tắc phát triển các các quan hệ kinh tế quốc tế.

Nguyen Thi Huyen Trang
Nguyen Thi Huyen Trang
Trả lời 15 năm trước
Hiện nay, việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại đã và đang là xu hướng tất yếu đối với tất cả các nước vì các lý do cơ bản sau: - Việc mở rộng quan hệ kinh tế kinh tế đối ngoại bắt đầu từ yêu cầu của quy luật về sự phân công và hợp tác quốc tế giữa các nước, từ sự phân bố tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển không đều về trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật giữa các quốc gia dẫn đến xu thế hợp tác kinh tế để sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mỗi quốc gia. - Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại làm cho quá trình khu vực hoá, quốc tế hoá đời sống kinh tế trở thành xu hướng tất yếu của thời đại. Một mặt, cách mạng khoa học công nghệ đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất, làm cho lực lượng sản xuất vượt khỏi khuôn khổ quốc gia để trở thành lực lượng sản xuất mang tính quốc tế, thúc đẩy nhanh quá trình khu vực hoá, quốc tế hoá đời sống kinh tế, hình thành nền kinh tế thế giới như một chỉnh thể với nhiều quốc gia tham gia, hình thành thị trường quốc tế với giá cả quốc tế chi phối. Mặt khác, cách mạng khoa học công nghệ hiện đại tạo ra các điều kiện để thúc đẩy quá trình khu vực hoá, quốc tế hoá đời sống kinh tế. Quốc tế hoá làm cho phân công lao động, hợp tác quốc tế giữa các nước ngày càng phát triển. Nó cũng đẩy mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế giữa các nước về nhiều mặt như nguyên liệu, kỹ thuật, công nghệ..., trong đó mỗi nước có những lợi thế riêng và đều tìm cách khai thác tối đa cả lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh của mình. Đồng thời, quốc tế hoá cũng làm xuất hiện kết cấu hạ tầng sản xuất quốc tế và chi phí sản xuất quốc tế, giá cả quốc tế, thị trường quốc tế, chất lượng quốc tế. Do đó sẽ hoá tạo ra các điều kiện vật chất kỹ thuật để rút ngắn khoảng cách địa lý, không gian, thời gian giữa các quốc gia. Từ đó, thúc đẩy quá trình quốc tế hoá. Như vậy, khu vực hoá, quốc tế hoá đời sống kinh tế là một tất yếu khách quan. Nó đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực quốc tế và trong nước. 2. Để mở rộng kinh tế đối ngoại có hiệu quả cần quán triệt những nguyên tắc phản ánh những thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo lợi ích chính đáng về kinh tế, chính trị của đất nước. Nguyên tắc đầu tiên là nguyên tắc bình đẳng. Đây là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ kinh tế quốc tế nói riêng và quan hệ quốc tế nói chung. Nguyên tắc này trước hết phải được thể hiện ở việc đảm bảo lợi ích kinh tế, chính trị của các bên. Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc cùng có lợi. Để thực hiện nguyên tắc này cần phải nâng cao trình độ hiểu biết về các lĩnh vực ký kết thông qua việc xây dựng các điều khoản quy định quyền lợi, trách nhiệm của các bên trong các hợp đồng. Nguyên tắc tiếp theo là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia bởi vì mỗi quốc gia với tư cách là quốc gia độc lập đều có chủ quyền về kinh tế, chính trị, xã hội và địa lý. Đây cũng là nguyên tắc để đảm bảo yêu cầu của nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi. Thứ tư là nguyên tắc giữ vững độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nguyên tắc cơ bản nhất trong việc phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Mọi hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại đều phải hướng vào mục tiêu độc lập tự chủ và chủ nghĩa xã hội.