Bí quyết thi môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT ?

nbbnbmn
nbbnbmn
Trả lời 12 năm trước

Kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm qua chothấy: Không dễ “tiêu hóa” những điều trong sách tham khảo bởi đa số ít hướng dẫn về phương pháp mà chỉ thuần kiến thức. Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu một số phương pháp để định hướng cảm thụ, với mong muốn các em sẽ thi tốt nghiệp môn văn đạt điểm cao.

Đừng xem thường chú thích

Trước tiên phải nói đến sách giáo khoa, vì toàn bộ văn bản tác phẩm đề thi đưa ra đều nằm trong đó. Trong sách giáo khoacó phần “kết quả cần đạt” và riêng sách cơ bản có thêm phần “ghi nhớ”, đều có giá trị định hướng nội dung tư tưởng, chủ đề và giá trị nghệ thuật. Cần lưu ý phần “Hướng dẫn học bài” ở cuối văn bản vì đó là hướng dẫn nội dung từng phần của tác phẩm.

Đừng xem thường phần chú thích (nếu có), vì nó giải thích những từ khó hoặc điển cố, điển tích văn học giúp các em hiểu ý nghĩa vấn đề. Chỉ cần bấy nhiêu thôi là đã có điểm trên trung bình rồi.

Tôi từng biên soạn nhiều bộ sách tham khảo nên chân thành nói với các em rằng sẽ không dễ“tiêu hóa” những điều trong đó bởi đa số ít hướng dẫn về phương pháp mà chỉ thuần kiến thức. Có kiến thức mà không có phương pháp chẳng khác gì con tàu thiếu hải đăng dẫn lối.

Lưu ý cả 2 phần: Dẫn, nhập

Xin giới thiệu các em 2 kiểu đề thường gặp trong phạm vi kỳ thi tốt nghiệp THPT:

-Kiểu cảm nhận về hình tượng nhân vật: Trong đề tàichiến tranh thường lấy cảm hứng đất nước. Với loại đề này, trong phần mở bài bao giờ cũng gồm 2 phần là dẫn và nhập. Phần dẫn yêu cầu các em phải hiểu hình tượng nhân vật đó đương nhiên ở trong tác phẩm cần cảm nhận và tác giả của nó. Vì vậy, phải giới thiệu nét tiêu biểu về tác giả và tác phẩm (chỉ cần giới thiệu vị trí tác giả trong đời sống văn học và phong cách sáng tác. Cả hai vấn đề đều có trong tiểu dẫn của sách giáo khoa). Đối với nét tiêu biểu về tác phẩm thì có thể giới thiệu hoàn cảnh ra đời kết hợp xuất xứ.

Phần nhập phải giới thiệu nhân vật trung tâm và ý nghĩa của luận đề (ví dụ: Tác phẩm thiên về đề tài chiến tranh thì nhân vật chính thường mang phẩm chất anh hùng, sống có lý tưởng cao đẹp…). Hãy nhớ mở bài mà không nêu được luận đề thì coi như lạc đề hoặc không hiểu đề.

Ở phần thân bài, bước 1 phải nêu được khái quát nội dung tác phẩm. Từ khái quát xuống cụ thể. Ví dụ: Rừng xà nu là câu chuyện đau thương mà người anh hùng của nhân dân Tây Nguyên vùng lên giành độc lập tự do trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, được điểnhình qua hình tượng nhân vật Tnú.

Cuối thân bài các em nên nhận định chung, tổng hợp lại vấn đề rồi từ nhân vật cụ thể mà khái quát lên thành tập thể.

-Kiểu phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm:

Đây làkiểu đề khó nên các em phải luyện tập thật tốt. Cần biết phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn học là tìm hiểu thái độ tình cảm xót thương, thấu hiểu, trân trọng, tin tưởng của nhà văn đối với cảnh ngộ; niềm trăn trở tâm tư, khát vọng hạnh phúc, phẩm chất tốt đẹp và khả năng vươn dậy của những mảnh đời bất hạnh trước hiện thực tăm tối của cuộc sống.

Trong phần mở bài thì phần dẫn giống kiểu đề cảm nhận về hình tượng nhân vật. Phần nhập thì phải nêu tư tưởng của tác phẩm (tinh thần nhân đạo). Ở phần thân bài, bước 1 phải nêu cho được khái niệm nhân đạo trong tác phẩm văn học. Bước 2 phải khái quát nội dung tác phẩm. Bước 3 phải lần lượt tìm hiểu phân tích thái độ, tình cảm của nhà văn qua từng nhân vật (tránh rơi vào phân tích hình tượng nhân vật vì chỉ tìm hiểu thái độ của tác giả về một nhân vật). Bước 4 phải tổng hợp lại vấn đề để xem tính nhất quán của tác giả. Phần kết bài giống vớikiểu đề cảm nhận về hình tượng nhân vật.

Trong phần kết bài của kiểu đề cảm nhận về hình tượng nhân vật, lưu ý nguyên tắc cơ bản là mở cái gì thì phải kết về cái đó. Liên hệ bản thân (nếu vận dụng được thì tốt nhưng tránh kiểu câu hô hào mà không tạo được tính biểu cảm chân thành).

rtỵky
rtỵky
Trả lời 12 năm trước

Một mùa thi lại đến mang theo bao hy vọng đan xen bao âu lo trong các em học sinh lớp 12. Để giúp các em có thể ôn tập và làm bài tốt môn Ngữ Văn, cô giáo dạy văn Trương Thị Hiền Lương chia sẻ bí quyết để đạt điểm cao môn Văn.

Ôn luyện là công việc bắt buộc cho tất cả các học sinh cuối cấp. Ôn là học lại những kiến thức của 12 năm đèn sách và để xem khối kiến thức ấy các em đã nắm được bao nhiêu phần trăm. Còn luyện là việc các em vận dụng kiến thức để đi vào làm các bài văn cụ thể.
Học Văn tối kỵ là học vẹt, học tủ.
Một điều rất cần thiết là các em luôn phải nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, nắm vững được bài giảng của các thầy cô trên lớp về nội dung và nghệ thuật của từng tác phẩm văn học cụ thể. Ví dụ như học về bài thơTây tiếncủa nhà thơ Quang Dũng, các em không thể không biết về hoàn cảnh sáng tác của bài thơ này, về hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ - những người con của đất Thăng Long Hà Nội đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, đã được Quang Dũng xây dựng thành bức tượng đài bi tráng trong tác phẩmTây tiếnnhư thế nào. Hay như học về tác phẩmThuốccủa nhà văn Lỗ Tấn, các em không thể không hiểu về hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người mang theo các lớp nghĩa hàm ẩn như thế nào.

Học Văn tối kỵ là học vẹt, học tủ. Các em phải biết hệ thống hóa kiến thức và phải biết chốt lại những kiến thức trọng tâm của tác phẩm, để tránh lan man xa đề, lệch đề khi làm bài.

Các em nên tạo thói quen học tập hàng ngày, không nên để bài vở dồn lại và thức trắng đêm để giải quyết chúng. Hãy luyện cho mình giống như một chú kiến chăm chỉ cần mẫn tha dần từng khối lượng kiến thức về cho mình. Có được thói quen chăm chỉ đó các em vừa hoàn thành được bài vở của mình mà vẫn có thể vui chơi cùng bè bạn trong năm học cuối cấp này.

Hãy lên một kế hoạch thật cụ thể, tỉ mỉ và chi tiết để có được một thời gian biểu hợp lý: học tập, ăn uống, nghỉ ngơi hài hòa thì mới có được sức khỏe để vững vàng bước vào những kỳ thi đầy thử thách ở phía trước. Trong thời điểm này sức khỏe là yếu tố tiên quyết giúp các em có được 50% thắng lợi.

Bên cạnh đó để làm bài thi cho thật tốt, các em hãy bám sát vào cấu trúc đề thi mà các thầy cô giáo đã hướng dẫn các em trên lớp. Bắt đầu từ năm học 2008-2009, học sinh khối 12 trong cả nước đã được học theo chương trình và sách giáo khoa mới. Bộ GD-ĐT đã có thông báo về cấu trúc đề thi tốt nghiệp và đại học theo hai phần rất rõ rệt:

I.Phần chung cho tất cả các thí sinh (5 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài.

Câu 2 (3 điểm): Vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn khoảng 400-600 từ để nghị luận về một tư tưởng đạo lý hoặc một hiện tượng xã hội.

II.Phần riêng - Phần tự chọn:Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu 3a hoặc 3b theo chương trình Chuẩn hoặc Nâng cao. Đó là phần vận dụng khả năng đọc hiểu và kiến thức văn học để các em có thể viết được hoàn chỉnh một bài nghị luận văn học.

Khi vào phòng thi các em hãy luôn giữ bình tĩnh không tự tạo áp lực cho bản thân. Hãy đọc kỹ đề bài và lựa chọn những câu hỏi phù hợp với khả năng của các em để làm trước.

Một điều tối cần thiết là các em phải phân bố thời gian hợp lý khi làm bài để tránh hết thời gian mà bài vẫn chưa hoàn thành. Thay vì làm lan man mỗi câu một chút, các em nên tập trung vào từng câu một để có thể chắc chắn có những cơ số điểm thích hợp.

Chúc các em một mùa thi thành công!


ghjhgj
ghjhgj
Trả lời 12 năm trước

Cấu trúc của đề thi tốt nghiệp năm học này vẫn ổn định, gồm có phần chung bắt buộc và phần tự chọn với thang điểm rất rõ ràng. Sau đây là một số ý của cá nhân trao đổi cùng các em tham khảo khi làm bài thi để đạt được yêu cầu tốt nhất có thể.

Trước hết, với câu 2 điểm,loại câu kiểm tra kiến thức cơ bản về văn học sử, về tác gia, tác phẩm, các em cần thuộc trong những phần được học trên lớp mà các thầy cô đã lưu ý. Tuy là kiến thức cần thuộc lòng, song cũng cần nắm vững một số vấn đề mang tính khoa học để trình bày đúng với yêu cầu của đề bài.

Ví dụ, giới thiệu sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, nên chú ý đến các thể loại chính như: truyện ngắn, thơ ca và văn chính luận. Mỗi thể loại cần có dẫn chứng cụ thể để làm nổi bật chủ đề tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật thành công của tác giả. Về truyện ngắn được viết bằng tiếng Pháp, tác giả tập trung tố cáo tội ác của thực dân cũng như vạch trần bản chất bù nhìn của triều đình An Nam lúc bấy giờ. Truyện viết cho độc giả Pháp là chủ yếu, nên được viết rất hiện đại, “rất Pháp”.

Về thơ được viết bằng chữ Hán (và một số bài sáng tác bằng tiếng Việt sau 1945), chủ yếu là hình ảnh của chủ thể trữ tình – tác giả, một chiến sĩ và một thi sĩ. Thơ viết một cách linh hoạt, phong phú, tự nhiên.

Văn chính luận, tiêu biểu là “Tuyên ngôn độc lập” thể hiện tư tưởng lớn của thời đại: quyền bình đẳng giữa các dân tộc và tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam mới. Tác phẩm được viết giản dị, dễ hiểu và đặc biệt là thuyết phục người nghe, người đọc ở lí lẽ sắc bén, lập luận chặt chẽ, và tình cảm mãnh liệt. Từ những luận điểm trên, cần có kết luận chung về: tư tưởng chủ yếu trong các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và phong cách nghệ thuật đặc sắc, phong phú của tác giả.

Cũng có trường hợp khác, các em lại trình bày theo giai đoạn sáng tác, ví dụ Tố Hữu và con đường thơ ca của ông. Như vậy, cố gắng trình bày hợp lí, khoa học. Không nên để mất điểm trong loại câu này. Một số trường hợp thí sinh những năm trước thường trình bày cuối bài viết, vội vàng và sơ sài, nên mất điểm một cách đáng tiếc!

Với loại câu 5 điểm –nghị luận văn học, các em được quyền chọn một trong hai câu. Có thể tùy theo sở trường của mỗi thí sinh mà chọn lựa. Ví dụ có thế mạnh về thơ hay văn xuôi? Hoặc thích thú với tác phẩm nào hơn trong hai câu a và b? Tuy nhiên, vấn đề vẫn là đáp ứng đúng yêu cầu của đề bài. Đây là loại bài các em được học tập rất kỹ càng và thành thục. Chỉ thêm mấy ý kiến cùng các em trao đổi.

Với văn xuôi, chủ yếu là truyện ngắn, các em nên chú ý đến nhân vật và tình huống. Khi phân tích nhân vật, đừng sa vào kể lể và trình bày tính cách, hoặc số phận của nhân vật; mà quan tâm nhiều đến nghệ thuật xây dựng của tác giả: từ cách dựng chân dung đến ngôn ngữ và hành động của nhân vật. Đồng thời, nhà văn đặt nhân vật trong từng hoàn cảnh cụ thể nào, từ đó, bộc lộ tính cách và phẩm chất. Cuối cùng sẽ là tư tưởng của tác giả cùng thành công của nhà văn ấy.

Ví dụ, khi phân tích nhân vật người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” của Kim Lân. Từ vẻ ngoài rách rưới tả tơi của bộ áo quần “như tổ đỉa” cùng hành động “cong cớn”, “sưng sỉa” với Tràng, người đàn bà này đã tự bộc lộ thân phận như thế nào? Trong cảnh đói khát và nguy cơ chết đói, thị đã theo không Tràng thể hiện thực trạng gì? Song, trên đường về nhà Tràng, với nhiều chi tiết sinh động và chân thực, nhà văn đã bộc lộ dần những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật này ra sao? Tư tưởng chủ đề của tác phẩm qua nhân vật này là gì? Đó là khát vọng hạnh phúc, là tình yêu thương, sự đồng cảm…Tuy nhiên, với từng yêu cầu cụ thể của đề bài, các em cần thận trọng phân tích kỹ lưỡng để vận dụng kiến thức và phương pháp phù hợp.

Với đề bài phân tích thơ, dù là một đoạn thơ, cũng nên chú ý đến tính chỉnh thể nghệ thuật, cấu trúc tác phẩm cùng sự hài hòa giữa hình thức và nội dung của tác phẩm đó. Đồng thời, quan tâm đến hoàn cảnh sáng tác, và cuối cùng là phong cách nghệ thuật của tác giả.

Ví dụ, phân tích hình tượng người lính qua bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng; các em lưu ý đến hoàn cảnh ra đời của bài thơ: đó là những năm tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn ở vùng đất Tây Bắc hiểm trở và hiểm nguy. Chú ý đến bút pháp đối lập giữa hiện thực và lãng mạn rất linh hoạt của Quang Dũng trong bài thơ. Người lính vượt qua những hiểm nguy gian nan qua những hình ảnh: “không mọc tóc”, “xanh màu lá” và vẻ đẹp của ý chí, nghị lực kiêu dũng và can trường qua “dữ oai hùm”. Bên cạnh đó là, vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hoa của những người thanh niên rất trẻ trung, đầy mơ mộng. Vẻ đẹp ấy còn hiện lên trong những câu thơ bi thương viết về sự ra đi của họ. Nét đẹp riêng của thơ Quang Dũng, có thể so sánh với Chính Hữu, Tố Hữu, Thôi Hữu… cùng viết về người lính. Tuy nhiên, tránh đề cao nhà thơ này mà vô tình hạ thấp nhà thơ khác là điều thiếu công bằng trong văn chương.

Có thể nói, với câu 5 điểm, các em cũng nên lưu ý thêm về thời gian cho phép của một bài thi. Không nên quá tham lam chiếm hết thời gian của câu khác, đây là tình trạng thường xảy ra, khiến bài văn bị mất điểm không cần thiết.

Cuối cùng là câu 3 điểm –nghị luận xã hội. Trước khi bàn luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí hay hiện tượng đời sống xã hội, các em cũng phải xác định được khái niệm hoặc phạm vi mà đề bài yêu cầu. Mặc dù, tư tưởng đạo lí và hiện tượng xã hội là hai vấn đề có khác nhau nhưng vẫn liên quan chặt chẽ với nhau. Ví dụ bàn về “bệnh vô cảm” trong đời sống xã hội, đó vừa là tư tưởng đạo lí, vừa là hiện tượng cần quan tâm trong xã hội. Xác định vấn đề xong, cần trình bày đến thực trạng hiện nay như thế nào? Nó có những biểu hiện gì đáng phê phán? Tác hại của căn bệnh này? Cuối cùng, là những giải pháp khả thi mà quan trọng nhất là sự chân thành trong suy nghĩ cá nhân, tình cảm cá nhân của người viết. Rất tránh những lời hô hào suông, hoặc máy móc. Đây là câu mà người viết được trình bày quan điểm cá nhân rõ nhất, nên vận dụng điều đó để bài văn thực sự mang dấu ấn riêng, bài văn sẽ đạt được kết quả mong muốn.

Những điều trình bày trên đây chỉ là những gợi ý tham khảo cùng các em. Môn Ngữ Văn trong chương trình còn nhiều vấn đề khác nữa. Mong các em có thể vận dụng sáng tạo vào khả năng của mình để thực làm bài thi tốt nhất. Cần chú ý thêm về vấn đề phân lượng thời gian cho mỗi câu phù hợp và chủ động thực hiện các thao tác đã được học trong nhà trường. Chúc các em có một mùa thi thành công!