Chuẩn bị một đám cưới vẹn toàn như thế nào?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Đám cưới bao giờ cũng có quá nhiều việc cần làm, nhưng mọi sự sẽ đâu vào đấy nếu bạn biết làm chủ nó bằng những nguyên tắc căn bản dưới đây.

Dự thảo ngân sách để lên kế hoạch chi tiêu

Hai người cần công khai mình có bao nhiêu tiền để chuẩn bị đám cưới. Cứ xem như mình chỉ có 70% so với số tiền thực có, bạn sẽ không bị sốc trước các khoản phát sinh chắc chắn sẽ xảy ra. Nhớ là chỉ lên kế hoạch chi tiêu những thứ thật sự cần thiết.

Đầu tư đúng

Cứ cho là bạn có thể tiết kiệm được một khoản nhỏ khi nhờ người quen chụp ảnh nhưng liệu họ có đủ kinh nghiệm để thiết kế cho bạn một bộ ảnh cưới đẹp? Giao phó tất cả cho một thợ ảnh chuyên nghiệp trong trường hợp này có lẽ lại hiệu quả hơn. Hãy suy nghĩ kỹ trước bất kỳ vấn đề gì và nên tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân.

Cân đong đo đếm

Đó là chuyện quá bình thường. Nếu không làm sao bạn biết tiệc tổ chức ở nhà hàng nào thì vừa ngon vừa rẻ, đặt hoa cưới ở đâu thì giá hợp lý. Giá cả bao giờ cũng là tiêu chí hàng đầu để so sánh. Cũng nên cân nhắc liệu nhà cung cấp có cắt xén bớt các dịch vụ của họ để hạ giá cho bạn không. Nếu có thì thà đắt một chút còn hơn mang tiếng cẩu thả, bủn xỉn.

Biết mình là ai

Tham khảo và học hỏi từ những đám cưới đi trước để rút kinh nghiệm cho lễ cưới của mình. Điều này không có nghĩa bạn phải bắt chước y hệt họ. Bạn cần biết mình là ai để làm chủ mọi kế hoạch riêng.

Chọn mặt gửi vàng

Đừng biến mình thành kẻ đẽo cày giữa đường khi hỏi ý kiến của quá nhiều người cho kế hoạch cưới. Nên nhớ, bạn mới là người quyết định và chỉ nên hỏi ý kiến của những người thực sự đáng tin cậy.

Không ôm việc

Một mình bạn không thể vừa tiếp khách vừa lo đi lấy hoa cưới và đón xe hoa. Lập danh sách những người sẽ thay bạn làm các việc quan trọng và đề nghị được giúp đỡ. Nhưng nhớ đừng giao việc cho những người không đáng tin cậy.

Nghỉ ngơi nếu cảm thấy quá căng thẳng

Dù hai ngày nữa là đến đám cưới thì cũng chẳng có lý do gì đểhai bạn không thể cùng nhau đi chơi, uống cà phê hay ăn kem. Thời gian ấy chẳng đáng là bao so với cả tháng trời bận rộn chuẩn bị. Và nó sẽ cho bạn thêm hưng phấn để tiếp tục hoàn tất kế hoạch của mình.

hao
hao
Trả lời 10 năm trước

Nhiều cô dâu chú rể khi có kế hoạch về đám cưới thường hoang mang không biết bắt đầu từ đâu và chuẩn bị như thế nào. Việc cần làm là bạn bình tĩnh ngồi lại cùng người bạn đời và vạch ra những việc lớn, không thể thiếu cần thực hiện sớm cho đám cưới. Nhằm "gỡ rối" cho các cô dâu chú rể đang chuẩn bị cho mùa cưới, báo Ngoisao.net sẽ gợi ý một số việc chính cần làm cho ngày trọng đại.

1. Xin phép bố mẹ hai bên

Đám cưới và hôn nhân là quyền lựa chọn của đôi uyên ương nhưng với văn hóa truyền thống của người Việt, việc kết hôn cũng cần được sự ủng hộ của gia đình. Khi muốn tiến tới hôn nhân, đôi uyên ương cần có buổi ra mắt bố mẹ hai bên.

Trước buổi gặp mặt, hai người phải động viên và giúp nhau tìm về gia đình đối phương.Ví dụ, nếu gia đình bạn có cả ông bà, bố mẹ cùng chung sống thì bạn phải giúp người yêu hiểu tâm lý người già, cũng như biết sơ qua về cá tính của bố mẹ, người thân trong nhà.

Khi đến gặp phụ huynh, cô dâu chú rể tương lai nên chuẩn bị quà gặp mặt, nhưng không nên cầu kỳ hay đắt tiền mà có thể chỉ cần hoa quả, bánh kẹo. Quà tặng không quá quan trọng mà chủ yếu bạn nên có cách tặng trân trọng và thái độ lễ phép để ghi điểm với gia đình.

Trong buổi gặp gỡ, hai bạn cần bày tỏ kế hoạch và dự định để đám cưới, nhưng đừng quên nhờ bố mẹ góp ý, chia sẻ kinh nghiệm. Nếu lần gặp mặt diễn ra suôn sẻ, có thể sau đó các gia đình sẽ hẹn gặp nhau chính thức để bàn bạc cụ thể về hôn lễ.

1-1376882264_600x0.jpg

2. Xem tuổi hoặc chọn ngày

Theo phong tục Việt Nam, việc hợp tuổi giữa vợ chồng là điều quan trọng vì người Việt quan niệm khi tuổi tác tương hợp, vợ chồng sẽ sống hạnh phúc mãi mãi. Ngày lễ ăn hỏi và đón dâu trọng đại cũng phải tổ chức vào ngày đẹp, chính xác theo giờ Hoàng đạo. Việc xem ngày, giờ này cần được hai gia đình thống nhất sớm để việc chuẩn bị không bị gấp gáp.Với những đôi tổ chức cưới ở nhiều nơi, nên lưu ý khoảng thời gian tổ chức cưới giữa các nơi, để cô dâu, chú rể và bố mẹ hai bên kịp nghỉ ngơi, không quá mệt mỏi.

3. Chuẩn bị tiết kiệm tiền

Sau khi hai gia đình đã chính thức "thông qua" về kế hoạch cưới, việc quan trọng kế tiếp cô dâu chú rể cần làm là đề ra ngân sách sẽ chi cho ngày cưới và tiết kiệm tiền.Đám cưới ở Việt Nam không chỉ dành riêng cho cô dâu, chú rể, mà còn là dịp để gia đình hai nhà nở mày nở mặt, để bạn bè của cả gia đình tới chung vui, vì vậy, cả nhà sẽ cố gắng để tổ chức một buổi lễ trang trọng.

Toàn bộ đám cưới với lễ ăn hỏi, một bữa tiệc nhỏ với 200 đến 300 khách và các phụ phí khác có thể tiêu tốn của bạn ít nhất từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ, nên với các gia đình trung lưu, bình thường thì việc tiết kiệm trước khi lễ cưới diễn ra là điều cần thiết.

Trong từng trường hợp, bạn nên thực tế và nghĩ ra một số tiền cụ thể cần chi cho đám cưới của mình. Ngân sách này dựa vào khả năng tài chính, thu nhập và số tiền mà hai bạn dành dụm được hàng tháng. Cô dâu chú rể nên lập một tài khoản chỉ dành riêng cho đám cưới, khi đó bạn sẽ dễ quản lý xem mình cần bao nhiêu, còn thiếu bao nhiêu để có kế hoạch tiết kiệm.

4. Tìm hiểu ba nghi lễ quan trọng trong lễ cưới

Với đám cưới truyền thống, hai nhà cần lo đủ 3 nghi lễ là dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu. Ngoài ra, cô dâu chú rể phải đi chụp ảnh cưới, mua nhẫn cưới, in thiếp cưới và mua sắm đồ cho phòng tân hôn. Đây là những công việc quan trọng, mất nhiều thời gian, tiền bạc, nên việc tham khảo nhiều nơi và lựa chọn dịch vụ rẻ nhất sẽ khiến bạn tiết kiệm. Ngoài ra, bạn cũng nên dự tính chi phí rõ ràng cho các công việc này để khi kết thúc đám cưới, hai người sẽ không bị "sốc" vì khoản chi tiêu khổng lồ.

1-3-1376882264_600x0.jpg

5. Tìm nơi đãi tiệc cưới và đặt dịch vụ

Vào mùa cưới, các nhà hàng, khách sạn tốt, địa điểm đẹp thường kín chỗ từ nhiều tháng trước. Nếu cưới vào mùa này, bạn cần càng sớm tìm nơi đãi tiệc càng tốt. Việc chọn nhà hàng sẽ căn cứ vào một số yếu tố quan trọng như số lượng khách mời, vị trí nhà cô dâu chú rể, ngân sách cưới...Khi chọn địa điểm, bạn cũng nên tìm hiểu thực đơn và những dịch vụ đi kèm, nhằm có thêm cơ sở để so sánh nhiều nơi trước khi đưa ra quyết định.

6. Xác định nơi ở sau đám cưới

Với nhiều đôi uyên ương, điều đau đầu nhất là nơi ở sau khi cưới. Nhiều bạn trẻ làm việc tại thành phố lớn nhưng chưa có nhà riêng, nên khi lập gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện giá nhà cho thuê ở các thành phố lớn năm sau thường cao hơn năm trước, nếu muốn có một ngôi nhà ở tươm tất, không quá chật hẹp, bạn phải bỏ ra 2 - 5 triệu đồng mỗi tháng. Nếu muốn thuê nhà giá tốt, các đôi mới cưới nên tìm những chỗ tập trung nhiều phòng trọ, nhiều căn nhà cho thuê, như vậy giá cả sẽ giảm hơn so với các khu vực trung tâm thành phố.

Đối với các cặp đôi sống cùng cha mẹ thì chuyện nơi ở sau đám cưới lại "đau đầu" kiểu khác. Các gia đình nhà trai thường thích con dâu và con trai về ở cùng bố mẹ chồng, nhưng cô dâu trẻ lại muốn có tự do riêng, muốn mua hoặc thuê nhà. Việc này dễ dẫn đến mâu thuẫn, nhiều khi là tranh cãi gay gắt, nên trước khi cưới, các cô dâu chú rể phải bàn bạc và thống nhất về nơi ở để tránh sự cãi vã sau này

Nếu ở cùng bố mẹ, bạn sẽ nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh nhiều hơn và đôi khi sẽ không phải lo nghĩ nhiều tới công việc gia đình. Nếu có điều kiện và mức lương ổn định, hai vợ chồng trẻ có thể mua nhà ngay gần nhà bố mẹ chồng để vừa tiện bề chăm sóc các bậc thân sinh, vừa có đủ sự riêng tư cần thiết.

Sau khi đã xác định được những công việc chính như trên, cô dâu chú rể mới bắt tay vào việc lựa chọn từng dịch vụ riêng lẻ như chọn studio chụp ảnh, chọn váy áo, phụ kiện trang trí đám cưới. Lo từ việc lớn tới việc nhỏ sẽ giúp bạn không bị rối, mà vẫn chuẩn bị xuyên suốt cho ngày trọng đại.