Thắc mắc về ĐH kinh doanh và công nghệ HN?

Xin hỏi trường ĐH kinh doanh và công nghệ HN khi học xong có nhận được bằng đại học không?, hay chỉ nhận được chứng chỉ đại học? . em thấy có người nói chỉ được nhận chính chỉ đại học thế có đúng không?, em đang phân vân ai biết giúp em với...

Hoàng tử bé
Hoàng tử bé
Trả lời 14 năm trước

Bạn tham khảo thông tin sau đây nhé

Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội được thành lập tháng 6 năm 1996, do Giáo sư Trần Phương (Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) làm Hiệu trưởng. Do mở rộng mục tiêu đào tạo sang lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, Trường được đổi tên thành Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kể từ tháng 5 năm 2006 (dưới đây viết tắt là ĐKC). Sau 10 năm hoạt động, Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
·Trường là một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp sức, góp vốn để xây dựng và phát triển Trường bền vững, vì mục đích đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, không vì mục đích lợi nhuận.
·Trường xác định sứ mệnh của mình là đào tạo các nhà kinh tế thực hành và các nhà kỹ thuật - công nghệ, tạo nguồn nhân lực cho việc hình thành một dàn cán bộ chủ chốt của các doanh nghiệp - những “binh đoàn chủ lực” trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
·Trường lấy đào tạo nghề nghiệp - thực hành làm định hướng chủ yếu, không chỉ quan tâm trau dồi kiến thức, mà trau dồi kiến thức phải đi đôi với rèn luyện kỹ năng thực hành, phát triển tư duy tìm tòi sáng tạo, kết hợp lý luận với thực tiễn, không chỉ quan tâm phát triển tài năng, mà phát triển tài năng phải đi đôi với bồi dưỡng phẩm chất đạo đức nhằm đào tạo thanh niên thành những cán bộ vừa hồng vừa chuyên.
·Trường đã có 7 khoá tốt nghiệp với 6651 sinh viên Đại học, 125 sinh viên Cao đẳng và 206 sinh viên Trung cấp. Hầu hết nhận được việc làm ngay sau khi ra trường, với mức lương tương đối cao.
·Đội ngũ giảng dạy của Trường gồm 210 giảng viên cơ hữu và 165 giảng viên thỉnh giảng. Giảng viên cơ hữu gồm 30% là Giáo sư, Tiến sĩ và 45% là Thạc sĩ.
·Trường được trang bị 1.100 máy vi tính (bình quân 8 sinh viên/1 máy) bảo đảm cho mỗi người một máy khi học và thực hành.
·Khối lượng kiến thức và kỹ năng của Chương trình đào tạo tương đối “nặng” so với các trường khác.
-Đại học : 240 - 246 so với 210 đơn vị học trình
-Cao đẳng : 180 - 186 so với 140 - 150 ĐVHT
-Trung cấp : 120 so với 100 - 110 ĐVHT
·Khối lượng kiến thức và kỹ năng này đòi hỏi sinh viên phải học hành chuyên cần, nghiêm chỉnh. Những người ham chơi hơn ham học, muốn “học giả” mà bằng thật thì không thích hợp với các chương trình này.
·Nhà trường triệt để chống tiêu cực, gian lận trong thi cử. Bất cứ người nào, nếu phạm vào điều cấm kỵ này, đều bị loại khỏi trường nếu là cán bộ nhân viên nhà trường. Nếu là sinh viên thì phải chịu hình thức kỷ luật nặng nhất.

II. Cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Diện tích sử dụng: trên 20.000 m2, gồm 2 cơ sở
- Diện tích các phòng học: 8.530 m2 với tổng số 148 phòng, trong đó: 43 phòng máy tính và 28 phòng học ngoại ngữ
- Thư viện nhà trường có diện tích 834 m2, có 4287 đầu sách với 20.583 bản; 79 loại tạp chí và 47 loại báo, phổ biến là Tiếng Việt, ngoài ra có một số là Tiếng Anh và Tiếng Trung.
- Diện tích khác: Hội trường lớn 800 chỗ, Hội trường nhỏ 600 chỗ với đủ phương tiện, ánh sáng, âm thanh phục vụ hội nghị lớn và biểu diễn văn nghệ. Nhà tập thể dục – thể thao với 6.727 m2 được trang bị các phương tiện phục vụ giáo dục thể chất. Nhà làm việc của cán bộ, nhân viên: 3.079 m2 với trên 80 phòng được trang bị các phương tiện làm việc tốt,
- Thiết bị giảng dạy (tính đến đầu năm học 2005 – 2006): có 2 phòng máy chủ, 1139 máy tính và nhiều thiết bị khác (máy chiếu, đa phương tiện...)

III. Bậc học nào?

·Với tấm bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, bạn đã có chiếc chìa khoá để mở cửa vào lĩnh vực kiến thức sau trung học, cũng tức là kiến thức của bậc Đại học. Lĩnh vực kiến thức này bao trùm hàng trăm hàng ngàn ngành nghề khác nhau.
Kiến thức sau trung học thường được chia làm 3 cấp độ để đào tạo, ứng với 3 mức thời gian (và 3 loại trường):

-2 năm (Trung cấp chuyên nghiệp hay Cao đẳng 2 năm)
-3 năm (Cao đẳng)
-4 năm (Đại học)

Chia ra 3 cấp độ đào tạo là để tạo cơ hội học tập thuận lợi cho người học. Chỉ cần 2 năm là đã có một nghề trong tay để lập thân lập nghiệp. Có việc làm và thu nhập rồi thì dễ dàng bổ sung kiến thức (học liên thông) để đạt cấp độ cao hơn.
·Thanh niên nước ta thường có tâm lý “sính đại học”, tưởng chừng như chỉ có bằng đại học mới tìm được chỗ đứng trong xã hội. Đó là một nhận thức sai lầm. Bất cứ xã hội nào, kể cả các xã hội có nền kinh tế tiên tiến như Âu Mỹ, cũng cần đến trình độ Trung cấp nhiều hơn trình độ Đại học. Một chuyên viên kế toán, một chuyên viên thương mại, một chuyên viên máy tính chỉ cần đạt đến trình độ Trung cấp là đủ thành thạo để đảm đương công việc rồi. Một doanh nghiệp nhỏ không cần đến một Cử nhân kế toán để đảm nhiệm chức vụ Kế toán trưởng. Một chuyên viên kế toán trình độ Trung cấp là đủ. Xác định như vậy rồi thì chẳng còn gì phải băn khoăn về bậc học. Bậc học nào cũng thành nghề, miễn là học hành cho nghiêm chỉnh.

IV. Nghề gì?

·Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trường đào tạo đa ngành, đa cấp. Không kể bậc Sau đại học, Trường đào tạo 10 ngành (nghề) thuộc 3 nhóm ngành, với 3 bậc học: Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp (tức Cao đẳng 2 năm). 3 bậc học có nghĩa là 3 loại trường nằm trong một trường. Điều đó tạo thuận lợi cho sinh viên học liên thông từ bậc Cao đẳng lên Đại học, học liên thông từ bậc Trung cấp lên Cao đẳng và lên Đại học.
·Với 10 ngành nghề và 3 bậc học, bạn có 20 “cửa” để lựa chọn. Sau đây là Danh mục của 20 cửa:
A - Nhóm ngành kinh tế, Kinh doanh và Quản lý kinh doanh

1-Ngành Quản lý kinh doanh
Với 2 bậc: Đại học và Cao đẳng
2-Ngành Thương mại
Với 3 bậc: Đại học, Cao đẳng và Trung cấp
3-Ngành Tài chính - Ngân hàng
Với 2 bậc: Đại học và Cao đẳng
4-Ngành Kế toán
Với 3 bậc: Đại học, Cao đẳng và Trung cấp
5-Ngành Du lịch
Với 2 bậc: Đại học và Cao đẳng

B - Nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ

6-Ngành Công nghệ Thông tin (công nghệ phần mềm)
Với 3 bậc: Đại học, Cao đẳng và Trung cấp
7-Ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử
Với 2 bậc: Đại học và Trung cấp
8-Ngành Kỹ thuật Cơ - Điện tử
Bậc Đại học.
9-Ngành Kiến trúc
Bậc Đại học.

C - Nhóm ngành Ngoại ngữ

10-Tiếng Anh kinh doanh
Bậc Đại học
11-Tiếng Trung kinh doanh
Bậc Đại học


·Hiện nay, có quá nhiều sinh viên hướng vào nghề kế toán. Điều đó cũng dễ hiểu: bất cứ cơ quan/doanh nghiệp nào cũng đều cần kế toán trưởng và chuyên viên kế toán. Nhưng cũng nên coi chừng: bất cứ nghề gì mà có quá đông người xô vào thì cũng sớm bão hoà. Vả chăng, không phải ai cũng thích hợp với nghề kế toán. Những người chưa ngồi ấm chỗ đã muốn đứng dậy, những người thiếu tính cẩn thận thì không dễ gì thích ứng với nghề này.

·Trong nhiều thập kỷ qua, do thiếu vốn đầu tư, các ngành kỹ thuật - công nghệ ở nước ta ít được phát triển. Nhưng, mấy năm lại đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, nhiều ngành công nghiệp hiện đại được xây dựng ở cả 3 miền đất nước, khiến cho nguồn nhân lực trình độ cao về kỹ thuật - công nghệ không đủ đáp ứng. Trước tình hình đó, sinh viên nước ta cần nhận biết đúng xu thế của thời đại, kịp thời định hướng nghề nghiệp của mình vào các ngành kỹ thuật - công nghệ.

·Trước khi đi vào tìm hiểu sâu về từng Chương trình đào tạo, bạn cần biết đại thể về Chương trình đào tạo của mỗi bậc học: Đại học, Cao đẳng và Trung cấp - hệ chính quy, và Đại học - hệ tại chức, để trên cơ sở đó, khẳng định sự lựa chọn của mình.

V. Các chương trình đào tạo

1. Chương trình đào tạo Đại học (hệ chính quy)

·Chương trình đào tạo Đại học của ĐKC có phần “nặng” hơn nhiều trường đại học khác. Vì sao vậy? Vì ĐKC chủ trương: một sinh viên tốt nghiệp Đại học phải hội đủ cả 3 khối kiến thức và kỹ năng sau đây:
1-Thông thạo nghề nghiệp chuyên môn
2-Thành thạo kỹ năng sử dụng máy vi tính (thông qua 300 tiết học và thực hành trên máy, không kể số giờ tự do truy cập Internet tại Thư viện của Trường)
3-Sử dụng tương đối thành thạo tiếng Anh (thông qua 1.000 tiết học trên lớp để đạt trình độ C hay 500 điểm TOEFL).

Hai môn Tin học và Tiếng Anh được bố trí vào chương trình đào tạo chính khoá, vì vậy sinh viên không phải học thêm tại Trung tâm Tin học hay Trung tâm tiếng Anh. Sinh viên học hết năm thứ ba có khả năng học tiếp năm thứ tư bằng tiếng Anh tại Hà Lan. Sinh viên tốt nghiệp đạt trình độ tiếng Anh từ 550 điểm TOEFL trở lên có thể học tiếp Thạc sĩ bằng tiếng Anh tại các trường đại học nước ngoài và ngay tại Trường.
Nhờ hội đủ cả 3 khối kiến thức và kỹ năng nêu trên, sinh viên ĐKC thường được các nhà tuyển dụng đánh giá cao và được đãi ngộ bằng một mức lương tương đối cao.
·Những sinh viên khá và giỏi có khả năng đạt được 2 bằng cử nhân trong vòng 4 năm rưỡi, trong đó bằng thứ hai là bằng Cử nhân tiếng Anh. Có được trình độ này thì càng dễ tìm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Chương trình đào tạo Cao đẳng (hệ chính quy)

·Chương trình này thực chất là Chương trình đào tạo Đại học. Nó chỉ thấp hơn Chương trình đào tạo Đại học của ĐKC ở trình độ tiếng Anh. Phần đào tạo về nghề nghiệp chuyên môn là phần cốt lõi của Chương trình đào tạo Đại học thì vẫn được giữ nguyên ở Chương trình đào tạo Cao đẳng. Điều đó cho phép sinh viên Cao đẳng đạt được trình độ thông thạo về nghề nghiệp chuyên môn giống như sinh viên Đại học.
·Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng loại khá và giỏi, bạn có thể học liên thông (cùng ngành nghề) ngay tại ĐKC để đạt trình độ Đại học.
·ĐKC dành ưu tiên chỉ tiêu tuyển sinh Cao đẳng cho những thí sinh nộp đơn thi Nguyện vọng I vào ĐKC. Nếu chưa đủ điểm vào Đại học thì bạn sẽ được xếp ngay vào Cao đẳng của ĐKC.

3. Chương trình đào tạo Trung cấp (hệ chính quy)

·Từ “Trung cấp chuyên nghiệp” hiện được dùng cho 2 trình độ: một loại lấy đầu vào là học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (lớp 9), đào tạo 3 năm thì cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp; một loại lấy đầu vào là học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông (lớp 12), đào tạo 2 năm thì cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp. Loại này thực chất là Cao đẳng 2 năm. Nội dung kiến thức của 2 năm đó không phải là kiến thức Trung học mà là kiến thức Sau trung học, cũng tức là kiến thức của bậc Đại học. Châu Âu gọi bậc học này là Kỹ thuật viên cao đẳng, hay Cao đẳng kỹ thuật. Chương trình đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp của ĐKC chính là Chương trình đào tạo Cao đẳng 2 năm. Chương trình này chọn lấy những gì là cần thiết nhất, thiết thực nhất trong mảng kiến thức và kỹ năng cốt lõi của Chương trình đào tạo Đại học cùng ngành nghề. Kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của Chương trình đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp chiếm tới 60-65% kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của bậc Đại học. Điều này cho phép sinh viên Trung cấp ra trường có đủ trình độ thành thạo về nghề nghiệp đáp ứng nhiệm vụ được giao.

·Sinh viên Trung cấp cũng được đào tạo bài bản về Tin học ứng dụng như sinh viên Đại học và Cao đẳng. Một chuyên viên Kế toán, một chuyên viên Thương mại cũng phải đồng thời là một kỹ thuật viên máy tính. Ngày nay, người ta không làm kế toán bằng một cây bút bi, mà làm kế toán bằng một chiếc máy vi tính. Người ta mua và bán mỗi ngày hàng ngàn thứ mà không cần phải ghi sổ. Thay vào đó là một chiếc máy vi tính.

·Với khối lượng kiến thức và kỹ năng như trên thì Chương trình đào tạo TCCN thực chất là một bộ phận của Chương trình đào tạo Đại học, mà lại là bộ phận cốt lõi nhất - bộ phận có chức năng tạo ra năng lực nghề nghiệp cho sinh viên.
·Sinh viên TCCN tốt nghiệp loại khá và giỏi có thể học liên thông lên Cao đẳng hay lên Đại học ngay sau khi tốt nghiệp và ngay tại ĐKC.

·Tất cả những điều nêu trên dẫn đến lời khuyên sau đây: đừng nghĩ rằng học Trung cấp thì “dễ” hơn, “nhàn” hơn học Đại học. Thời gian khoá học chỉ bằng một nửa, nhưng nội dung kiến thức và kỹ năng của một năm học thì giống hệt Đại học. Nếu không học hành chuyên cần, nghiêm chỉnh thì khó mà “nuốt” nổi chương trình.

4. Chương trình đào tạo Đại học - hệ tại chức

·Nếu bạn không có điều kiện học Đại học hệ chính quy thì còn một cơ hội nữa: hãy đăng ký học Đại học hệ tại chức.
·Đào tạo tại chức (hay vừa làm vừa học) là một phương thức đào tạo giúp người học vừa đi làm vừa có thể tranh thủ thời gian để đạt trình độ kiến thức mong muốn, ở đây là trình độ Đại học.

Hệ tại chức của ĐKC đào tạo 4 ngành học thuộc bậc Đại học:
1-Quản lý kinh doanh
2-Tài chính - Ngân hàng
3-Kế toán
4-Công nghệ thông tin (công nghệ phần mềm)

Nhà trường chỉ tổ chức lớp học khi có đủ số lượng sinh viên tối thiểu cho một ngành học là 60 sinh viên (quy mô tối ưu cho một ngành học là 120 sinh viên).
·Chương trình đào tạo đại học tại chức phải bảo đảm chuẩn kiến thức do Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định cho bậc Đại học (210 đơn vị học trình). Vì đào tạo tại chức được phép miễn một số môn như Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng, Thực tập cuối khoá… cho nên Chương trình có thể bố trí ở mức 180 đơn vị học trình.

·So với Chương trình đào tạo Đại học hệ chính quy của ĐKC thì Chương trình đào tạo Đại học tại chức khác ở 2 điểm:

1)Vì eo hẹp về thời gian, môn Ngoại ngữ chỉ được bố trí ở mức 20 ĐVHT như quy định chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo (trong khi Chương trình đào tạo Đại học hệ chính quy của ĐKC bố trí tới 72 ĐVHT).
2)Sinh viên hệ tại chức không phải thực tập cuối khoá (2 tháng) và nghiên cứu đề tài để viết Luận văn tốt nghiệp (1 tháng), chỉ phải dự kỳ thi tốt nghiệp sau một thời gian ôn tập và phụ đạo.

·Ngoài 2 điểm nêu trên, mọi khâu của quy trình đào tạo đều phải thực hiện đúng như hệ đào tạo chính quy, có như vậy mới bảo đảm được chất lượng đào tạo. Nhà trường không chấp nhận thói quen của một số sinh viên chỉ muốn “học giả” mà lấy bằng thật.

·Thời gian lên lớp được bố trí vào các buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần, phù hợp với yêu cầu của người học. Điều đó đòi hỏi sự cố gắng bền bỉ của sinh viên, không những để dự lớp đầy đủ mà còn phải bảo đảm thời gian tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện bằng 1-2 lần thời gian lên lớp.

·Nhà trường tổ chức thi tuyển mỗi năm 2 kỳ. Thi theo khối A và D1. Trước kỳ thi tuyển, nhà trường tổ chức ôn tập cho những thí sinh có nhu cầu.

·Những sinh viên đã tốt nghiệp Cao đẳng hay Trung cấp chuyên nghiệp từ ĐKC mà muốn học lên Đại học qua phương thức vừa làm vừa học thì được dự tuyển vào hệ đào tạo tại chức cùng ngành nghề. (Nếu học liên thông thì phải học theo hệ chính quy). Những sinh viên này được miễn học lại những học phần đã học ở bậc Cao đẳng hay Trung cấp chuyên nghiệp của ĐKC.

·Những sinh viên đã tốt nghiệp Cao đẳng hay Trung cấp chuyên nghiệp (Cao đẳng 2 năm) từ các trường khác cũng được dự tuyển vào hệ đào tạo tại chức cùng ngành nghề, nhưng chỉ được miễn học lại những học phần mà nội dung và khối lượng học tập (số lượng ĐVHT) của các học phần đó trùng khớp với các học phần của ĐKC.

VI. Chọn chương trình học như thế nào?

·Chọn chương trình học cũng có nghĩa là chọn cho mình một nghề để lập thân lập nghiệp, ít nhất là trong những năm trước mắt. Chọn nghề thì đương nhiên là phải chọn nghề nào hợp với sở thích của mình, hợp với trình độ của mình, phát huy được những sở trường của mình và tránh được những sở đoản của mình. Lại phải tính đến nhu cầu việc làm của xã hội, nhất là nhu cầu việc làm ở những địa bàn mà bạn muốn sinh cơ lập nghiệp.

·Đã chọn nghề nào thì phải quyết tâm dành trọn mấy năm trước mắt để học thành nghề, học thành tài. Bất cứ nghề gì, bất cứ bậc học nào cũng không thể xa rời quy luật “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” như lời cổ xưa đã dạy.

·Kiến thức, kỹ năng, năng lực nghề nghiệp, năng lực tư duy, phẩm chất, đạo đức là những thứ mà mỗi con người phải chinh phục từng ngày, từng giờ, từng milimét. Càng khổ công học tập và rèn luyện bao nhiêu khi ngồi trên ghế nhà trường thì càng đỡ vấp váp, thất bại bấy nhiêu khi đối mặt với thị trường.