IPhone phân phối tại Việt Nam có giá bao nhiêu?

Đào Thị Hiền
Đào Thị Hiền
Trả lời 14 năm trước
- Ngay từ đầu năm 2010, giới viễn thông đã thực sự lên cơn sốt bởi thông tin đồng loạt 3 ông lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone sẽ phân phối iPhone tại Việt Nam. Nhưng có vẻ như, cơn sốt ấy đang hạ nhiệt bởi chính những thách thức nội tại và ngoại tại. Với những quy định ràng buộc khắt khe về việc ký hợp đồng đối tác, Apple thực sự là một thương hiệu “khó nhằn” cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn hợp tác kinh doanh. Ai cũng rõ, bản thân những sản phẩm của hãng đã là những thương hiệu có đẳng cấp, “chỉ mặt, đặt tên” và vì thế nên chỉ cần khi phong thanh về bất cứ doanh nghiệp nào phân phối sản phẩm Apple, đó đã là một cách làm thương hiệu. Tuy nhiên, những chính sách ràng buộc của “Quả táo” là một vấn đề khá nan giải khi xúc tiến đàm phán dựa trên bất kỳ nguyên tắc nào. Ngoài những con số áp đặt về doanh số, không dựa trên bất kỳ thăm dò nào, đại gia này còn đưa ra những quy định hết sức ngặt nghèo trong việc xây dựng thương hiệu mà bất cứ đối tác nào khi muốn phân phối sẽ phải tuân theo. Điều đầu tiên là việc không cho phép sử dụng các hình ảnh của “Táo dở” một cách đại trà, thậm chí, nếu muốn quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng cũng phải thông qua các quản lý khu vực của Apple. Đó cũng lý giải vì sao, hiện tại ở Việt Nam đã có một vài đơn vị phân phối máy tính MAC, MACBook từ rất lâu nhưng tuyệt nhiên suốt dọc các cửa hàng bán lẻ của đại lý này không bao giờ trưng logo “Quả táo”. Tiếp đến là cam kết doanh thu phải đạt được mà con số tính bằng hàng triệu đô áp dụng một cách lạnh lùng. Anh Tuấn, Giám đốc của một đơn vị từng được ủy quyền phân phối các sản phẩm iPod, MACBook… cho biết: ”Apple đặt ra rất nhiều quy định khắt khe cả về việc kinh doanh lẫn làm hình ảnh. Thậm chí, chúng tôi không được phép sử dụng các hình ảnh logo tại cửa ra vào, biển hiệu, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng trong các chiến dịch marketing. Quản lý khu vực của Apple tại châu Á đặt ở Singapore, mỗi lần cần lên phương án bán hàng là lại phải ký một loạt giấy tờ, nếu không, chỉ cần một sai sót nhỏ là hãng cũng cắt quyền phân phối của đối tác. Điều này rất khó bởi tâm lý tiêu dùng người Việt mua bằng mắt, không xuất hiện hình ảnh quảng bá đồng nghĩa với việc không kinh doanh còn hơn”. Cũng chính vì lẽ đó, sau một thời gian phân phối cho Apple, vị giám đốc này đã phải dừng hợp đồng và chuyển sang kinh doanh thương hiệu khác. Quay lại bài toán iPhone, chợt nhớ cách đây hơn 3 năm, ông Đỗ Ngọc Cường, Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu Viettel từng trả lời về việc sẽ xuất hiện iPhone Việt do đơn vị này phân phối. Câu trả lời lúc đó tương đối mơ hồ và vị đại diện này cũng cho biết đơn vị đang xúc tiến đàm phán. Thời gian trôi qua, những tưởng thời điểm tháng 3/2010 sẽ là thời khắc cao trào của iPhone tại Việt Nam, nhưng không, tất cả nhà mạng vẫn đang như “gà mắc tóc” trong vấn đề này, thay vì hùng hồn đồng loạt tuyên bố như hồi đầu năm. Nếu Vinaphone và MobiFone hiện vẫn đang “ậm ừ” về chuyện ra mắt iPhone tại Việt Nam thì Viettel lại khá có kinh nghiệm trong việc phân phối các sản phẩm nổi tiếng mà BlackBerry là một bài học của nhà mạng này. Hơn 1 năm phát triển dịch vụ, số lượng thuê bao dịch vụ BIS/BES nền tảng BlackBerry của Viettel dường như không có mấy thay đổi. Mặc dù đã qua 2 lần hạ giá và tiền cam kết dịch vụ, thậm chí cho phép hàng xách tay đăng ký Pushmail, nhưng có vẻ như sự tình không mấy khả quan. Một câu chuyện bên lề khác khi trong một vài lần họp báo, nếu để ý sẽ thấy nhân viên nhà mạng này đều sử dụng máy BlackBerry đắt tiền do chính Viettel phân phối. Và có người cho rằng, với số lượng hàng ngàn nhân viên Viettel sử dụng BlackBerry, còn cao hơn tỷ lệ khách hàng dùng sản phẩm này. Với bài toán iPhone, mọi thứ dường như cũng rất nhạt nhòa khi tại châu Á, Việt Nam không phải là nước đầu tiên được phân phối iPhone. Hiện tại, China Unicom đã là nhà mạng lớn nhất tại Trung Quốc mạnh dạn bán iPhone tại thị trường đông dân nhất thế giới này. iPhone không WiFi - sự thất bại của China Unicom? (Ảnh: Wordpress). Với một tiềm năng về doanh thu, doanh số như vậy, những tưởng đây sẽ là một đối tác được hưởng nhiều ưu đãi từ ngài Steve Jobs. Nhưng không, với giá thành khoảng 750 USD cho một iPhone 3GS 16GB bản Quốc tế không có WiFi, xem ra không thể tạo ấn tượng với các khách hàng Trung Quốc khi mà nó xấp xỉ giá bán của hàng ngoài có kèm WiFi. Được biết, hầu hết iPhone 3GS bản Quốc tế đưa về Việt Nam trong thời gian gần đây đều có xuất xứ từ Hồng Kông, với giá thành cũng chỉ chênh thêm một chút. Do đó, thị trường Trung Quốc đã hoàn toàn bị bão hòa bởi những sản phẩm không chính ngạch. Việc không tích hợp WiFi vào dòng máy phân phối tại Trung Quốc cũng xuất phát từ chính những cam kết khắt khe và áp đặt về giá bán đầu cuối của Apple đối với China Unicom. Nên nhớ rằng, chúng ta đang vào thời điểm hết Quý I, nếu theo đà này, nhanh nhất cũng phải giữa Quý II các nhà mạng trong nước mới có thể phân phối iPhone. Theo chu kỳ hằng năm, tháng 6 sẽ là thời điểm Apple cho ra mắt phiên bản iPhone mới và bán ra vào tháng 7. Vì vậy, việc doanh nghiệp nhập iPhone dù có là phiên bản 3GS về Việt Nam thời điểm này cũng dường như là quá muộn. Mức giá nào cho iPhone Việt “Đó là một mức giá trong mơ”, một thành viên diễn đàn Handheld cho biết. Đó cũng là câu trả lời chung cho cộng đồng iPhone Việt tại thời điểm này. Bởi lẽ, nếu theo đúng cách tính mà Apple áp dụng cho nhà mạng China Unicom, giá iPhone 3GS không WiFi bản Quốc tế 32GB đã xấp xỉ 19 triệu đồng. Vậy nếu iPhone 3GS về Việt Nam, chắc chắn mức giá sẽ không dao động quanh con số này là bao. Giá bán bản 3GS 32GB Quốc tế; không có WiFi tại Trung Quốc lên tới xấp xỉ 19 triệu đồng (Ảnh chụp màn hình). Bên cạnh đó, phương án sử dụng dịch vụ cam kết là một cách làm vẫn thường được áp dụng thông qua AT&T khi phân phối iPhone. Người dùng vẫn hy vọng vào cách mua trả góp này hơn là việc mua thẳng với giá máy “trên trời” như vừa nêu. Tuy nhiên, vẫn theo cách tính của Apple, để có được một hợp đồng cam kết sử dụng kèm máy, người dùng sẽ phải trả trước 199 USD (khoảng 3 triệu 900 ngàn đồng) và hàng tháng cam kết sử dụng 70 USD (khoảng 1,3 triệu đồng) tiền dịch vụ thoại trong vòng 2 năm. Con số này quả là phi thực tế bởi lẽ theo các số liệu về ARPU cập nhật đến tháng 1 năm 2009 tại Việt Nam, mức cước sử dụng trung bình của người dân chỉ dao động ở mức 6 USD/tháng (tương đương với 115 ngàn đồng). Cũng theo đó, tỷ lệ dòng máy giá rẻ đang chiếm tới trên 70% thị phần Việt Nam, gần 25% cho thị phần trung cấp và chỉ có chưa đến 5% thị phần điện thoại cao cấp. Và với những con số như vậy, iPhone có khả thi khi gia nhập thị trường Việt Nam? Điều đó dường như là một câu trả lời khó cho nhà mạng trước những cam kết với Apple. Về phía người dùng đầu cuối, một thành viên diễn đàn VOZ bày tỏ quan điểm :”Giá 19 triệu hoặc cam kết 1,3 triệu một tháng là quá sức ngay cả với người có thu nhập cao. Mà chả biết hàng hãng phân phối có gì khác hàng xách tay khi mà mọi hàng bảo hành đều phải gửi ra nước ngoài sửa. Bỏ gần 20 triệu ra mua cái điện thoại thời thượng mà không có 3G hay WiFi như ở Trung Quốc thì họa chẳng chỉ có… thừa tiền”. Dựa trên nhiều chiều hướng, bài toán iPhone “cập bến” thị trường Việt Nam có lẽ vẫn chỉ là… một giấc mơ dài. Vương Long Theo vietnamnet.vn