Cách sử dụng filter GND khi chụp phong cảnh

Trong bài này, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ chi tiết về kinh nghiệm chụp ảnh phong cảnh sử dụng filter GND để chụp các cảnh bình minh hay hoàng hôn,...

Filter GND – Graduated Neutral Density là gì?

Filter GND hay còn gọi là kính lọc phân cực về cơ bản là một tấm nhựa (resin) hoặc thuỷ tinh hình chữ nhật hoặc hình vuông có hai phần tách biệt với một phần tối hơn. Loại filter này luôn phải được “trung tính” vì khi ánh sáng đi qua kính lọc này phải được dảm bảo rằng luôn giữ được tối đa tính chất của nó, tức là không tạo ra bất cứ sự khác biệt về màu sắc hoặc sự sai khác về ánh sáng. Điều này được các hãng filter lớn như Lee hay Singhray làm rất tốt, nhưng có thể chưa được đảm bảo với những hãng ít tên tuổi hơn (Xem bài: Các hãng filter GND và ND phổ biến). Về điểm này thì tôi đề xuất các bạn nên sử dụng Lee Filters, đó là bộ filter tôi đang sử dụng và rất hài lòng về độ bền, tiện dụng cũng như độ “trung tính” của ánh sáng khi đi qua filter.

Khác với các loại filter tròn lắp trực tiếp vào ống kính (lens), để sử dụng GND bạn cần một bộ filter gồm các thành phần sau: Holder, Ring và Filter. Holder là khung để giữ filter phía trước ống kính, ring giúp kết nối giữa holder và lens với nhau. Tuỳ kích cỡ filter của lens mà tôi có thể chọn các loại holder, ring cho phù hợp. Với các lens thông thường hiện nay thì bộ filter phổ biến là hình chữ nhật kích cỡ 150x100mm. Ring sử dụng tuỳ vào đường kính lens của bạn 72mm, 77mm hay 82mm.

Để đảm bảo cho vùng sáng (over-exposure) không bị mất chi tiết thì việc sử dụng filter GND là điều cần thiết. Nếu không sử dụng filter GND, thông thường vùng trời sẽ bị cháy mặc dù vùng tiền cảnh sẽ đúng sáng khi tôi đo sáng vào tiền cảnh, hoặc vùng trời sẽ đúng sáng và tiền cảnh bị tối om nếu tôi đo sáng vào bầu trời. Tôi có thể cứu một phần khi hậu kỳ ở Photoshop, nhưng sẽ rất khó khăn và không thể hồi phục lại được toàn bộ chi tiết, bức ảnh có thể sẽ rất nhiều noise và xấu. Trong khi yêu cầu của tôi về ảnh phong cảnh rất khắt khe, các vùng sáng không thể uyển chuyển mượt mà như mong muốn.

Sử dụng filter GND như thế nào?

Quá trình sử dụng filter GND khi chụp phong cảnh theo lý thuyết có thể theo các bước sau:

Thiết lập máy ảnh của bạn trên tripod (chân máy), cố định vị trí trước khung cảnh muốn chụp và nhớ cài đặt máy ở chế độ Manual. Sau đó bật Viewfinder, đo sáng vào tiền cảnh để tiền cảnh đúng sáng rồi ghi nhận chỉ số đo sáng mà máy ảnh đo được. Tiếp tục thực hiện bước trên với việc đo sáng vào hậu cảnh (bầu trời).

Sau khi ghi nhận được 2 chỉ số đo sáng trên bạn tính toán mức độ chênh lệch đo sáng giữa tiền cảnh và hậu cảnh, rồi sử dụng filter GND với thông số thấp hơn 1 stop của chỉ số chênh lệch. Ví dụ nếu bạn đo được bầu trời sáng hơn so với tiền cảnh là 3-stop, bạn chọn filter GND giảm 2-stop hay loại 0.6 ND Grad.

Di chuyển filter dọc theo trục của holder để sao cho đường phân cực của filter khớp với đường chân trời, hoặc bạn có thể thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp từng điều kiện cụ thể như trường hợp tiền cảnh có một số vật thể chắn ngang, hay việc chọn filter cứng hay mềm tuỳ vào chụp seascape hay cityscape.

Sau khi đã cố định được thông số, góc chụp, vị trí filter, tiến hành chụp qua dây bấm mềm để tránh rung máy. Kiểm tra lại kết quả thu được để có những điều chỉnh cần thiết nếu cần chụp lại.

Tuy vậy thì trong thực tế, với một nhiếp ảnh gia có nhiều kinh nghiệm thì không cần nhiều bước như trên để chụp một bức ảnh phong cảnh sử dụng filter GND. Họ sẽ dễ dàng đoán được độ chênh sáng khi nhìn vào bầu trời và tiền cảnh để quyết định sử dụng loại filter GND phù hợp. Việc xác định tốc độ chụp cũng chỉ cần chụp thử một bức là có thể điều chỉnh hợp lý để cho ra được những bức ảnh với hiệu ứng nước, sóng biển theo ý muốn (nếu chụp phong cảnh biển). Quá trình chụp có thể diễn ra rất nhanh từ việc khảo sát địa điểm, cố định góc chụp, lắp filter, đo sáng và bấm máy thôi.

Giai đoạn hậu kỳ ảnh chụp

Sau khi chụp được ảnh đúng sáng, lấy nét tốt và giữ được đủ chi tiết cần thiết của khung hình, đó là bạn mới chỉ hoàn thành được một nửa. Một phần quan trọng không kém là bạn cần hậu kỳ bức ảnh đã chụp được bằng các phần mềm chuyên dụng như Lightroom và Photoshop. Sẽ có rất nhiều việc phải làm ở công đoạn này để đảm bảo sản phẩm cuối cùng có độ sâu, tương phản tốt, no màu và không bị méo (distortion). Bạn có thể tham khảo bài viết về workflow các bước hậu kỳ ảnh phong cảnh và các bài viết tiếp theo của tôi.

Hy vọng bài viết hữu ích với bạn!

Chưa có câu trả lời nào