Giúp mình thuyết minh tuyến DL Vĩnh Long_Phan Rang_Tháp Chàm(Ninh Thuận) nhé!Cảm ơn trước nha!

BT
BT
Trả lời 15 năm trước
[b] Giới thiệu về Ninh Thuận [/b] Ninh Thuận là một tỉnh Duyên Hải Miền Trung Việt Nam. Phía Bắc giáp với Cam Ranh, Khánh Hòa. Phía Nam giáp với Bình Thuận. Phía Tây giáp Lâm Đồng và phía Đông giáp biển Đông. Phan Rang Tháp Chàm là thủ phủ của tỉnh Ninh Thuận, nằm trên trục giao lộ chính Bắc Nam. Phan Rang cách thành phố Hồ Chí Minh 350km, cách Nha Trang 105km theo quốc lộ số 1A và cách Đà Lạt 110km theo quốc lộ 27. Từ vị trí địa lý thuận lợi trên, đã ban tặng cho Ninh Thuận các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, trao đổi văn hóa và thiết lập mối quan hệ khác với các tỉnh lân cận trong khu vực và theo kịp tíên trình hội nhập quốc gia. Ninh Thuận là một tỉnh có điều kiện khí hậu khô ráo, nắng nóng nhất nước. Chế độ khí hậu này rất thích hợp cho các lọai cây trồng và vật nuôi chịu hạn như cây nho, mía đường, cây thuốc lá, cây bông (vải) và các vật nuôi như dê, bò, cừu… Trong chiến lược phát triển Kinh tế Xã hội của tỉnh, du lịch được đánh giá là một ngành có nhiều lợi thế để phát triển với chuỗi bãi biển, sông suối trong xanh sạch đẹp, không bị ô nhiễm. Có nhiều bãi tắm sạch đẹp nổi tiếng cả nước như bãi tắm Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy và Bình Tiên. Với chế độ khí hậu khô khan, thóang mát cùng với hệ thống lăng tháp và các di tích văn hóa khác đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển các lọai hình tour du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng… Ninh Thuận có tiềm năng lớn để phát triển du lịch và đã hấp dẫn các nhà đầu tư – là miền đất hứa trong một tương lai gần đây. Ninh Thuận có tiềm năng lớn để phát triển du lịch đặc trưng. Nhiều bãi tắm nổi tiếng có thể tắm quanh năm như bãi Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên. Ơ Ninh Thuận có hệ thống tháp Chàm và di tích lịch sử Champa nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo và lọai hình sinh họat văn hóa, văn nghệ phong phú của người Chăm tại địa phương. Địa lý tự nhiên cũng đã tạo cho nơi đây nhiều danh lam thắng cảnh như Đèo Ngọan Mục, Vịnh Vĩnh Hy, Suối nước nóng Tân Mỹ Á, Đồi cát Nam Cương và nhiều làng nghề truyền thống được lưu giữ từ lâu đời như làng Gốm Bầu Trúc, làng Dệt Mỹ Nghiệp và hệ thống tháp Chàm cổ kính. Đó là những yếu tố thuận lợi để phát triển lọai hình du lịch văn hóa và tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bờ biển Với chiều dài 105km bao trọn phía đông của tỉnh, có nhiều vòng eo tự nhiên tạo ra hàng chục vịnh, bãi tắm đẹp có giá trị khai thác du lịch to lớn. Từ phía bắc vào, đầu tiên là bãi biển Cà Tiên có chiều dài gần 40km còn đầy vẻ nguyên sơ với làn nước trong xanh và bãi cát trắng trải dài thoai thoải, từng hàng dừa ven bờ vươn mình ra biển khơi. Biển nơi đây có sóng khá mạnh, thích hợp với các môn thể thao trên biển như du thuyền, lướt sóng. Nép mình bên bãi biển là những làng chài còn nguyên vẻ cổ kính, người dân chài sống bao đời bên những thuyền thúng, tấm lưới gợi cho khách tham quan nhiều điều thú vị. Xích xuống phía nam là vịnh Vĩnh Hy, một thắng cảnh tuyệt đẹp của huyện Ninh Hải. Cùng với Hạ Long, Cam Ranh, Vân Phong..., vịnh Vĩnh Hy được đánh giá là một trong những vịnh đẹp nhất của Việt Nam. Một quần thể thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp với dải cát trắng bao quanh, núi đá uy nghiêm, sừng sững ôm lấy vịnh, biến nơi này thành một tấm gương bạc khổng lồ. Đến đây du khách có thể tắm biển, lặn biển ngắm san hô hay leo núi tham quan rừng, tắm suối. Nằm ở đoạn giữa của bờ biển Ninh Thuận là bãi biển được xếp một trong 9 bãi tắm đẹp nhất của Việt Nam - bãi tắm Ninh Chữ - Bình Sơn. Với chiều dài trên 10km chạy dọc bờ biển, bãi cát trải dài, thoai thoải, mịn màng, sóng vỗ rì rào êm ả quanh năm hòa âm cùng những hàng dương vi vu. Ninh Chữ - Bình Sơn đang là điểm du lịch biển hấp dẫn, nhiều khu du lịch, resort lớn đang mọc lên như: Đen Giòn, Hoàn Cầu, khu du lịch Ninh Chữ. Xung quanh còn có núi đá Chồng, Tân An, Cà Đú với những dải đá hình thù kỳ dị tạo cho du khách sự thích thú. Nằm giáp phía nam của tỉnh, bãi biển Cà Ná thuộc huyện Ninh Phước được mệnh danh là “Nàng công chúa ngủ quên” bởi nguyên vẻ hoang sơ đến tuyệt mỹ. Bãi Cà Ná, được tạo thành do một dãy núi Trường Sơn lao ra ôm sát biển, đường tàu lửa và đường bộ sát chân núi tạo cho bãi biển những đường cong mỹ thuật. Đến với Cà Ná, du khách sẽ được tắm mình dưới làn nước trong xanh, có độ mặn cao hơn các vùng biển khác từ 3 - 4 độ, chiêm ngưỡng những mỏm đá xếp chồng lên nhau đủ hình thù hoặc tổ chức leo núi, du thuyền... Cà Ná được đánh giá là nơi tốt nhất ở Ninh Thuận để xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng. Các cồn cát Là vùng nắng nóng, nhiều nơi bị sa mạc hóa đã tạo ra cho Ninh Thuận nhiều cồn cát và bình nguyên tuyệt đẹp, thích hợp cho du lịch dã ngoại. Một trong những cồn cát đẹp nhất là cồn cát di động Phước Dinh, tọa lạc trên diện tích khoảng 10km2 thuộc huyện Ninh Phước. Ở đây có những dải cồn cát cao 20m - 30 m, bên thoải bên dốc chạy dài nối tiếp nhau thành những sóng cát. Do ảnh hưởng của gió nên hàng ngày những cồn cát này có thể lùi vào đất liền hoặc tiến ra biển khiến cho địa hình thay đổi liên tục, một hiện tượng tự nhiên mà du khách cực kỳ thích thú. Nơi đây còn có ngọn hải đăng Mũi Dinh trăm năm tuổi, là nơi chỉ đường dẫn lối cho tàu thuyền. Khu vực này hiện đang có dự án đầu tư khu du lịch kết hợp cơ khí tàu biển trị giá trên 2.000 tỷ đồng, tương lai không xa đây sẽ là nơi giao lưu văn hóa, kinh tế và là vùng du lịch hấp dẫn của dải đất miền Trung. Ngoài Phước Dinh, cồn cát Nam Cương - Phú Thọ cách trung tâm Phan Rang - Tháp Chàm 8km về hướng đông nam cũng được nhiều du khách biết đến. Được hình thành từ những đồi cát nhấp nhô, những luống cát mịn màng như quấn lấy chân người chạy dọc bờ biển, điểm xuyết lên đó là những cụm xương rồng với những bông hoa đỏ chói ánh lên giữa cái nóng nực của bãi cát. Với những nét hoang sơ và những dải cát kỳ thú do thiên nhiên tạo ra đang là vùng du lịch hấp dẫn đầy tiềm năng. Mỗi năm hàng trăm bức ảnh, thước phim nghệ thuật đoạt những giải thưởng lớn trong nước và quốc tế được chụp, quay từ những cồn cát có một không hai ở Việt Nam này. Thác và suối Mặc dù là vùng khô hạn, nhưng Ninh Thuận lại được thiên nhiên hào phóng ban cho nhiều thác nước và suối có cảnh quan đẹp, thích hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Nổi tiếng là thác Sakai bắt nguồn từ đèo Ngoạn Mục, hạ lưu của nó tiếp giáp với thủy điện Đa Nhim. Thác Sakai có chiều cao cả trăm mét, dòng nước đổ xuống ầm ầm giữa một vùng thiên nhiên hoang dã, cùng với những loại hoa cỏ cây, chim chóc tạo cho nơi này một cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Kế đó đèo Ngoạn Mục hùng vĩ với những cung đường uốn lượn cũng là nơi mà khách ưa ngoạn cảnh. Thác Tiên nằm gần Quốc lộ 27A đi Đà Lạt, cách Phan Rang 30km, dòng thác trên cao đổ xuống uốn lượn như mái tóc nàng tiên. Đi gần 10km nữa theo hướng lên Đà Lạt là suối nước nóng Tân Sơn, đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm được dùng để trị bệnh, thư giãn. Mỗi ngày hàng trăm du khách đến đây để ngoạn cảnh và tắm nước nóng. Gần suối nước nóng Tân Sơn là suối Thương, được hình thành từ những dòng suối cuồn cuộn trải dài trên những phiến đá tạo nên những đợt sóng trào dâng như nhớ thương ai. Với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, ngày lễ, tết nam thanh nữ tú kéo nhau lên cắm trại vui chơi trong một vùng sinh thái trong lành. Cùng với các bãi tắm, cồn cát, hệ thống thác, suối của Ninh Thuận là nguồn tài nguyên phong phú và quan trọng, góp phần làm đa dạng thêm cho hoạt động du lịch của vùng đất độc đáo này. ST.
BT
BT
Trả lời 15 năm trước
[b] Di tích Tháp Chàm Pô Klong Ga-rai, Ninh Thuận[/b] Từ Phan Rang du khách đi ô-tô lên hướng TP. Ðà Lạt theo quốc lộ 27, đến ki-lô-mét số sáu rẽ phải, hoặc từ Ðà Lạt xuống rẽ trái khoảng 400m theo con đường nhựa sẽ đến tận chân tháp. Di tích tháp Pô Klong Ga-rai là quần thể tháp Chàm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, nằm trên đồi nhỏ với độ cao 100m, gọi là đồi Trâu (Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Ðây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm. Quần thể này hiện còn ba tháp: Tháp chính (nơi vua ở - đây là tháp để thờ phượng và hành lễ trong năm); Tháp lửa (bếp lửa của vua) và Tháp cổng (nơi vua tiếp khách) được xây dựng để thờ Vua Pô Klong Ga-rai (Pô Klong Ga-rai là tên gọi của dân tộc Chăm đối với Vua Sinhavarman III (tên hiệu tiếng Phạn) - vị vua có công lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy ở địa phương. Truyền rằng, lúc ngài được mọi người tôn lên làm vua, quan đại thần Pô Dam không phục. Ðể đánh bại kẻ dèm pha mình, ngài liền thi tài xây tháp với Pô Dam. Ngài đã đốc thúc dân chúng xây một khu tháp đồ sộ và xong trước tháp Pô Dam. Một lần, người Khmer xâm chiếm lãnh thổ Chiêm thành, Pô Klong Ga-rai ra điều kiện để thi xây tháp. Nếu ngài xong trước thì người Khmer phải rút quân về, còn nếu ngài thua thì phải nhượng đất cho họ. Ỷ vào số đông và tài xây tháp của mình, người Khmer nhận lời thách. Pô Klong Ga-rai truyền cho dân chúng lấy tre làm khung, lấy giấy phết làm gạch. Chờ người Khmer sắp hoàn thành tháp của họ, nhân đêm tối ngài cho dựng mấy cây tháp bằng tre, giấy lên. Sáng sớm tinh sương, người Khmer ngủ dậy, thấy tháp của người Chăm đã mọc lên sừng sững. Họ đành chịu thua và rút quân về nước. Sau khi đã lo cho dân được ấm no, Vua Pô Klong Ga-rai hóa thân về trời và trở thành vị thần che chở cho dân chúng. Nhớ ơn vua, dân chúng tạc tượng ngài, thờ trong ngôi tháp, mà chính ngài đã dựng lên trong cuộc đọ tài với Pô Dam. Từ đó ngôi tháp mang tên ngài - tháp Pô Klong Ga-rai. Di tích tháp Pô Klong Ga-rai gắn liền với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận với những đường nét kiến trúc hình vòm, hình chóp nhọn, phù điêu trang trí mượn của nền văn hóa Chămpa cổ và văn hóa dân tộc Việt. Hằng năm, nhân dân Chăm đều tổ chức các ngày lễ hội ngay tại tháp để tưởng nhớ đến công ơn của vị Vua Pô Klong Ga-rai. Mỗi năm, đồng bào Chăm có bốn lễ hội đặc biệt với những nghi thức riêng, bao gồm: Lễ Ðầu năm (vào tháng giêng theo lịch Chăm) là lễ mở cửa tháp để bắt đầu một năm mới với những thành quả mới của dân tộc mình; Lễ cầu mưa (vào tháng Tư theo lịch Chăm) là lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội Katê được tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm (tháng 10 dương lịch), đây cũng được xem là lễ tết lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm. Trong lễ hội Katê, tất cả những người Chăm hiện đang sinh sống ở nhiều miền quê khác nhau đều hội tụ đông đủ về đây để gửi gắm những tâm sự thiêng liêng của mình và của gia đình đối với tổ tiên. Trong suốt ba ngày diễn ra lễ hội, du khách đến tham quan còn được thưởng thức điệu múa quạt, vũ điệu siva thướt tha dịu dàng của các cô gái Chăm cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo khác. Cuối cùng là lễ Chabun (tổ chức vào tháng 9 theo lịch Chăm) đây là ngày lễ cha, theo tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Sau khi tham quan tháp Pô Klong Ga-rai, du khách đến các làng nghề truyền thống, chứng kiến các nghệ nhân là những thiếu nữ Chăm ở làng gốm Bầu Trúc, làng dệt thổ cẩm làm nên những sản phẩm độc đáo mang sắc thái riêng của người Chăm. Tại làng gốm Bầu Trúc, nằm ở trung tâm thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) du khách tự tay nhồi đất, nắn các hình gốm tùy thích từ đất sét đặc biệt ở làng gốm này và tha hồ lựa chọn những sản phẩm gốm Bầu Trúc, nhất là được thưởng thức cái nắng và gió rất đặc biệt của miền đất Ninh Thuận này.
vu minh duc
vu minh duc
Trả lời 15 năm trước
[:-/]Di tích tháp Poklongarai là quần thể tháp Chàm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, nằm trên đồi Trầu, (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận). Đây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm. Quần thể này gồm ba tháp: Tháp chính (nơi vua ở, cao 20,50 m, dài 13,80 m, rộng 10,71 m - đây là tháp để thờ phượng và hành lễ trong năm); Tháp lửa (bếp lửa của vua, cao 9,13 m, dài 8,18 m, rộng 5 m) và Tháp cổng (nơi vua tiếp khách, cao 5,65 m, dài 5,10 m, rộng 4,85 m) được xây dựng để thờ vua Poklongarai (poklongarai là tên gọi của dân tộc Chăm đối với Vua SINHAVARMAN III (tên hiệu tiếng Phạn) trị vì, từ 1152 đến 1205 - vị vua có công lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy ở địa phương. Theo truyền thuyết của dân tộc Chăm, có một cặp vợ chồng nông dân nhìn thấy một đứa trẻ sơ sinh nằm trên bọt nước, trôi từ thượng nguồn dòng sông Dinh (chảy qua địa phận huyện Ninh Sơn và qua thị xã Phan Rang - Tháp Chàm đổ ra bể). Tiếng khóc của đứa trẻ đã làm động lòng cặp vợ chồng làm rẫy gần đấy và họ đã đem bé về nuôi. Họ đâu biết, đứa trẻ này được bề trên phái xuống để thử lòng dạ người trần. Trời làm cho đứa bé bị ghẻ lở đầy người, mà các thầy thuốc giỏi trong vùng đều không thể chữa khỏi, cốt ý để xem cặp vợ chồng này đối xử như thế nào với đứa bé. Sau đó, trời cho Rồng vàng xuống trần, liếm hết những vết ghẻ lở trên người của cậu bé đang chăn trâu rồi nằm nghỉ trưa ở ngoài đồng. Cậu bé sau đó trở nên khôi ngô tuấn tú khác thường... Sau khi vị vua trị vì mất, nghe lời của một vị chiêm tinh, cậu bé (sau này đã trưởng thành) được phong làm vua, lấy tên hiệu là Poklongarai... Huyền thoại dân tộc Chăm ở Ninh Thuận còn gắn liền với sự nghiệp xây dựng tháp và giữ đất của vua Poklongarai khi người Tàu đến chiếm đất của người Chăm. Theo truyền thuyết, vua Tàu và vua Chăm đưa ra một cuộc thi xây tháp, bên nào xây xong tháp trước trong thời gian đã quy định thì bên ấy được ở lại giữ đất, ngược lại bên nào xây chậm hơn thì phải rút quân đi. Vua Tàu đốc thúc quân lính đào đất nung gạch, xây tháp suốt bốn tháng trời mà tháp vẫn chưa xong. Trong khi đó vua Poklongarai thì ung dung thong thả. Vào đêm cuối cùng của thời giao hẹn, Poklongarai mới cho quân dựng lên một khung tháp với chất liệu gỗ và trét phên tre lên rồi phủ thêm vải đỏ bên ngoài. Đến sáng ngày hôm sau quân Tàu từ xa đã trông thấy tháp của vua Chăm trụ sừng sững trên đồi mà không hiểu vua Chăm đã có phép lạ gì mà xây tháp nhanh như thế. Không biết mình đã bị lọt bẫy vì cái kế: "Xây tháp giả bằng gỗ" của Poklongarai. Cuối cùng, vua Tàu đành phải chấp nhận rút quân đi khỏi đất của người Chăm như đã giao kết. Di tích tháp Poklongarai gắn liền với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm ở địa phương. Hằng năm, nhân dân Chăm đều tổ chức các ngày lễ hội ngay tại tháp để tưởng nhớ đến công ơn của vị vua Poklongarai. Mỗi năm, đồng bào Chăm có bốn lễ hội đặc biệt với những nghi thức riêng, bao gồm: Lễ Đầu năm (vào tháng giêng theo lịch Chăm) là lễ mở cửa tháp để bắt đầu một năm mới với những thành quả mới của dân tộc mình; Lễ cầu mưa (vào tháng 4 theo lịch Chăm) là lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội Katê (tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm), đây cũng được xem là lễ Tết lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm. Trong lễ hội Katê, tất cả những người Chăm hiện đang sinh sống ở nhiều miền quê khác nhau đều hội tụ đông đủ về đây để gửi gắm những tâm sự thiêng liêng của mình và của gia đình đối với tổ tiên. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, du khách đến tham quan còn được thưởng thức điệu múa quạt, vũ điệu siva thướt tha dịu dàng của các cô gái Chăm cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo khác. Cuối cùng là Lễ Chabun (tổ chức vào tháng 9 theo lịch Chăm) đây là ngày lễ cha, theo tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Nếu có dịp ghé thăm khu di tích Tháp Poklongarai, du khách sẽ được thưởng thức những đường nét ngoạn mục với lối kiến trúc hình vòm, hình chóp nhọn, phù điêu trang trí mượn của nền văn hóa Chămpa cổ và văn hóa dân tộc Việt, được thưởng thức cái nắng và gió hơi "ngang tàng" nhưng rất đặc biệt của xứ sở Ninh Thuận này. Chac chan ban se duoc 10 diem