Công ty chứng khoán có được bán cổ phiếu của nhà đầu tư?

Tôi có mở tài khoản tại một công ty chứng khoán. Trong quá trình kinh doanh, công ty và tôi (cũng như các nhà đầu tư khác) có thỏa thuận hợp tác về “hỗ trợ vốn” mà thực chất là công ty cho nhà đầu tư vay tiền để mua chứng khoán.

Để được vay tiền, tôi phải ký “Giấy đề nghị hợp tác” (theo mẫu có sẵn của công ty chứng khoán) Theo đó, tôi được công ty “hỗ trợ” vốn để mua chứng khoán và có nghĩa vụ thanh toán phí dịch vụ cho công ty là 1,5%/tháng trên tổng số tiền được hỗ trợ.

Sau khi được hỗ trợ, tôi phải dùng chính số chứng khoán mua được cũng như số tiền đang và sẽ có trong tài khoản để làm tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán. Trong trường hợp chứng khoán dùng làm tài sản bảo đảm giảm xuống dưới 20% thị giá so với thời điểm nhận hỗ trợ vốn thì tôi phải nộp thêm tiền để đảm bảo giá trị tài sản bảo đảm bằng 50% giá trị vay.

Nếu sau khi đã được thông báo mà tôi vẫn không bổ sung tài sản bảo đảm thì công ty chứng khoán sẽ bán chứng khoán để thu hồi nợ.

Với thỏa thuận trên, tôi đã được công ty cho vay một số tiền để mua chứng khoán.

Do thị trường đi xuống, tôi không có tiền thanh toán cho công ty nên công ty chứng khoán đã tự động chuyển nhượng cổ phiếu trong tài khoản của tôi để thu hồi nợ.

Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường chứng khoán lại tăng điểm, nên việc làm trên của công ty chứng khoán đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tôi cũng như một số nhà đầu tư khác.

Vậy, tôi xin hỏi theo quy định của pháp luật thì việc công ty hỗ trợ vốn và bán cổ phiếu của tôi là đúng hay sai, pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào? Tôi cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Tôi xin chân thành cảm ơn.

Nguyễn Thị Minh Thu

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này”

Theo quy định tại khoản 4 Điều 73 Luật Chứng khoán năm 2006 thì Công ty chứng khoán “Không được cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán, trừ trường hợp Bộ Tài chính có quy định khác” (đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có quy định nào cho phép việc này).

Như vậy, việc công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay tiền để mua chứng khoán là đã vi phạm điều cấm của Luật Chứng khoán. Theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự thì giao dịch dân sự có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật thì vô hiệu.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì cả hai giao dịch “hỗ trợ vốn” (giao dịch giả tạo) và “cho vay tiền” (giao dịch bị che giấu) giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư đều bị xác định là vô hiệu.

Điều 137 Bộ luật Dân sự quy định về “Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu” thì “giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.

Quy định trên có nghĩa, nếu giao dịch dân sự “cho vay tiền” được xác định là vô hiệu thì bạn chỉ phải hoàn trả số tiền đã vay cho công ty chứng khoán chứ không phải trả khoản tiền phí dịch vụ 1,5%/tháng mà thực chất đây là tiền lãi vay. Trường hợp bạn đã thanh toán khoản tiền lãi vay cho công ty chứng khoán thì công ty này có nghĩa vụ phải hoàn lại cho bạn.

Về thiệt hại, tùy theo mức độ lỗi mà bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.

Đối với việc công ty chứng khoán chuyển nhượng cổ phiếu của bạn trong trường hợp này pháp luật quy định như sau:

Như chúng tôi đã phân tích ở trên, việc công ty chứng khoán cho bạn vay tiền để mua chứng khoán là trái luật, toàn bộ giao dịch dân sự này bị vô hiệu, do vậy thỏa thuận về việc công ty chứng khoán được quyền chuyển nhượng cổ phiếu của bạn cũng đương nhiên vô hiệu.

Do vậy, về nguyên tắc bạn có nghĩa vụ trả lại số tiền vay cho công ty chứng khoán còn số cổ phần mà bạn mua được từ số tiền vay thuộc quyền sở hữu của bạn, công ty chứng khoán không có quyền chuyển nhượng để thu hồi vốn bất luận thị trường sụt giảm đến đâu. Nói cách khác, công ty chứng khoán không có quyền định đoạt số cổ phiếu này.

Đối với hoạt động “hỗ trợ vốn” của công ty chứng khoán, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền có đủ cơ sở để xác định việc hỗ trợ vốn thực chất là cho vay tiền thì theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 36/2007/NĐ-CP ngày 08/03/2007 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán thì hành vi này có thể bị xử phạt từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng tùy tính chất và mức độ vi phạm.

Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong trường hợp bạn đàm phán với công ty chứng khoán không đạt kết quả, bạn có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để đề nghị tòa án xét xử, tuyên giao dịch dân sự “cho vay tiền” vô hiệu và giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu như đã phân tích ở trên.

Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An
41 Trần Hữu Tước, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội