Tăng trưởng TTCKVN: từ hiện tượng đến bản chất

VQH_IVN.jpgNăm 2006, chỉ số giá chứng khoán tăng gần 150% và riêng trong tháng 1 năm 2007, chỉ số này tăng tiếp 38%. Ông nhìn nhận thế nào về sự tăng trưởng đột biến này? Xét về khía cạnh tâm lý, sự bùng nổ của TTCK vừa qua xuất phát từ 3 lý do chính. Thứ nhất, tâm lý chung của người Việt Nam là rất muốn kiếm tiền nhanh, chóng thoả mãn với những gì mình kiếm được và luôn muốn đi tìm những thứ dễ kiếm hơn. Thứ hai, cơ hội tự kinh doanh trong nền kinh tế rất khó. Nếu một người tự đứng ra xoay sở kinh doanh thì mới hiểu được sự khó khăn của việc kinh doanh. Thứ ba, năng lực giao dịch của thị trường không được đáp ứng đầy đủ mà nguyên nhân chính là do hệ thống khớp lệnh định kỳ và tình trạng “nghẽn” cổ chai tại TTGDCK TP. HCM. Điều này đã khiến cho cán cân cung – cầu trở nên lệch lạc và tác động không nhỏ tới mức độ biến động của giá chứng khoán. Ông nhìn nhận mức độ rủi ro trên TTCK Việt Nam hiện nay như thế nào? Mức độ rủi ro trên TTCK là lớn. Chức năng quan trọng nhất của TTCK là phải tạo ra tính thanh khoản cho chứng khoán. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tính thanh khoản của chứng khoán còn rất thấp. Thị trường có thể đạt giá trị giao dịch 1.000 tỷ đồng/phiên, nhưng nếu so với quy mô toàn thị trường (gần 30.000 tỷ đồng) hoặc so với nhu cầu giao dịch thực của nhà đầu tư sẽ thấy rằng, thanh khoản trên TTCK Việt Nam vẫn rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, do thiếu nhà tạo lập thị trường nên một đặc trưng riêng có của TTCK Việt Nam là khi giá cổ phiếu cao thì hầu như không ai bán, còn khi giá thấp lại rất hiếm người mua. Những yếu tố này khiến thị trường dễ rơi vào trạng thái giao dịch một chiều và đứng về mặt thống kê toán học thì các bước nhảy lớn, dù theo chiều hướng nào, cũng luôn hàm chứa rủi ro. Như ông cũng thấy, sự phát triển ngoài dự kiến của TTCK đã khiến cơ quan quản lý thị trường này liên tục đưa ra những lời cảnh báo. Dư luận thì cho rằng, cảnh báo như vậy là không cần thiết, vì thị trường có nguyên tắc của nó. Ý kiến của ông thế nào? Trên đời này không có máy in tiền (money machine). Nền kinh tế nước ta dù tăng trưởng ở mức cao so với thế giới cũng chỉ đạt tốc độ bình quân 7,5 - 8%/năm, vì vậy không thể có cơ sở nào mà giá cổ phiếu cứ tăng liên tục 30%/tháng. Khi mà TTCK còn nhỏ, tổng mức vốn hoá 1 - 2% GDP thì chưa đáng ngại, nhưng bây giờ, quy mô thị trường đã trên 20% GDP, thì việc tăng giá quá mức như trên đang tạo nên sự thịnh vượng trên mây. Sự thịnh vượng này gắn với đặc tính hoảng loạn. Hoảng loạn là đặc tính duy nhất làm cho thị trường tài chính và TTCK khác với thị trường hàng hoá thông thường. Nếu hàng hoá giảm giá người ta có thể mua vào dù không thật cần thiết (có thể đem cho hoặc thay thế cái cũ), nhưng sản phẩm tài chính khi đã giảm giá thì nhiều người sẵn sàng bán tống, bán tháo mặc dù trước đó họ từng tin rằng sản phẩm này tốt. Tâm lý hoảng loạn hết sức nguy hiểm đối với thị trường Việt Nam, vì tính thanh khoản còn thấp và không có nhà tạo lập thị trường. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã có cảnh báo việc các NHTM đổ tiền vào chứng khoán, nhưng xem ra hiện tượng này vẫn không suy giảm. Việc NHTM tham gia kinh doanh trên TTCK, hoặc cấp vốn cho TTCK sẽ tạo ra hiệu ứng bình thông nhau giữa một bên là tiền gửi của người dân - đồng tiền mà người ta cần sự an toàn với khoản thu nhập cố định (fixed income) với một bên là kênh đầu tư có nhiều rủi ro không thể lường trước. Đứng trên quan điểm của một nhà kinh tế, tôi thấy việc thị trường phình ra quá lớn, bất chấp những cảnh báo từ cơ quan quản lý là điều rất đáng lo ngại. Một số quan điểm trấn an thị trường rằng, giá cổ phiếu tăng mạnh vừa qua là do nhiều DNNN Việt Nam trước đây được bán với giá thấp (99% DN niêm yết xuất phát từ DNNN cổ phần hoá), nay đang được thị trường định giá lại. Vậy ông đánh giá như thế nào về chất lượng của DN Việt Nam nói chung? Nếu đo chất lượng bằng quy mô thì trong năm qua loại “chất lượng này” tăng mạnh. Tuy nhiên, nếu đo chất lượng DN trên những tiêu chí chuẩn như chiến lược kinh doanh; quy hoạch ngành hàng; giá trị cốt lõi; tầm nhìn chiến lược… thì rất đáng ngại. Tôi có dịp tiếp xúc với lãnh đạo nhiều DN lớn của Việt Nam và họ đều chia sẻ sự lo lắng về tương lai của DN trong bối cảnh chúng ta đang bước vào cuộc chơi toàn cầu (vào WTO). Nhiều DN, cả quy mô lớn và nhỏ, đang lợi dụng sự hào hứng của nhà đầu tư để phát hành cổ phiếu tăng vốn và DN được thu về những khoản thặng dư vốn rất lớn. Ông có thấy điều gì bất thường trong câu chuyện này không? Điều bất thường trong câu chuyện này là có thể DN không có được dự án kinh doanh hiệu quả; có thể DN đang rất lo lắng về khả năng tồn tại hay phát triển sắp tới của mình, nhưng họ lại dễ dàng tạo ra một diện mạo đẹp để thu hút công chúng mua cổ phiếu với giá cao. Việc phát hành cổ phiếu sẽ giúp DN thu về một lượng tiền lớn, khiến người chủ DN được yên tâm hơn trong bối cảnh DN chưa định vị được khả năng cạnh tranh cũng như hội nhập trong một vài năm tới. Cũng bằng cách này, rủi ro của DN đã được chia sẻ lại cho những nhà đầu tư bỏ tiền vào mua cổ phiếu và những nhà đầu tư này lại đang kỳ vọng rằng, sẽ bán được cổ phiếu cho người đến sau với giá cao hơn. Ông có chủ quan không khi cho rằng, nhà đầu tư Việt Nam quá hào hứng và quên mất câu chuyện rủi ro tiềm ẩn? Sự thật là nhiều người đang khát khao lợi nhuận đến mức tin rằng, TTCK là nơi in ra tiền. Họ bỏ bê công việc cơ quan, thậm chí sao nhãng cả việc gia đình và tìm mọi nguồn tiền có thể để “đổ” vào chứng khoán. Điều đáng sợ là nhiều người không nghĩ rủi ro sẽ xảy ra với mình, bởi ai cũng tin rằng, mình sẽ kịp thoát khỏi thị trường trước khi rủi ro xảy ra. Một minh chứng cho tâm lý này là trên truyền hình sáng nào cũng có bản tin thống kê lượng người chết vì tai nạn giao thông, nhưng ai cũng nghĩ đó là người khác chết, chứ không phải mình, thậm chí không cảm thấy đây là nguy cơ rất gần nếu mình không cẩn trọng. Trong cơn sốt cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu của những DN phát hành thêm, thậm chí những DN mới xin được giấy phép hoạt động cũng có giá cổ phiếu gấp vài lần mệnh giá. Trong trường hợp này, rõ ràng, người mua đã không biết mình mua cái gì mà chỉ có một suy nghĩ là mua rồi bán ngay để kiếm chênh lệch. Chính lòng tham không có căn cứ này là năng lượng bơm cho quả bóng chứng khoán mỗi lúc một phình to và tạo nên sự bất trắc lớn cho TTCK. Hiện nay, dư luận chỉ nhìn thấy sự hào hứng của nhà đầu tư mà không nhìn thấy bản chất của sự tăng trưởng. Cái gì dựa trên tâm lý thì khi tâm lý thay đổi (tâm lý vốn là thứ dễ thay đổi nhất) sẽ thay đổi theo. Nhưng ngay cả những tổ chức đầu tư toàn cầu như Merrill Lynch cũng đưa ra những dự báo rất tích cực về TTCK Việt Nam và thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đổ vốn vào thị trường này? Bản chất đánh giá của Merrill Lynch là tĩnh trong khi TTCK lại biến động hàng giờ, thậm chí hàng phút. Hơn nữa, tầm nhìn của Merrill Lynch với tầm nhìn của đại đa số nhà đầu tư Việt Nam hiện nay hoàn toàn khác nhau: họ đầu tư để hướng đến thành quả sau 5-10 năm nữa, còn ta đầu tư chỉ mong kiếm tiền thật nhanh và thật nhiều. Một chi tiết khác là Merrill Lynch đưa ra báo cáo tích cực về TTCK Việt Nam, nhưng thử hỏi định chế này có thực sự đầu tư vào TTCK Việt Nam hay không? Thông thường, các định chế tài chính lớn như Merrill Lynch chỉ dành những khoản tiền rất nhỏ để đầu tư vào những TTCK mới nổi như Việt Nam, chủ yếu mang tính chất thăm dò hoặc thử nghiệm. Còn việc có đến gần 2.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường Việt Nam, theo góc nhìn cá nhân tôi, mang tính chất cơ hội là chính, chứ chưa thực sự muốn đầu tư lâu bền. Như ông nói thì có vẻ TTCK đang phát triển khá bấp bênh. Vậy ông có khuyến cáo gì cho nhà đầu tư, DN cũng như cơ quan quản lý? Nhà đầu tư cần biết rõ mình đang mua cái gì và mua vì mục đích gì. Các DN cần nâng cao chất lượng quản trị và hạn chế trào lưu gom tiền bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. Cơ quan quản lý cần hiện đại hoá hệ thống giao dịch trên TTCK, để có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu mua – bán của nhà đầu tư (hiện nay có tình trạng nhiều CTCK chỉ nhận lệnh trong lần khớp lệnh thứ nhất, lần hai và lần ba không nhận lệnh, vì không xử lý kịp); nên thay biên độ giá 5% bằng mức lớn hơn (35% chẳng hạn và dùng cơ chế cầu chì ngắt giao dịch) để buộc nhà đầu tư phải cẩn trọng khi giao dịch; nên xây dựng hệ thống nhà tạo lập thị trường để hạn chế tình trạng giao dịch một chiều. Cuối cùng, nên sớm đưa thêm nhiều hàng hoá vào thị trường để tạo ra những đợt điều chỉnh giá cần thiết, giúp thị trường phát triển bền vững hơn.
Trả lời 15 năm trước
Thực sự là chính tôi cũng không ngờ rằng TTCKVN đã rớt ở sàn HoSE xuống mức 545.68 điểm ngày 21/3/2008; và HaSTC còn 191.92. Có thể nói sự "hào hứng quá mức" đã qua đi, nhưng bài học thì đắt giá với nhiều người. Tôi cũng biết qua quan hệ bạn bè đang lãnh đạo các quỹ đầu tư nước ngoài, họ cũng bị thương nặng về tài chính. Luật bầy đàn rõ ràng không chỉ tác động lên các nhà đầu tư nhỏ trong nước, mà cả các quỹ đầu tư. Chính họ cũng tự hỏi vì sao lại có sự hào hứng bất cẩn trong quá khứ. Tuy nhiên, với nền kinh tế đang tăng trưởng, cơ hội đầu tư mới liên tục xuất hiện và một quá trình hiệu chỉnh dài, cải thiện các thông số đầu tư cơ bản... TTCKVN chắc chắn sẽ tăng trưởng trở lại như một quy luật. Lúc đó thì sự tin cậy của thông tin, bình tĩnh với óc phân tích tốt và những mức kỳ vọng "hợp lý" hay tốt hơn cả là "hợp lý cực đại" hi vọng sẽ không làm tái diễn lại bức tranh "5% mỗi ngày." Sự hấp dẫn của 5% mỗi ngày là cạm bẫy chết người, bây giờ mọi người đã hiểu cả rồi. Cái tăng bất hợp lý là những động tác xây nhà trên cát. Kiến thức và thông tin được phân tích tử tế bao giờ cũng có giá trị của nó, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Chúc TTCKVN tăng trưởng trở lại sớm.