So sánh Android, iOS và Windows Phone 7 ?

nbbnbmn
nbbnbmn
Trả lời 13 năm trước

Trẻ nhất trong số 3 hệ điều hành thế hệ mới nhưng Windows Phone 7 vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục. Hệ điều hành của công ty phần mềm lớn nhất thế giới có giao diện sáng tạo, độc đáo nhưng lại đơn điệu so với sự phong phú của Android và cũng không đơn giản dễ dùng như iOS. Trong bài viết này, eChip Mobile sẽ lần lượt phân tích từng khía cạnh trong giao diện của Windows Phone 7 để bạn có cái nhìn toàn diện hơn.

Ý niệm của người dùng

Có một quy tắc vàng đặc biệt quan trọng trong ngành công nghệ thông tin và marketing mà bất cứ ai cũng phải biết: càng đơn giản càng thành công. iOS đã thực hiện rất tốt điều này khi nó chỉ dành cho 1 chiếc điện thoại duy nhất là iPhone, người dùng rất ít phải quan tâm đến việc chạy đua cấu hình hay các thông số kỹ thuật như Android mà vẫn tận hưởng được những tính năng mới nhất của ngành công nghệ thông tin thế giới. Một người từng dùng iPhone có thể dễ dàng sử dụng bất cứ chiếc iPhone nào khác mà không cần phải quan tâm đến đó là phiên bản thứ mấy, một điều gần như không thể có với sự phong phú về chủng loại của Android.

Trong khi đó, người dùng Android lại gặp tình trạng phân mảnh đáng sợ mà Google không thể kiểm soát được. Bất cứ khách hàng Android nào cũng “nơm nớp lo sợ” chiếc máy của mình sẽ tụt hậu so với phần còn lại của thế giới, nhất là khi hàng trăm nhà sản xuất khác nhau tập trung vào cuộc đua cấu hình. Hơn nữa, Google chỉ thường xuyên cập nhật các phiên bản Android mới cho một vài chiếc máy mà ít quan tâm đến những máy cũ hơn. Mặt khác, người dùng Android chắc chắn sẽ bối rối dưới một rừng thiết bị khác nhau. Chính sự khác biệt quá lớn giữa các máy đã gây nên tình trạng phân mảnh làm Google đau đầu mà chúng ta sẽ nói rõ hơn trong phần sau của bài viết.

Windows Phone 7 là một hệ điều hành muốn đi theo tư tưởng của iOS nhưng lại không thể thực hiện được do Microsoft không thể tự mình tạo ra 1 hệ sinh thái mà họ phải nhờ vào các nhà sản xuất phần cứng khác. Windows Phone 7 mang những điều kiện phần cứng khá ngặt nghèo và hệ quả tất cả các máy trên thị trường giống nhau đến 90% về thông số kỹ thuật, chỉ khác về kiểu dáng, công nghệ màn hình. Nhiều lựa chọn nhưng tất cả chúng đều na ná nhau chưa bao giờ là giải pháp tốt. Hơn thế nữa, Microsoft đưa ra các cập nhật về cấu hình hệ thống quá chậm, trong khi Android đã tràn ngập sản phẩm 2 nhân Cortex A9 thì WP7 mới chỉ “lẹt đẹt” Cortex A8 thế hệ đầu tiên từ 2008.

Kết luận: WP7 thua, không gây hấp dẫn cho người tiêu dùng trong khi Android chỉ phù hợp với những ai thích khám phá, am hiểu về công nghệ. iOS sẽ chiếm hết toàn bộ đối tượng khách hàng còn lại nếu tài chính cho phép.

Giao diện tổng thể

Chúng ta hãy nói về WP7 trước, phiên bản mà eChip Mobile chọn là bản mới nhất NoDo, một cái tên rất mỉa mai mà Microsoft dành cho Google (No Donut) với mong muốn không lặp lại sai lầm mà Google đã làm với Android 1.6. NoDo không có nhiều thay đổi về giao diện so với bản gốc trước đó mà chỉ bổ sung một vài tinh chỉnh nhỏ. Giao diện của WP7 vẫn được xếp theo 2 lớp trái phải và quản lý theo chiều dọc (tức dãng danh sách chứ không phải biểu tượng) như chúng ta đã nhiều lần nhắc tới trước đây. Nhìn chung, giao diện này dễ sử dụng và độc đáo nhưng lại gặp quá nhiều bất lợi trong phương thức điều khiển. Các viên ngói Tiles chiếm quá nhiều diện tích không cần thiết và người dùng phải vuốt qua hàng chục các biểu tượng dài dằng dặc chỉ để tìm ra chương trình mình mong muốn. Với cùng một diện tích màn hình, nếu như Android hoặc iOS hiển thị được khoảng 16-20 biểu tượng thì WP7 chỉ khoảng 8 hoặc tệ nhất là 4 viên ngói lớn. Mặt khác, Windows Phone 7 cũng mắc nhược điểm như iOS, không thể tùy biến giao diện ngoại trừ việc sắp xếp biểu tượng chương trình. Cuối cùng, WP7 vẫn mắc căn bệnh nan y từ Windows Mobile trước đây, các nhà sản xuất không thể cài đặt phần mềm trong nhân hệ thống mà máy phải tự bung ra sau khi hard reset, hệ quả là người dùng tốn thêm rất nhiều thời gian chờ đợi vô ích.

iOS mang một vẻ ngoài đơn giản đến đơn điệu nhưng phù hợp với số đông người sử dụng hiển tại. Các biểu tượng trên iOS mang ý nghĩa riêng và được thể hiện rất rõ ràng, dễ hiểu. Trong bản iOS mới nhất thì Apple cũng đã cập nhật việc sắp xếp ứng dụng theo thư mục giúp người sử dụng dễ dàng tìm kiếm phần mềm mình cần hơn. Dù vậy, tất cả các máy iOS đều hao hao nhau do Apple không cho người dùng tự do tùy biến giao diện mà chúng ta buộc phải jailbreak máy để làm điều này. Hơn nữa, cách quản lý ứng dụng của iOS hiện tại cũng khá dở, mọi thao tác đều phải thực hiện qua nút Home, các thao tác back (nếu có) được đặt ở phần trên của màn hình, các ngón tay khó với tới hơn là nút back cứng của WP7 và Android.

Người dùng Android rất hào hứng và tự hào với giao diện chiếc điện thoại của mình luôn được tùy biến tối đa nhất có thể. Giao diện gốc của Android không dễ sử dụng nhưng cũng khá thông minh. Có một bất lợi mà khi xây dựng Android Google không hề nghĩ đến là việc quản lý toàn bộ ứng dụng theo chiều dọc, giống với WP7. Đây là một điểm yếu chí mạng khi không tách bạch rõ các trang ứng dụng với nhau, gây khó khăn cho người dùng. Bù lại, hàng loạt các launcher khác nhau sẵn sàng thay thế giao diện gốc của Android nhằm đáp ứng nhu cầu của bất cứ khách hàng khó tính nào. Sự khác biệt của Android cũng phần nào gây khó khăn cho người dùng khi các nhà sản xuất thường xuyên trang bị giao diện riêng cho các thiết bị của mình mà không có sự thống nhất cần thiết.

Kết luận: iOS thắng vì sự đơn giản, Android là sự tùy biến còn WP7 là độc đáo. Tuy nhiên, không ai lại mua điện thoại thông minh chỉ vì nó độc đáo cả!

Giao diện trên Windows Phone 7 rất độc đáo.

Thông báo (Notification)

Nếu thông minh hơn một chút thì Android đã chiến thắng áp đảo phần thi này so với WP7 ngờ nghệch và iOS ngây thơ. Thanh notification bar là một phát kiến cực kỳ thông minh của Google khi người dùng có thể quan sát toàn bộ cảnh báo cuộc gọi nhỡ, tin nhắn, điều khiển nhạc hay thậm chí là các phím tắt quản lý hệ thống chỉ trong 1 giao diện duy nhất. Notification bar của Android thậm chí còn không gây khó chịu cho người tiêu dùng khi họ hoàn toàn có quyền truy cập hoặc bỏ qua nó, không gây ức chế như menu pop up ép buộc của iOS. Điểm yếu duy nhất của notification bar là nó tự động tương tác với môi trường xung quanh, chẳng hạn như báo các trạm Wi-Fi như WP7 và iOS thực hiện.

Cảnh báo trên iOS là một điểm yếu cực kỳ khó chịu mà Apple vẫn chưa khắc phục được. iOS chọn menu popup thay vì 1 góc nhỏ màn hình của WP7 và 1 trang riêng của Android. Nếu ít sử dụng có thể bạn sẽ thích pop up nhưng nếu thao tác nhiều với điện thoại thì chắc chắn bạn sẽ không thể chịu nổi nó. Lấy một ví dụ, nếu đang phải đọc một file văn bản dài trên iPhone nhưng email hoặc chat cứ liên tục hiện lên trên màn hình thì liệu bạn có đủ kiên nhẫn để thực hiện tiếp hay không?

WP7 luôn thể hiện mình là một hệ điều hành “nửa nạc nửa mỡ”, kể cả trong phần thông báo. Không làm phiền khách hàng, WP7 sử dụng một góc nhỏ trên cùng của màn hình để hiển thị các cảnh báo và phóng to chúng lên trong những lần cảnh báo đầu tiên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì thanh trạng thái báo hiệu tình trạng sóng hay Wi-Fi lại bị ẩn đi, người dùng phải chạm vào để nó xuất hiện trở lại, không trực quan.

Kết luận: Android thắng áp đảo trong phần thi này.

Thanh Notification (phía trên cùng) của Android rất hữu ích.

Đa nhiệm

Nếu như các bản iOS từ 4.0 trở về trước luôn bị than phiền vì khả năng hoạt động đơn nhiệm thì iOS 4.0 đã thay đổi điều đó. Phương thức mà iOS thực hiện có phần giống với Android, không cho các ứng dụng đa điểm thoải mái kiểm soát tài nguyên mà tự động tinh chỉnh để tối ưu hóa tài năng của máy. Tuy nhiên, phương thức quản lý đa nhiệm nhấn nút Home 2 lần của iOS quá dở và không gây được nhiều hứng thú cho người dùng. Mặt khác, ý tưởng quản lý đa nhiệm của iOS tuy hay nhưng phương thức hiện thực hóa chưa tốt, nhiều ứng dụng vẫn ngừng hoạt động nếu thoát ra, chẳng hạn như một số ứng dụng chat.

Android là hệ điều hành đi đầu trong việc áp dụng đa nhiệm kiểu mới, tuy nhiên phương thức Android kiểm soát tiến trình ít khó khăn như iOS. Các ứng dụng trên Android luôn chạy đa nhiệm nên cũng hơi tốn pin hơn iOS. Cách chuyển đổi giữa các chương trình của Android khá lạ, người dùng phải nhấn giữ nút home để hiện các chương trình chạy gần đây hoặc mở phần mềm đó lại bằng tay vì giao diện quản lý tiến trình được ẩn rất sâu trong Settings và gần như vô dụng.

Cũng như iOS đời đầu, Windows Phone 7 hiện tại không thể hỗ trợ đa nhiệm trừ các ứng dụng do chính tay Microsoft xây dựng. Được biết bản cập nhật Mango sắp tới sẽ bổ sung tính năng này. Hiện tại, Microsoft chưa hề đưa ra các thông tin nào về đa nhiệm của WP7 nên eChip Mobile không thể nói nhiều về nó.

Kết luận: Android và iOS thắng, Windows Phone 7 tạm thời thua.

Giao diện đa nhiệm trên Android. Giao diện này tùy biến phụ thuộc hãng sản xuất.

Menu thiết lập

Các menu setting có thể nói là một thảm họa của người dùng Android với tầng tầng lớp lớp các cài đặt mà không phải ai cũng có thể hiểu được. Thứ tự của các thiết lập trong Android được thiết lập khá tùy tiện và thiếu khoa học. Hơn nữa, Google chỉ hỗ trợ tinh chỉnh nhanh các thiết lập bề nổi như Wi-Fi, Bluetooth… mà không cho can thiệp sâu hơn, chẳng hạn như tắt mạng 3G. Rất nhiều lập trình viên đã cố viết phần mềm để cải thiện các thiết lập nhanh trên Android nhưng họ vẫn không thể chiếm toàn quyền kiểm soát hệ điều hành này.

iOS có một menu setting đẹp, dễ dùng và nhẹ nhàng. Tuy việc thiếu vắng một số tinh chỉnh phức tạp có thể làm buồn lòng người dùng yêu thích khám phá nhưng chính những điều đó lại làm iOS trở nên phổ thông và phù hợp với hầu hết người dùng bình thường. Ngoài ra, iOS còn tổng hợp một danh sách thiết lập của tất cả các chương trình trong máy để người dùng tinh chỉnh hàng loạt dễ hơn. Dù vậy, mọi thao tác điều chỉnh đều phải vào setting hoặc nhấp đúp Home 2 lần cũng là một điểm yếu của máy.

Trái với sự phức tạp của Windows Mobile cũ hay Android, WP7 có một giao diện thiết lập đơn giản đến nỗi không thể rút gọn hơn. Microsoft đã loạt bỏ hàng loạt các tinh chỉnh hữu ích để đạt được một giao diện dễ dùng và dễ cài đặt.

Kết luận: Android thắng vì sự phong phú của tùy chỉnh, iOS và WP7 là dễ dùng.

Menu thiết lập của iOS đơn giản và hiệu quả.

Giao diện tin nhắn

iOS chính là hệ điều hành đầu tiên cổ xúy cho việc hiển thị tin nhắn theo dạng hội thoại thay vì dạng danh sách truyền thống. Nhìn chung, giao diện tin nhắn của iOS thật sự đẹp mắt và tiện lợi so với các hệ điều hành khác. Cách phản ứng của tin report (phản hồi tin đã gửi) rất nhẹ nhàng và hoàn toàn không gây khó chịu như Windows Phone 7.

Android cũng sở hữu một giao diện nhắn tin khá thông minh và hữu ích. Ngoài tính năng hiển thị theo dạng hội thoại cũng được WP7 sử dụng, Android còn có ưu thế bởi sự phong phú của hàng chục các chương trình nhắn tin khác nhau với hàng loạt các giao diện độc đáo và tính năng hữu ích. Nếu có một điều gì đó để chê thì đó chính là việc Google không thiết lập báo rung khi nhận tin nhắn hoặc email mà người dùng phải tự tay làm việc đó.

WP7 sở hữu một giao diện tin nhắn nhẹ nhàng và cũng rất dễ sử dụng. Tuy nhiên, điểm yếu từ Windows Mobile vẫn chưa được sửa chữa khi mà thông báo delivery report lại được đối xử như một tin nhắn, thiếu tinh tế và gây khó chịu cho những người hay nhắn tin.

Kết luận: iOS và Android vẫn dắt tay nhau đi trước.

Tin nhắn dạng hội thoại rất hay của iOS.

Giao diện email

Là một sản phẩm từ Microsoft, tất nhiên WP7 hỗ trợ những giao thức doanh nghiệp như Exchange rất tốt. Cũng như iOS và Android, hệ điều hành này cho phép người dùng đồng bộ hóa các tính năng phụ trợ như danh bạ hay lịch của Gmail phổ biến. Tuy nhiên, WP7 lại đối xử với mỗi hộp thư như một viên gạch khác nhau, người dùng không thể chuyển nhanh giữa chúng mà phải thoát ra ngoài màn hình chủ rồi mở hộp thư thứ 2 lên.

So với cách chuyển đổi hộp thư bất tiện của WP7 thì Android tốt hơn rất nhiều khi chỉ cần 2 lần bấm là người dùng đã có thể di chuyển đến hộp thư mà mình mong muốn. Cách hiển thị email của Android giống với Gmail online, xếp theo dạng hội thoại khá dễ đọc và kiểm soát. Trong trường hợp máy chủ email đó không hỗ trợ cách hiển thị này thì nó sẽ quay về dạng list truyền thống.

iOS đi xa hơn một bước nữa khi giới thiệu hộp thư universal inbox gom tất cả các inbox của nhiều tài khoản lại với nhau, tiện lợi hơn rất nhiều so với việc quản lý riêng rẽ của WP7 và Android. Tuy nhiên, email trên iOS thỉnh thoảng lại xuống điện thoại chậm trong chế độ push chứ không liên tục và chính xác như 2 hệ điều hành còn lại.

Kết luận: iOS thắng về giao diện, Android là hỗ trợ xuất sắc tài khoản Gmail.

Quản lý nhiều tài khoản rất thông minh của Android.

Giao diện danh bạ

Danh bạ của cả iOS và Android cũng gần tương đương với nhau về mặt giao diện và tính năng. Cách tìm kiếm của chúng khá bất tiện và hầu hết các điện thoại đều không hỗ trợ tìm kiếm T9. Một vài sản phẩm Android hỗ trợ đồng bộ hóa trực tiếp các cập nhật của người dùng trong mạng xã hội lên danh bạ nhưng tính năng này không hoạt động tốt ở Việt Nam.

Windows Phone 7 không sử dụng danh bạ truyền thống mà nó sử dụng tiles People gom tất cả thông tin danh bạ, mạng xã hội vào một giao diện duy nhất. Tuy nhiên, phương thức thực hiện của People quá máy móc và gây khó chịu cho người dùng có cơ sở dữ liệu lớn. Chẳng hạn như nếu đăng nhập tài khoản Facebook vào điện thoại thì hàng trăm, hàng ngàn bạn bè trên Facebook của bạn sẽ xuất hiện trong People, cực kỳ khó quản lý.

Kết luận: WP7 thắng về ý tưởng nhưng phương thức thực hiện lại vinh danh iOS và Android.

Windows Phone 7 có ý tưởng rất tốt về danh bạ, nhưng cồng kềnh nếu lượng dữ liệu lớn.

Đồng bộ hóa với máy tính

Đồng bộ hóa là một trong những tính năng iOS bị chê bai nhiều nhất nhưng cá nhân người viết đánh giá đây lại là một ưu điểm không thể chối cãi của hệ điều hành này. Mỗi lần cài lại, người dùng chỉ cần cắm điện thoại vào máy tính là toàn bộ dữ liệu sẽ được khôi phục lại hoàn toàn, từ tin nhắn, tài khoản email, dữ liệu riêng của các chương trình… Hơn nữa, việc quản lý, sắp xếp các game, nhạc hay video trên máy tính luôn dễ dàng hơn so với cách quản lý trực tiếp từ điện thoại mà Android đang thực hiện.

Người dùng Android không coi nặng tính năng giao tiếp với máy tính mà đối với họ, khả năng này chỉ gói gọn trong chế độ Mass Storage, biến điện thoại thành một chiếc đầu đọc thẻ nhớ nhằm chép dữ liệu. Nhạc, hình hay phim được điện thoại quản lý trực tiếp chứ không phụ thuộc vào iTunes như iOS. Tuy nhiên, chính điều này đã làm hại các máy Android có năng lực xử lý kém, iTunes đã dùng CPU mạnh mẽ của máy tính tối ưu hóa cho iOS trước khi truyền tải sang điện thoại, giúp máy xử lý dễ dàng hơn.

WP7 nghiêng về cách quản lý của iOS nhưng kết quả mà người dùng nhận được lại đáng thất vọng. Việc không hỗ trợ đầy đủ người dùng Mac cùng hàng loạt các yếu kém trong phần mềm điều khiển của Microsoft đã gây ra nhiều khó khăn cho WP7. Tuy cũng tinh chỉnh trước khi chuyển sang điện thoại như iTunes như phần mềm của Microsoft lại sử dụng các thuật toán chưa tối ưu bằng. Cùng một bức hình nhưng sau khi chuyển tải sang bằng máy tính thì chất lượng hiển thị trên các máy WP7 luôn mờ hơn trên iOS.

Kết luận: WP7 lại tiếp tục thua cuộc, không tối ưu hóa bằng phần mềm như iOS mà cũng chẳng tự do như Android. Không có gì ngạc nhiên khi eChip Mobile đánh giá hệ điều hành này là “nửa nạc nửa mỡ”.

Đồng bộ hóa đám mây

Android không giao tiếp nhiều với máy tính mà hệ điều hành này lại sử dụng đám mây là chính. Hầu hết dữ liệu được lưu trữ trên máy chủ của Google để chúng ta sẵn sàng sử dụng. Tuy nhiên, một số tính năng lưu trữ lại hoạt động thiếu ổn định trong khá nhiều các trường hợp, chẳng hạn như danh sách các chương trình đã cài trên Android có thể tự động tải về một chiếc máy nào đó nhưng lại “bó tay” với các máy khác. Mặt khác, các dữ liệu riêng của một phần mềm nào đó không được sao lưu, chẳng hạn như các file save game hay văn bản…

Do sử dụng máy tính mà điện toán đám mây của iOS và WP7 chỉ dừng ở việc đồng bộ hóa danh bạ, lịch hay ghi chú. Cả 2 đều trang bị tính năng tìm kiếm điện thoại trong trường hợp mất máy bằng cách sử dụng GPS nhưng iOS hỗ trợ thêm khá nhiều tính năng hữu ích với tài khoản Mobile Me. Dù vậy, Mobile Me lại khá đắt tiền.

Kết luận: WP7 và iOS cần cải thiện nhiều trong xu thế điện toán đám mây đang nổi lên như hiện tại.

Android thực hiện tốt nhất việc đồng bộ hóa đám mây, với máy chủ của Google.

Bàn phím ảo

Nếu có một phần nào đó để WP7 chiến thắng thì đó chính là bàn phím ảo. Tuy có layout khá giống với Android nhưng bàn phím ảo của WP7 sắp xếp tuyệt vời, các phím được tinh chỉnh để ít bị bấm sai nhất. So với bàn phím ảo mặc định của Android thì WP7 tốt hơn rất nhiều lần và ngang bằng với đẳng cấp của iOS. Tuy nhiên, WP7 chưa hỗ trợ tiếng Việt trong khi iOS làm điều đó rất tốt. Bù lại, Android cũng hỗ trợ hàng loạt các bàn phím phụ trợ có layout tốt hơn và hỗ trợ tiếng Việt hoàn hảo hơn iOS khi nhiều bàn phím cho phép gõ cả VNI và Telex.

Bàn phím ảo trên Windows Phone 7 sắp xếp tốt và giảm tình trạng gõ sai chữ.

Trình duyệt

Với những điện thoại thế hệ mới thì trình duyệt luôn là một tính năng cực kỳ quan trọng để thu hút khách hàng. Là sản phẩm sinh ra dể duyệt web, Safari Mobile trên iOS cực kỳ dễ sử dụng và có phương thức hoạt động khá nhẹ nhàng, tốc độ tải trang nhanh. Tuy nhiên, trình duyệt của Apple không hỗ trợ Adobe Flash mà chỉ dừng lại ở HTML5, gây khó khăn cho những ai thích xem video trực tuyến từ nhiều nguồn khác nhau.

Android hỗ trợ Adobe Flash rất tốt (các máy đáp ứng được yêu cầu về phần cứng), ngay cả các thế hệ máy 2 nhân mới nhất cũng được tối ưu hóa với Flash 10.3 vừa được Adobe cập nhật. Trình duyệt Chrome Mobile của Android cho tốc độ tải ấn tượng, thậm chí là nhanh hơn cả Safari trong một vài trường hợp. Tuy nhiên, chính việc hỗ trợ Flash cũng là điểm yếu của Chrome khi nó dễ dàng làm máy nặng nề nếu load các trang web nặng, sử dụng nhiều Flash như banner, quảng cáo…

WP7 có thể sánh ngang với iOS và Android nếu bạn không quan tâm đến việc xem video trên trình duyệt! Hệ điều hành của Microsoft không hỗ trợ cả Flash lẫn HTML5, rất đáng tiếc. Trình duyệt Internet Explorer cũng có một số tính năng hữu ích như duyệt web theo tab, tùy chọn hiển thị chế độ di động hay máy tính… Các trình duyệt bên thứ 3 của WP7 khá giới hạn trong khi Android và iOS cực kỳ phong phú.

Kết luận: WP7 lại tiếp tục thua trong phần thi này, Android và iOS chia nhau 2 vị trí dẫn đầu.

Thật tiếc là Internet Explorer trên Windows Phone vừa không hỗ trợ Flash, vừa không sử dụng HTML5.