So sánh công nghệ LCD nền LED và LCD nền CCFL?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Thế hệ LCD TFT truyền thống mà chúng ta dùng trên màn hình máy tính đã có từ lâu, và tất nhiên rất nhiều người, nhất là các bạn đọc của vozExpress, hiểu khá kĩ về cấu tạo loại LCD này. 3 thành phần cơ bản của LCD bao gồm lớp phủ, tấm phim và đèn nền. Trong khi lớp phủ và tấm phim quyết định màu sắc và góc nhìn, độ phản chiếu, thì đèn nền của LCD sẽ quyết định độ sáng của màn hình.

Thường thì chúng ta quan tâm nhiều hơn đến tấm phim của màn hình, vì đây là thành phần quan trọng nhất, cũng như có giá trị cao nhất. Nhưng nếu với cùng một tấm phim, chẳng hạn như loại Twisted Nematic (TN) hay Super In-plane Switching (S-IPS), thì ảnh hưởng của đèn nền đến chất lượng hình ảnh là như thế nào?

Đa số các màn hình thế hệ mới sản xuất gần đây đều sử dụng đèn nền LED (Light Emitting Diode), do có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với thế hệ sử dụng công nghệ CCFL cũ (Cold Cathode Fluorescent Lamp). Cụ thể là đèn nền LED có độ sáng cao hơn, ít tỏa nhiệt hơn trong khi tiêu tốn điện ít hơn CCFL. vozExpress sẽ kiểm chứng cụ thể sự khác biệt giữa LED và CCFL thông qua 2 model màn hình của Acer: G195HQ và G195HQL.

Giới thiệu

2 model màn hình 18.5-inch này của Acer đều sử dụng panel TN (Twisted Nematic) và giống nhau ở hầu hết các thành phần khác, trừ công nghệ đèn nền được sử dụng. G195HQ sử dụng CCFL, trong khi G195HQL sử dụng LED (có thêm kí hiệu “L” ở cuối tên model). Cả 2 có thời gian đáp ứng 5ms, độ phân giải tối đa 1366×768 cùng 2 cổng tín hiệu VGA và DVI.

Công nghệ panel TN trên cả 2 model của Acer có ưu điểm giá thành rẻ, tốc độ chuyển màu pixel nhanh nhưng bù lại góc nhìn khá hẹp và khả năng tái tạo màu sắc không chính xác. Tất cả những điểm yếu này đều được khắc phục với panel S-IPS, tuy nhiên giá thành màn hình sử dụng panel này không hề rẻ chút nào, chỉ phù hợp với giới đồ họa chuyên nghiệp, làm in ấn và chỉnh sửa ảnh vốn cần độ chính xác màu cao.

Đầu tiên chúng ta xem xét sự khác biệt với thiết lập mặc định trên 2 màn hình: Độ tương phản (Contrast) 50%, độ sáng (Brightness) tối đa 100%, RGB slider (điều chỉnh 3 tone màu cơ bản) ở mức trung tính mặc định.

Bên tay trái là màn hình sử dụng đèn nền CCFL, bên phải là đèn nền LED

Có thể nhận thấy rõ sự khác biệt về màu sắc trên 2 màn hình này. Màn hình CCFL có độ sáng thấp hơn, tuy nhiên tone màu lạnh hơn so với LED. Độ sáng chênh lệch không quá lớn và chỉ phân biệt được khi đo bằng máy ảnh, Nikon D200 ghi nhận độ sáng trên màn hình CCFL thấp hơn 2/3 stop so với trên màn hình LED (giữ nguyên thiết lập khi đo trên 2 màn hình). Cả 2 màn hình đều có tình trạng ngả vàng khi góc nhìn lớn.
Không hài lòng lắm với màu thể hiện trên 2 chiếc màn hình này, chúng tôi sử dụng thiết bị Spider3Pro để tạo calibration profile cho 2 màn hình này.

Calibrate màn hình

Sau khi quá trình calibrate hoàn tất, 2 profile màu mới cho G195HQ và G195HQL đã được tạo. Spider3Pro sử dụng một sensor cảm biến màu để xác định độ lệch màu so với giá trị đúng (đã được định sẵn trong thiết bị). Ở đây chúng tôi thiết lập giá trị đích là gamma 2.2 và nhiệt độ màu 6500K (thiết lập chuẩn cho photographer).

G195HQ.icm | G195HQL.icm

Sau khi calibrate, màu trên G195HQ trở nên ấm hơn, còn G195HQL trở nên lạnh hơn. Các bạn nếu đang sử dụng G195HQ hay G195HQL có thể tải về 2 profile này và cảm nhận sự khác biệt. Chúng ta sẽ phải load ICM profile này vào bảng Look-up Table trong video card (LUT table) để thể hiện kết quả ra màn hình. Windows XP và Vista không hỗ trợ LUT loader trong OS mà phải sử dụng một chương trình LUT loader từ hãng thứ 3, ở đây chúng tôi có Spider3Utility đi kèm theo bộ Spider3Pro.

Đối với Windows 7, hệ điều hành này đã có sẵn LUT loader nhằm load calibration profile của người dùng mà không cần dùng thêm phần mềm nào. Các bước thực hiện như sau:

Mở mục Color Management trong Control Panel, chọn màn hình đang sử dụng, tick vào mục “Use my settings for this device” và add ICM profile đã download ở trên vào, cuối cùng là “Set as Default Profile” nếu bạn sử dụng nhiều profile khác nhau cho màn hình của mình.

Bước tiếp theo là sử dụng LUT loader của OS để đưa profile vào LUT trên video card. Vào tab Advanced, chọn “Change system defaults…”, vào tiếp tab Advanced và tick vào mục “Use Windows display calibration”. Nếu chưa nhận thấy thay đổi nào trên màn hình, bạn có thể nhấn “Reload current calibrations”. Kết thúc bằng việc close tất cả các cửa sổ.

Lưu ý: Một số driver VGA Intel HD Graphics gặp trục trặc với LUT table, cụ thể là tính năng LUT loader của Windows 7 sẽ hoạt động chập chờn, lúc có lúc không. Khi đó bạn sẽ phải dùng một ứng dụng từ hãng thứ 3 để load profile của mình, chẳng hạn như Spider3Utility đã đề cập ở trên (tải về từ trang chủ của Datacolor).

Kết quả sau khi calibrate 2 màn hình:

Tuy vẫn còn chút ít khác biệt về màu sắc (nhận thấy ở phần bụng chú rùa), nhưng nhìn chung là nhiệt độ và màu sắc thể hiện trên màn hình đã khá chính xác, cảm giác khi sử dụng trong thời gian dài cũng thoải mái hơn nhiều.

Điện năng tiêu thụ

Một ưu điểm nổi trội khác của đèn nền LED so với CCFL là khả năng tiết kiệm điện tốt hơn khá nhiều. Sử dụng công cụ watts-up Pro, chúng tôi đã đo mức điện năng tiêu thụ của 2 màn hình của Acer theo độ sáng (brightness) và có được kết quả như sau:

Khi độ sáng màn hình tăng cao, điện năng tiêu thụ của CCFL tăng nhanh hơn LED và ở mức sáng tối đa, điện năng tiêu thụ của CCFL đã gấp hơn 1.5 lần so với LED, dù rằng độ sáng tối đa của CCFL không sáng bằng LED (đã đo ở trên).

Kết luận

2 model màn hình của Acer được sản xuất với các thành phần hoàn toàn giống nhau, trừ đèn nền ở 2 model là LED và CCFL. Điều này giúp việc so sánh sự khác biệt của LED và CCFL trở nên dễ dàng hơn.

Ở mức thiết lập mặc định, có sự khác biệt lớn về màu sắc giữa màn hình LED và CCFL, dù rằng cả 2 sử dụng cùng một loại panel TN, điều này đã được khắc phục sau khi thực hiện calibrate và tạo profile cho 2 màn hình. Tuy LED cho độ sáng cao hơn nhưng không nhiều, khó nhận biết được bằng mắt thường. Điều này khác nhiều so với LCD trên laptop, khi mà điện năng tiêu thụ là tiêu chí giới hạn hàng đầu thì CCFL có độ sáng kém khá nhiều so với LED. Điện năng tiêu thụ của đèn nền LED cũng thấp hơn rõ rệt so với CCFL, cao nhất lên đến 1.5 lần khi độ sáng ở mức 100%.