Để đạt điểm cao trong bài thi môn lịch sử phải làm thế nào ?

thuy linh
thuy linh
Trả lời 12 năm trước

Mấy điểm cần lưu ý về kĩ năng làm bài

1- Phân tích câu hỏi trong đề thi

Phải đọc hết và hiểu chính xác từng chữ trong câu hỏi. Trong đề thi, một câu hỏi chặt chẽ sẽ không có từ nào là “thừa”. Đọc kĩ câu hỏi để xác định thời gian, không gian, nội dung lịch sử và yêu cầu của câu hỏi (trình bày, so sánh, giải thích, phân tích, đánh giá…)

2- Phân bố thời gian cho hợp lí.

Hãy căn cứ vào điểm số của từng câu mà tính thời gian, mỗi điểm khoảng 15 phút là phù hợp.

3- Lập dàn ý

Hãy coi mỗi câu hỏi như một bài viết ngắn, lập dàn ý, xác định những ý chính và trình tự của các ý. Sau đó hãy “mở bài”, đừng mất nhiều thời gian suy nghĩ về “mở bài”. Khi đã xác định đúng nội dung sẽ biết mở bài thế nào, và nên mở bài trực tiếp, ngắn gọn. Sau khi viết hết nội dung, khắc sẽ biết kết luận. Đừng nghĩ trước kết luận, và cũng chỉ nên kết luận thật ngắn gọn.

Về hình thức, không phải ai cũng viết được chữ đẹp, câu hay, nhưng hãy cố gắng viết cho rõ ràng, đúng câu, đúng chính tả, đừng dùng từ sáo rỗng, dài dòng, đừng viết tắt. Hãy luôn nhớ: Đúng, đủ, rõ ràng, thế là đã tốt; lời văn giản dị, thế đã là hay.

* Những lỗi cần tránh

1- Lạc đề, thừa hoặc thiếu kiến thức cơ bản.

Đây là lỗi khá phổ biến. Ví dụ, khi trả lời câu hỏi: Trình bày những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 20 của thế kỷ XX, đã có những trường hợp sai như sau: (1)Trình bày lại hoạt động tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1920 (lạc đề, sai kiến thức cơ bản, vì không xác định đúng thờì gian; (2) chỉ trình bày hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp và Liên Xô từ năm 1920 đến năm 1924 (sót kiến thức cơ bản, thiếu các sự kiện trong những năm 1924-1929); (3) Trình bày cả những sự không cần thiết từ năm 1917 đến năm 1919 (thừa).

Cũng có khi đề thi yêu cầu “giải thích” hoặc “phân tích”, nhưng bài làm chỉ “trình bày”.

Để khắc phục tình trạng trên, cần đọc kĩ đề thi, xác định rõ yêu cầu của đề và chuẩn bị dàn ý sơ lược trước khi viết bài.

2- Lẫn lộn sự kiện giữa các thời kì, giai đoạn lịch sử khác nhau.

Có thí sinh viết: “Một trong những điều kiện bùng nổ của phong trào cách mạng Việt Nam năm 1930 là có sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch” (Lúc đó chưa có Chính phủ, Hồ Chí Minh chưa làm chủ tịch). Hoặc là: “Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công”. “Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam” (năm 1951 Đảng mới có tên này).

Nguyên nhân chính là thiếu sự tỉnh táo, hoặc mất bình tĩnh, không suy xét trước khi viết. Cũng có khi do thói quen chủ quan, dẫn tới sai một cách vô thức.

3- Mặc định cái sau phải hoàn thiện hơn cái trước.

Có thí sinh viết: Luận cương chính trị tháng 10/1930 đã “phát triển và hoàn chỉnh” so với Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Hội nghị thành lập Đảng thông qua (đúng ra phải viết là “có hạn chế”). Nguyên nhân của lỗi này là chưa hiểu bài.

4- Ngoài ra, trong các bài làm, thí sinh thường hay mắc lỗi diễn đạt, viết sai chính tả, sai ngữ pháp.

Nguyên nhân chính là do thiếu sự rèn luyện trong quá trình học.

* Lưu ý riêng đối với các thí sinh tự do (đã học theo chương trình cũ)

Năm học 2008-2009, SGK lịch sử THPT đã thay xong, là cơ sở để dạy học và kiểm tra đánh giá. SGK mới không chỉ dừng ở mốc thời gian năm 1991, mà kéo dài tới năm 2000, với nội dung lịch sử tương ứng.

Nội dung, cấu trúc các chương, bài, sự kiện, câu hỏi ôn tập sau mỗi mục, bài trong sách mới cũng có những điểm khác với sách cũ.

Thí sinh tự do cần đọc SGK mới để cập nhật kiến thức. Nếu có điều chưa rõ, nên gặp các thấy, cô giáo để được giúp đỡ thêm.

Cuối cùng, đề thi chỉ là cái cân để ta kiểm tra kiến thức của mình. Hãy lo học, mà đừng lo thi. Mục đích học tập của chúng ta là để có kiến thức. Quyền lợi lớn nhất của người học là có nhiều kiến thức. Ham học sẽ thành công.



rtỵky
rtỵky
Trả lời 12 năm trước

Không gian và thời gian hợp lý

Việc thuộc bài nhanh hay chậm còn phụ thuộc rất nhiều vào địa điểm bạn chọn để học và thời điểm bắt đầu học.

Không gian:Tốt nhất nên chọn một nơi rộng, thoáng, tĩnh lặng, nhưng đừng quá im lặng vì có thể tạo sự căng thẳng và dễ gây buồn ngủ. Có thể là công viên, vườn cây, phòng riêng… Nơi học gọn gàng và trong lành cũng sẽ giúp bạn mau thuộc bài hơn. Có thể học thuộc trong khi đứng, ngồi, nằm, đi qua đi lại…, miễn là cách đó khiến bạn cảm thấy dễ chịu, nhưng tránh đổi tư thế liên tục (ví dụ đang ngồi thì lại nằm), việc này gây cảm giác mất tập trung và mệt mỏi, dễ mất hứng khi học và bị gián đoạn suy nghĩ.

Thời gian:Nhiều bạn cho rằng buổi sáng là thời điểm thích hợp nhất để học nên thường để “nước tới chân mới nhảy”, tức là nếu sáng mai có bài kiểm tra thì tối hôm nay ngủ sớm để sáng dậy sớm học bài… Đúng là đầu óc sẽ rất minh mẫn vào sáng sớm, thuộc bài rất dễ nhưng quên cũng rất mau. Có thể bạn thuộc ngay nhưng đến trưa hoặc chiều sẽ rất khó khăn khi nhớ lại. Còn học buổi tối mất thời gian hơn một chút nhưng sáng dậy bạn sẽ nhớ rất kĩ và thời gian nhớ kéo dài. Thời điểm thích hợp nhất để học là buổi tối (7h- 12h). Nên lưu ý chọn thời gian thoải mái (bạn không bị kẹt công việc hoặc lịch học khác), như thế mới dễ tập trung học hơn.

Không nên quan trọng độ dài nội dung

Nhiều bạn thường nhìn vào số lượng trang phải học, rồi lắc đầu ngán ngẩm: “Nhiều như thế thì làm sao mình có thể học hết được cơ chứ!”, thế rồi nản… Hoặc chỉ học được một vài trang rồi buông…

Đừng nhìn vào số trang mình phải học, hãy nhìn vào số trang mình đã học được. Hãy bắt đầu học với một tâm trạng thoải mái nhất có thể, và tự nhủ: “Mình sẽ thuộc ngay thôi ấy mà!”. Tâm lý có ảnh hưởng rất nhiều đấy nhé, do vậy, nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ học thuộc, thì thời gian sẽ rút ngắn hơn và bạn sẽ tập trung hơn.

Ngoài ra, phải biết cách lược bỏ những nội dung không cần thiết, chỉ nắm các ý chính theo các kiểu câu đơn giản, bỏ đi những từ không ảnh hưởng đến nội dung bài học, tô đậm các ý quan trọng. Và học theo kiểu liệt kê thành từng ý chính, tránh học theo kiểu cả đoạn văn, dễ gây nản và khó nuốt.

Hiểu, liên tưởng, kết hợp các giác quan

Nên nắm vững 5 quy tắc này. Chỉ cần nắm vững, bạn sẽ học thuộc bài một cách dễ dàng.

*Bạn chỉ có thể học thuộc khi bạn hiểu. Nếu không hiểu, bạn học thuộc đấy, nhưng rồi cũng quên ngay.

*Khi học phải biết liên tưởng và hình dung trong đầu.

*Suy nghĩ đến thứ khác thì chẳng bao giờ bạn thuộc bài được.

*Trước khi học phải có động lực (điểm cao, đượcgiải trísau khi học…)

*Sẽ rất tốt nếu bạn kết hợp nghe, đọc, ghi chép… Hiệu quả sẽ tăng lên gấp 3 lần.

Cách học thuộc sẽ theo trình tự sau:

*Bố trí không gian và thời gian thích hợp, đảm bảo rằng tư tưởng của bạn không vướng bận hoặc có cảm xúc mạnh. Bạn phải ở trong tâm trạng bình thường và đầu óc không suy nghĩ, không mệt mỏi.

*Đọc đi đọc lại 3 lần nội dung cần học, liên tưởng và bắt đầu thâu tóm nội dung quan trọng để nhớ. Việc này không mất quá nhiều thời gian.

*Bắt đầu học sơ sơ. Việc học lướt sẽ tạo cho bạn cảm giác rằng bạn đã nắm vững một số nội dung, nên sẽ kích thích bạn tập trung hơn, hăng hái hơn.

*Liên tưởng, lược bỏ, liệt kê… Bạn bắt đầu học kĩ và kết hợp ghi chép nếu muốn. Hãy diễn đạt theo cách của bạn, không nên thuộc từng chữ một trong sách.

*Nếu cảm thấy đau đầu hoặc nhét chữ không vào nữa thì bạn có thể dành thời gian để…đọc lại nội dung bài học. Việc đọc như thế cũng rất ích lợi.

*Nên dò lại 3 lần sau khi đã học xong.

Lưu ý, có thể không cần học theo thứ tự cũng được.

Chúc bạn học tốt và thi đạt điểm cao nhé.

ghjhgj
ghjhgj
Trả lời 12 năm trước

1. Trước hết, phải nắm kiến thức cơ bản.

Kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là nền tảng, là vốn quan trọng nhất để ta tìm hiểu kiến thức các chuyên đề theo hướng tổng hợp, khái quát. Vì thế, trước khi nghĩ đến những điều cao siêu, lập luận logic thì cũng cần có kiến thức cơ bản đã.

Bạn phải nắm chắc đến khi nào không cần có sách giáo khoa, bạn vẫn có thể tự hình dung và viết ra một cách cốt lõi nhất được tên các bài học theo trình tự thời gian như sách đã trình bày. Lúc đó, việc học chuyên đề sẽ được tiến hành trên cơ sở kiến thức cơ bản tập hợp lại.

2. Phải xác định được kiến thức trọng tâm

Đừng nhầm kiến thức cơ bản và kiến thức trọng tâm nhé!

Bạn hãy xác định được các vấn đề trọng tâm (hay các chủ đề) trong toàn bộ kiến thức mình có.

Ví dụ: Với chương trình Lịch sử Việt Nam 1919 – 2000, có thể tham khảo một số chủ đề như sau:

-Tình hình kinh tế và xã hội nước ta từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến đầu năm 1930 (1919 – 1930).

-Phong trào yêu nước và dân chủ ở Việt Nam từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến đầu năm 1930 (1919 – 1930)

-Cuộc vận động cách mạng tháng Tám năm 1945

-Củng cố, giữ vững chính quyền, xây dựng nền móng cho chế độ mới (2/9/1945 - 19/12/1946)

-Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp và can thiệp Mĩ.

-Việt Nam trong thời kì làm hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng DTDCND miền Nam 1954 – 1975

-Một số chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

Nếu được, hãy triển khai bằng Sơ đồ tư duy với mỗi chủ đề. Trong mỗi chủ đề luôn phải vạch ra được hoàn cảnh (nguyên nhân), diễn biến (nội dung), kết quả, ý nghĩa, bài học…Khi đã có kiến thức cơ bản và trọng tâm, hãy tư duy kiến thức thành những vấn đề lớn, theo chiều ngang, chiều dọc, theo thời gian, không gian…

3. Trả lời vấn đề dưới nhiều dạng câu hỏi

Cùng là một vấn đề, nhưng đề thi có thể hỏi theo nhiều cách khác nhau vì thế, tập trình bày một vấn đề theo nhiều cách hỏi là cách tốt nhất để ta chủ động ứng phó với đề thi.

Hơn nữa, nếu biết trình bày một vấn đề theo nhiều cách khác nhau thì kiến thức sẽ trở nên phong phú, sinh động và thực sự là “vốn” của mình.

Ví dụ: Khi học chuyên đề: “Ba chiến lược chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam”, có nhiều cách hỏi:

- So sánh ba chiến lược chiến tranh mà Đế quốc Mĩ thực hiện ở Việt Nam: Chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh.

- Sự thất bại từng bước của Mĩ ở Việt Nam qua ba chiến lược chiến tranh.

- Khả năng chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta miền Nam qua ba chiến lược chiến tranh mà Mĩ đã thực hiện.

4. Kết hợp lí luận và thực tiễn, không chung chung mà phải cụ thể sự kiện, hiện tượng

Một bài viết sắc sảo và logic là bài viết có sự kết hợp lí luận và hiện thực lịch sử. Lí luận đó lại không thể chỉ kinh điển, sách vở mà phải đi cùng với dẫn chứng cụ thể để thể hiện sự hiểu biết và vận dụng được nhuần nhuyễn, linh hoạt và sáng tạo. Nếu bạn làm được điều đó, bài viết của bạn mới thuyết phục được giám khảo.

Ví dụ: Phân tích thời cơ trong cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam:

- Phải nói được về lí luận “thời cơ cách mạng” là gì? Thời cơ cần hội tụ những yếu tố nào (về khách quan và chủ quan)?

- Sau đó là cụ thể những diễn biến lịch sử trên thế giới, trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trong nước hết sức khẩn trương và sôi động vào đầu tháng 8 năm 1945.

- Từ đó, kết hợp cả lí luận và sự kiện cụ thể để chứng minh, cách mạng tháng Tám diễn ra trong bối cảnh thời cơ chín muồi và hết sức thuận lợi, Đảng ta chớp đúng thời cơ để hành động nên cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân đã diễn ra thành công nhanh chóng và ít đổ máu.

Còn nhiều cách học nữa mà trong quá trình ôn tập, các bạn sẽ tự đúc rút cho mình.

Chúc các bạn học sinh bước vào kì thi tự tin và đạt kết quả như mong muốn!

fghgfshh
fghgfshh
Trả lời 12 năm trước

- Điểm đầu tiên cần tránh, tuyệt đối không đem tài liệu vào phòng thi. Bạn tự làm mình không tự tin, có tài liệu lo bị bắt, không tập trung làm bài. Có tài liệu chỉ lo việc quay cóp. Kinh nghiệm cho thấy học trò tự làm theo ý mình trên cơ sở kiến thức đã có điểm cao hơn học trò học vẹt hoặc quay cóp nguyên xi tài liệu.

- Vào phòng thi, hãy để tinh thần thoải mái, phong thái tự tin, đừng tạo áp lực cho bản thân. Tất nhiên phải có cơ sở là bạn đã học, ôn bài tốt. Nhiều bạn dù học tốt, nhưng vào phòng thi là “tim đập, chân run” quên hết kiến thức, đến khi định thần thì phí 15 – 20 phút rồi.

- Cầm đề thi, đọc vài lần để nắm rõ đề, định hình trong đầu cách làm. 10 phút đầu tiên hãy vạch dàn ý sơ lược nhấtcho tất cả các câu trong đề thi.

- Phương châm làm bài là dễ làm trước, khó làm sau. Câu nào bạn hiểu rõ nhất, hãy làm trước, lúc đó sẽ tạo cho bạn sự tự tin khi tiếp cận những câu khó hơn vì ít ra bạn đã làm được một phần bài.

- Căn cứ vào số điểm cho các câu mà làm bài cho đúng dung lượng kiến thức và thời gian. Không được làm quá dài câu bạn nắm vững kiến thức nhưng điểm câu đó lại không cao, sẽ làm mất thời gian những câu khác. Nhớ căn mốc thời gian cho từng câu hỏi.

- Đối với những câu liên quan tới sự kiện, mốc thời gian, nhân vật, nếu nhớ rõ thời gian, tên nhân vật bạn hãy viết, còn không nên viết. Ví dụ, ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nếu không nhớ ngày, thì chỉ ghi tháng 4 năm 1975. Không nhớ ngày, tháng, chỉ ghi năm. Tên người cũng vậy.

- Làm bài, hãy làm đúng trọng tâm câu hỏi, hỏi gì đáp nấy, đừng lan man kiến thức dễ lạc đề. Nếu kiến thức rộng, nắm chắc thì hãy liên hệ, mở rộng thêm xung quanh vấn đề đó nhưng đừng để mất nhiều thời gian quá.

- Làm bài xong, không được ra sớm khi thời gian làm bài đang còn. “Còn nước, còn tát”, do đó, hãy đọc, soát lại bài làm, chữa câu chữ, dấu câu cho hoàn chỉnh, nghĩ xem còn phần nào thiếu hay không để bổ sung. Nhiều khi đến phút cuối bạn mới nhớ ra nên đừng để vì ra sớm rồi đến lúc nhớ phần thiếu, sai mới “à”, “ồ”, “giá như” lại ân hận cả đời. Nhiều bạn đốt củi dùi kinh sử mấy năm nhưng lại chủ quan trong vài tiếng làm bài rồi đấy.

jdhgjfg
jdhgjfg
Trả lời 12 năm trước

Biết vận dụng nội dung trong chương trình

Bên cạnh việc phải nắm vững kiến thức cơ bản trong chương trình lịch sử lớp 12, TS cần phải chú ý đến những nội dung của chương trình lớp 11. Khi làm bài phải biết vận dụng, kết nối với những nội dung trong chương trình lớp 12.

Đối với đề thituyển sinhĐH-CĐ, yêu cầu thông hiểu và vận dụng chí ít cũng phải đến 60-70%. Vì vậy, học thuộc lòng một cách máy móc mới chỉ có thể đạt khoảng 30-40% yêu cầu của bài thi. TS cần có sự hiểu biết sâu sắc về các sự kiện và mối quan hệ giữa các sự kiện trong hệ thống kiến thức của toàn chương trình.

So sánh các đối tượng trong lịch sử (văn kiện, sự kiện cùng loại hoặc các giai đoạn trong tiến trình lịch sử của một đối tượng) để rút ra điểm giống nhau và khác nhau là một trong những yêu cầu khá phổ biến về kỹ năng tổng hợp. Trước loại yêu cầu này, TS thường chỉ trình bày nội dung của các đối tượng so sánh mà không rút ra nhận xét, không thể hiện được chính kiến cá nhân. Điều đó đã khiến các em mất đi một nửa, thậm chí 2/3 số điểm.

TS nên lập đề cương cho từng câu hỏi với thời lượng thích đáng (có thể sử dụng khoảng 45 - 60 phút). Đừng quá lo ngại cho vấn đề này. Bởi lẽ, khi đã thiết lập xong dàn ý cho tất cả các câu hỏi một cách hoàn chỉnh, tức là đã nắm chắc phần thắng trên 50%. Thời gian còn lại quá đủ để các em trình bày bài làm một cách cụ thể. Khi trình bày, cần chặt chẽ, ngắn gọn và súc tích, nên đi thẳng vào trọng tâm và yêu cầu của đề.