Có ai biết cách làm tàu hủ nước đường không làm ơn chỉ giúp mình đi.Cám ơn nhiều?

thuy
thuy
Trả lời 16 năm trước
1. Về nguyên liệu : - Nguyên liệu để làm đậu hũ nước đường rất đơn giản. Chỉ cần nước đậu nành và một ít thạch cao phi là xong. - Ngoài thạch cao, Nigari, muối Epsom, chất chua như giấm, chanh, … cũng được sử dụng để làm đông đậu hũ. Nigari là chất chlorure de magnésium được tách lọc từ nước biển, thường dùng làm đậu hũ ở Nhật. Mình đã từng thử Nigari và thấy vị đậu hũ rất ngọt, ngon. Muối Epsom thì rẻ và rất dễ mua ở các tiệm thuốc Tây ở Pháp. Nhưng để có đậu hũ mịn đẹp như mình hay đi ăn quà thì chỉ có thạch cao (tức gypsum) là làm được thôi. 2. Chuẩn bị đậu nành: - Ngâm đậu trong nước qua một đêm (từ 10 đến 12 tiếng). Ngâm lâu, đậu sẽ mềm hơn, dễ xay hơn là ngâm vài tiếng. Hơn nữa, vì chúng ta xay đậu bằng máy xay sinh tố nên đậu ngâm kỹ sẽ xay mau nát hơn. Đậu càng nát, mịn thì càng lọc được nhiều tinh bột. Tuy nhiên, độ nhuyễn của đậu còn tùy thuộc vào máy. - Qua nhiều lần làm thử với máy xay sinh tố, mình đề nghị bạn làm thử với 125g đậu nành khô, ngâm nở mềm, đãi sạch vỏ, xay với 300ml nước. Nếu không đãi vỏ thì xay với 350ml nước. Lược đậu với khăn vải thưa. Nếu máy xay sinh tố của bạn có chức năng quay ly tâm thì lược đậu bằng máy sẽ đỡ mất công hơn vắt bằng tay. 3. Làm đậu hũ: - Bạn nấu tất cả sữa lên. Quậy đều tay để tránh sữa cháy khét dưới đáy nồi. Nếu có sẵn lò vi sóng (còn gọi lò vi-ba hay microwaves trong tiếng Anh, microondes trong tiếng Pháp) thì nấu rất nhanh, ít hao, không dính nồi, đỡ mất công chùi rửa. Nấu sữa trong vật đựng sâu, cao bằng thủy tinh hay bằng nhựa trong để thấy sữa lăm le sôi trào là ngắt điện. Nấu chưa đầy 2 phút là sữa đã sôi. Lấy sữa ra. Để nguội. Bạn không thích chờ lâu thì lót đá lạnh ở dưới bình cho sữa mau nguội. - Phải chờ sữa nguội hẳn rồi mới pha thạch cao phi. Nếu để sữa nóng mà cho thạch cao phi vào, sữa sẽ kết tủa trong nháy mắt. Chỉ có thể ép làm đậu hũ miếng chứ không làm món ngọt ăn chơi được nữa. Trong lúc chờ sữa nguội thì bạn bật lò, để ấm nóng ở 50°C, để luôn vào một cái tô không đựng vừa đủ sữa bằng thủy tinh cho dễ thấy, dễ quan sát. - Cân 4g thạch cao. Thường, ta đong bằng muỗng café, nhưng dích một ít bột thì lúc đầy vun, lúc lưng chừng, biết đâu mà lần, hơn nữa, cái muỗng café ở mọi nơi trên thế giới đâu có giống nhau. - Cho gypsum (thạch cao phi) vào trong một cái tô. Đổ vào 1 muỗng sữa, quậy cho đều. Cứ tiếp tục hòa tan và cho thêm từng chút sữa cho đến hết. Sỡ dĩ pha từ từ như vậy là vì khi mình đổ bột một lèo vào sữa, quậy lên sẽ dễ bị vón thành những cục bột khô nhỏ li ti, không tan trong nước. - Trong lúc hòa tan thạch cao phi với sữa, bạn sẽ thấy sữa từ từ sánh lại. Sánh thôi chứ không kết đông. Quậy vừa tan đều hết trong sữa thì lấy cái tô thủy tính đã hâm nóng ở lò ra. Trút hết sữa vào. Rồi nhẹ tay bỏ lại vào trong lò. Sau 20 – 30 phút, nhìn thấy mặt đậu cứng lại, không còn loáng nước là sữa đông tụ. Xắn thử một góc bằng đầu dao sẽ thấy chắc mịn rất đẹp. Dọn ăn nóng hoặc lạnh với nước đường nấu gừng hay nước đường ướp hoa nhài tùy ý thích.
minhhung
minhhung
Trả lời 16 năm trước
Có 1 cách nữa: Các bạn nên làm thử từng ít với phân lượng như sau. - 1kg đậu nành dạng hột khô, ngâm nước nóng qua 3 giờ, đãi vỏ, xả sạch. Cho đậu vào thau, thêm khoảng 2 lít nước, múc từng ít nước + đậu cho vào cối xay nhuyễn, thêm vào khoảng 2 lít nuớc nữa hoà tan, lược qua một túi vải, vắt lấy nước đậu, bỏ xác. Các bạn ở nước ngoài nếu sử dụng đậu nành tươi thì bóc vỏ ngoài và thời gian ngâm nước nóng hột đậu tươi ngắn hơn đậu khô, vỏ đậu tươi cũng dễ bóc và đãi hơn. Dùng máy xay trái cây thay cho cối xay để xay đậu đã mềm. Như vậy cứ 1kg đậu hột thì dùng 4 lít nước. - Lấy 1/2 lít nước đậu hoà tan với 100gr bột năng + 1 muỗng súp vun (# 12gr) thạch cao phi tán mịn, lược lại qua khăn vải thưa, chứa trong một nồi lớn (để còn đổ thêm vào phần thứ hai - đây là hỗn hợp 1) - Phần nước đậu còn lại nấu sôi nhỏ lửa vài lượt, hớt bọt (hỗn hợp 2). - Đổ mạnh hỗn hợp 2 vào hỗn hợp 1, đậy nắp. Đợi cho đậu đông lại. - Giữ nóng ấm đậu hủ trên bếp nhỏ lửa. - Nấu nước đường: 1/2kg đường thẻ hoặc đường cát vàng + 1/2 lít nước (tùy ý muốn ngọt đậm lạt). Chặt đường vụn ra + cho nước vào, nấu nhỏ lửa, hoà tan đường, tắt bếp rồi lược nuớc đường qua rây cho sạch vì đường thẻ luôn có lẫn nhiều tạp chất, nấu lại sau khi lược, vớt bọt, thêm vào 100gr gừng non gọt vỏ cắt lát mỏng + vài ba lá dứa rửa sạch nếu có, nấu nhỏ lửa cho nước đường hơi sánh lại là được. Tùy thích nấu lâu hơn cho nước đường ngọt gắt. Nếu không có cả hai loại đường này thì các bạn cứ dùng đường trắng cũng được, dĩ nhiên món ăn sẽ không ngọt đậm đà. - Cần phải nấu thử, đậu hủ kết đông ở dạng chắc hay mềm do hai yếu tố: Một là chất lượng đậu tốt, vừa với lượng nước đã cho và hai là lượng thạch cao phi vừa đủ hay không. Nếu không vừa ý thì nấu lại và giảm luợng nước lạnh xuống chừng nửa lít / 1kg đậu và tăng lượng thạch cao phi lên một chút chừng vài gram. Khi đã có đậu hủ kết đông đúng ý rồi thì giữ công thức đó làm chuẩn cho lần sau. Chất lượng thành phẩm còn tùy thuộc vào độ thưa của túi vải dùng để lược nước đậu, nên dùng vải thưa để may loại túi này, nếu dùng vải sít quá, phần nước lược được sẽ không còn bao nhiêui tinh bột, nước đậu sẽ khó kết đông. Nước cốt dừa ăn kèm nếu thích: Cho 1/2 lít nước ấm vào 300gr dừa nạo, cho vào túi vải, nhồi vắt kỹ lấy nước cốt. Bắc lên bếp + 1/3 muỗng cà phê muối, nấu sôi nhỏ lửa; pha 1 muỗng súp bột năng với 2/3 chén nước lạnh, châm từ từ vào nước dừa đang sôi, khuấy đều, thấy sệt lại là được, không cần phải dùng hết số nước bột. - Tùy nhu cầu nấu ít nhiều, nhân phân lượng đã có lên để nấu nhiều hơn